LTS: Dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để lấy ý kiến dư luận.
Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Cao nhận thấy dự thảo này đang có sự chồng chéo với một số văn bản về đánh giá giáo viên hiện hành.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông đang nhận được sự quan tâm của các thầy cô giáo trong cả nước.
Bởi những yêu cầu trong dự thảo của bộ chuẩn không chỉ có một vài tiêu chí quá cao, không sát với thực tế mà một số tiêu chí lại chung chung, mơ hồ, chồng lấn từ các văn bản trước đây.
Vô tình, chỉ một nội dung đánh giá mà bắt giáo viên phải làm mấy lần trong năm học và đôi khi bắt buộc giáo viên phải gian dối vì không thể tìm đâu ra nguồn minh chứng khi đánh giá mình.
Hơn nữa, mỗi năm học đi qua, giáo viên phổ thông đã có quá nhiều các công cụ để đánh giá, xếp loại thiết thực hơn so với Dự thảo chuẩn giáo viên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Dự thảo Chuẩn giáo viên phổ thông đang chồng chéo với các văn bản đã ban hành. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Hiện nay, để đánh giá, xếp loại giáo viên sau mỗi năm học thì có rất nhiều loại văn bản hướng dẫn khác nhau, nhiều khi chồng chéo.
Chẳng hạn xếp loại viên chức theo Nghị định 56 Chính phủ (năm nay sửa đổi bằng Nghị định 88 Chính phủ);
Đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đánh giá đảng viên cuối năm (nếu là đảng viên);
Xếp loại tay nghề giáo viên qua 3 phiếu dự giờ của tổ trưởng, ban giám hiệu; Giáo viên phải thao giảng 2 tiết theo quy định của Bộ;
Kiểm tra các chuyên đề hàng năm; Hiệu quả đào tạo của giáo viên trong năm học…
Trong khi, theo chúng tôi chỉ cần mình đánh giá viên chức theo Nghị định 56 của chính phủ đã bao hàm tất cả.
Bởi có cả về đạo đức, phẩm chất chính trị, hiệu quả công việc…
Vì thế, thêm rất nhiều thứ để làm gì khi mà nó chồng lấn lên nhau?
Từ năm 2009 đến nay, ngành giáo dục đang thực hiện xét chuẩn giáo viên theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục rất mất thời gian và thực tế chẳng có tác dụng gì.
Bởi giáo viên tự xếp loại, lên đến tổ chuyên môn và cuối cùng là ban giám hiệu.
Nhưng, thực tế phần nhiều các tiêu chuẩn, tiêu chí trong việc đánh giá chuẩn giáo viên làm gì có nguồn minh chứng.
Nó chung chung, mơ hồ nên đa phần giáo viên xếp ở mức 2 là loại “khá” cho an toàn.
Bởi mức 1 là “xuất sắc” lại phải tìm nguồn minh chứng mà tìm ở đâu?
Ví dụ như phẩm chất đạo đức, chấp hành chủ trương của đảng nhà nước, quy định ngành, ứng xử với đồng nghiệp, học sinh…thì có cái gì để minh chứng đâu.
Vậy nên, giáo viên người ta cứ làm một bản cố định rồi lưu lại nộp năm này sang năm khác và chỉ việc chỉnh sửa lại tháng, năm là nộp ban giám hiệu lưu hàng năm, chẳng có một tác dụng gì và cũng chẳng có ai đoái hoài đến nó.
Bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục công bố dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông.
Nhìn vào các tiêu chuẩn, tiêu chí trong dự thảo chúng tôi vẫn nhận thấy rất chung chung và có phần không thiết thực.
Hơn nữa, trong 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí thì chúng tôi nhận thấy đã có tới 13 tiêu chí được chồng lấn trong Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành điều lệ trường Trung học cơ sở, trường phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học.
Từ năm 2020 chuẩn giáo viên phải đạt trình độ Đại học, vậy Cao đẳng dạy ai? |
Trong Điều 25 Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn viên chức được xếp ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì đạt được các yêu cầu sau:
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, hoàn thành 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, vượt tiến độ, có chất lượng, hiệu quả; nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
b) Hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất;
c) Thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp, điều lệ, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc;
d) Thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của viên chức, có thái độ lịch sự, tôn trọng trong phục vụ, giao tiếp với nhân dân; có tinh thần đoàn kết, hợp tác hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
đ) Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận
Các mức còn lại không cần phải đạt được điểm đ (Nghị định 88 Chính phủ sửa đổi).
Một giáo viên phổ thông phải có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí |
Trong Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT Ban hành điều lệ trường Trung học cơ sở, trường phổ thông và Trường phổ thông có nhiều cấp học thì tại Điều 31 quy định nhiệm vụ giáo viên như sau:
1. Giáo viên bộ môn có những nhiệm vụ sau đây:
a) Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;
b) Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương;
c) Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh;
d) Thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục;
đ) Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh;
e) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, gia đình học sinh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong dạy học và giáo dục học sinh;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Giáo viên chủ nhiệm, ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 của Điều này, còn có những nhiệm vụ sau đây:
a) Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh;
b) Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng;
c) Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;
d) Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh;
đ) Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.
Như vậy, nhìn vào Dự thảo Chuẩn giáo viên phổ thông vừa được Bộ công bố, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy là nó đã có từ các văn bản trước đây và các văn bản này đang còn hiệu lực, đang được đánh giá, xếp loại cho giáo viên hàng năm.
Từ Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ Giáo dục mà chúng tôi đã dẫn ở trên thì chỉ còn lại 2 tiêu chí trong tiêu chuẩn 2 của dự thảo chuẩn giáo viên phổ thông là:
Tiêu chí 4. Năng lực sử dụng ngoại ngữ: Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.
Tiêu chí 5. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.
Đọc 2 tiêu chí này, chúng tôi lại thấy trong Thông tư Số 20/2017/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Như vậy, việc công bố Dự thảo chuẩn giáo viên chẳng có gì…mới so với các văn bản đã công bố và đang thực hiện.
Nhưng, khi Dự thảo chuẩn giáo viên được ban hành chính thức thì giáo viên lại thêm một lần đánh giá nữa.
Theo chúng tôi, việc ban hành bộ chuẩn cho giáo viên cũng là điều cần thiết để đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm.
Nhưng, nội dung bộ chuẩn đánh giá phải thống nhất với các văn bản đang thực hiện.
Việc đánh giá giáo viên hàng năm là cần thiết nhưng nhiều loại văn bản cùng đánh giá hoạt động công tác của một giáo viên liệu có cần thiết không?
Chỉ khiến giáo viên phải nhiều lần làm, tổ chuyên môn, ban giám hiệu thêm nhiều lần họp mà cũng chừng ấy vấn đề thì quy định thêm nhiều loại giấy tờ để làm gì?
Nhất là khi đánh giá chuẩn giáo viên phải thêm phần minh chứng.
Nhưng, lấy gì làm minh chứng cho phần lớn những tiêu chí mà Bộ quy định rất mơ hồ, trừ tượng.
Vì thế, Dự thảo chuẩn giáo viên vẫn đang rất xa so với thực tiễn hoạt động của giáo viên phổ thông và vô tình lại tăng thêm gánh nặng sổ sách mà lại chẳng có tác dụng gì.