Thầy cô khốn khổ vì...minh chứng!

03/04/2018 07:08
Mai Hoa
(GDVN) - Những minh chứng này có nhất thiết cuối năm nhà trường lại buộc giáo viên “phải photocopy tất cả những sổ sách này để minh chứng cho việc đánh giá hay không?

LTS: Trước việc yêu cầu đưa ra minh chứng cho tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, cô giáo Mai Hoa thẳng thắn cho rằng, việc làm này vô cùng rập khuôn, cứng nhắc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cứ vào mỗi dịp cuối năm, giáo viên lại muốn “tẩu hỏa nhập ma” vì biết bao công việc không tên về các loại hồ sơ đánh giá.

Một trong những việc hành giáo viên khốn khổ nhất là buộc các thầy cô phải đưa ra minh chứng cho những tiêu chí đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên của mình.

Giáo viên vất vả với minh chứng đánh giá (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Giáo viên vất vả với minh chứng đánh giá (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Một số yêu cầu khi đánh giá nhận xét giáo viên

Trong phiếu đánh giá giáo viên bậc trung học cơ sở gồm có 6 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn lại có rất nhiều tiêu chí, đi kèm với các tiêu chí này là các nguồn minh chứng.

Giáo viên tự đánh giá theo từng mức điểm và phải có minh chứng đi kèm.

Ở bậc tiểu học, giáo viên cũng được đánh giá ở 3 lĩnh vực chính như: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Kiến thức và Kĩ năng sư phạm.

Từng lĩnh vực cũng có những tiêu chí nhỏ và yêu cầu khi đánh giá cũng kèm theo minh chứng (nếu có).

Chẳng hạn, theo công văn Số: 616/BGDĐT-NGCBQLGD V/v hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên tiểu học theo Quyết định số14/2007/QĐ-BGDĐT thì việc đánh giá phải đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ.

Phải dựa vào các kết quả đạt được thông qua các minh chứng phù hợp với các lĩnh vực, yêu cầu, tiêu chí của Chuẩn.

Thầy cô khốn khổ vì...minh chứng! ảnh 2Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Minh chứng được hiểu là các dấu hiệu có thể nhận biết, quan sát được, phản ảnh nhận thức hay hoạt động giáo dục cụ thể mà giáo viên đã thực hiện để đạt mức điểm cụ thể của tiêu chí trong các yêu cầu của Chuẩn.

Minh chứng giúp lượng hóa mức độ đạt được của mỗi tiêu chí nhưng khi xem xét cụ thể có thể kết hợp đánh giá định lượng với đánh giá định tính.

Mặt khác, cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, thực tế của lớp, trường và địa phương để có thể xác định các minh chứng phù hợp.

Hiểu, vận dụng máy móc và làm khổ giáo viên

Các nguồn minh chứng được quy định gồm: kết quả tự đánh giá, hồ sơ giảng dạy (giáo án, sổ chủ nhiệm, sổ ghi kế hoạch công tác, ghi chép công việc và bồi dưỡng, các tư liệu về giảng dạy, sổ theo dõi kết quả học tập của học sinh, sổ liên lạc với gia đình học sinh), kết quả đánh giá tiết dạy, sự đánh giá của hiệu trưởng, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và kết quả phỏng vấn…

Với sự quy định về nguồn minh chứng như thế, giáo viên nào cũng có đầy đủ. Bởi chuyện hồ sơ sổ sách luôn được kiểm tra định kì 2 tuần/lần ở cấp tổ, một học kì/lần ở cấp trường, chưa nói còn vài lần kiểm tra theo chuyên đề của trường…

Rồi kết quả đánh giá tiết dạy, sổ liên lạc, kết quả học tập của học sinh giáo viên cũng được kiểm tra thường xuyên và ghi trong các biên bản kiểm tra nội bộ lưu trong hồ sơ của nhà trường.

Đây chính là các minh chứng, vậy những minh chứng này có nhất thiết cuối năm nhà trường lại buộc giáo viên “phải photocopy tất cả những sổ sách này để minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên hay không?”.

Thế mà, theo phản ánh của một số đồng nghiệp ở khá nhiều địa trong cả nước giáo viên phải photo tất cả những hồ sơ ấy để kẹp vào làm minh chứng.

Một việc làm vừa lãng phí thời gian, lãng phí công sức và tiêu tốn một lượng giấy tờ, tiền bạc không nhỏ cho việc photo.

Thầy cô khốn khổ vì...minh chứng! ảnh 3Giáo viên vào mùa copy

Riêng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống minh chứng chính là việc giáo viên không vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong năm học.

Còn như yêu cầu cụ thể liệt kê minh chứng đã có giống như lĩnh vực kiến thức chẳng phải đang làm khó giáo viên hay sao?

Chưa nói đến việc quy định khi đánh giá chuẩn giáo viên trong phiếu đánh giá cũng đã ghi rõ “minh chứng nếu có” chứ ai bắt buộc rằng “phải có” đâu?

Công văn cũng hướng dẫn cụ thể khi thu thập minh chứng “…cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, thực tế của lớp, trường và địa phương để có thể xác định các minh chứng phù hợp”.

Đọc công văn chưa hiểu, vận dụng một cách cứng nhắc thiếu linh hoạt dẫn đến làm việc rập khuôn tạo nên nhiều áp lực và gánh nặng cho giáo viên là một trong những căn bệnh mà không ít nhà quản lý giáo dục địa phương đang mắc phải.

Muốn công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thành công thì trước hết cần đổi mới cách nghĩ, cách làm của một số cán bộ giáo dục như thế.

Mai Hoa