Văn hoá đọc ở trẻ em nói riêng sẽ không thể phát triển rộng lớn nếu hệ thống phát hành sách chỉ tập trung ở thành phố và trẻ em nông thôn, miền núi vẫn còn “đói sách”.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Thế Khang - Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam tại Hội thảo “Sách cho trẻ em nông thôn miền núi” do Dự án Tủ sách Lam Sơn phối hợp cùng Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Hội khuyến học và Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức vào ngày 29/7/2017 vừa qua.
Ông Phạm Thế Khang (đứng) -Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam: Văn hoá đọc không phát triển nếu trẻ em nông thôn, miền núi còn “đói sách” (Ảnh: Thu Huyền) |
Tại hội thảo, các khách mời đã cùng tham luận về tình trạng “đói sách” và nhu cầu đọc sách của trẻ em nông thôn miền núi, nhấn mạnh ý nghĩa của việc đọc sách đối với thế hệ trẻ - một thế hệ đang dành phần đa thời gian cho điện thoại.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, riêng năm 2016 Việt Nam đã xuất bản 330.952.500 bản sách.
Trong đó, sách giáo khoa chiếm hơn 80%, phục vụ cho khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Số còn lại khoảng 67.250.000 bản sách thuộc các lĩnh vực khác phục vụ cho 90 triệu người dân. Bình quân mỗi người dân được khoảng 0,75 bản/người, một tỷ lệ hưởng thụ sách quá thấp.
Thực tế, ở thư viện các trường học nông thôn, miền núi chỉ có sách giáo khoa, thậm chí sách giáo khoa cũng chưa đủ cho học sinh mượn học. Đơn cử như tại thư viện huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá, sách giáo khoa không đủ, sách tài trợ của nhà xuất bản hàng năm gửi về vẫn nguyên xi, các em không đọc được vì sách dày, nội dung chưa hấp dẫn.
Theo ông Phạm Thế Khang, trẻ em nông thôn miền núi không thích đọc sách không phải vì lười mà có thể là do từ bé đến giờ các em chưa đọc sách nên không biết trong đó có gì hấp dẫn, hoặc lần nào đó đọc cuốn sách không phù hợp nên các em chán và bỏ luôn từ đó; các em lớn hơn một chút đã từng được đọc nhưng đã 3,4 năm gần đây không còn sách nữa, nên có thể hứng thú đọc của các em đã không còn.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (Nghiên cứu sinh giáo dục lịch sử tại Nhật Bản) đã chia sẻ nhiều câu chuyện văn hoá đọc của người Nhật Bản (Ảnh: Thu Huyền) |
Cũng tại hội thảo, dịch giả Nguyễn Quốc Vương (Nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại Nhật Bản) đã chia sẻ nhiều câu chuyện văn hóa đọc của người Nhật Bản và những bài học kinh nghiệm để phát triển văn hóa đọc cho trẻ em Việt Nam.