Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin về ngôi trường tiểu học có nhiều lớp 1, cũng là trường đông học sinh lớp 1 nhất Thủ đô vào đầu năm học mới đã khiến không ít phụ huynh phải chật vật gửi con, cuộc sống bị đảo lộn do lịch học của con.
Năm nay, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) có 1.145 học sinh lớp 1 chia làm 23 lớp, trung bình mỗi lớp có 49 học sinh. Cả trường có tổng cộng 57 lớp (khối 1 có 23 lớp; khối 2 có 13 lớp; khối 3 có 9 lớp, khối 4 có 7 lớp, khối 5 có 5 lớp).
Phụ huynh sốc nặng vì việc học của con ở trường đông học sinh lớp 1 nhất Thủ đô |
Trong khi đó, trường chỉ có 41 phòng học nên buộc nhà trường phải xếp thời khóa biểu học 4 ngày/tuần (tức 8 buổi/tuần), có học luân phiên thứ 7.
Với lịch học này học sinh sẽ được nghỉ 3 buổi/tuần, điều này có nghĩa phụ huynh sẽ phải nhờ người trông hoặc gửi con.
Phương án này vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ huynh vì nhiều gia đình bố mẹ phải thay phiên nhau nghỉ để trông con hoặc phải gửi ở một số trung tâm, câu lạc bộ mở dịch vụ tại khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội).
Trước phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã đưa ra phương án khác là tổ chức cho học sinh toàn trường học 1 buổi/ngày. Cụ thể, khối 1,2 sẽ học buổi sáng, khối 3,4,5 học vào buổi chiều (từ thứ 2 đến thứ 6). Phương án này sẽ khắc phục được tình trạng học sinh phải học “gối”, học luân phiên...như phụ huynh phản ánh.
Ngày 20/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết: “Tạm thời vẫn giữ nguyên lịch học cũ là học 8 buổi/tuần. Buổi họp phụ huynh vào ngày 16/9 có 3.000 phụ huynh tham dự, trong đó chỉ có 9 phụ huynh có ý kiến thay đổi lịch học 1 buổi/ngày, còn lại các cha mẹ học sinh đề nghị giữ nguyên mô hình học 8 buổi/tuần”.
Trong khi đó, một thông báo phát đi vào ngày 19/9 gửi đến cha mẹ học sinh với nội dung: “Sau cuộc họp cha mẹ học sinh ngày 16/9, nhà trường đã nhận được gần 100% ý kiến của cha mẹ học sinh toàn trường với mong muốn được giữ nguyên mô hình học 8 buổi/tuần.
Nhà trường đã đề xuất nguyện vọng của cha mẹ học sinh với các cấp và được tiếp tục duy trì mô hình học hiện tại”.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, tạm thời vẫn giữ nguyên lịch học cũ, chờ ý kiến của Quận. Ảnh: Vũ Phương. |
Nội dung thông báo cũng đề cập đến việc nhà trường liên kết với tiếng Anh Bình Minh gây bức xúc cho không ít phụ huynh khi trường thiếu lớp học trầm trọng mà vẫn đưa tiếng Anh liên kết vào.
Thông báo nêu: “Riêng về tiếng Anh Bình Minh, sau 2 tuần dạy thử nghiệm sẽ tạm dừng. Bắt đầu từ ngày 20/9/2018 các con sẽ tan học theo thời khóa biểu. Khi có sự thống nhất thu-chi, nhà trường sẽ thông báo cụ thể đến các bậc cha mẹ học sinh”.
Trước đó, trả lời báo chí cả lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An đều khẳng định, với số lớp quá đông thì hai phương án trên là tối ưu nhất.
Nói về nguyên nhân năm nay học sinh lớp 1 của trường tăng đột biến, tăng 16 lớp so với năm ngoái, bà Lê Thị Thêu cho hay: “Nguyên nhân là do khu vực này có đến 76 tòa chung cư, nhưng chỉ có 2 trường học là Tiểu học Chu Văn An và Tiểu học Hoàng Liệt. Nhu cầu các con đến tuổi đi học lớn mà số trường, số lớp không thay đổi nên quá tải.
So với kế hoạch tuyển sinh năm nay, trường nhận thêm 200 học sinh trong độ tuổi vào lớp 1. Đây là những trường hợp được phường xác nhận mới về tạm trú trên địa bàn thuộc tuyến tuyển sinh của Trường tiểu học Chu Văn An.
Trước đó, theo kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm học 2018-2019, Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai chỉ giao chỉ tiêu cho trường là 964 học sinh dựa trên căn cứ vào kết quả điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn phường”.
Nhiều phòng học lớp 1, 3 học sinh ngồi một bàn tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội). Ảnh: Vũ Phương. |
Quan sát và tìm hiểu phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thực tế tại Trường Tiểu học Chu Văn An cho thấy, học sinh lớp 1 với sĩ số lên đến 50 học sinh/lớp, nhiều phòng học phải kê thêm ghế và số 3 em học sinh ngồi một bàn khá nhiều.
Không gian phòng học vốn được thiết kế một lớp chỉ trên 30 học sinh, nay phải gồng gần gấp đôi khiến lớp học khá chật chội và việc giáo viên dạy và quản các em giữa trật tự là rất khó khăn.
Mẹ ơi, ở lớp, trưa con chỉ được nằm nghiêng và không dám thở... |
Không ít phụ huynh khi được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi đã rất chia sẻ với nhà trường bởi thực tế số lớp quá nhiều mà phòng học có hạn.
Nhà trường vẫn đang phải tìm phương án sắp xếp, tổ chức thời gian học để thuận tiện nhất cho trẻ và gia đình.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, đây là sai lầm trong quy hoạch của thành phố. Học sinh, giáo viên đang phải lãnh hậu quả do việc quy hoạch yếu kém.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Đây là sai lầm. Giờ sửa sai bằng cách nào? Theo tôi là rất khó để sửa sai.
Vì chỉ chăm chăm xây nhà chứ có quan tâm xây trường đâu. Thành ra, thiếu trường thiếu lớp. Chưa kể, trường không ra mẫu trường. Nhất là trường mầm non. Chính xác nhiều trường chỉ là nơi giữ trẻ.
Trong khi đó, ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu tìm hiểu, vui chơi vận động lớn, cần một không gian rộng. Như hiện nay, không thể đảm bảo được chất lượng giáo dục”.