Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc

16/06/2017 14:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Việt Nam tăng cường triển khai đối thoại với Trung Quốc về (một số vấn đề liên quan đến) Biển Đông, mặt khác cũng rất mong muốn Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp tục...

Thời báo Hoàn Cầu ngày 16/6 đăng bài phân tích về chính sách đối ngoại của Việt Nam được nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng gửi đến từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh biển Trung Quốc - ASEAN, thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc.

Bài viết của tác giả Cát Hồng Lượng có tiêu đề: "Thế yếu đằng sau (chiến lược) cân bằng nước lớn của Việt Nam".

Việc tìm hiểu xem giới nghiên cứu Trung Quốc đương đại nhận định, đánh giá như thế nào về chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời trao đổi, làm rõ những vấn đề khác nhau trong nhận thức thiết nghĩ là điều cần làm.

Bởi vậy, chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này và có đôi lời trao đổi phía dưới.

Để tôn trọng tính xác thực và nguyên vẹn của văn bản gốc, chúng tôi xin dẫn lại nguyên văn bài viết này để bạn đọc tiện theo dõi.

Qua đó nắm bắt nhận thức, quan điểm và lập luận của tác giả Cát Hồng Lượng, góp phần tìm hiểu xu thế của giới nghiên cứu trẻ tại Trung Quốc, và cũng để tiện trao đổi làm rõ các nội dung.

Điều này không có nghĩa là chúng tôi đồng ý với các lập luận, quan điểm hay nội dung được nhà nghiên cứu Trung Quốc này đưa ra.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc nội dung bài báo này và phần bình luận của cá nhân người viết phía cuối bài.

Chính sách ngoại giao "cân bằng nước lớn" của Việt Nam

Tác giả Cát Hồng Lượng nhận định:

"Chưa đầy một tháng trước, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông. 

Cuối tháng Năm, ông trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội 12 chính thức thăm Hoa Kỳ.

Nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng, ảnh: chuansong.me.
Nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng, ảnh: chuansong.me.

Đầu tháng 6, ông lại thăm Nhật Bản lần thứ hai trên cương vị Thủ tướng Chính phủ.

Sắp tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có khả năng sẽ thăm chính thức Liên bang Nga vào cuối tháng này. Trước đó ôngg đã thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn quốc tế Một vành đai, một con đường.

Có thể thấy tốc độ thúc đẩy chiến lược ngoại giao cân bằng nước lớn của Việt Nam đang ngày càng nhanh hơn.

Điều đáng chú ý là, trong thời gian thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ hội đàm với các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật về thúc đẩy hợp tác toàn diện song phương như phát triển kinh tế thương mại, giao lưu chính trị - quốc phòng - an ninh.

Hai bên còn mang vấn đề Biển Đông và an ninh trên Biển Đông đặt lên bàn hội nghị, với tư cách vấn đề chính.

Tháng Năm năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi thăm Nhật Bản đã bày tỏ rõ hy vọng, Tokyo sẽ phát huy vai trò tích cực thúc đẩy giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Hiển nhiên quan điểm và lập trường này cho đến nay không thay đổi.

Do những tồn tại trong vấn đề Biển Đông và cục diện an ninh Biển Đông ngày càng phức tạp, chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn mà Việt Nam theo đuổi có mục tiêu, mục đích rất rõ ràng:

Việt Nam hy vọng dựa vào Hoa Kỳ, Nhật Bản để tìm mọi khả năng bảo vệ các quyền và lợi ích hiện có của mình trên Biển Đông.

Năm 2016, Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã thực hiện thành công việc chuyển giao bộ máy lãnh đạo cao nhất.

Sau chuyển giao, hoạt động đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc cũng trở nên sôi động chưa từng có trong những năm gần đây.

Các chuyến thăm viếng Trung Quốc của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam diễn ra với tần suất khá lớn.

Sự sôi động trong đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc ở bình diện nào đó cho thấy, các nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam rất thực tế trong chính sách đối ngoại.

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc mới nhất đã biểu hiện rõ nét điều này ở 3 điểm chính:

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc ảnh 2

Học giả Trung Quốc đề xuất phương án mới giải quyết tranh chấp Biển Đông

Một là, hai bên nhất trí duy trì truyền thống tiếp xúc mật thiết giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, tăng cường định hướng và chỉ đạo đối với sự phát triển của quan hệ Việt - Trung.

Hai là, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật.

Khẩn trương bàn bạc, ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” và sáng kiến “Vành đai và Con đường” phù hợp với lợi ích, khả năng, điều kiện của mỗi nước.

Ba là, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí tiếp tục tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; 

Sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Tư duy thực tế trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam khóa mới có lợi cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Đồng thời nó cũng có lợi cho hai bên trong việc duy trì liên lạc và đối thoại về vấn đề Biển Đông, giảm xu thế căng thẳng trên vùng biển này.

Tuy nhiên chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hoàn toàn không có gì thay đổi.

Một mặt Việt Nam tăng cường triển khai đối thoại với Trung Quốc về (một số vấn đề liên quan đến) Biển Đông, mặt khác cũng rất mong muốn Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp tục tham gia vào vấn đề Biển Đông.

Không chỉ như vậy, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cách đề cập đến vấn đề Biển Đông (của phía Việt Nam) cơ bản giống phương thức đề cập của Mỹ:

Kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Đây là cách nói ám chỉ đến Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Đồng thời Việt Nam tuyên bố ủng hộ hoạt động tự do hàng hải Mỹ triển khai trên Biển Đông.

Ngoài việc dựa vào Mỹ, Nhật trên mặt trận dư luận quốc tế, Việt Nam còn hy vọng nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực phát triển năng lặc hải quân, không quân.

Năm 2016 Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt nam, trên thực tế là đã tạo điều kiện tốt hơn cho Việt Nam trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí cho Hải quân, Không quân.

Ngoài ra, do đặc thù địa lý Việt Nam tọa lạc trên bán đảo Đông Dương và lại nằm giáp Trung Quốc, Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ, Nhật, Ấn, Úc và bị các quốc gia này xem như "quân cờ" chiến lược để kiềm chế Trung Quốc.

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc ảnh 3

Học giả Trung Quốc bình: tính toán khôn ngoan của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản

Việt Nam thúc đẩy chiến lược ngoại giao cân bằng nước lớn như cá gặp nước, nhưng là một nước nhỏ, Việt Nam rất khó để có được vị thế cân xứng trong ngoại giao với Mỹ, Nhật Bản.

Cuối cùng thì Việt Nam vẫn rơi vào thế yếu do chiến lược (cân bằng ngoại giao) nước lớn đem đến.

Đồng thời, Mỹ và Nhật Bản không hề có vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề Biển Đông, do đó tranh chấp nước lớn ở Biển Đông và cục diện khu vực ngày càng phức tạp.

Cái Việt Nam được ở đây hoàn toàn không phải những lợi ích đã có trên Biển Đông mà họ tìm kiếm, mà rất có khả năng là cảm giác bất an do cạnh tranh giữa các siêu cường đem lại.

Lâu nay nước nhỏ theo đuổi chiến lược ngoại giao cân bằng nước lớn chẳng khác nào đi trên lớp băng mỏng mặt nước, Việt Nam cũng vậy.

Do đó, Việt Nam nên nhận thức một cách đầy đủ, nắm chắc hơn nữa thời cơ tốt của quan hệ Việt - Trung hiện nay, thông qua đối thoại chính trị mật thiết và thông suốt để tăng cường niềm tin chính trị lẫn nhau và tạo môi trường giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình.

Đồng thời Việt Nam cùng với Trung Quốc và các nước ASEAN khác cùng gánh trách nhiệm duy trì an ninh, hòa bình, ổn định, phồn vinh và phát triển ở Biển Đông.". [1]

Vài lời bình luận

Nói một cách công bằng thì người viết nhận thấy, đây là một bài bình luận khá ôn hòa và ít thấy từ trước đến nay về chính sách đối ngoại của Việt Nam trên Biển Đông từ một học giả Trung Quốc.

Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc gây ra, cũng như tranh chấp về ứng dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 không được nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng đặt ra một cách trực tiếp và gay gắt như nhiều đồng nghiệp “tiền bối” của ông.

Có thể nói, những vấn đề lịch sử để lại trong quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc như Chiến tranh Biên giới 1979-1989, Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một vấn đề “nhạy cảm” lâu nay trong quan hệ song phương.

Ngay trên lĩnh vực học thuật và đối ngoại cũng không dễ dàng gì cho các học giả đề cập một cách khoa học mà không bị cảm xúc chi phối.

Bình luận về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Nhật Bản của tác giả Cát Hồng Lượng cũng không còn nhiều ảnh hưởng của tư duy Chiến tranh Lạnh, thói quen chụp mũ rằng Việt Nam theo Mỹ, Nhật để chống Trung Quốc như vẫn thấy trên truyền thông Trung Quốc vài năm trước.

Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 được tác giả Cát Hồng Lượng khéo léo gọi bằng cụm từ “lợi ích hiện có trên Biển Đông”.

Có thể nói, đó là cách lựa chọn từ ngữ và ứng xử khá linh hoạt, mềm mỏng, khách quan của một nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Chiến lược "cân bằng nước lớn" của Việt Nam qua góc nhìn học giả Trung Quốc ảnh 4

"Việt Nam không ngả sang Trung Quốc, và Mỹ không bỏ Biển Đông"

Nói như vậy, ông Lượng không phạm vào "đại kỵ" - nói ngược với chủ trương của nhà nước mình, cho dù nó không có bất cứ một căn cứ pháp lý nào được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Đó là những điểm mới, điểm sáng theo góc nhìn chủ quan của người viết về bài bình luận này của nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng. 

Việc xuất hiện những bài nghiên cứu thể hiện thái độ ôn hòa và tương đối khách quan như vậy có lẽ là một dấu hiệu đáng mừng và đáng hoan nghênh, ghi nhận từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Tuy nhiên phần kết luận bài viết và “lời khuyên” tác giả Cát Hồng Lượng dành cho Việt Nam, chúng tôi thấy rằng cần có đôi điều thưa lại.

Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên cơ sở bình đẳng, thượng tôn pháp luật và cùng có lợi của Việt Nam là hoàn toàn nhất quán.

Nhận xét của tác giả Cát Hồng Lượng về “cân bằng ngoại giao nước lớn” có lẽ chỉ nên đặt trong bối cảnh cục diện an ninh khu vực và tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh khốc liệt.

Quan trọng hơn nữa là xu hướng bành trướng sức mạnh, quân sự hóa và thay đổi hiện trạng vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa trực tiếp an ninh các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, cũng như hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không.

Trong bối cảnh đó, việc hợp tác bảo vệ lợi ích chung của khu vực và đồng thời cũng là lợi ích thiết thực, chính đáng của mỗi bên trong duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông mặc nhiên trở thành điểm chung chiến lược giữa Việt Nam và các đối tác khác.

Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, ASEAN cùng gặp nhau ở điểm chung chiến lược này.

Và ngay cả Trung Quốc cũng đã từng là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong mấy chục năm qua nhờ môi trường hòa bình, ổn định để hợp tác, phát triển suốt mấy chục năm qua, sau Chiến tranh Thế giới II.

Cũng chính Trung Quốc sẽ là nước được nhiều nhất khi tiếp tục giữ vững hòa bình, ổn định, trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, bởi hầu hết khối lượng thương mại của họ đi qua vùng biển này.

Biển Đông nổ ra chiến tranh, không bên nào có lợi.

Chúng tôi thiết nghĩ, Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, rất mong muốn giữ cho được hòa bình và ổn định trên Biển Đông, vì đã phải trải qua mấy cuộc chiến tranh chống xâm lược liên miên, ác liệt.

Nhưng cũng chính từ những bài học của các cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng tôi ý thức rõ mối nguy hiểm rình rập từ 7 pháo đài sừng sững Trung Quốc vừa mới xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa đối với an ninh quốc gia của mình cũng như hòa bình của cả khu vực.

Vì vậy, việc hợp tác đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông là hết sức cần thiết.

Cảm ơn học giả Cát Hồng Lượng đã quá "lo xa cho Việt Nam" với lập luận, chúng tôi có thể trở thành "con cờ chiến lược" trên bàn cờ Mỹ - Nhật.

Nhưng nghe lời khuyên của ông, thì khác gì chúng tôi trở thành "con cờ" trên tay Trung Quốc?

Việt Nam có đủ bản lĩnh và trí tuệ để biết việc gì nên làm, và việc gì không nên làm trong quan hệ bang giao, nhất là bối cảnh khu vực, quốc tế phức tạp, biến động khôn lường như hiện nay.

Trung Quốc vẫn tuyên truyền cho người dân nước mình về “thế kỷ bị sỉ nhục”, vẫn đòi hỏi Nhật Bản phải “nhìn thẳng vào lịch sử chiến tranh”.

Nhưng chính các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay buộc các nước liên quan phải cảnh giác, nếu không muốn rơi vào “thế kỷ bị sỉ nhục” mới bởi người Trung Quốc.

Nói như vậy không hề quá lời khi nhìn hệ thống pháo đài, chiến hạm, máy bay, giàn khoan và các công nghệ mới Trung Quốc đầu tư đổ xuống Biển Đông.

Ngay cả chiến lược “Một vành đai, một con đường” Trung Quốc đang triển khai cũng tiềm ẩn nhiều ý đồ cần phải làm rõ.

Bởi ngay tại châu Phi thôi, "sáng kiến" hay "chiến lược" này đã được The New York Times mô tả là biểu hiện của “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” trong 2 bài phóng sự điều tra tháng trước. [2] [3]

Việt Nam củng cố hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác, thậm chí là cả Trung Quốc trên Biển Đông đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế đương đại, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không phải chuyện "mình thích thì mình hợp tác thôi".

Quan hệ chính trị hữu hảo, lành mạnh giữa hai Đảng, hai Nước Việt Nam và Trung Quốc rõ ràng là một tài sản quý báu, mà chúng tôi mong muốn giữ gìn.

Bởi lẽ đây chính là tiền đề, là nền tảng để hai bên hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, và tạo môi trường thuận lợi để xử lý các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, khách quan và cầu thị.

Xin được nhắc lại rằng, môi trường chính trị thuận lợi không thể đánh đồng với các căn cứ pháp lý quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng.

Khi nước nhỏ trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn mà muốn giữ được độc lập tự chủ, hòa bình và ổn định, thì cân bằng quan hệ giữa các nước là một lựa chọn tất yếu.

Và đó là lựa chọn của Việt Nam.

Ngả theo nước nào cũng có thể mang lại những rắc rối, kể cả Hoa Kỳ hay Trung Quốc.

Do đó, dù không nói ra, nhưng phải chăng nhà nghiên cứu Cát Hồng Lượng có ý muốn “chiêu hàng”, dụ Việt Nam vào quỹ đạo hay “lòng bàn tay” Trung Quốc?

Xin thưa, trẻ con Việt Nam cũng hiểu được điều này. 

Nếu thực sự là một nước văn minh và biết thượng tôn pháp luật, Trung Quốc hãy xem lại các hành động của mình bằng lăng kính luật pháp quốc tế. 

Không làm được điều đó, thì những quan điểm tiến bộ và cách đánh giá tương đối khách quan trong những bài viết như tác giả Cát Hồng Lượng trình bày, cũng chỉ là chót lưỡi đầu môi, không thể tạo dựng được lòng tin chiến lược, như là xây lâu đài trên cát vậy.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://opinion.huanqiu.com/hqpl/2017-06/10849666.html

[2]https://cn.nytimes.com/china/20170504/is-china-the-worlds-new-colonial-power-part1/

[3]https://cn.nytimes.com/china/20170505/is-china-the-worlds-new-colonial-power-part2/

Hồng Thủy