Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào?

03/07/2018 06:37
Trần Sơn
(GDVN) - Bây giờ học sinh ít đọc sách, nguyên nhân cũng một phần do giáo viên, bởi chính các thầy cô cũng ngại đọc.

LTS: Với hy vọng rằng mỗi thầy cô giáo sẽ là một tấm gương sáng về tự học (trong đó có việc chăm đọc sách) để cho học sinh noi theo, tác giả Trần Sơn đã có những chia sẻ về chuyện đọc sách báo của giáo viên hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thầy cô giáo là những người hàng ngày truyền thụ kiến thức và giáo dục đạo đức cho học sinh.

Để trở thành giáo viên giỏi thì việc nâng cao kiến thức và rèn luyện nghiệp vụ là một việc làm rất quan trọng đối với mỗi thầy cô như người ta thường nói: “Biết mười dạy một”.

Việc mở rộng kiến thức và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ lại chủ yếu là thông qua việc tự học, mà cách tự học tốt nhất chính là đọc sách báo.

Văn hóa đọc sách (Ảnh minh họa: hlu.edu.vn).
Văn hóa đọc sách (Ảnh minh họa: hlu.edu.vn).

Một số tấm gương sáng

Trên thực tế đã có nhiều thầy cô có ý thức rất rõ vai trò, tác dụng của việc đọc sách báo đối với nghề nghiệp của mình.

Tôi có một số bạn đồng nghiệp rất chịu khó đọc sách báo chuyên ngành để nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.

Một anh bạn là giáo viên cấp tiểu học, tháng nào anh cũng phải mua ít nhất một cuốn sách tham khảo về môn Toán, môn Tiếng Việt, hoặc sách về phương pháp, về công tác chủ nhiệm... để tự học.

Ngoài ra, anh còn đặt thêm tạp chí Văn tuổi thơ, Toán tuổi thơ để đọc thêm.

Đến nay, sau hơn 15 năm công tác, tủ sách cá nhân của anh đã có hàng trăm cuốn sách tham khảo về chuyên môn nghiệp vụ.

Anh bạn tâm sự: “Học sinh bây giờ nhiều em thông minh lắm, nếu mình chỉ dựa vào những kiến thức sẵn có trong mấy quyển sách giáo khoa thì khó đáp ứng được yêu cầu”.

Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào? ảnh 2Văn hóa đọc làm thay đổi người Việt

Cũng nhờ luôn có ý thức tự học và chăm đọc sách, anh bạn tôi luôn được đồng nghiệp trong trường, trong huyện trân trọng và đánh giá cao về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Năm nào đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện anh cũng đạt giải cao. Năm học vừa qua, lớp học do anh chủ nhiệm có gần chục học sinh đạt giải trong một kỳ thi qua mạng Internet cấp quốc gia.

Cuối năm học, anh được nhà trường thưởng cho một khoản tiền khá lớn, anh khao tôi một bữa ra trò, anh chia sẻ:

“Tôi được thành tích như thế này cũng nhờ tự học và chăm đọc sách đấy anh ạ. Số tiền thưởng này, tôi sẽ trích ra khoảng ba trăm nghìn để mua sách tham khảo đọc trong dịp hè này”.

Tôi mừng cho anh và thầm phục anh một con người ham học, chăm đọc và có luôn có ý thức phát triển nghề nghiệp của mình.

Tôi có một người bạn khác dạy Ngữ văn cấp trung học cơ sở cũng rất say mê đọc sách.

Anh đọc rất nhiều loại sách cả về kiến thức môn mà anh dạy, cả kiến thức về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ học, mỹ học, triết học,...

Tủ sách gia đình anh có đến gần nghìn cuốn đủ loại. Sách văn học thì rất nhiều. Riêng về sách từ điển, anh cũng có đến hàng chục cuốn.

Nhìn tủ sách của gia đình anh, bạn bè ham đọc sách ai cũng ngưỡng mộ và ước ao mình cũng có một tủ sách như vậy.

Anh bạn đó của tôi, nay đã lên làm cán bộ quản lý (Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở một huyện vùng Trung du) nhưng thói quen đọc sách anh vẫn giữ nguyên như lúc còn làm giáo viên.

Anh chia sẻ: “Thói quen hay đọc sách mình có từ thời học sinh, bây giờ công việc quản lý bận rộn nhiều nhưng mình vẫn cố dành thời gian đọc sách. Không đọc sách, kiến thức mình lạc hậu làm sao mà tư vấn, góp ý cho giáo viên được”.

Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào? ảnh 3Vì sao người Việt vẫn ngại đọc sách?

Tôi rất phục anh và mừng cho các thầy cô giáo trường anh có một người thủ trưởng cầu thị như vậy.

Bản thân tôi, cách đây hơn 10 năm, đã từng có một thời gian làm cán bộ tăng cường cho một Phòng giáo dục và đào tạo.

Thời gian đó, tôi đã được học hỏi rất nhiều từ các vị lãnh đạo ở đây, đặc biệt là vị Trưởng phòng rất hay đọc sách và kĩ lưỡng trong mọi công việc.

Trong tủ kính của ông luôn có rất nhiều sách đủ các thể loại, nhiều nhất sách tra cứu văn bản và sách quản lý.

Đặc biệt hơn, trên bàn làm việc của ông, lúc nào cũng có một cuốn Từ điển tiếng Việt dày cộp.

Khi duyệt văn bản do cấp dưới soạn, thấy từ nào còn băn khoăn là ông đề nghị người làm văn bản giải thích rõ từ đó, rồi ông tra ngay từ điển để kiểm tra và lựa chọn.

Khi giao cho cán bộ, chuyên viên làm đề thi, đề khảo sát, ông thường căn dặn rằng phải nghiên cứu, rà soát, đối chiếu thật kĩ lưỡng để tránh sai sót.

Quả thật, ông đúng một lãnh đạo trách nhiệm và mẫu mực xứng đáng là tấm gương sáng cho cán bộ, giáo viên trong ngành học tập.

Một số thầy cô còn ngại đọc sách

Tuy nhiên, bên cạnh những thầy cô giáo luôn có ý thức tự học, chăm đọc sách báo để nâng cao kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ thì vẫn còn không ít thầy cô giáo chưa tích cực trong hoạt động này.

Một số thầy cô giáo không đọc gì thêm ngoài mấy cuốn sách giáo khoa và sách giáo viên của nhà trường.

Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào? ảnh 4Thờ ơ với sách đang là thực trạng đáng lo ngại

Thậm chí, sách giáo viên cũng ít đọc, vì bài soạn thì đi xin hoặc lấy trên mạng rồi sửa nên nhiều khi họ cũng chẳng cần mở sách giáo viên ra làm gì.

Cũng vì ít đọc, ngại đọc mà kiến thức của không ít thầy cô mai một dần, lạc hậu, không đáp ứng được với yêu cầu nên đã có những câu chuyện thật bi hài.

Có cô giáo ở một trường tiểu học nọ được phân công dạy lớp 5 thì giãy nảy lên: “Cứ để tôi dạy lớp 1 vì tôi không dạy được lớp 5 đâu!”.

Có giáo viên nọ viết một cái đơn xin phép nghỉ dạy chỉ có nửa trang giấy A4 thì sai đến 3 lỗi chính tả và 2 lỗi ngữ pháp.

Trong một bài báo trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phan Tuyết có kể câu chuyện hai giáo viên dạy Văn tranh luận, có người nói truyện ngắn Hai đứa trẻ là của Tố Hữu và hồn nhiên nói “Thạch Lam là ai ? Tớ chưa bao giờ đọc truyện ông này viết cả !”.

Bản thân người viết đã từng nghe một giáo viên tiểu học nói một cách vô tư trong một giờ dạy trên lớp:

“Nguyễn Hiền là một ông vua”; một giáo viên tiểu học khác thì hồn nhiên phán cũng trong một giờ dạy “Chu Mạnh Trinh là một nhà sư”.

Cách đây trên 20 năm, lúc đang học tại một trường trung học phổ thông, trong một bài văn phân tích về vẻ đẹp của Thúy Kiều, người viết bài này có đưa ra câu dẫn chứng “Lạ cho cái sóng khuynh thành/Làm cho đổ quán, xiêu đình như chơi”.

Câu dẫn chứng trên trong bài văn được cô giáo gạch bằng bút đỏ và ghi vào bên lề: “Câu này không có trong Truyện Kiều”.

Thầy cô bây giờ đọc sách báo như thế nào? ảnh 5“Đọc sách để không lạc hậu”

Là một học sinh nhút nhát, lúc đó, người viết cũng đành phải chịu đựng một cách oan ức và thầm nghĩ, chắc là cô giáo cũng chưa đọc hết Truyện Kiều?

Trong cuốn sách Bạn văn, nhà văn Nguyễn Quang Lập có nhận xét vui về việc đọc sách của giáo viên, kể ra cũng hơi quá nhưng không phải không có lý.

Ông viết: “Thầy bà nước mình vui lắm, nhiều người chỉ chờ lên lớp là tán phét tôi ngày xưa thế này, tôi ngày xưa thế kia, kì thực dạy Kiều không đọc hết Truyện Kiều, dạy Chinh phụ ngâm không biết cuốn Chinh phụ ngâm ngang hay dọc”.

Một danh nhân đã từng nói: “Tôi đọc sách không những để mở mang trí tuệ mà còn nâng cao tâm hồn”.

Đối với các thầy cô giáo việc đọc sách lại càng có ý hơn vì họ chính là những “kĩ sư tâm hồn”.

Hy vọng rằng mỗi thầy cô giáo sẽ là một tấm gương sáng về tự học (trong đó có việc chăm đọc sách) cho học sinh noi theo như một nội dung trong một cuộc vận động lớn mà ngành giáo dục đang phát động.

Trần Sơn