Trăm kiểu phao thi, khi nào mới thôi nhức nhối?

09/06/2016 07:12
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Cứ mỗi mùa thi, thực trạng quay cóp, đem tài liệu vào phòng thi vẫn còn đó những phức tạp, nhức nhối.

LTS: Tháng 6 – tháng của bao nỗi niềm, xúc cảm của mùa chia tay, cũng là tháng của những căng thẳng và bối rối của những kì thi lớn nhỏ. Đáng buồn là, kỳ thi nào thì “phao” thi cũng là một “vấn nạn” khó có thể dẹp bỏ.

Hôm nay, trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc bày tỏ quan điểm của mình về vấn nạn này. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Câu hỏi: Tài liệu hay còn gọi theo cách mới  là “phao” thi có tự bao giờ?

Có lẽ, từ lâu lắm rồi, không riêng gì giáo dục Việt Nam. 

Kể từ khi có thi cử, kiểm tra là nảy sinh chuyện gian lận quay cóp, “phao” thi. Mỗi giai đoạn, thời kỳ hình thức, tính chất và mức độ sử dụng “phao” thi cũng khác nhau. 

Đến khi nào thôi nhức nhối nạn “phao” thi? (Ảnh: news.zing.vn)
Đến khi nào thôi nhức nhối nạn “phao” thi? (Ảnh: news.zing.vn)

Cứ đến  mùa thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia thì hiện tượng một số học sinh thay vì dành thời gian cho việc học tập, ôn luyện, bắt đầu có suy nghĩ tìm cách đối phó để vượt qua mùa thi bằng cách đem "phao".
 
Thời trước, khi chưa có máy photocopy thì chép ra giấy, chữ to, chữ nhỏ đủ kiểu. 

Bây giờ công nghệ và các dịch vụ photo phát triển, học sinh dễ dàng mua "phao", in phao để đem vào phòng thi. 

Thời điểm này, chúng ta không khó gặp các cô, cậu học trò thậm chí có cả phụ huynh đến các tiệm “dịch vụ” photo hoặc mua “phao” đã có sẵn, ở nhiều nơi từ khu vực thành thị tới nông thôn, miền núi. 

Trăm kiểu phao thi, khi nào mới thôi nhức nhối? ảnh 2

"Giữ điểm thi, tôi không hình dung được tư duy của Bộ giáo dục ở việc này"

(GDVN) - Đó là quan điểm của ông Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi biết thông tin Bộ GD&ĐT không công bố dữ liệu điểm thô.

“Phao” thi thì đủ kích cỡ, kiểu chữ, hình dạng, song hiện nay, các em thường chuộng kiểu phao thi gấp dưới dạng cỡ giấy và cỡ chữ siêu nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay… 

Việc sử dụng và xem được những “phao” thi không hề dễ dàng trong hoàn cảnh trường thi, khi có giám thị, nhiều đối tượng khác giám sát, nó đòi hỏi phải có một quá trình làm quen, tập sử dụng, song có em vẫn cho rằng thà mất thời gian để rèn luyện cách xem "phao" còn hơn là học bài, ôn luyện để có kiến thức.

Sử dụng “phao” thi, tài liệu là điều cấm kỵ, phạm vào quy chế thi. Trong thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp thí sinh cố tình đem và sử dụng tài liệu trong phòng thi bị giám thị, hội đồng coi thi…phát hiện, lập biên bản, đình chỉ thi

Có nhiều trường hợp học sinh rất nuối tiếc, ân hận vì việc làm sai trái của mình dẫn đến bị cấm thi các môn thi tiếp theo, bị trượt tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT quốc gia, bản thân bị tai tiếng, phụ huynh thất vọng, buồn bã… 

Thế mà cái “nạn” một số thí sinh  đối phó với thi cử bằng “phao” vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. 

Nhiều năm qua, nhiều hội đồng coi thi vẫn nhan nhản, ngập đầy “phao” ở các phòng học, sân trường sau mỗi buổi thi kết thúc. 

Nó trở thành nỗi lo, nỗi bức xúc của dư luận xã hội, đặc biệt những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, mong muốn thi cử nghiêm túc, công bằng. 

Trăm kiểu phao thi, khi nào mới thôi nhức nhối? ảnh 3

Thanh Hóa: “Phao thi” vứt tung tóe trước cổng trường

(GDVN) - Hàng loạt “phao thi” được thí sinh vứt tung tóe trước cổng trường tại một số hội đồng thi trong buổi thi môn ngữ văn sáng 2/6.

Không biết bao nhiêu phần trăm “phao” thi được các thí sinh đem vào phòng thi và đã sử dụng được, nhưng thực trạng in, mua “phao” thì ngày càng diễn ra tràn lan, khiến chúng ta phải suy ngẫm rằng:  

Tại sao mỗi kỳ thi, chính là mỗi lần kiểm tra, xem xét lại quá trình học tập của chính các em mà lại trở thành một việc khó nhọc, để phải đối phó, gian dối, cần đến cứu cánh của “phao”thi đến vậy? 

Đáng buồn, một số em học khá, giỏi cũng đem “phao” vào phòng thi vì lý do thấy các bạn chuẩn bị, “phòng thủ” tài liệu quá nhiều; mình không đem dễ bị “thiệt thòi” hơn các bạn khác, nếu giám thị dễ dãi, có “gà”…

Có phụ huynh không xây dựng tính trung thực cho con em mà còn xúi giục, bày vẽ con em phải có tài liệu để “phòng thân”. 

Tư tưởng, suy nghĩ lệch lạc của một số bậc phụ huynh, học sinh học khá, tốt khiến câu chuyện đem và dùng “phao” trong phòng thi ở ta càng trở nên bi, hài.

Do vậy, việc đổi mới kiểm tra, thi cử là điều cấp thiết nhất, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và xóa bỏ tình trạng gian lận trong thi cử

Nhưng hầu như, cứ mỗi mùa thi, thực trạng quay cóp, đem tài liệu vào phòng thi vẫn còn đó những phức tạp, nhức nhối. 

Đề thi dù có đổi mới, theo hướng mở đến đâu đi nữa thì vẫn không thể thoát ly các kiến thức cơ bản, trọng tâm của chương trình, sách giáo khoa. 

Phần lý thuyết, phần nhận biết vẫn đang chiếm một tỉ lệ lớn trong cấu trúc đề thi, nhất là các môn khoa học xã hội và nhân văn. 

Vấn đề quan trọng và quyết định nhất nằm ở ý thức học tập, thi cử của mọi thí sinh và thái độ, trách nhiệm của các hội đồng coi thi. 

Để đạt các điều ấy, để chấm dứt tình trạng gian lận, sử dụng “phao” thi trong phòng thi vẫn là một câu chuyện dài tập, khó giải quyết nhanh chóng, dứt điểm trong một thời gian ngắn.  

Ngành giáo dục cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ lâu dài từ công tác giáo dục đạo đức học sinh, đổi mới nội dung, chương trình đến khâu đánh giá, kiểm tra và đặc biệt công tác tổ chức coi thi.

Đỗ Tấn Ngọc