Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, cho biết quan điểm của sở là phải tăng cường giáo dục thực hành đối với môn học kỹ năng sống để nâng cao hiệu quả giáo dục. Đồng thời, sở này cũng khuyến khích các trường tự tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Lý thuyết kỹ năng sống
Cô giáo Hồng Phong, người viết thư xin dừng thuê công ty dạy kỹ năng sống, cho biết cô nhiều lần dự giờ kỹ năng sống do các trung tâm dạy học sinh ở trường thì thấy rất nhiều bài nội dung nằm trong các môn đạo đức, khoa học đã dạy trong trường tiểu học từ trước tới nay.
“Tự tin, vượt qua bản thân, gọn gàng ngăn nắp, không nói chuyện trong lớp thì môn đạo đức dạy hết rồi, cái đó ai gọi là kỹ năng sống” – cô giáo nói.
Những kỹ năng sống mà các công ty dạy cho học sinh đã nằm trong môn đạo đức |
Còn những bài gọi là thực hành kỹ năng sống nhưng người ta cũng chỉ dạy trong lớp học, vẫn là dạy lý thuyết. Theo cô giáo, dạy giao tiếp, ứng xử đó là những kỹ năng mang nặng lý thuyết.
Cô giáo cho hay phương pháp mà giáo viên của các công ty dạy kỹ năng sống sử dụng chủ yếu vẫn là hỏi đáp và thuyết trình.
Dạy kỹ năng sống chỉ gói gọn trong phòng học, máy chiếu chiếu lên, cô thuyết trình, học sinh thuyết trình, chứ không phải thực hành.
Cô giáo Hồng Phong đánh giá việc thuê các trung tâm dạy kỹ năng sống cho học sinh trong trường, phụ huynh phải đóng mỗi tháng 50 nghìn đồng nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể gì vì con em họ chỉ được học lý thuyết kỹ năng sống.
“Đọc một cuốn truyện, xem một bộ phim thì dù có dở nó cũng có hiệu quả nhất đinh. Vấn đề là trải qua tiết học 40 phút với mức tiền như thế, cũng chỉ nội dung lý thuyết như thế thì có xứng đáng hay không?” – cô giáo nói.
Cô giáo bí mật viết thư xin Hải Dương dừng thuê công ty dạy kĩ năng sống |
Theo cô giáo, với khoảng thời gian đó, nếu học sinh được học thực hành thì mới thực sự hiệu quả.
Thuê trung tâm thì phải thực hành, như dạy bơi thì họ mang bể bơi thông minh đến dạy học sinh bơi.
Hoặc ra sân trường, đưa ra tình huống đứng trước 2 bạn đánh nhau thì học sinh phải giải quyết ra sao, hành động thế nào.
Hay cho học sinh ra đường thực hiện tuân thủ luật giao thông đi theo biển báo, vạch kẻ, đèn tín hiệu sao cho đúng. “Kỹ năng sống là phải đi vào những cái đó” – cô giáo nói.
Tình trạng học kỹ năng sống vẫn thiên về lý thuyết diễn ra ở hầu hết các trường thuê trung tâm ngoài dạy. Ngay cả tại Thành phố Hải Dương, nơi đã có tới 4 năm thuê trung tâm ngoài vào dạy kỹ năng sống cho học sinh cũng tương tự.
Đánh giá về các trung tâm đào tạo kỹ năng sống, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Dương, cho rằng còn nhiều bài mang tính hàn lâm, lý thuyết trong khi đòi hỏi phải thực hành nhiều hơn. Hơn nữa, thuê trung tâm ngoài, tính ổn định của đội ngũ giáo viên không cao vì hay có sự thay đổi giáo viên.
Trường dư sức dạy
Theo bà Hằng, việc tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng không nhất thiết phải thuê các trung tâm ngoài dạy.
Những trường nào có đủ giáo viên, đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì có thể bố trí tiết riêng dạy cho học sinh. Tại Thành phố Hải Dương, có một số trường tiểu học đã tự tổ chức dạy kỹ năng sống thành tiết riêng đem lại hiệu quả không thua kém các trung tâm.
Tiết học kỹ năng sống diễn ra trong phòng học. Ảnh: Apolloedu.vn |
Theo cô giáo Hồng Phong, hầu hết các trường tiểu học ở Hải Dương đều có đủ năng lực để tự giảng dạy môn kỹ năng sống cho học sinh.
Mỗi trường đều có 4-5 cô đủ khả năng dạy, nhất là các cô giáo dạy âm nhạc, mỹ thuật.
“Nhiều cô đi làm MC tổ chức đám cưới, hội nghị được thì dư sức dạy kỹ năng sống. Thế nhưng nhiều trường vẫn thuê trung tâm ngoài đó là một nghịch lý” – cô giáo Hồng Phong nói.
Cô giáo Hồng Phong cho biết hiện nay Hải Dương cho phép các trường được thu tiền dạy buổi 2 mỗi tháng 100 nghìn đồng/ học sinh.
Khi các trung tâm nhảy vào, phụ huynh học sinh phải đóng thêm khoản tiền kỹ năng sống 50 nghìn đồng/ tháng nhưng vẫn chỉ là học lý thuyết kỹ năng sống.
Mà các cô giáo lại bị thiệt thòi vì mỗi tuần mất một tiết dạy, mất đi 70 nghìn vượt tiết, cả tháng mỗi cô mất 280 nghìn đồng.
Cô giáo Hồng Phong cho rằng các trường nên tự tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Nếu mỗi trường để cho một cô có năng lực được tập huấn chuyên môn dạy kỹ năng sống thì chắc chắn họ dạy không thua kém gì giáo viên của bất kể trung tâm nào.
Hải Dương đã cấp phép cho 8 trung tâm kỹ năng sống, dạy và thu tiền phụ huynh |
Trường tự tổ chức thì phụ huynh sẽ đỡ đi gánh nặng phải đóng thêm khoản tiền học kỹ năng sống trả cho các trung tâm, công ty 50 nghìn đồng/ tháng, cô giáo vẫn có thêm thu nhập trả tiền vượt giờ từ khoản tiền học buổi 2.
Chứ như bây giờ, các công ty có trích lại tiền cho nhà trường thì phụ huynh quá thiệt thòi.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, cho biết quan điểm của sở là khuyến khích các trường nếu có giáo viên và cơ sở vật chất đủ điều kiện thì tự bố trí giảng dạy môn kỹ năng sống.
Theo ông Lương, sở yêu cầu việc dạy kỹ năng sống phải tăng cường thực hành để giáo dục hành vi, thói quen, ý thức cho học sinh.
Cụ thể như học sinh khi tham gia giao thông phải biết phòng ngừa rủi ro, ở nhà một mình các cháu phải biết cảnh giác phòng vệ, biết phòng ngừa đuổi nước, tai nạn thương tích.
“Tuy nhiên điều kiện hiện nay việc dã ngoại hay trải nghiệm tốn kém nên thực hiện không dễ” – ông Lương nói.