Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể"

03/07/2017 13:59
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.

Ngày 3/7, báo Financial Times bản chữ Hán đăng bài phân tích về chính sách ngoại giao Trung Quốc của nhà nghiên cứu độc lập Đặng Duật Văn, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Học tập, thuộc Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bài viết gây chú ý với tiêu đề "9 vấn đề phản tư về nền ngoại giao Trung Quốc". Financial Times tóm lược nội dung bài viết này như sau:

Ngoại giao Trung Quốc khiến người khác sợ chứ không nể. Muốn thay đổi hiện trạng này, cần phải sửa đổi một cách có hệ thống, từ tư tưởng cho đến thực tiễn ngoại giao. [1]

Nhận thấy rằng đây là một bài phân tích về nền ngoại giao Trung Quốc từ chính một nhà nghiên cứu độc lập Trung Quốc, chúng tôi xin giới thiệu ở đây và sẽ có đôi lời bình luận phía dưới.

Vì bài viết khá dài, chúng tôi dẫn lại nguyên văn một số nội dung có liên quan đến cấu trúc an ninh khu vực Đông Á, Biển Đông và lược dịch hoặc bỏ qua các nội dung khác ít liên quan.

Ông Đặng Duật Văn viết:

"Ngoại giao căn bản được quyết định bởi thực lực. Nhưng điều này không có nghĩa là, cứ có thực lực thì có thể làm tốt công tác ngoại giao.

Ở đây còn vấn đề phải vận dụng thực lực như thế nào, nó liên quan đến tư tưởng, chiến lược và sách lược ngoại giao.

Những năm gần đây cùng với sự gia tăng sức mạnh quốc gia, phong cách ngoại giao Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi, từ chỗ tương đối bảo thủ trước đây, trở nên tích cực và tiến bộ.

Ông Đặng Duật Văn, ảnh: Nhân Dân nhật báo.
Ông Đặng Duật Văn, ảnh: Nhân Dân nhật báo.

Tuy nhiên sự tích cực và tiến bộ ấy lại chưa mang đến những hiệu quả rõ rệt như mong muốn ban đầu. Ngược lại, ở mức độ nào đó nó làm cho môi trường tổng thể của Trung Quốc trở nên xấu đi.

Điều này xuất phát từ nguyên nhân thế giới bên ngoài chưa thể thích nghi với sự gia tăng thực lực của Trung Quốc, nhưng phần lớn là do bản thân Trung Quốc gây ra.

Nói một cách đơn giản, ấn tượng mà nền ngoại giao Trung Quốc tạo ra với người khác là sợ chứ không nể.

Khiến người khác sợ rất dễ, vì thực lực của anh hiển bày ra đó, người ta tự nhiên sẽ sợ anh, như trẻ con sợ người lớn. 

Đó là một phản ứng tự nhiên nảy sinh bởi thực lực quốc gia.

Nhưng đồng thời với nỗi sợ, việc để người khác nể anh, tôn trọng anh hay ngưỡng mộ anh là việc rất khó.

Mỹ là bá chủ toàn cầu. Nói một cách tương đối, nước Mỹ đã xử lý rất tốt mối quan hệ giữa "sợ và nể", khiến cả thế giới vừa sợ vừa nể họ.

Ngoại giao Trung Quốc muốn đạt đến cấp độ này, cần phải có sự thay đổi một cách hệ thống từ tư tưởng cho đến thực tiễn, đặc biệt là điều chỉnh căn bản 9 vấn đề dưới đây:

1. Thay đổi tư duy và tâm lý đối đầu trong ngoại giao với Hoa Kỳ, "nắn thẳng" quan hệ Trung - Mỹ

Quan hệ Trung - Mỹ nếu không phải là mối quan hệ quan trọng nhất trong thế giới hiện nay, thì cũng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất.

Nhưng tầm quan trọng của nó khác nhau đối với mỗi bên. Trung Quốc cần Hoa Kỳ nhiều hơn là Mỹ cần Trung Quốc.

Do đó khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói rằng:

Trung Quốc và Hoa Kỳ có hàng ngàn lý do để phát triển quan hệ, không có lý do nào để phá hỏng mối quan hệ này.

Tiếc rằng trong chính sách với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn luôn luôn xa rời tuyên bố ấy, xử lý quan hệ với nước Mỹ bằng tư duy và tâm thái đối đầu, đặc biệt là trong một số vấn đề mang tính nhạy cảm.

Là một siêu cường toàn cầu, việc Mỹ cảnh giác với bất kỳ hành động nào có thể thách thức địa vị này của Mỹ là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" ảnh 2

"Mỹ cần phải cho Trung Quốc biết rõ hậu quả thế nào nếu độc chiếm Biển Đông"

Trung Quốc là một nước lớn đang lên và khác hẳn với chế độ xã hội Mỹ.

Khách quan mà nói, Bắc Kinh dễ bị Washington xem là đối tượng thách thức mình, nhưng bản thân Trung Quốc tuyệt đối không nên có ý đồ thách thức quyền bá chủ của Mỹ.

Vì một khi đã có ý đồ này, thì ngay trong tư duy và hành động sẽ xuất hiện xu hướng, cứ cái gì liên quan đến Mỹ là chống lại.

Điều này không có nghĩa là Trung Quốc chỉ biết bám vào nước Mỹ.

Cái gì là lợi ích quốc gia của mình, đương nhiên Trung Quốc phải giữ, cái gì cần nói "không" thì phải nói "không".

Tuy nhiên Trung Quốc phải thể hiện một cách có lý, có tình, có kiềm chế, phù hợp với chuẩn mực của luật pháp và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, lúc nào không nên nhấn mạnh thì chớ nhấn mạnh, phải biết thỏa hiệp và nhượng bộ.

Một nền ngoại giao chỉ thích "giễu võ dương oai" rốt ruộc chỉ mang lại tai hại cho chính mình, chứ không có lợi ích gì.

Đó không chỉ nên là một sự vận dụng sách lược khi thực lực quốc gia chưa mạnh, không đối đầu với Mỹ cần trở thành chiến lược quốc gia và duy trì dài hạn.

Cho dù khi đã có đủ thực lực, Trung Quốc cũng chớ nên có ý đồ thách thức và thay đổi trật tự toàn cầu do Mỹ bảo trợ hiện nay.

Trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, làm sao để hợp tác lớn hơn đấu tranh, làm tốt những gì "anh hai" có thể làm, giả sử Trung Quốc là "anh hai" (còn Mỹ là "anh cả").

Chỉ khi nào có một chiến lược rõ ràng, thì khi đó Trung Quốc mới không bị mất phương hướng trong xử lý các vấn đề cụ thể.

Đây là điểm đầu tiên nền ngoại giao Trung Quốc cần phản tư và sửa đổi một cách có hệ thống.

2. Thay đổi chính sách ngoại giao thù Nhật, ghét Hàn thành hòa với Nhật Bản và hữu nghị với Hàn Quốc

Cục diện Trung - Nhật cùng cường thịnh chưa từng xuất hiện ở Đông Á. Điều này khiến cho hai bên không thể thích ứng với đối phương.

Với Trung Quốc mà nói, vì các nguyên nhân lịch sử và thực tiễn, hơn 10 năm qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc với Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tâm lý thù Nhật và nói xấu Nhật.

Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" ảnh 3

Hoàn Cầu muốn Trung Quốc độc quyền "làm con tốt cho Mỹ lợi dụng"?

Trước thái độ thiếu thành thật của Nhật Bản trong vấn đề lịch sử xâm lược, hay trong cách xử lý tranh chấp Điếu Ngư / Senkaku, đương nhiên Trung Quốc phải phê phán và bác bỏ.

Tuy nhiên đừng để vấn đề lịch sử biến quan hệ ngoại giao Trung - Nhật thành con tin, ảnh hưởng đến đại cục quan hệ song phương.

Càng không nên thực hiện chính sách sai lầm thù Nhật ngay cả trong giáo dục. 

Trong việc xử lý tranh chấp Điếu Ngư / Senkaku cũng thế, cần thực hiện theo tư duy hai trục, tức là rút nó ra xử lý độc lập, không để nó lái quan hệ song phương và ảnh hưởng đến những lĩnh vực hợp tác khác.

Quan hệ Trung - Nhật nên lấy hòa làm chủ, chứ không phải gia tăng thù hận nhau.

So với Nhật Bản, Trung Quốc càng cần xây dựng quan hệ đối ngoại tốt với Hàn Quốc.

Vấn đề Hàn Quốc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ hiện nay đang đẩy quan hệ Trung - Hàn lao dốc. Thực trạng bất thường này cần được thay đổi.

THAAD tuy có hại đối với Trung Quốc, nhưng cái hại này nếu đem so với đại cục quan hệ Trung - Hàn và lợi ích tổng thể của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên lẫn khu vực Đông Bắc Á, nó vẫn xếp thứ hai.

Do đó không nên để THAAD ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Trung - Hàn.

Bắc Kinh có thể phản đối THAAD, nhưng không nên sử dụng các thủ đoạn kinh tế, đặc biệt là tránh cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dùng quần chúng cực đoan để trừng phạt Hàn Quốc.

Làm như vậy chỉ khiến Trung Quốc mất láng giềng.

Bắc Kinh nên tiếp tục chính sách hữu hảo với Seoul như trước khi có THAAD, làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại, giao lưu nhân văn và quân sự an ninh song phương.

3. Thay đổi thái độ dung túng Triều Tiên, tăng cường chế tài trừng phạt

Ngược với quan hệ hữu nghị hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc nên sử dụng các biện pháp chế tài trừng phạt nghiêm khắc với Triều Tiên, buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Vài năm qua, thái độ và chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên đã dần thoát khỏi sự thống trị bởi ý thức hệ và tình hữu nghị vốn đã hư hoại, dần trở nên thiết thực hơn, nhưng vẫn chưa thay đổi triệt để.

Chính sách ngoại giao với Triều Tiên chưa hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nhân tố ý thức hệ và địa chính trị còn rơi rớt.

Thái độ dung túng của Trung Quốc với Triều Tiên biểu hiện ở chỗ, vì lo Triều Tiên nội loạn hoặc sụp đổ mà còn ngần ngại, thậm chí chống lưng cho Bình Nhưỡng trong việc thực hiện các chế tài đối với Triều Tiên.

Chỉ nên chống đỡ cho Triều Tiên ở một mức độ nhất định.

Nhưng vấn đề là chính quyền Triều Tiên không phải một chính quyền tai tiếng thông thường, mà hơn thế, thực tế chứng minh rằng, sự giúp đỡ và chống lưng của Trung Quốc mấy chục năm qua vừa chẳng giúp Triều Tiên thay đổi tốt lên, mà còn làm tổn hại lợi ích Trung Quốc.

Trung Quốc đã trở nên vô cùng bị động.

Chính sách này căn bản không có hy vọng thay đổi, cải thiện, mà chỉ có cách không ngừng tăng áp lực mới có thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, cải thiện đời sống và hiện thực nhân quyền tại quốc gia này.

4. Không nên quá gần Moscow

Trong lịch sử Trung Quốc cận hiện đại, có hai quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến Trung Quốc, một là Mỹ và hai là Nga.

So với ảnh hưởng tích cực của Mỹ đối với Trung Quốc, thì ảnh hưởng của Nga mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn.

Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" ảnh 4

Triều Tiên đang đổi thay và ẩn ý của Tổng thống Mỹ

Bắt đầu từ thế kỷ này, do cùng chung nhu cầu chống Mỹ, Trung - Nga nhanh chóng xích lại gần nhau.

Nhất là mấy chục năm gần đây, hai nước ngày một gần gũi và hình thành mối quan hệ "chuẩn đồng minh".

Trung - Nga "ôm lấy nhau" chỉ được xem là sự vận dụng sách lược cùng chống lại Mỹ.

Nhưng với Trung Quốc mà nói, chớ nên coi đó là chiến lược, biến quan hệ Nga - Trung thành đồng minh hay "chuẩn đồng minh" để cùng chống Mỹ.

Ở đây không bàn đến vấn đề lịch sử, chỉ suy xét từ thực tiễn cũng có thể thấy rằng, cái Trung Quốc được nhiều hơn cái Trung Quốc mất trong quan hệ Trung - Nga, nếu duy trì "cái ôm ấm áp" hiện nay.

....Lợi ích chung Trung - Nga thua xa lợi ích chung Trung - Mỹ.

Do đó, Trung Quốc cần ý thức rằng, kết thành đồng minh chiến lược với Nga là lợi bất cập hại. Duy trì quan hệ hiện nay là thượng sách.

5. Thay đổi nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước khác để trở thành nước lớn toàn cầu có trách nhiệm

...Đương nhiên, từ bỏ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước khác ở đây không phải cổ súy Trung Quốc: thích can thiệp vào nước nào thì can thiệp, hoặc mượn cớ can thiệp để hành xử bá quyền.

Mà đó là trong cộng đồng quốc tế liên tục nảy sinh những bất bình, bất công, Trung Quốc phải dám đứng ra bảo vệ chính nghĩa.

Ví dụ như với Triều Tiên hay Syria, Trung Quốc không thể lấy lý do không can thiệp công việc nội bộ, để dung túng cho các hành vi bạo lực chống lại loài người.

6. Thay đổi chính sách ngoại giao ý thức hệ, xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc cực đoan

...Ngoài vấn đề ý thức hệ, cùng với sự gia tăng sức mạnh, ngoại giao Trung Quốc ngày càng thể hiện màu sắc chủ nghĩa dân túy.

Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.

Càng không được nhân danh lợi ích dân tộc để theo đuổi chính sách ngoại giao cường quyền, cưỡng bách.

Trên thực tế, lợi ích của dân tộc Trung Quốc ở mức độ rất lớn đã bị biến thành cái cớ phục vụ cho các tập đoàn lợi ích. 

Do đó ở đây ngoại giao dân túy có thể xem như một biến thể của ngoại giao ý thức hệ, hai yếu tố này rất khó tách rời.

7. Thay đổi chính sách dồn Đài Loan vào chân tường, đừng vì xoáy vào nguyên tắc "một nước Trung Quốc" mà khai chiến ngoại giao với Đài Loan.

8. Cần thay đổi thái độ không đàm phán, không tiếp xúc với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, bởi điều đó chỉ thúc đẩy độc lập ở Tây Tạng.

9. Thay đổi tham vọng độc chiếm Biển Đông, thừa nhận hiện trạng, gác tranh chấp cùng khai thác, bảo vệ hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông

Từ khi Philippines tiến hành vụ kiện trọng tài Biển Đông và nhận được Phán quyết, Trung Quốc ngày càng trở nên bị động hơn trên Biển Đông.

Chỉ vì chính phủ mới tại Philippines thay đổi chính sách đương đầu với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, tình hình Biển Đông mới không tiếp tục xấu đi.

Nhưng trên phương diện pháp lý, trạng thái bị động của Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Khách quan mà nói, ngoài việc dùng vũ lực, Trung Quốc không thể thu hồi (chiếm) trọn Biển Đông. 

Một cuộc tập trận bắn đạn thật Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.
Một cuộc tập trận bắn đạn thật Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Do đó với các nước có yêu sách, phương thức giải quyết tranh chấp có tính đến lợi ích của các bên một cách hợp lý, đó là thừa nhận hiện trạng, gác tranh chấp và cùng khai thác tài nguyên, bảo vệ hòa bình ở Biển Đông.

Là nước lớn nhất và thực lực mạnh nhất ở Biển Đông, về lý mà nói Trung Quốc nên khởi xướng xây dựng một cộng đồng cùng khai thác các tài nguyên dầu khí ở Biển Đông và thiết lập tỉ lệ ăn chia theo mức độ đóng góp của các bên.

Trước đây do những rào cản kỹ thuật, các quốc gia trong khu vực không thể hợp tác với nhau mà phải hợp tác với các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước ngoài khu vực, làm cho cục diện Biển Đông trở nên phức tạp.

Hiện tại Trung Quốc đã có đủ trình độ kỹ thuật để thăm dò khai thác dầu khí biển sâu, các bên ở Biển Đông hoàn toàn có thể xây dựng một cộng đồng cùng khai thác.

Ngoai ra, để đảm bảo an toàn trên biển, dẹp nạn cướp biển và bảo vệ tự do hàng hải, Trung Quốc cũng có thể dẫn đầu các bên yêu sách, thiết lập một cơ chế và đội ngũ thực thi pháp luật đảm bảo an ninh trên Biển Đông.

Một khi cơ chế và lực lượng này được thành lập, các nước ngoài khu vực không có cách nào can thiệp vào tự do hàng hải ở Biển Đông, từ đó giảm thiểu tối đa các tranh chấp.

Tóm lại, trên cơ sở thừa nhận lợi ích của các bên yêu sách ở Biển Đông, bắt đầu từ hợp tác năng lượng và kinh tế, dần mở rộng sang lĩnh vực an ninh, chính trị;

Xây dựng cơ chế, thiết lập một cộng đồng chung lợi ích ở Biển Đông thông qua các điều ước để các bên đều hưởng lợi mới khiến họ không sợ Trung Quốc.

Như vậy mới có thể thực sự gác lại các tranh chấp chủ quyền, biến Biển Đông thành vùng biển của hòa bình và hợp tác. 

Hòa bình, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông chính là bức bình phong lớn nhất bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của việc Trung Quốc tranh chủ quyền chẳng phải là điều đó sao?".

Câu sau vả câu trước

Chúng tôi cho rằng, bình luận của ông Đặng Duật Văn về chính sách ngoại giao của Trung Quốc khiến nước khác "sợ chứ không nể" có thể nhận được sự đồng tình của nhiều người. 

Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" ảnh 6

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc

Nhưng thực tế theo quan sát của người viết, chúng tôi cho rằng người ta dè chừng, cảnh giác với Trung Quốc nhiều hơn là "sợ".

Còn Trung Quốc chưa khiến các nước khác nể phục là hoàn toàn đúng với thực tế.

Chuyện một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc "nói thẳng vào mặt" người đứng đầu ngành ngoại giao Singapore rằng:

"Trung Quốc là nước lớn, còn các nước Đông Nam Á là nước nhỏ, đó là thực tế" hiển nhiên đã để lại "dấu ấn khó quên" cho một nền ngoại giao thiếu chuyên nghiệp.

Nhận xét của ông Đặng Duật Văn về chủ nghĩa dân túy đang có xu hướng lái chính sách đối ngoại của Trung Quốc có lẽ cũng được không ít quan điểm đồng tình.

Tuy nhiên ông khuyên lãnh đạo Trung Quốc "nên an phận với vị thế anh hai, để Hoa Kỳ làm anh cả" có lẽ chỉ phản ánh nhận thức, đánh giá của tác giả Đặng Duật Văn về thực trạng, tương quan lực lượng Trung - Mỹ chứ không phải mục tiêu tối hậu.

Nói cách khác, theo ông Văn, vẫn chưa đến lúc Trung Quốc xưng bá thiên hạ, chứ không phải Trung Quốc không muốn / không nên bá chủ thiên hạ.

Phần bình luận của ông Đặng Duật Văn về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cùng một số khuyến nghị đến Trung Nam Hải có lẽ là minh chứng rõ ràng cho lối tư duy "câu sau vả câu trước".

Theo chúng tôi, lập luận quan điểm của ông Đặng Duật Văn về Biển Đông ít nhất cho thấy 3 điều đáng chú ý.

Thứ nhất, ông Đặng Duật Văn không hiểu gì về luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rất rõ ràng phạm vi các vùng biển cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước.

Chính vì không hiểu gì, nên ông mới cổ súy xóa nhòa ranh giới các vùng biển được thiết lập theo Công ước, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp để rồi đòi "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Nói cách khác, ông Văn đang cổ súy thực hiện yêu sách đường lưỡi bò phi lý bằng chiêu "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng lại nhân danh bảo vệ luật pháp, công lý.

Thứ hai, ông Đặng Duật Văn bác bỏ xu hướng chủ nghĩa dân túy đang lèo lái giới hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng chính những lập luận và ý tưởng mang đầy màu sắc dân túy trong vấn đề Biển Đông.

Biển Đông không phải ao tù của Trung Quốc để mà đòi "thu hồi". Nó cũng không phải lãnh địa riêng của Trung Quốc để mà đòi đuổi các nước ngoài khu vực ra khỏi đây.

Nếu chỉ dừng lại ở nhận định này, và đừng lấy chuyện Biển Đông ra làm thí dụ thì có lẽ ông Đặng Duật Văn đã vượt lên được những yêu sách tầm thường, bậy bạ và vi phạm luật pháp quốc tế:

Trung Quốc chỉ khiến người khác "sợ mà không nể" ảnh 7

Học giả Trung Quốc đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

"Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.

Càng không được nhân danh lợi ích dân tộc để theo đuổi chính sách ngoại giao cường quyền, cưỡng bách.".

Nhưng bình luận của ông về Biển Đông đã cho thấy hai khả năng:

Một là ông không hiểu gì về bản chất các tranh chấp pháp lý mà phần lớn do Trung Quốc tạo ra, cũng như cơ chế giải quyết nó một cách hòa bình, văn minh dựa trên luật pháp quốc tế đương đại.

Do đó, những bình luận của ông về Biển Đông chỉ là những tiếng nói từ vô thức tự động phát ra, do bị nhồi nhét bởi những tuyên truyền sai sự thật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đến nay ông vẫn chưa tự vượt qua được, cho dù bản thân là một nhà "nghiên cứu độc lập".

Hai là, tư cách "nhà nghiên cứu độc lập" phải chăng chỉ là cái vỏ để che mắt thế gian, giúp ông tuyên truyền cho yêu sách đường lưỡi bò cho có vẻ khách quan, độc lập với yêu sách của nhà nước Trung Quốc?

Chúng tôi cho rằng, trong quan hệ đời thường giữa người với người, hay rộng hơn là quan hệ giữa các quốc gia với nhau, điều đáng sợ không nằm ở hành vi giễu võ dương oai của ai đó, mà là sự dối trá, giả tạo.

Thứ ba, Biển Đông là nơi diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược, địa quân sự gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Đặng Duật Văn cổ súy Trung Quốc phải biết "phận làm em" trong quan hệ với Mỹ, nhưng phải biết tìm cách vừa dụ vừa ép các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, làm sao để họ "vừa sợ vừa nể" Trung Quốc như với Hoa Kỳ.

Rõ ràng điều này chỉ thể hiện tư duy luẩn quẩn, mềm nắn rắn buông trong quan hệ quốc tế.

Nhân loại văn minh và những người dân Trung Quốc tiến bộ ắt hẳn không bao giờ chấp nhận tư duy học đòi kẻ cả như vậy.

Tuy đây là tiếng nói của cá nhân một học giả, nhưng nó cũng phần nào phản ánh não trạng của "một bộ phận không nhỏ" giới nghiên cứu Trung Quốc đương đại, trong đó có cả những "nhà nghiên cứu độc lập" như ông Đặng Duật Văn.

Có thể ông Văn không nhận tiền ngân sách chi trả cho những bài viết "nghiên cứu độc lập" như vậy, hay nói cách khác ông độc lập về tài chính.

Nhưng rõ ràng ông đang lệ thuộc về tư duy, tự biến mình thành công cụ cho những gì cổ hủ, lạc hậu, đi ngược với xu thế văn minh của loài người khi bàn về quan hệ quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.ftchinese.com/story/001073219?full=y

Hồng Thủy