Thái Bình dừng nhân rộng VNEN, giáo viên hồ hởi trút gánh nặng

17/08/2017 06:50
Thùy Linh
(GDVN) - Khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống.

LTS: Bên cạnh Hà Tĩnh và nhiều địa phương đã ra quyết định dừng thử nghiệm, áp dụng VNEN, có tin tỉnh Thái Bình cũng đã làm tương tự.

Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lĩnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Có thông tin rằng, tỉnh Thái Bình đã dừng triển khai mô hình trường học mới (VNEN). Xin bà cho biết, thông tin này đúng hay không?

Bà Nguyễn Thị Lĩnh: Tỉnh Thái Bình dừng nhân rộng mô hình VNEN từ năm học 2017-2018. 

Được biết, ngày 9/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Công văn số 3459/BGDĐT-GDTrH  gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện VNEN. Vậy thưa bà, tỉnh Thái Bình dừng nhân rộng mô hình VNEN theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay dựa vào tiêu chí nào?

Bà Nguyễn Thị Lĩnh
: Việc đưa ra quyết định dừng nhân rộng mô hình VNEN là kết quả của quá trình chúng tôi kiểm tra, đánh giá ý kiến phụ huynh và giáo viên đứng lớp. 

Thứ nhất, phụ huynh lo lắng tới quyền lợi của con cái mình.

Bởi lẽ, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi thực hiện VNEN thì trường cần đảm bảo sĩ số lớp học theo quy định tại Điều lệ nhà trường đối với từng cấp học:

Cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở không quá 45 học sinh/lớp tuy nhiên khi học sinh vẫn ngồi học theo phương pháp truyền thống. 

Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) học theo mô hình trường học mới. (Ảnh: Báo Thái Bình)
Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) học theo mô hình trường học mới. (Ảnh: Báo Thái Bình)

Do đó, phụ huynh lo lắng rằng chất lượng giáo dục không đảm bảo thì khi con trẻ lên lớp cao hơn sẽ không tiếp thu được kiến thức. 

Hơn nữa, theo nhiều giáo viên, hiện nay trang thiết bị dạy học ở nhiều trường thực hiện VNEN chưa đồng bộ khi triển khai. 

Do chưa đồng bộ nên có tình trạng buổi sáng giáo viên dạy theo mô hình VNEN, chiều lại cố gắng dạy các môn văn hóa theo mô hình truyền thống để học sinh bắt theo kịp với kiến thức. 

Ngoài ra còn nhiều vấn đề bất cập khác như sách giáo khoa, trang thiết bị, ...đặc biệt là tập huấn giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của VNEN. 

Bởi lẽ tập huấn giáo viên thì buộc người giáo viên phải tiếp cận, sáng tạo và có ý tưởng bài giảng phù hợp nhưng thực sự tập huấn chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ cơ sở thực tiễn đó cùng với báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân đồng thời trong thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức họp bàn và đưa ra phương án đã được nêu trong buổi tổng kết năm học 2016-2017. 

Sở cũng đã tham mưu cho các trường thực hiệnVNEN trên tinh thần tự nguyện chứ không bắt buộc.

Từ những nguyên nhân đó và quá trình chúng tôi đi kiểm tra, để đưa ra quyết định dừng nhân rộng mô hình VNEN tại tỉnh.

Cũng phải nói rằng, ngay sau khi có quyết định, nhiều giáo viên vô cùng phấn khởi, họ đỡ vất vả hơn nhiều so với việc buổi sáng theo chương trình VNEN, chiều lại dạy theo truyền thống. 

Vậy còn đối với 87 trường tiểu học và 48 trường Trung học cơ sở trên toàn tỉnh hiện đang triển khai VNEN thì tỉnh sẽ có yêu cầu gì với các trường trong thời gian tới khi thực hiện, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lĩnh: Hiện nay học sinh đã tựu trường, năm học mới sắp bắt đầu, vì nhiều trường đã đặt sách giáo khoa nên tỉnh vẫn tạo điều kiện cho những cơ sở giáo dục đáp ứng được những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý.

Và quan trọng nhất là có được sự đồng thuận giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên thì trường đó mới được triển khai trong năm học này.

Còn phương án của tỉnh trong thời gian tới là thực hiện đúng theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy quyền lợi của học sinh làm trung tâm và việc đồng thuận nhằm phát huy thực sự tính dân chủ phải là yếu tố quan trọng nhất. 

Trường nào đáp ứng các yêu cầu thì tiếp tục thực hiện, trường nào không đáp ứng thì dừng triển khai.
 
Xin bà cho biết, hiện có bao nhiêu học sinh, lớp đang thực hiện VNEN tại tỉnh Thái Bình, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lĩnh: Thông tin này thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nắm cụ thể, chi tiết. 

Và việc tổ chức họp bàn về việc triển khai VNEN như thế nào cũng là việc của Sở Giáo dục và Đào tạo chứ không phải việc của Ủy ban nhân dân (tỉnh Thái Bình).

Xin trân trọng cảm ơn bà. 

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình qua điện thoại, tin nhắn để xác minh, đề nghị cung cấp thêm thông tin liên quan nhưng hiện tại chưa liên lạc được.

Thùy Linh