Thầy cô giáo tuyệt vọng vì kết luận của quận Ba Đình

13/09/2018 08:52
Vũ Phương
(GDVN) - Kết luận của quận Ba Đình thiếu thuyết phục và gây thất vọng khi không chỉ ra được số tiền giáo viên bị bớt xén nhiều năm liền đi đâu, chảy vào túi ai.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh qua nhiều bài viết về những dấu hiệu tiêu cực, ăn chặn, bớt xén tiền dạy 2 buổi/ngày của nhiều giáo viên năng khiếu cũng như việc dạy văn hóa “trá hình” núp bóng câu lạc bộ hè tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội).

Trước bức xúc và phản ứng quyết liệt của giáo viên và dư luận, đầu tháng 7/2018, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình đã tiến hành lập đoàn thanh tra xác minh nội dung đơn của một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Tròn 1 tháng đoàn xác minh làm việc và đến ngày 31/8/2018, ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình ký kết luận số 1300 về những nội dung một số giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám phản ánh.

Nhưng đáng tiếc, một lần nữa kết luận của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình không thuyết phục được những giáo viên, những người dám đứng lên tố cáo, chống lại tiêu cực, sai phạm đối với lãnh đạo nhà trường.

Kết luận của Ủy ban nhân dân quận Ba Đình chưa làm rõ được những dấu hiệu bất thường mà giáo viên phản ánh, thậm chí còn cho thấy kết luận này có dấu hiệu bao che cho sai phạm.

Kết luận số 1300 đã không chỉ rõ được trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, số tiền tính sai đơn giá cho giáo viên nhiều năm liền đang ở đâu, được dùng vào việc gì hay vào túi ai, có trả lại cho giáo viên bị tính thiếu hay không, kết luận cũng không chỉ ra được.

Thầy cô giáo tuyệt vọng vì kết luận của quận Ba Đình  ảnh 1Ăn chặn, bớt xén tại trường Hoàng Hoa Thám, có liêm sỉ đã không làm thế

Trước đó, ngày 18/1/2018, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình cũng có văn bản kết luận số 116 về việc sử dụng khoản thu học 2 buổi/ngày tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

Xin nhắc lại, văn bản số 116 ít nhiều cũng nói Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám đã xác định sai đối tượng, sai đơn giá dạy tăng cường 2 buổi/ngày trong các tháng 11/2017, 12/2017. Còn kết luận số 1300 không đi vào trực diện vấn đề mà vòng vo, quanh co càng gây bức xúc cho giáo viên. 

Điều vô lý đó là nhiều năm liền từ năm học 2012-2013 đến tháng 10/2017 giáo viên chỉ được nhận một đơn giá 34.000 đồng/tiết. Trong khi đó, sĩ số học sinh các năm biến động tương đối, bởi vậy không thể nhiều năm liền chỉ áp dụng một đơn giá.

Đáng nói, khi nhiều giáo viên đem so sánh đơn giá với nhiều trường lân cận thì thấy đơn giá mà trường đưa ra là quá thấp. Sau đó, đơn giá được tính lại đã tăng từ 34.000 đồng lên 49.100 đồng/tiết.

Như vậy, kết luận số 1300 của quận Ba Đình chưa làm rõ được số tiền chênh lệch 15.100 đồng/tiết mà trước đó giáo viên không được nhận đang ở đâu, sử dụng vào mục đích gì, có xuất toán trả lại cho giáo viên nhiều năm qua bị thiếu hay không?

Kết luận nêu: “Giai đoạn 2012-2013 đến nay, giai đoạn này việc thu chi các khoản thu khác ngoài học phí được thực hiện theo quy định tại văn bản số 8586/SGD&ĐT-KHTC ngày 11/9/2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và sau đó là quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó, mức thu học 2 buổi/ngày được nâng lên mức 100.000 đồng/học sinh.

Đơn giá tiết tăng cường từ 10/2012 đến tháng 10/2017 là 34.000 đồng/tiết.

Sau khi có đơn kiến nghị của giáo viên tổ năng khiếu (tháng 10/2017), toàn thể hội đồng nhà trường hợp và thống nhất điều chỉnh Quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó thay đổi đơn giá tiết dạy 2 buổi/ngày môn năng khiếu, tự chọn là 52.000 đồng/tiết.

Tuy nhiên, sau khi tổ công tác của Ủy ban nhân dân quận kiểm tra cách tính để xác định mức đơn giá mới, nhận thấy sai sót, cần phải điều chỉnh lại.

Trên cơ sở hướng dẫn của các phòng chuyên môn, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám đã xác định lại đơn giá tiết tăng cường là 49.100 đồng/tiết”.

Kết luận của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình thiếu thuyết phục, nhiều giáo viên khẳng định sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn để làm rõ, trả lời thỏa đáng. Ảnh: V.P
Kết luận của Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình thiếu thuyết phục, nhiều giáo viên khẳng định sẽ tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn để làm rõ, trả lời thỏa đáng. Ảnh: V.P

Nội dung thứ 4 của kết luận số 1300 cũng nêu về việc sắp xếp giáo viên thể dục Dương Thị Ngọc Hương kiêm nhiệm làm công tác thủ quỹ.

Đây cũng là nội dung giáo viên phản ánh nhà trường gây bất công, giáo viên không đứng lớp nhưng vẫn được hưởng phụ cấp như giáo viên đứng lớp.

Theo kết luận: "Tháng 4/2010, nhà trường phân công giáo viên Dương Thị Ngọc Hương là giáo viên biên chế thể dục, mới hết chế độ nghỉ thai sản, kiêm nhiệm công tác thủ quỹ từ năm học 2010-2011 đến nay.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2010-2011 đến năm học 2013-2014, nhà trường chưa bố trí công tác giảng dạy trực tiếp cho giáo viên Dương Thị Ngọc Hương;

Từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường đã bố trí thời khóa biểu cho đồng chí Hương đảm nhiệm dạy 1-6 tiết/tuần. Giáo viên Dương Thị Ngọc Hương được hưởng phụ cấp 35% như đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Việc giáo viên Dương Thị Ngọc Hương không tham gia trực tiếp giảng dạy mà chỉ tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường (giai đoạn từ năm học 2010-2011 đến năm học 2013-2014) là chưa đủ điều kiện được hưởng phụ cấp 35% theo quy định”.

Kết luận không nêu được trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường là bà Bùi Thị Kim Thúy về việc cho giáo viên không đứng lớp hưởng phụ cấp như giáo viên đứng lớp. Hơn nữa, số tiền thủ quỹ không đứng lớp mà nhận ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ai, số tiền này sẽ trả cho ai, kết luận cũng chưa làm rõ. 

Bảng thu nhập thêm từ tháng hè năm học 2017-2018 gây bức xúc cho giáo viên đứng lớp vì ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán (khoanh đỏ) nhận từ 24-26 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Bảng thu nhập thêm từ tháng hè năm học 2017-2018 gây bức xúc cho giáo viên đứng lớp vì ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán (khoanh đỏ) nhận từ 24-26 triệu đồng. Ảnh: NVCC. 

Một nội dung nữa là Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám tổ chức hoạt động hè năm học 2017 – 2018. Nhiều giáo viên phản ánh nhà trường tổ chức các câu lạc bộ hè để phụ huynh tham gia tự nguyện, nhưng thực chất học sinh vẫn đi học như bình thường.

Đáng nói, bảng thu nhập thêm của riêng tháng hè này khiến giáo viên bức xúc và bất bình đó là ban giám hiệu, thủ quỹ, kế toán có mức thu nhập từ 24-26 triệu đồng. Trong khi đó giáo viên đứng lớp chỉ được một phần rất nhỏ so với họ.

Nội dung kết luận cho rằng: “Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám đã xây dụng Kế hoạch số 98/KH-THHHT ngày 25/7/2018 tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2017.

Việc tham gia học hè trên cơ sở tự nguyện, mỗi học sinh đều có phiếu do cha mẹ đăng kí cho con tham gia hoạt động hè. Giữa nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh có biên bản thỏa thuận về thu chi hè năm 2017.

Qua kiểm  tra kết quả thu chi cho thấy nhà  tường đã thực hiện việc chi theo đúng tỷ lệ đã thỏa thuận: chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy 71,6% , chi cho công tác quản lý 14,8%, còn lại chi các  nội dung khác.

Như vậy, việc nhà trường tổ chức ôn tập văn hóa dựa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận”.

Kết luận số 1300 đã chỉ rõ mức đơn giá tính dạy tăng cường lại là 49.100 đồng/tiết, nhưng nhiều năm liền trước đó giáo viên chỉ nhận 34.000 đồng. Tuy nhiên, kết luận không chỉ ra số tiền chênh lệch nhiều năm liền đang ở đâu, dùng vào mục đích gì hay rơi vào túi ai. Ảnh: NVCC.
Kết luận số 1300 đã chỉ rõ mức đơn giá tính dạy tăng cường lại là 49.100 đồng/tiết, nhưng nhiều năm liền trước đó giáo viên chỉ nhận 34.000 đồng. Tuy nhiên, kết luận không chỉ ra số tiền chênh lệch nhiều năm liền đang ở đâu, dùng vào mục đích gì hay rơi vào túi ai. Ảnh: NVCC. 

Xin nhắc lại, nội dung giáo viên phản ánh và tài liệu phóng viên có được không phải là phụ huynh có tự nguyện cho con em tham gia hay không mà vấn đề nhà trường đi ngược lại chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc thành lập câu lạc bộ hè. 

Các văn bản của Sở chỉ rõ, thành lập câu lạc bộ hè để học sinh có sân chơi bổ ích, nhưng ban giám hiệu nhà trường lại chỉ nhăm nhăm vào tổ chức dạy văn hóa nhằm kiếm lợi, thu tiền. Qua bảng thu nhập hè tháng 8 năm học 2017-2018 sẽ thấy rõ tiền chảy vào túi ai. 

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên (đề nghị không nêu tên) bày tỏ sự thất vọng về kết luận số 1300 của Ủy ban nhân dân quận vừa công bố: “Kết luận của Đoàn thanh tra quận Ba đình thiếu thuyết phục và có dấu hiệu bao che cho sai phạm.

Đơn giá dạy tăng cường 2 buổi/ngày mà Thanh tra chỉ ra giai đoạn 2012-2013 đến nay cùng một đơn giá 34.000 đồng đã thấy không thuyết phục. Bởi hàng năm số học sinh luôn biến động nên không thể có cùng một mức đơn giá.

Hơn nữa, việc sắp xếp giáo viên thể dục là cô Dương Thị Ngọc Hương làm công  tác thủ quỹ và đưa cô Hương vào danh sách giá giáo viên được hưởng phụ cấp 35% đứng lớp là trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường, nhưng không được thanh tra chỉ rõ.

Về việc học sinh tham gia câu lạc bộ hè là tự nguyện, nhưng không phải là các câu lạc bộ hoạt động hè đúng nghĩa mà nhà trường tổ chức học văn hóa trá hình cho các con.

Đáng nói, tài chính tháng học hè năm 2017-2018 không được công khai, khi giáo viên phát hiện bảng thu nhập tháng hè này mới biết, thu nhập của ban giám hiệu, kế toán, thủ quỹ từ 24-26 triệu đồng. Bảng thu nhập này là quá bất công và nhập nhèm”.

Một giáo viên khác nhấn mạnh: “Kết luận của quận không thuyết phục được giáo viên, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại và gửi đơn đến cơ quan cấp cao hơn để làm rõ”.

Vũ Phương