Đầu thế kỷ 20, giáo dục ở Châu Âu đã dạy học sinh làm vườn

10/09/2015 05:16
TS. Mai Văn Tỉnh
(GDVN) - Sự chú trọng vào thể dục, đức dục, hoạt động ở các nền giáo dục các nước Ý, Đức và Nga khác xa nước khác vì ở các nước đó giáo dục nhằm rèn tính cách võ bị…

Bài 2: Nền tảng giáo dục các nước Đức – Italia – Nga có gì đặc biệt?

LTS: Viết tiếp bài trước, hôm nay trong bài thứ 2 này TS. Mai Văn Tỉnh sẽ chuyển đến độc giả nội dung bài phân tích, nhận định về nền giáo dục các nước Đức – Italia và Nga trong khoảng thời gian đầu thế kỷ 20.

Những năm này các nước đã có những nền tảng để hình thành một nền giáo dục riêng cho mình.

Ông cho rằng, đối lập với nền giáo dục ở các nước cộng hòa (Anh  - Pháp – Mỹ) là nền giáo dục ở các nước chuyên chế/chuyên chính nửa đầu thế kỷ 20 với chủ nghĩa giới quyền (Italia – Đức – Nga) dùng khoa giáo dục làm lợi khí để nung rèn những con người trung thành với chế độ chính trị được trình bày trong bài sau.

Nội dung bài biết như một nguồn tham khảo. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

TS. Mai Văn Tỉnh viết: Ở ba nước này chủ nghĩa quốc quyền dùng giáo dục làm lợi khí để nung rèn những người lính xung kích mạnh, trung thành với chính thể (Type du soldat politique). 

Nếu ở 3 nước cộng hòa Pháp, Anh, Mỹ có nền giáo dục nhân bản và tự do với mục đích tôn trọng quyền cá nhân, tôn trọng tài năng và giải phóng tư tưởng cá nhân, thì ngược lại trong nền giáo dục của Ý, Đức và Nga tính cá nhân bị thủ tiêu trong đoàn thể. 

Giáo dục là lợi khí của Chính phủ dùng quyền độc đoán rèn luyện thanh niên trở thành bầy tôi trung thành, công cụ đắc lực cho chính thể của mình.

Bởi vì đây là những nền giáo dục của một chính thể, chính đảng, một chủ nghĩa: Chủ nghĩa quốc gia và đảng phát xít ở Ý, chủ nghĩa chủng loại và đảng Quốc xã ở Đức...

Giáo dục thanh niên ở Ý

Thủ tướng Mussoloni tuyên bố với các giáo sư “Tư tuởng phát xít làm căn bản cho sự dạy dỗ không bao giờ sợ sự giáo hóa thiên về tư tưởng ấy. Trong nền giáo dục, dù theo chủ nghĩa phát xít đến đâu cũng chưa đủ”.  

Ở Ý các nhà cầm quyền muốn tránh mở mang thái quá lối học phổ thông, tránh gây ra đám trí thức thất nghiệp. Họ muốn giữ gìn các ngạch bậc trong xã hội, chia thanh niên ra làm 2 phái: cầm quyền và lao công.

Nền giáo dục tiểu học của Ý theo đạo Gia tô, cưỡng bách từ 1923. Phương pháp giáo dục là: “Thầy hoạt động, trò hoạt động, lối dạy hoạt động”. Chương trình gồm các môn học sau: Lớp đồng ấu (3-6 tuổi): Hát, vẽ, trò choi, làm vườn, chữa các thiên kiến và dị đoan… 

Lớp trung đẳng (6-9 tuổi): Hát, vẽ, thể thao, đọc, tính, nhận xét công việc đồng áng và kỹ nghệ, xem xét các di tích lịch sử và trước tác mỹ thuật; Lớp cao đẳng (9-12 tuổi): Dẫn giải các tổ chức KT-XH, dạy các điều cương yếu về khocj học bằng cách quan sát hang ngày, địa dư nước Ý.

Thầy và trò phải tuân theo một kỷ luật nghiêm ngặt: hoạt động, giữ trật tự, trung thành với nhà nước và chính thể phát xít.

Ảnh minh họa. Dân trí
Ảnh minh họa. Dân trí

Giaó ngoài học đường ở Ý có tính thiết thực và mạnh mẽ, kỷ luật nghiêm ngặt với chế định toàn quốc võ luyện. Từ 1935 cả nước Ý là trại lính. Mussolili nói: “Giaó dục Ý thực hành bằng sách và súng”. Đảng phát xít huấn luyện thanh niên thông qua thành lập các thanh niên đoàn ở 3 bực:

+ Ấu đoàn (Batilla): trẻ từ 8-14 tuổi;

+ Đoàn tiên phong (Avant-gardistes): 14-18 tuổi.

+ Đoàn thanh niên phát xit: 18-21 tuổi là đội ngũ dự bị vào đảng phát xít.

Tính cách cốt yếu của thanh niên đoàn là tinh thần ái quốc và thượng võ. Giáo dục Ý tôn sùng thể dục, đào luyền thanh niên để dự bị chiến tranh. Chủ nghĩa phát xít dùng giáo dục để đào tạo 40 triệu dân Ý có một lý tưởng quốc gia, một tôn giáo của đảng phát xít trong kỷ luật và uy quyền.

Giáo dục thanh niên ở Đức

Lý tưởng của đảng Quốc xã là thần bí, muốn tổng quát cả thế giới. Nền giáo dục chuyên chế của Đức muốn tạo ra một giống người xuất chúng (Le surhomme de Nietzche). 

Chủ nghĩa Hitle coi nòi giống là huyền bí, đối với nòi giống thì cá nhân không có giá trị gì cả. Giáo dục được đặt lên trên học thức, thể dục là tối quan trọng, giáo dục có tính cách võ bị. 

Giáo dục Đức tôn sùng làm việc bằng chân tay, coi hoạt động là ý nghĩa duy nhất của cuộc sống. Nền giáo dục này thiết thực và thực dụng, nên ít lý thuyết, nhiều thực hành. Học sinh phải nhân xét và tập làm nhiều hơn là học. 

Đảng Quốc xã dùng quyền độc đoán đào luyện thanh niên trong trường học cũng như ngoài học đường. Tất cả các trường tiểu, trung và đại học đều do Bộ Giáo dục cai quản, đứng đầu là một đảng viên Quốc xã. 

Chế độ chuyên chế lan sang việc quản trị trường. Các ông đốc trường tự ý định đoạt mọi việc, không cần hỏi ý kiến hội đồng phụ huynh học sinh. Tiểu học trở thành trường Đồng-tín-giáo ( L’ecole communautaire) để chống lại công giáo. 

Đảng Quốc xã muốn in sâu vào não thanh niên một tôn giáo mới dung hòa đạo Gia tô và lý tưởng giống nòi. Có 90% gia đình cho con em theo học trường Đồng-tín-giáo.

Tuy nhiên đảng Quốc xã chú trọng đặc biệt đến nền học chuyên nghiệp để theo đuổi việc tổ chức quốc gia, đảng cần điều khiển hoạt động kinh tế của toàn dân...

Ngòài các trường chung cho thanh niên, đảng lập các trường riêng đào tạo lãnh tụ ở 3 loại:

+ Adolfer Hitler cho thiếu niên  từ 12-18 tuổi;

+ Quốc gia chính trị cho thanh niên trên 18 tuổi;

+ Đội tráng sĩ: kiểu nủa nhà tu, nửa quân đội nhằm đào tạo theo mẫu quân đội nước Phổ để có đội ngũ tướng sĩ, chiến sĩ của đảng (le junker du parti), chỉ tuyển thanh niên từ 25-30 là con nhà dòng dõi, chính danh, đã chiến đấu cho đảng. Chương trình đào tạo: 2/3 thời gian cho thể dục, 1/3 thời gan cho giáo dục chính trị và lịch sử kinh tế.

Giáo dục thanh niên ở Nga có gì hay?

Nếu ở Ý và Đức giáo dục là lợi khí của chủ nghĩa phát xít thì ở Nga giáo dục là lợi khí của chủ nghĩa cộng sản. Giáo dục Nga dựa trên thuyết duy vật biện chứng nhằm chống lại mọi tư tưởng tôn giáo và triết lý, chống lại sự phân tách vật chất và tinh thần.

Cách tổ chức giáo dục ở Nga là giáo dục cần lao (cho người lao động) (Ecole unique du travail). Các loại trưởng tiểu học, cao đẳng tiểu học, trung đẳng, cao đẳng thực hành, chuyên môn được hợp nhất thành một hệ thống duy nhất theo 3 cấp:

Đệ nhất cấp: cho trẻ 8 tuổi trở lên học 4 năm. Lớp dồng ấu cho trẻ 6-8 tuổi. nhập vào đây;

Đệ nhị cấp: 13-17 tuổi học 5 năm chia thành hai bậc ( bậc dưới 3 năm và bậc trên 2 năm);

Giáo dục cao đẳng: chia ra thành các ban chuyên môn.

Nền học chuyên nghiệp ở Nga được tổ chức chu đáo, bám sát vào các cấp học nói trên:

+ Sau đệ nhất cấp, trò nghèo được vào học sơ đẳng chuyên nghiệp để học nghề;

+ Sau đệ nhị cấp bậc dưới (3 năm đầu) trò nghèo được chuyển vào học trung đẳng chuyên nghiệp; sau đệ nhị cấp bậc trên (2 năm) học sinh được vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp (Technicum) hay cao đẳng chuyên nghiệp.

Phương pháp giáo khoa: Giáo dục cần lao lấy cần lao làm chủ đích phục vụ. Chương trình của Ủy ban quốc gia năm 1922 khẳng định “Cần lao là đối tượng duy nhất trong các lớp học nhằm đào luyện thợ và kỹ sư chuyên môn.”. 

Nhược điểm của chương trình giáo dục này là trình độ học thức kém, hết trung đẳng học trò không biết tính toán, viết sai chính tả. Thực chất đây là lối học nghề, không đào luyện nhà kỹ thuật biết dùng lợi khí của khoa học, không có nhiều kiến thức về am hiểu xã hội. 

Sau nhiều tranh cãi, quan niệm mới về giáo dục cần lao được đưa ra để dung hòa 2 ý tưởng tương phản: ý tưởng bảo thủ duy trì cái cũ và ý tưởng cách mạng mà Lênin áp dụng vào kinh tế, đó là: kết nối học với hành và đi về nông trang, vào kỹ nghệ; không hy sinh các phương pháp hay của thời xưa.

Một yêu cầu với giáo dục cần lao là phải có phương pháp thực tế. Các bài học phải có liên hệ cuộc sống nhằm rèn luyện thiếu niên vào hoát động xã hội. 

Trong nhà trường có xưởng thực hành, làm thí nghiệm. Học lý thuyết đi đôi với thực hành là một cố gắng rất hay nhằm hòa hợp các môn học để ứng dụng vào biến hóa kỹ thuật theo muôn trạng của giới cần lao. 

Nó giúp học viên sau 7 năm học có thể biết sử dụng các khí cụ, biết tiến hành sản xuất. Nền giáo dục này khắc phục được sự tương phản giữa lý thuyết và thực hành, nhưng lại chia tách giới kỹ sư với tầng lớp công nhân thợ thuyền, tạo ra ý tưởng phân biệt đẳng cấp theo chức vụ.

Tóm lại, giáo dục ở 3 nước chuyên chế Ý – Đức – Nga khác hẳn giáo dục ở 3 nước dân chủ Pháp-Anh-Mỹ. Giáo dục ở các nước chuyên chế/chuyên chính dựa trên chủ nghĩa quốc quyền, chủ ở thể dục, đức dục, hoạt động thực tiễn, còn giáo dục ở các nước dân chủ lại lấy tôn trọng cá nhân làm nền tảng, chủ ở lý trí, nung rèn trí não. 

Sự chú trọng vào thể dục, đức dục, hoạt động ở các nền giáo dục Ý, Đức và Nga khác xa với các nền giáo dục ở Pháp, Anh, Mỹ, bởi vì ở các nước chuyên chế giáo dục nhằm rèn tính cách võ bị, đào luyện thanh niên thành người lính dũng cảm chuẩn bị cho chiến tranh.

Giaó dục ở Mỹ và Anh và 3 nước Ý, Đức, Nga đều chú trọng vào sự hoạt động của thanh niên. Nhưng ở  giáo dục Anh, Mỹ  đó là sự hoạt động tự do, được tự nhiên phát triển theo sở thích và tài năng của cá nhân, còn ở giáo dục Ý, Đức và Nga sự hoạt động của thanh niên tuy có khác nhau, nhưng luôn luôn được hướng dẫn theo một chiều mà Chính phủ đã định. 

Giaó dục ở Anh, Mỹ chú trọng rèn đức tính làm người, làm dân, còn ở Ý, Đức và Nga mục đích của giáo dục là rèn luyện thanh niên thành lực lượng trung thành của một chủ nghĩa chính trị, một chính đảng, một chính thể nhất định.

Trong bài tới, TS. Mai Văn Tỉnh sẽ đưa chúng ta tới khung cảnh đột biến giáo dục thanh niên ở các nước vòng cung châu Á – Thái Bình Dương nửa cuối thế kỷ 20 và bức tranh cải cách Giáo dục đại học Việt Nam.

TS. Mai Văn Tỉnh