LTS: Tiếp mạch bài trước về lịch sử giáo dục thanh niên ở một số nước Châu Âu, hôm nay TS. Mai Văn Tỉnh sẽ có bài đối chiếu, so sánh sự đột biến giáo dục thanh niên ở các nước vòng cung Châu Á – Thái Bình Dương nửa cuối thế kỷ 20. Loạt bài là công trình tìm tòi, nghiên cứu và thu thập tư liệu quý giá của tác giả.
Phần này sẽ cung cấp thông tin tóm lược về sự đột biến giáo dục đại học nửa cuổi thế kỷ 20 ở Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) và sự lan tỏa của nó trên thế giới để bạn đọc hình dung các nước đã chạy đua ráo riết vào thế kỷ 21 trong đào tạo nguồn nhân lực như thế nào?.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Mô hình Cao đẳng cộng đồng – loại trường đại học 2 năm ở Bắc Mỹ.
Cao đẳng cộng đồng là hiện tượng đặc biệt độc đáo nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng tiếp cận giáo dục đại học, bao gồm cả đào tạo nghề, phát triển nghiệp vụ, giáo dục thường xuyên và chuyển tiếp lên đại học 4 năm ở Mỹ và Canađa.
Nhiều năm qua mô hình giáo dục này đã lan tỏa ra các nước vòng cung châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật bản, Hàn quốc, Đài loan, Hồng kông, Malaysia đã áp dụng công thức này như hòn đá tảng trong chính sách cải cách giáo dục chuyên nghiệp làm bước nhảy vọt và là diễn đàn triển khai nhiều sáng kiến địa phương để phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu.
Đây là mô thức giáo dục thực tiễn, ít tốn kém, linh hoạt mềm dẻo và hữu hiệu trong đào tạo kỹ thuật viên công nghệ lành nghề – lực lượng lao động có kỹ năng cao tối cần thiết cho phát triển kinh tế ở từng quốc gia.
Hoa Kỳ là quốc gia tiên phong thành lập và phát triển mô thức cao đẳng cộng đồng - một phát minh lớn của giáo dục đại học Mỹ trong thế kỷ 20. Từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nó được áp dụng và phát triển trên khắp Canada.
Sự tổ chức và phát triển mô thức đại học 2 năm (ban đầu là đại học sơ cấp, sau đổi thành Cao đẳng cộng đồng (Community Colleges) là biến cố có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với KT-XH Hoa kỳ.
Mô thức đại học 2 năm này được hình thành trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi vì theo truyền thống châu Âu đại học ít nhất phải là 4 năm. Thế nhưng, loại đại học ngắn hạn này đã tiến rất nhanh và chiếm nhiều ưu thế, chỉ trong 20 năm (1919-1939) số sinh viên tăng từ 8.102 lên 149.854, đến mùa thu 1993 tổng sinh viên cao đẳng cộng đồng Hoa kỳ là 6.565.867.
Chỉ riêng California, “Tiểu bang vàng” nhờ tài nguyên giàu có và khí hậu ôn hòa, trong vòng 27 năm (1908-1935) đã có 31 trường cao đẳng cộng đồng với mức trung bình mỗi năm tuyển 10.000 sinh viên và liên tục tăng trưởng cho đến nay.
Sau Thế chiến II và đặc biệt sau chiến tranh Việt Nam 1975, mô thức cao đẳng cộng đồng gặp thời kỳ vàng son. Để tri ân các chiến sĩ, Quốc hội Hoa kỳ thông qua Luật tài trợ tái thích nghi quân nhân (1944) và bổ sung (1966) để gửi vào cao đẳng cộng đồng một lượng sinh viên khổng lồ.
Ảnh minh họa. Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Nội. |
Điều này buộc các nhà lãnh đạo giáo dục Mỹ phải canh tân giáo dục đại học để bảo đảm cơ hội giáo dục sau trung học cho công dân Hoa kỳ.
Năm 1957 sự kiện Liên xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnic vào vũ trụ đã thức tỉnh giới lãnh đạo giáo dục Hoa kỳ phải đưa nhiều chương trình huấn nghiệp kỹ thuật vào đại học và cao đẳng cộng đồng được lãnh phần phổ biến kiến thức khoa học thực dụng, huấn luyện kỹ năng công nghệ một cách rất năng động.
Những lợi thế của mô thức cao đẳng cộng đồng
Thứ nhất, đây là giai đoạn giai đoạn sau Trung học, phát huy kỹ năng giáo dục công nghệ – xóa bỏ hố ngăn cách giữa Trung học và Đại học truyền thống 4 năm; và 2/ các học trình của cao đẳng cộng đồng được soạn bởi chuyên gia tư vấn từ giới doanh nghiệp/kỹ nghệ, giúp sinh viên có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Sự đối tác này làm lợi cho cả nhà trường lẫn doanh nghiệp. Từ thập kỷ 80 cao đẳng cộng đồng chuyển hướng về chương trình ngắn hạn theo nhu cầu đặt hàng của từng loại kỹ nghệ (costumized curriculum) để nâng cao hiệu quả đào tạo công nghệ của nhà trường.
Ban đầu nhiều người cho rằng loại đại học đoản kỳ 2 năm rẻ tiền này chỉ là tạm bợ để giải quyết tình trạng ứ đọng sinh viên nhất thời và nhu cấp cấp bách của địa phương, nhưng không ngờ 100 năm sau với phường châm dạy học VÌ và CHO mọi tầng lớp sinh viên, với đa dạng hoá chương trình đào tạo làm thỏa mãn nhu cầu KT-XH của cộng đồng, cao đẳng cộng đồng đã được nhân dân Hoa kỳ tín nhiệm vì:
+ Học phí rẻ hơn 1/3 so với học ĐH 4 năm, rất lợi ích và thực tiễn;
+ Chương trình đào tạo uyển chuyển, có thể điều chỉnh sau 1 năm mà không mất tín chỉ đã tích lũy;
+ Cơ sở trường ở gần, có thể ăn cơm nhà học đại học, không tốn kém chi phí đi lại, trọ học.
+ Lớp học không đông, có cơ hội học hỏi nhiều hơn nhờ hệ thống cố vấn hướng dẫn học tập;
+ Học trình luôn được điều chỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp và kỹ nghệ trong cộng đồng nhằm giúp sv dễ tìm việc làm, thích nghi nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động.
Mô thức cao đẳng cộng đồng lan tỏa trên thế giới như thế nào?
Gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều trải qua kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học khẩn cấp để xây dựng cộng đồng và kiến thiết đất nước. Có thể thấy rõ nhất ở những nước chẳng may trải qua chiến tranh làm suy thoái kinh tế quốc gia và tiềm năng giáo dục công dân.
Mô thức cao đẳng cộng đồng đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ hàng loạt, giúp nâng cao dân trí. Mô hình đại học ngắn hạn ít tốn kém này rất thích hợp cho các quốc gia có tổng thu nhập quốc dân thấp, trong khi việc đầu tư vào đại học 4 năm với chương trình dài hạn cổ điển không đem lại lợi ích tức thời.
Từ sau thế chiến II đến cuối thế kỷ 20 có hơn 20 nước áp dụng phát triển công thức cao đẳng cộng đồng như Anh và Úc (College of Futher/Advanced Education); Airơlen (Regional Technical College); Arhentina (Community college), Canađa (cao đẳng cộng đồng, cao đẳng nghệ thuật ứng dụng (CAAT) và cao đẳng tổng quát & chuyên nghiệp- CEGEP); Columbia, Ixrael và Đài loan (Junior collges); Đan mạch, Đức (Cao đẳng nghề: Folkhischool, Fachhochschule); Hy lạp, Thái lan, Singapore (Học viện công nghệ) , Trung quốc (đại học nghề 2 năm, cao đẳng công nhân)…
So sánh hệ thống giáo dục đại học trên bán đảo Triều tiên
Giáo dục đại học ở Bắc Triều tiên theo mô hình Liên xô cũ, dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê, nhưng tư tưởng Juche (độc lập tự lực) của Kim Nhật Thành đã vượt xa mô hình Xô viết về độc tài chuyên chế và các phương thức giáo dục.
Bắc Triều tiên tuyên bố giáo dục phải sản xuất các nhà cách mạng cho xây dựng xã hội cộng sản. Lịch sử giáo dục trải qua 5 giai doạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 1945–1950: giới thiệu giáo dục Xã hội Chủ nghĩa;
Giai đoạn 2: Từ 1950 – 1959: thúc đẩy giáo dục Xã hội Chủ nghĩa;
Giai đoạn 3: Từ năm 1959-1966 thiết lập giáo dục Xã hội Chủ nghĩa;
Giai đoạn 4: Từ năm 1966-1972 giới thiệu Tư tưởng Juche để thay thể giáo dục Xã hội Chủ nghĩa;
Giai đoạn 5: Từ năm 1972-1994: Củng cố tư tưởng Juche.
Đặc trưng giáo dục đại học Bắc Triều tiên là: (a) Đại học là tế bào của đảng có vai trò tuyên truyền tư tưởng Juche; (b) Chức năng Đại học là đào tạo các nhà cách mạng; (c) Đại học phải triệt để tuân lênh Đảng, sẵn sàng chống lại các thế lực phi Xã hội Chủ nghĩa.
Giáo dục đại học ở Hàn quốc quan tâm kết hợp giá trị truyền thống văn hóa Đạo Khổng vốn mạnh về 3 mặt: tôn ty, đức hạnh và hình thái với các mô hình Âu-Mỹ.
Tư tưởng dân chủ phương Tây được trí thức ngưỡng mộ từ lâu nhưng chỉ thâm nhập ở bề ngoài. Sự pha trộn văn hóa này dường như không hài hòa lắm với văn hóa châu Á nói chung và Triều tiên nói riêng, nhưng Hàn quốc đã dần dần phát triển được hình thái dân chủ Á đông độc đáo.
Đặc trưng giáo dục đại học Hàn quốc
Thứ nhất: Không chỉ trong quá khứ độc tài, mà ngay hiện tại các giá trị và tư tưởng dân chủ tự do được coi là mục đích của giáo dục đại học, tuy nhiên không bao giờ áp đặt lên sinh viên, nói cách khác, nhà nước không tìm cách truyền giáo sinh viên đại học như ở Bắc Triều tiên;
Thứ hai: Dân chủ tự do chấp nhận cạnh tranh ý thức hệ mặc dầu Chính phủ cấm đoán phái cánh tả trên cơ sở an ninh quốc gia và chỉ cho tự do phản đối tại khuôn viên chứ không được chống đối trên thực tế;
Thứ ba: Vẫn tiếp diễn các tranh luận về hệ thống nào là dân chủ nhất;
Thứ tư: Các lợi thế của kinh tế thị trường đối với kinh tế chỉ huy thể hiện rõ trong chương trình đào tạo và những ưu tiên nghề nghiệp cho người tốt nghiệp.
Từ 1994 Ủy ban cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống đã đệ trình 4 đề xuất cải cách giáo dục với thuật ngữ Edutopia (nền giáo dục toàn hảo của nhà nước phúc lợi giáo dục) để đón đầu thách thức của kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa.
Đề án chi tiết được soạn trong 3 năm đưa ra hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới từ bậc phôt thông trung học, cao đẳng và đại học, cải cách cơ cấu tổ chức hệ thống giáo dục mở, có hệ thống hỗ trợ học từ xa qua hệ thống Trung tâm đa phương tiện giáo dục, Ngân hàng tín chỉ để giúp người dân tiếp cận giáo dục ở nhà ở trường và công sở vào bất kỳ thời gian nào.
Để kiến tạo “Hàn quốc mới” họ bắt đầu cải cách triệt để và toàn diện nền giáo dục bằng cách đưa ra những quan niệm về hệ thống và cơ cấu giáo dục mới, không chỉ tập trung cải cách thi tuyển sinh đại học, cao đẳng để giải thoát thanh thiếu niên khỏi địa ngục thi cử. Sự thay đổi lớn trong xã hội Hàn quốc là chuyển trạng thái địa vị KT-XH của cá nhân từ xác định bởi bằng cấp sang dựa trên năng lực.
Còn tiếp…