Trốn đâu cho thoát mê cung đỗ-trượt?

29/08/2015 06:58
Nguyễn Đình Sơn
(GDVN) - Bài viết thứ hai của tác giả Nguyễn Đình Sơn dưới góc nhìn giúp gia đình và học sinh vượt qua “mê cung” của đợt xét tuyển bổ sung này.

LTS: Hôm nay, tác giả Nguyễn Đình Sơn (Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) tiếp tục có bài viết về hậu kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Nội dung bài này tác giả tiếp cận khía cạnh tích cực, giúp các em học sinh không đạt nguyện vọng tìm cách vượt qua. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Phân định mong manh

Buổi sáng vẫn ở tốp an toàn, thế mà những thí sinh 27.5 điểm đã bị out vào giờ chót. Nhiều thí sinh ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM cùng chung số phận với nhiều nguyên nhân khiến các em trở tay không kịp. 

Thay đổi chỉ tiêu tuyển: Buổi sáng trường cập nhật tuyển 349 (đã trừ chỉ tiêu tuyển thẳng, cử tuyển, dự bị đại học) nhưng đến chiều thì trường cập nhật lại chỉ còn 342. Trượt vì điểm chuẩn môn phụ em chỉ được 8 điểm Sinh trong khi trường lấy vào ngành dược 9. 

Trượt vì nhà em cách 300km không kịp về rút hồ sơ . Trượt vì có những chỉ tiêu tuyển thẳng bảo lưu từ năm 2014. Bên cạnh những em trượt khi điểm cao chót vót thì đa phần suýt đỗ là do chọn lựa theo kỳ vọng vào cảm tính. 

Cùng gia đình và thí sinh thoát khỏi hệ lụy “trượt”

Trong đợt tuyển sinh thứ nhất (tính đến 24/08) có 351 nghìn chỉ tiêu đại học và cao đẳng trong tổng 531 nghìn thí sinh dự tuyển, chúng ta cũng biết lượng tỉ lệ rớt đại học sẽ tạo một hệ lụy không nhỏ cho các gia đình và xã hội. 

Ắt hẳn họ sẽ bị rơi tõm vào “tâm lý tự vệ” với tâm trạng thất vọng về bản thân, đổ thừa cho nền giáo dục và oán trách hoàn cảnh. Vậy vô tình chính họ đã tự “tước đi” cơ hội tìm ngành học thực sự phù hợp với năng lực bản thân và hoàn cảnh. Làm thế nào gia đình kéo thí sinh ra khỏi tình thế này và dần tỉnh táo với lựa chọn mới?

Tự tin với trái tim mách bảo

Đó là cách xác định lại năng lực với điểm số để chọn cơ hội đi tiếp khi bạn thực sự chọn ngành sống mưu sinh hay chọn nghề làm lẽ sống. Minh chứng của bạn Bùi Tiến Thọ đỗ Trường ĐH Ngoại thương Hà nội nhưng lại chọn học nấu ăn tại trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội năm 2012. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Tiến 3 lần gặt huy vàng tại các cuộc thi, vinh danh cao nhất tại Hội thi tay nghề ASEAN lần IX tại Indonesia. Sau khi tốt nghiệp, bạn được tham dự kỳ thi tay nghề quốc tế tại Đức. Ước mơ của Tiến thật  khiêm tốn: “Em biết khả năng mình có thể làm ông chủ các món ăn, chứ khó bon chen trong kinh doanh được”. Tiến mong muốn đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới rồi sau 5-7 năm về quê hương lập nghiệp.

Cũng giống như hàng trăm nghìn phụ huynh khăn gói ra thành phố nộp hồ sơ tuyển sinh, từ Đông Hưng, Thái Bình, ngày cuối nộp hồ sơ ông V và con trai ung dung khi xác định mơ ước khát vọng cháy bỏng vào khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội). 

Với số điểm 25,5 ông mong con kiên định với ước mơ, chấp nhận đánh đổi thi lại nếu trượt. Bởi ông nghĩ “Sẽ thất bại cả đời nếu đỗ ĐH mà mình không yêu thích! Vì vậy lùi một năm mà sau này có được ngành học như ý thì con hãy dũng cảm chiến đấu đến cùng”. 

Bởi trong xét tuyển ông nghĩ “Con không phải quả bóng” để bị đá đi, đá lại và sở thích không thể thay đổi nhoay nhoáy. Cần lắm những bậc phụ huynh tỉnh táo và giúp con kiên định vượt qua cơn trấn địa tâm lý đầu đời về học thuật.

Đừng sợ thất bại và chê bai

Hãy nghĩ đến tấm gương Jack Ma, cha đẻ của tập đoàn thương mại điện tử - Đấu giá trực tuyến Alibaba với tổng tài sản trên 25 tỉ đô la Mỹ. Ông đã từng 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần không xin được việc làm. 

Tỉ phú cũng xuất thân trong gia đình nghèo, khởi nghiệp với số vốn vay 2000 USD, ý tưởng kinh doanh bị bạn bè cho là điên rồ. Có lẽ chăng thất bại và bị khước từ là điều rất quen trong ông. 

Đi trái với những nét truyền thống, khi thay vì phải trở thành người học xuất sắc, ông tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài xã hội. Ông có có quan điểm riêng giáo dục con trai mình “Con không cần phải đứng trong top 3 bạn giỏi nhất lớp, con chỉ cần đứng trung bình ở giữa lớp là được rồi, miễn là điểm số của con không quá tệ. Chỉ những người này (tức là những học sinh đứng trung bình giữa lớp) mới có đủ thời gian rỗi để học các kỹ năng khác”.

Dù đây không phải là chân lý cho tất cả nhưng nó cũng là thông điệp nhỏ. Hãy nhìn vào năng lực, tài năng và đam mê để hành động điều mình cho là đúng. Lúc đó bạn đã đối diện với chính mình để vượt qua những lời oán trách bản thân, lời chê bai bên ngoài và tiến về phía trước.

Nguyễn Đình Sơn