Bài 1: Đối chiếu giáo dục giữa Anh - Pháp - Mỹ
LTS: Loạt bài của TS. Mai Văn Tỉnh - Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT sẽ phân tích, so sánh và đối chiếu các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, việc này nhằm mục tiêu đưa ra được cơ hội phát triển cho giáo dục Việt Nam.
Trong bài 1 này, TS. Mai Văn Tỉnh sẽ nói về giáo dục thanh niên và cách tổ chức xã hội, chính trị cùng lý tưởng căn bản của các nền giáo dục trong nửa đầu thế kỷ 20 (từ Đại chiến Thế giới I đến Đại chiến Thế giới II).
Nội dung bài viết nhằm phân tích hai nhóm nước chính: Pháp – Anh- Mỹ (theo chế độ tự do); và 2 Ý – Đức – Nga (theo chế độ chuyên chế/chuyên chính). Ngoài ra có bổ sung vài nhân xét về nền giáo dục ở 2 nước độc lập ở Á Đông là Nhật Bản và Trung Quốc, là những nước đã cải cách giáo dục theo Tây phương trong giai đoạn này. Việc phân tích được xem xét trên 3 khía cạnh:
- Nguyên tắc giáo khoa.
- Cách tổ chức đại cương các bậc học có chú trọng bậc Tiểu học.
- Nền học của quần chúng.
TS. Mai Văn Tỉnh viết: Ở tất cả các nước giáo dục sơ học là cưỡng bức, không mất tiền. Chỉ định này là một lợi khí tối quan trọng, nếu không phải là duy nhất để mở mang dân trí – là một bổn phận đầu tiên của các Chính phủ.
Ở Pháp: Dựa theo 2 nguyên tắc cơ bản là “Thuyết nhân bản (Humanisme)”; “Thuyết chủ trí và chủ lý (Intellectualism et Rationalite)”.
Về phương pháp tổ chức giáo dục để điều hòa các môn học nhằm làm cho thiếu niên có tài sản học thức “làm người”.
Về nguyên tắc 1: Thuyết nhân bản (Humanisme): Tất cả các ban đều có nền học gốc (Culture de base), tức là nền học phổ quát (Culture General) để giúp thiếu niên thâu thái những điều cương yếu của các môn học nhằm làm cho giáo dục nhân bản không bị thiếu thốn.
Trong giáo dục phổ quát, khoa cổ điển (les humanites classique) được chú trọng đặc biệt vì đó là tinh hoa văn minh nhân loại qua bao thế hệ.
Về nguyên tắc 2: Chủ trí (Culture Intellectualite) chú trọng bồi dưỡng trí thức, sự hiểu biết rộng là mục đích cốt yếu của khoa sư phạm Pháp. Trí dục được đặt lên trên đức dục và thể dục, nên có rất ít giờ để rèn thể thao, thủ công, vẽ đàn hát, trò chơi, mà quá nhiều giờ dành cho học thuộc để mở mang trí não.
Trí dục được dạy theo thuyết Chủ lý (Rationalism) nhằm mở mang lý trí, gây óc phán đoán (spirit critique). Cho nên khoa sư phạm của Pháp nặng về lý thuyết hơn thực hành, giờ dạy trên lớp nhiều hơn giờ thực hành ở phòng thí nghiệm. Chủ yếu học qua sách vở, ít đi thực tế ngoài đời.
Cách thức tổ chức giáo dục ở Pháp có 2 bậc: 1/ Tiểu học (Enseignment primaire) và 2/ Trung học (Enseignment Secondaire). Trước những năm 1940 thì 2 bậc học này còn tách biệt, chương trình không liên hệ với nhau, học sinh không thể từ bên nọ chuyển qua bên kia.
Bậc Tiểu học có 2 cấp: 1) Sơ đẳng trung học (5 năm) từ đồng ấu cho đến jợp Nhất, kết thúc bằng kỳ thi sơ học cấp chứng chỉ (Certificate), và 2) Cao đẳng trung học (3 năm) kết thúc bằng kỳ thi cao đẳng tiểu học.
Bậc Trung học có: 1) Sơ học trung học (classes elementaire) và 2) Trung học chính danh, kết thúc bằng kỳ thi tú tài (bacalaureat de l’enseignment secondaire), là then chốt để vào đại học. Bậc học này có thu học phí.
Bậc giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật (Professional et technique) dạy trò từ sau cấp sơ học để vào Cao đẳng chuyên nghiệp.
Bậc Sơ học (Tiểu học) của Pháp có gì đặc biệt?
Dạy học thức tối thiểu để làm người và làm công dân. Chương trình gồm thường thức phổ thông và một ít giờ hát, vẽ, thể thao…
Là bậc giáo dục cưỡng bức (dưới sự kiểm soát của xã trưởng và thanh tra sơ học.) Trẻ đi học từ 6 tuổi, mỗi làng có một trường, có khi mỗi xóm có một trường nếu xa > 3km.
Các phương pháp mới nhằm rèn cho học sinh óc tò mò, phát huy sáng kiến, biết nhận xét qua việc tự làm thí nghiệm …) được ứng dụng rộng rãi ở Anh và nhất là Mỹ thì lại không thấy phổ biến ở Pháp vì không thích hợp với chương trình kiến thức nhồi nhét, nặng về lý thuyết và thi cử.
Tuy nhiên, Pháp đã bắt đầu lưu tâm mua khí cụ sư phạm như máy hát, máy chiếu phim, vô tuyến điện và quan tâm tới các môn thủ công, vẽ, đàn hát mà trước kia chỉ là những môn phụ và bị rẻ rúng.
Cấp cao đẳng tiểu học được thiết kế nhằm tránh tình trạng “chữ thầy trả thầy “ sau bậc Sơ học, đồng thời giúp người không có tiền vừa theo học trung học, lại muốn có thể tìm kế sinh nhai khi trưởng thành.
Giáo dục Việt Nam (hình bên trái) sẽ học hỏi được những gì từ các nền giáo dục tiên tiến như Pháp (hình bên phải)? Ảnh minh họa Xuân Trung/Internet. |
Thời gian 3 năm cho thiếu niên tuổi 13-16 có chứng chỉ tiểu học. Chương trình gốc là phổ thông, văn chương và khoa học, có thêm các môn chuyên nghiệp, lý thuyết kết hợp thực hành, có buổi thực tập về công nghệ, canh nông trong phòng thí nghiệm mà ngày nay ta gọi là hướng nghiệp.
Phương pháp giáo dục là điều hòa để rèn thanh niên hướng vào ngạch bậc trung cấp ở các sở công tư, thương giới và kỹ nghệ giới.
Ban Cao đẳng tiểu học Pháp đem lại những kết quả tốt đẹp vì vừa có giáo dục, lại vừa thiết thực. Do đó họ đề xuất cấp học này như một yếu tố cấu tạo ra nền học nhân bản mới.
Nội dung chương trình gồm văn chương, khoa học, sinh ngữ cộng với một số môn thiết thực như vẽ, thủ công vv… Cách giáo dục này vượt xa lối dạy ở ban Trung học theo quan điểm chủ trí của bậc học phổ thông.
Nền giáo dục của Anh quốc
Cũng giống như ở nước Pháp, nền giáo dục ở Anh đặt trên thuyết cá nhân tự do và thuyết nhân bản (Conception liberale et humanism). Nhưng hai cách giáo hóa của hai nước này khác nhau ở chỗ:
Pháp chủ rèn trí não (Culture de l’espirit).
Anh chủ rèn đúc tính khí (Culture du charater).
Cho nên ở Anh, chương trình chú trọng vào rèn đúc tính khí với các môn: vẽ, đàn hát, thủ công, thể thao huấn luyện, đưa học sinh tham gia các tổ chức công cộng có tính chất xã hội. Phương pháp giáo dục giữa hai nước cũng khác nhau:
Pháp theo nguyên tắc chủ lý (Method rationalite).
Nước Anh theo nguyên tắc chủ thực tế dựa trên kinh nghiệm (Method empirique).
Do đó ở Anh không có hệ thống nhất định, chi phối các ban, các môn điều hòa ăn khớp với nhau. Giáo dục lập theo hoàn cảnh, dựa vào nhu cầu luôn thay đổi.
Giáo dục của Anh gồm nhiều tổ chức đơn lẻ, có sự dung hòa, giải quyết từng vấn đề thích hợp với thực tế. Nét đặc thù của giáo dục Anh là tính phức tạp.
Mỗi ban có nhiều trường học khác nhau, mỗi trường có nề nếp, thói tục riêng, có chương trình riêng.
Xem xét bậc giáo dục ĐH của Anh cũng thấy như vậy, có 3 phái trường: 1) Oxford + Cambridge; 2) các trường xứ Xcốt-len, và 3) các trường ĐH mới (Les universities moderns) ở Luân đôn và các tỉnh lớn.
Anh quốc có 2 nền học cách biệt: 1) Tiểu học cho dân chúng; và 2) Trung học cho giai cấp trung lưu và quí phái, học để vào đại học nhằm mục đích giữ chặt các đặc quyền và tục lệ dành riêng cho tầng lớp này.
Bậc Tiểu học có 3 loại lớp: (1) Lớp đồng ấu (Nursery classes) cho trẻ dưới 5 tuổi. với mục tiêu: cho trẻ chơi đùa, các trò chơi gợi trí tinh khôn, chú trọng vào sức khỏe, lớp học rộng rãi, thoáng mát.
Thứ hai là lớp cho trẻ nhỏ (infant’s classes) cho trẻ từ 5-8 tuổi với mục tiêu là tôn trọng cá nhân, cá tính của trẻ.
Chuơng trình gồm: tập đọc, tập tính, hình vẽ và các khí cụ tinh xảo; (3) Lớp trẻ lớn (Junior school): Hiệu truởng và giáo viên được tự ý tìm các môn dạy theo chương trình khung: với tỷ lệ: 10 giờ Anh văn/tuần, 5 giờ sử – địa/tuần, 5 giờ dạy cách trí cho con trai (cưa xẻ, trồng trọt), cho con gái (thêu thùa, nấu ăn); 1,5 giò thể thao, 2 giờ học đạo (chủ yếu dạy luân lý đạo Gia tô, không theo một trường phái đạo cụ thể nào).
Nền giáo dục của Mỹ
Giống như giáo dục Anh, giáo dục Mỹ chủ rèn đúc tính khí chứ không chủ trương mở mang tri thức như giáo dục Pháp. Khuynh hướng giáo dục của Mỹ mạnh hơn giáo dục ở Anh, nó làm nền tảng cho cách tổ chức học nhịp nhàng, tạo ra một nền giáo dục duy nhất, có hệ thống hơn.
Trong khi ở Anh giáo dục phải chống lại thói tương phản, chỉ gây ra những cải cách dựa theo hoàn cảnh.
Giáo dục Mỹ có những tính cách rõ rệt như:
Khoa học giáo dục hóa theo cá tính (Enseignment individualite), là phương pháp giáo dục trọng yếu vào rèn tính khí, ứng dụng nhiều ở bậc Tiểu học
Khoa học giáo dục thực tế (Enseignment et Practique) không chuộng các môn học trừu tượng, nặng lý thuyết. Lối học rộng, phổ quát (la culture general, la savoir) bị coi là kém hơn cách học dựa theo kinh nghiệm.
Chưa cần xét đến bậc Trung học và Đại học, ngay ở Tiểu học của Mỹ chương trình luôn bề bộn với 4-5 giờ/ngày dành cho thể dục, cả ngày thứ 7 dành cho thể thao, không chỉ là nhằm rèn luyện thân thể cường tráng, mà khoa đức dục này nhằm gây cho trẻ đức tính trọng kỷ luật, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, có lòng can đảm, tinh thần đoàn kết của đội nhóm vv…
Khoa công dân giáo dục và xã hội học cũng rất thiết thực ở bậc Đại học, rất chú trọng vào thực hành; Sau các giờ lý thuyết, sinh viên phải làm semina bàn cãi các vấn đề xã hội; Sinh viên dược tham gia các hội từ thiện, cứu tế, lập câu lạc bộ, ra báo, tạp chi để tập sự các chức vụ công dân.
Ở bậc Trụng học, để giúp học sinh quen giao tiếp xã hội, nhà trường tổ chức cho họ cách sống như một tiểu quốc dân chủ thu nhỏ: giao cho học sinh lập nội quy, kiểm soát đức hạnh, quan sát kỳ thi, định đoạt mức phạt, tổ chức thi đấu thể thao.
Học sinh được bầu “nghị viện” cỏn con, có viện trưởng, bồi thẩm, tiểu ban nội trị, tư pháp, kinh tế….Hiệu trưởng và giáo viên chỉ đứng ngoài hướng dẫn khôn khéo cái tiểu Chinh phủ ây, không để chúng cãi lộn quá hăng hái, nhưng vẫn để chúng tự do hành động. Đó là phương pháp tự quản/tự trị (Self-Governance) ngày càng lan rộng.
Đặc điểm nổi bật của Khoa học giáo dục Mỹ là tính thực dụng (Pragmatism). Do vậy họ không chuộng các môn học để tu dưỡng tinh thần, ra sức làm việc mãnh liệt và suy nghĩ chín chắn cho trí não.
Mỹ là nước đầu tiên có nền giáo dục không mất tiền, không theo tôn giáo nào vì họ là nước cộng hòa dân chủ đầu tiên trên thế giới. Giáo dụcTiểu học là bậc giáo duc cưỡng bách cho trẻ từ 6-14 tuổi.
Bậc Trung học (high school) kéo dài 4 năm cũng không mất tiền, học sinh có thể thôi học sau 2 năm đầu, còn 2 năm cuối của bậc học này nhằm luyện cho học sinh đi vào trường Cao đẳng chuyên nghiệp.
Ở Mỹ giáo dục tư thục rất quan trọng. Trước kia, giáo dục ĐH do tư nhân tổ chức, đứng độc lập. Nay, phần lớn các ĐH là tư thục, do các nhà hảo tâm dựng lập. Chúng được, sống bằng trợ cấp hậu của các tư gia giàu lòng nghĩa hiệp.
Ở Mỹ, bậc tiểu học không xếp lớp theo tuổi mà theo trí thông minh của trò. Trẻ có tinh thần kém thì học thủ công, trẻ có tư chất thông minh, lanh lợi thì giữa năm học có thể chuyển lên lớp cao hơn. Phương châm khoa sư phạm Tiểu học Mỹ là rèn tinh thần quốc gia và lòng yêu nước bằng chào cờ buổi sáng, học hát chung, tham quan hội hè của cộng đồng, làng nước.
Những phương pháp GD mới ở Mỹ vào đầu TK 20 chủ yếu là:
Phương pháp Dalton với 2 nguyên tắc chính: Trẻ được tự do hành đông; và được rèn cặp những bản năng riêng; Lối dạy theo cá tính hóa, cụ thể là:
Không dạy theo lề lối, khuôn khổ nhất định; Trò được tự chọn môn học theo sở thích, mỗi tháng 2 lần làm bài trắc nghiệm (test), thầy cô chỉ sắp xếp thì giờ bảo ban những chõ nhầm lẫn của trò.
Tóm lại, ở 3 nước cộng hòa dân chủ Pháp, Anh và Mỹ nền học nhân bản làm nền tảng cho 2 khoa sư phạm: 1) Chủ lý trí (ở Pháp) với mục đích nung rèn trí não để hun đúc các cá nhân thành nguời hiểu biết rộng, biết xét đoán (Type d l’home qui pensee); và 2) Chủ hoạt động (ở Anh- Mỹ) với mục đích nung rèn tính khí để hun đúc các cá nhân thành người hoạt động, có óc thực tế, thích mưu đồ làm việc lớn (Type de l’home d’action).
Đối lập với nền giáo dục ở các nước cộng hòa tự do này là nền giáo dục ở các nước chuyên chế/chuyên chính nửa đầu thế kỷ 20 với chủ nghĩa giới quyền (Ý – Đức – Nga) dùng khoa giáo dục làm lợi khí để nung rèn những con người trung thành với chế độ chính trị được trình bày trong bài sau.