LTS: Năm 2017, những thế hệ học trò 9X (sinh từ năm 1990 đến năm 1999) cuối cùng đã chia tay ngôi nhà phổ thông, trưởng thành và bước vào giai đoạn mới của đời người. Tương lai của một thế hệ trẻ sẽ ra sao thật sự làm chúng ta phải băn khoăn suy nghĩ?
Trước vấn đề đó, tác giả Nguyễn Văn Lự đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình nhằm phác họa lên chân dung của những bạn trẻ thuộc thế hệ 9X hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tuổi thơ bình yên, no đủ và hạnh phúc
Lứa học sinh đầu tiên sinh năm Canh Ngọ (1990), các em được sinh ra và lớn lên khi nước ta đã bước qua thời kì bao cấp, mở ra cánh cửa hội nhập với thế giới và kinh tế thị trường, tư nhân sơ khai làm cho hàng hóa, nhu yếu phẩm, điều kiện sống cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam.
Chiến tranh lùi xa, đất nước thay da đổi thịt hàng ngày. Cuộc sống bắt đầu được cải thiện, các em được ăn no, mặc ấm, dần dần khám phá và chiếm lĩnh thành tựu khoa học, văn minh con người như: tivi, ô tô xe máy, đồ điện tử, internet…
Đến nay, những cô cậu Kỷ Mão (1999) cũng đã khôn lớn nhanh chóng. Kết thúc tuổi thơ, các em (trừ vùng khó khăn và miền núi) được hưởng niềm vui hạnh phúc, được chăm sóc cẩn thận, được học tập và phát triển khá tốt trong tình hình đất nước thanh bình và ưu việt. Nhà nước, gia đình và nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em phát triển toàn diện, trở thành những công dân 9X hiện đại và ưu tú.
10 lời khuyên của giáo sư John Vũ dành cho người muốn khởi nghiệp |
Tuổi thơ học tập dữ dội
Khó chọn được từ vựng nào khác để bao quát được 12 năm, thế hệ 9X được học và rèn luyện, tu dưỡng trong nhà trường phổ thông.
Dữ dội từ ngày đầu tiên, khi đến trường lớp thì thiếu đồ dùng, học sinh chen chúc trong không gian chật hẹp, sơ sài, cũ kỹ.
Sau khủng hoảng giải thể trường lớp mấy năm trước vì không có học sinh, những năm 1990, người ta phải tuyển lại giáo viên, phải tăng ca, tăng số lượng lớp học.... Thiếu thốn đủ thứ, tạm bợ chắp vá, cải tiến thay đổi liên tục nhưng tuổi thơ các em năm nào thành tích cũng dán đầy nhà giấy khen.
Khi trường lớp được xây mới, thiết bị được trang cấp phát bằng trái phiếu vài nghìn tỉ, máy móc kỹ thuật, đồ nghiệm hiện đại… nhưng do nhiều nguyên nhân, chúng bị nằm đắp chiếu chờ thanh lý.
Các trò 9X chao đảo trong cải cách giáo dục nhanh và sâu rộng; các chương trình tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng qua vô số cuộc thi. Nhiều lứa học trò vô tình được thành “chuột bạch” thí nghiệm cho một tư duy mới về giáo dục.
Viết chữ kiểu mới, mô hình trường kiểu mới, kiểu thi mới, chương trình mới, sách cơ bản, sách nâng cao…Mỗi người một ý tưởng, chục năm qua, học trò 9X như chiến sĩ nhỏ trong những trận đánh lớn, dự án lớn vài nghìn tỉ Việt Nam đồng. Bằng mọi cách (thật và gian dối), mọi thứ có trong tay (sách, tài liệu, dụng cụ…) xông lên giành hết thành tích này, thành tích khác và kết thúc mĩ mãn, gần 100% và 100%.
Thế hệ 9X cuối cùng 1999. (Ảnh: Văn Lự) |
Dữ dội trong việc học tập: học chính khóa, học thêm, học ở trường, học ở nhà thầy, học ban ngày ban tối, học cả thứ bảy, chủ nhật; học đến mức không đủ sức để học, không còn thời gian để chơi!
Thế hệ 9X, sau cải cách giáo dục năm 1996 và 2006, chương trình giáo dục thêm vào nào là kiến thức giao thông, quốc phòng, luật pháp, tin học, văn học, toán học, ngoại ngữ, ngoại khóa, giáo dục địa phương…
Nhiều tri thức cao siêu của trình độ đại học, nghiên cứu sinh cũng trang bị cho học trò phổ thông đến khi học đại học vào lao động, sinh sống chẳng biết dùng để làm gì, chẳng vận dụng được gì như :công nghệ gen, tích phân, lượng giác, hóa hữu cơ, hạt nhân nguyên tử, thiên văn, văn học cổ điển, ngoại ngữ…Trong khi những kỹ năng thiết thực lại bị xem nhẹ hoặc lướt bỏ qua.
Lời khuyên của Giáo sư John Vũ dành cho sinh viên trước khi học đại học |
Dữ dội còn thể hiện trong các cuộc thi quanh năm suốt tháng. Mười hai năm học, các sĩ tử 9X được nhà trường, thầy cô, gia đình luôn thống nhất cao về suy nghĩ và hành động, tạo cho trò tâm lý, bản lĩnh sẵn sàng thi và thi phải có thành tích.
Tự bao giờ, học trò 9X đã được đào tạo để trở thành thợ săn giải các cuộc thi: cấp mầm non, cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông. Có nhiều em đi học chỉ cốt để dự các cuộc thi, cấp trường, liên trường, cấp phòng, cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế (nhiều cuộc đã được bỏ từ năm 2017).
Trường chuyên, lớp chọn, trường chất lượng cao thực chất không đem lại nhiều tri thức, kỹ năng sống và phát triển đối với một con người trẻ tuổi. Chỉ học một môn, bỏ qua môn khác cùng thời gian cho việc ôn luyện để đi thi có thể làm cho phòng truyền thống nhà trường và danh tiếng cá nhân ai đó thêm rực sáng nhưng học trò lại mất nhiều thứ không ai bù đắp được.
Không thầy cô nào và cũng không có thời gian nào dành cho việc dạy bù, học bù tiết học, bài học khi nghỉ để ôn thi và đi thi! Tốn kém tiền của, thời gian và công sức để trở thành bức chân dung học trò 9X: tiểu học hăng say, trung học cơ sở mạnh mẽ đến trung học phổ thông thì bơ phờ và đại học thì hưởng thụ.
Năng động và hiện đại thế hệ 9x. (Ảnh: Văn Lự) |
Dữ dội nữa của thế hệ học sinh 9X chính là mục tiêu học tập. Đại học chính là giấc mơ tươi sáng được cài vào bộ não các em. Từ rất nhỏ, các em đã mơ thành sinh viên cùng với cơ chế chính sách tuyển dụng bắt buộc phải có bằng đại học.
Hệ thống chính trị vào cuộc, nhà trường tích cực tuyên truyền, thực hiện đã tạo nên ma lực ghê gớm cuốn các trò thi và học đại học, cao đẳng. Bong bóng đại học, mỗi tỉnh vài trường, mỗi trường hàng nghìn sinh viên, hàng chục nghề trái tay đã và tiếp tục vỡ. Thất nghiệp, chất lượng đào tạo ảo đã làm cho thế hệ 9X tỉnh giấc vàng mộng.
Năm học 2016 - 2017 chỉ khoảng trên dưới 70% trong tổng số học sinh dự thi xét tuyển đại học cho thấy: những thế hệ 9X cuối cùng, đã ngẫm và hiểu học dữ dội thế, thi dữ dội thế, nếu không tự thân nỗ lực trau dồi, học hỏi từ cuộc sống, từ những người xung quanh thì bản thân họ sẽ không thể tồn tại và tìm được hạnh phúc ấm no.
Tương lai mở rộng
Lớp trẻ 9X có nhiều cơ hội lập thân, lập nghiệp khi đất nước bước vào thời kì hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng và toàn diện. Thách thức lớn nhất là cơ chế, chính sách đã được Đảng và Nhà nước từng bước cải cách và tiếp tục tháo gỡ. Thế hệ 9X không còn lệ thuộc vào đồng lương ít ỏi của biên chế nhà nước mà họ đã tự do và can đảm dấn thân vào làm thuê ở các doanh nghiệp, hoặc tạo dựng nghề riêng cho cuộc sống của mình.
Thế hệ đầu, Canh Ngọ (1990) tương lai với họ đang rộng mở với nhiều cơ hội kiếm sống, nhiều ngành nghề và điều kiện thuận lợi phát huy năng lực và tài trí. Phần đông họ đã trụ vững, dần ổn định, phát triển và tự lập kiếm sống đàng hoàng, chững chạc bươn chải đường đời.
Phẩm chất, năng lực gì giúp sinh viên không thất nghiệp thời toàn cầu hóa |
Những tác động tiêu cực của đời sống, xã hội hiện nay có thể làm cho họ chưa thể hoàn thiện về tâm sinh lý, nhân cách, tri thức và kỹ năng sống.
Bất cứ nền giáo dục nào, công nghệ kỹ thuật nào, dù hiện đại và ưu việt đến đâu, cũng không thể tránh được những sản phẩm lỗi. Tương lai, hạnh phúc của xã hội sẽ tuyệt vời hơn khi nền giáo dục quốc gia ổn định và tiên tiến.
Những thế hệ 9X lớn lên trong giai đoạn đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế. Họ hầu như không có hồi ức về thời bao cấp nên không bị cuốn theo lối tư duy trì trệ, bảo thủ, một chiều.
Tư duy của họ khá năng động và sáng tạo. Họ lớn lên cùng với sự phát triển của kinh tế, công nghệ thông tin và nhiều sự kiện mở rộng Việt Nam ra với thế giới. Họ là thế hệ tiến bộ, nổi loạn và tự tin hơn thế hệ 8X trước đó.
Họ sẵn sàng theo đuổi những gì mình muốn; họ sử dụng tốt ngoại ngữ và công nghệ, đặc biệt là Internet một phần quan trọng của cuộc sống. Họ sẵn sàng quay lưng với những phong tục truyền thống sẵn có, bỏ qua giá trị của thế hệ lớn hơn như: nghe nhạc Tây, theo phong cách sống và thời trang nước ngoài...
Vì những điều trên, họ được gọi là những người có tố chất công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng và rất được dư luận xã hội chú ý trong cách ứng xử. Có thể nói, họ trở thành nguồn lực trí tuệ dồi dào và năng động đầu tiên của nền giáo dục Cách mạng từ sau 1945. Họ có khả năng làm vẻ vang đất nước như mong ước của Bác Hồ.
Thế hệ 9X (1998) Trường trung học phổ thông Vĩnh Yên. ( Ảnh: Văn Lự) |
Thế hệ 10X (sinh từ năm 2000 - 2009) sẽ năng động hơn về nhiều mặt tố chất, trí tuệ, hiểu biết đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho những người làm giáo dục và người quản lý nhà nước. Sự thay đổi từng ngày trong giáo dục hôm nay, cần làm quyết liệt và hiệu quả hơn, có thể sẽ xóa đi những dữ dội, áp lực không đáng có về học tập và điều kiện sống cho thế hệ 10X.
Tạm biệt thế hệ 9X, chúng ta đặt niềm tin và sẽ tiếp tục giúp đỡ họ vượt lên thử thách, khó khăn để mưu cầu hạnh phúc, làm chủ bản thân và lập nghiệp vững vàng, góp sức kiến tạo cuộc đời, bảo vệ tổ quốc.
Chúc các học trò 9X thành công!