LTS: Là một giáo viên đang giảng dạy tại bậc tiểu học, tác giả Phan Tuyết đã có khá nhiều băn khoăn xung quanh chương trình “Hoạt động trải nghiệm” mà Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình vừa nêu ra.
Theo đó, trong bài viết này, tác giả Phan Tuyết đã đưa ra 3 vấn đề cần được giải đáp.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình “Hoạt động trải nghiệm” đã có buổi trả lời phóng viên Báo Vietnamnet về chương trình hoạt động trải nghiệm sắp tới.
Theo đó, sẽ có 4 nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm (gồm nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân; nhóm hoạt động lao động, nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; nhóm hoạt động giáo dục hướng nghiệp).
4 nhóm nội dung này sẽ được triển khai thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động trải nghiệm trong nhà trường.
Hoạt động trải nghiệm ở chương trình phổ thông mới được dạy thế nào? Ảnh minh họa: Thanh Hùng. |
Những loại hình này chúng ta sẽ khá quen thuộc bởi trong chương trình hiện hành cũng có (thứ nhất là sinh hoạt dưới cờ, thứ hai là sinh hoạt lớp, thứ ba là hoạt động giáo dục theo chủ đề và thứ tư là hoạt động những câu lạc bộ).
Sẽ có 4 nhóm tổ chức hoạt động:
Thứ nhất là những hình thức nhóm mang tính cống hiến (gồm các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, vì cộng đồng,…).
Thứ hai là hoạt động có tính khám phá như những chuyến đi thực địa, tham quan, dã ngoại,…
Thứ ba là hoạt động mang tính thể nghiệm, trẻ được trải nghiệm và thể nghiệm mình luôn qua các hoạt động giao lưu, đóng kịch, sân khấu hóa,…
Thứ tư là những hoạt động có tính nghiên cứu và phân hóa, như những dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học rồi các hoạt động câu lạc bộ có tính định hướng, tính phân hóa,…
Tổng chủ biên chương trình yêu cầu các nhà trường nên tổ chức đầy đủ các đại diện của 4 nhóm này.
Tất nhiên trong 1 nhóm có nhiều hình thức và chúng ta không thể sử dụng tất cả các hình thức nhưng nên dùng đầy đủ 4 nhóm tổ chức hoạt động và trong nhóm có thể tổ chức 1-2 loại hình thức hoạt động. Như vậy để học sinh được hưởng đầy đủ ưu thế của từng nhóm tổ chức hoạt động mang lại.
Thông qua chương trình trên, chúng tôi có khá nhiều thắc mắc xung quanh chương trình tổng thể của hoạt động này.
Dự thảo mới quy định trải nghiệm sáng tạo là hoạt động bắt buộc |
Thứ nhất, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa khẳng định hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục được thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Đã không phải là môn học thì bố trí giảng dạy thế nào? Đánh giá nhận xét ra sao? Giáo viên nào đảm nhận việc giảng dạy những hoạt động như thế?
Thứ hai, toàn bộ nội dung của “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” vừa được Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa công bố chẳng khác gì với những hoạt động mà các trường tiểu học trong cả nước hiện đang triển khai.
Không có điểm gì mới kể cả về nội dung và cách thực hiện, vậy có nhất thiết phải thêm cụm từ “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” hay không?
Hiện nay, các trường học vẫn đang tổ chức triển khai hoạt động này dưới nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt trong lớp, sinh hoạt giao lưu trong công tác đội, hoạt động lao động công ích, tổ chức tham quan di tích lịch sử, thăm viếng nghĩa trang...
Vì không phải là môn học bắt buộc nên mỗi trường có cách lồng ghép, cách dạy tích hợp khác nhau mà không ảnh hưởng đến thời lượng chương trình.
Thứ ba, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa chương trình “Hoạt động trải nghiệm” mang tính mở và chương trình mà Bộ đưa ra chỉ quyết định đến những mục tiêu, yêu cầu cần đạt.
Chúng tôi có đưa ra những gợi ý về nội dung nhưng cụ thể và chi tiết của từng nội dung thì hoàn toàn do các nhà trường, địa phương tự xây dựng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ quản lý về mục tiêu, còn chọn bộ tài liệu nào thì do nhà trường quyết định và chương trình là khá mở.
Nội dung giảng dạy không mới so với những gì các trường đang dạy. Vậy có cần Bộ quyết định đến những mục tiêu cần đạt (còn nội dung để các trường toàn quyền lựa chọn) hay không?