Tại sao không dạy nghề mà chỉ là “định hướng nghề nghiệp”?

15/08/2015 06:49
Nguyễn Quốc Vương
(GDVN) - Theo tôi, điểm bất ổn lớn nhất là quan điểm coi chương trình giáo dục phổ thông chỉ có vai trò “định hướng nghề nghiệp”.

LTS: Bài viết dưới đây là của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa - Nhật Bản) sẽ giúp chúng ta có thêm một lát cắt khác về nội dung Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Ở nước ta hiện nay thất nghiệp và tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang nổi lên như là một vấn đề xã hội bức xúc cần được giải quyết ngay từ cấp độ vĩ mô. Tuy nhiên trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa mới công bố, phần liên quan đến giáo dục nghề nghiệp còn tương đối sơ sài và có những điểm bất ổn. 

Quan điểm này thể hiện rõ trong mục tiêu chương trình khi dự thảo khẳng định chương trình giáo dục phổ thông sẽ giúp học sinh “có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động”.

Nghĩa là nội dung có liên quan được học ở phổ thông cũng chỉ là để giúp học sinh có hiểu biết để lựa chọn nghề trong tương lai. 

Với quan điểm và mục tiêu như vậy, phần diễn giải mối quan hệ giữa các môn học đặc biệt là các môn rất gần với nghề nghiệp như Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật trở nên khiên cưỡng. Phần chuyên đề tự chọn cũng vậy, vai trò của nó cũng chỉ là để “định hướng nghề nghiệp” và rất mờ nhạt. 

Tác giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh FB tác giả.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương. Ảnh FB tác giả.

Quan điểm nói trên phản ánh một lối tư duy có tính “truyền thống”  của chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam là “lấy môn giáo khoa làm trung tâm”. Dưới ảnh hưởng của tư duy này giáo dục nhà trường chỉ xoay quanh các môn giáo khoa và vòng tròn thi cử. Giáo dục nghề nghiệp nếu có cũng rơi vào chủ nghĩa hình thức. Trên thực tế việc dạy nghề từ trước đến nay ở các trường phổ thông là một ví dụ tiêu biểu. 

Hiệu quả của nó chỉ dừng lại ở việc giúp cho một bộ phận học sinh có được một, hai điểm cộng “chống rớt” trong kỳ thi tốt nghiệp. Có bao nhiêu học sinh đủ tự tin sử dụng những gì học được để làm việc như một nghề kiếm sống? Đó là một sự lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc và công sức của cả thầy và trò. 

Theo tôi, cần phải coi vai trò, mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp trong trường phổ thông là dạy nghề thực sự chứ không chỉ dừng lại ở “định hướng nghề nghiệp”. Tức là trong thời gian học trong trường phổ thông ( THCS và THPT) học sinh được học một nghề thực sự phù hợp với sức khỏe, sở thích, năng lực của bản thân. 

Để làm được điều đó cần thiết lập trong chương trình các môn nghề nghiệp như: Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương nghiệp, Ngư nghiệp… hoặc cụ thể hơn là các nghề như cơ khí, mộc, sơn…

Học sinh bắt buộc phải học một nghề nhưng có nhiều nghề cho học sinh chọn. Các nghề được thiết lập tùy thuộc vào tình hình, thế mạnh của địa phương, trường học.

Giáo viên dạy nghề có thể là giáo viên trong trường hoặc giáo viên  thỉnh giảng ở bên ngoài. Họ phải là người giỏi nghề thực sự. Có thể kết hợp giữa giáo viên trong trường (dạy lý thuyết hoặc đại cương) và người của địa phương giỏi nghề (dạy thực hành). 

Nội dung dạy nghề phải có 2 phần “Lý thuyết” và “Thực hành kĩ năng”. Phần thi sẽ phải tiến hành cả hai nội dung trên và ở phần thực hành sẽ chấm trên thành phẩm một cách nghiêm túc, thực chất. 

Bốn năm học THCS và 3 năm học THPT nếu học sinh được học nghề nghiêm túc thì các em sẽ có nhiều cơ hội để tự lập về kinh tế khi không tiếp tục học lên cao. Ngay cả những học sinh tiếp tục học lên bậc học cao hơn, tri thức và kĩ năng nghề nghiệp đó vẫn có ích cho bản thân trong suốt cuộc đời. 

Nước Nhật đã và đang làm theo hướng trên. Tôi đã từng làm việc trong nhà máy sản xuất mì tôm, nhà máy sản xuất cơm hộp và công trường của công ty chuyển phát nhanh ở Nhật. Ở đó tôi thật sự choáng váng trước sức lao động bền bỉ, khả năng thao tác nhanh, chính xác của người Nhật dù họ chỉ mới học hết phổ thông. 

Dân số Việt Nam trẻ, nhiều thanh niên đó là vốn quý mà Nhật Bản hiện tại có mơ ước cũng không có được.Tuy nhiên nếu không có giáo dục tốt để khai mở và phát triển tiềm năng có sẵn trong từng học sinh cũng như môi trường xã hội đảm bảo cho họ cơ hội thì thanh niên chắc chắn sẽ phải đối mặt với thất nghiệp và nguy cơ phạm tội.

Hiện nay, rất nhiều thanh niên không ngần ngại vay một khoản tiền lớn để được đi ra nước ngoài lao động trong điều kiện làm việc khắc nghiệt. Đấy là một nỗi buồn lớn. Cải cách giáo dục phải góp phần vào việc “giữ chân” thanh niên, tạo cơ hội cho họ được lao động trên chính quê hương mình. 

Nguyễn Quốc Vương