Ngày 27/11 Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phải tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp chấm dứt nạn bạo hành trẻ mầm non.
Cuộc họp diễn ra sau phóng sự bảo mẫu đày đọa trẻ mầm non tại trường tư thục Mầm Xanh mà Báo Tuổi trẻ phản ánh hôm 26/11.
Bộ chủ quản chỉ lo quy định phân cấp quản lý và phát động phong trào?
Trước đó chỉ 2 ngày, sáng 24/11 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học".
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đến dự và phát biểu phát động. Trung tâm Truyền thông giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng trên 2000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. Ảnh: moet.gov.vn. |
Điều đáng nói là chúng tôi không thấy một giải pháp chính sách nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài những phát động phong trào:
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường chỉ đạo:
Lồng ghép hiệu quả cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bằng tấm gương thực tiễn và bằng hành động cụ thể của thầy, cô giáo trong nhà trường.
Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức nhà giáo. Tích cực chỉ đạo và triển khai có hiệu quả đề án Giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”;
Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020. [1]
Về vụ việc tại cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ với Báo Dân trí:
“Tôi rất bất bình và quả thật là kinh hoàng trước hành động của các cô giáo ở đó. Những hành động bạo hành của các cô đối với trẻ khiến tôi rất đau lòng.
Tối qua (26/11), Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có báo cáo bằng văn bản.
Nhưng trong sáng nay (27/11), tôi đã đích thân gọi đến Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh;
Yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc Sở phải đích thân kiểm tra tận nơi và phối hợp với các ban ngành để xử lý nghiêm sự việc.” [2]
Cơ sở giáo dục ngoài công lập gánh quá nhiều trách nhiệm, mà không có chính sách hỗ trợ
Báo điện tử Zing ngày 29/11 dẫn lời ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: hiện tại, toàn quận có 30.256 bé ở độ tuổi đi học nhà trẻ, mầm non.
Thế nhưng, quận 12 chỉ có 19 trường mầm non công lập, giải quyết được việc đi học của gần 7.000 bé.
Còn hơn 23.000 bé đang học tại 310 trường ngoài công lập, lớp mẫu giáo, mầm non tư thục, hoặc nhóm trông giữ trẻ gia đình.
Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? |
"Tương tự, toàn quận 12 có gần 400 giáo viên dạy mầm non công lập, 3.000 giáo viên dạy ngoài công lập.
Điều này cho thấy các cơ sở tư thục, dân lập giải quyết 2/3 nhu cầu gửi trẻ trên toàn quận, thế nhưng con số này đang thay đổi từng ngày.
Dân cư của quận 12 là 560.000 người, tỷ lệ tăng là 22.000 dân/năm, chủ yếu tăng cơ học.
Nhu cầu gửi con học mầm non rất lớn. Riêng trong năm 2017 đã tăng 2.000 cháu. Các trường công lập chỉ nhận được 27% trong số đó. Thật sự chỗ chúng tôi đang bị quá tải."
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 Lê Trương Hải Hiếu được Zing dẫn lời cho biết:
Địa phương đã từng bàn bạc với các công ty, khu công nghiệp để họ có thể chủ động phát triển các trường mầm non phục vụ con em công nhân đang lao động sản xuất tại đây. Ông Hiếu cho biết:
"Nhưng tất cả đều trên tinh thần đề nghị, động viên, hình thức".
"Trường lớp, cơ sở vật chất, giáo viên cho các trường công lập là không đủ, nên các cơ sở tư nhân là giải pháp giảm tải kịp thời và phù hợp.
Thế nhưng đổi lại, chất lượng và điều kiện của những nơi này lại cần phải liên tục kiểm tra, xác minh. Nó là hai mặt của một vấn đề mà chúng tôi đang phải giải quyết." [3]
Thông tin “bảo kê” và cách kiểm tra lạ lùng của cán bộ thanh tra
Trong cuộc họp ngày 27/11, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
"Tôi có nghe thông tin cơ sở Mầm Xanh có sự ‘đỡ đầu’ của một công an quận 12. Đề nghị quận 12 lưu ý thông tin này, tìm hiểu, kiểm tra, làm rõ.
Cũng như có hay không chuyện cán bộ cung cấp thông tin cho các điểm giữ trẻ để họ biết thời gian đi kiểm tra rồi chuẩn bị rất chu đáo, khi kiểm tra là không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng khi đoàn kiểm tra về thì rất nhiều chuyện xảy ra với các cháu.
Phải làm chặt chẽ. Trong đợt kiểm tra này nếu phát hiện phải xử lý thật mạnh tay, kiên quyết." [4]
Về thông tin "bảo kê" cơ sở Mầm Xanh, Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Ngày 22/11 trước lúc Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 tới kiểm tra đột xuất bà Linh đã nhận được tin và tìm cách đối phó.
Các bé được đánh thức lúc 14h để rửa mặt, chải chuốt, sau đó ngồi vào bàn ăn xế. Khác với mọi ngày, hôm đó món ăn xế được nấu bằng mì tôm với rất nhiều thịt.
Để trình diễn với cán bộ kiểm tra việc các bé ăn ngoan, vệ sinh sạch sẽ…".
Kiểm tra, thanh tra dường như là "ưu ái" duy nhất mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập được hưởng? Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: thainguyen.edu.vn |
Báo VietnamNet đặt câu hỏi với ông Lê Trương Hải Hiếu: Phải chăng, có điều này là do cơ sở mầm non Mầm Xanh có bảo kê?
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 Lê Trương Hải Hiếu được Báo VietnamNet dẫn lời cho biết:
"Tôi chia sẻ về việc này như sau: Theo báo cáo trực tiếp từ bà Linh khi tôi tiến hành thẩm vấn, bà này cho biết trước khi đoàn kiểm tra đến có một hiệu trưởng của trường mầm non khác gọi điện.
Sau khi chúng tôi ráp thông tin thì sự việc xuất phát từ người phụ trách mầm non của Phòng Giáo dục Quận, cùng trong đoàn đi kiểm tra.
Đáng lý cô này khi hỏi đường phải liên lạc với Ủy ban nhân dân phường Hiệp Thành, nhưng lại gọi điện cho một hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn.
Vì vậy, cô hiệu trưởng này đã gọi điện cho bà Linh. Chúng tôi đã báo cáo Quận ủy rõ chuyện này.
Chúng tôi đã chỉ đạo Công an Quận 12 xác minh. Và hiện nay Công an Quận 12 cũng đã báo cáo với Công an Thành phố.
Tôi khẳng định là không có bảo kê cho cơ sở mầm non Mầm Xanh." [5]
Đã đến lúc cần nhận thức lại và có chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Theo VOV, sáng 5/12 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến một số trường mầm non, nhóm trẻ tư thục tại các phường Long Bình, Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có 324 trường mầm non công lập và ngoài công lập.
Tuy nhiên, số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục lên tới 1.067 nhóm, lớp. Tổng số trẻ mầm non là hơn 94.000 cháu.
Các nhóm trẻ tư thục chủ yếu phục vụ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Trước nhu cầu rất lớn của công nhân lao động, các lớp mầm non tư thục phát triển rất nhanh, có nhiều nhóm lớp chưa được cấp phép, khiến gia tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ, kể cả nguy cơ trẻ bị bạo hành.
Một trong những khó khăn lớn nhất của Đồng Nai hiện nay là dù nhu cầu mở trường, mở nhóm trẻ rất lớn.
Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới đây |
Nhiều cơ sở giáo dục mầm non có quy mô vượt quá quy định nhưng vướng các quy định về quy hoạch đất, thủ tục xây dựng… khiến nhiều lớp giữ trẻ đang hoạt động sai quy định.
Đồng Nai có nhiều nhóm, lớp trên 50 trẻ trong khi theo quy định trên 50 trẻ thì phải thành lập trường.
Phó Thủ tướng cho rằng, vi phạm này không phải là do lơ là quản lý mà do sức ép, nhu cầu của dân cư, của trẻ mà phải làm.
Do đó, tỉnh Đồng Nai cũng như ngành giáo dục phải tìm giải pháp cụ thể để gỡ vướng, trước hết là các giải pháp “mềm”. [6]
Báo VnExpress ngày 5/12 dẫn lời bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết:
"Quy định một nhóm trẻ dưới 50 cháu, nhưng sức ép dân cư quá lớn đã khiến tỉnh phải lơ quy định của Bộ Giáo dục để cho phép các nhóm trẻ trên 50 cháu tồn tại, trong đó có nhiều nhóm trẻ cả mấy trăm cháu.
Tình trạng bạo hành trẻ em ở tỉnh thường tập trung ở các nhóm trẻ, hộ gia đình tự phát, không có giấy phép.
Nạn nhân đa phần là con của người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp."
Theo bà Hiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh vẫn là cơ chế thành lập trường vì không có quỹ đất trường học.
Ngoài ra, dân nhập cư tạm trú rất lớn khiến nhiều trường giữ trẻ tự phát mọc lên. [7]
Chỉ qua 2 địa phương điển hình, một là trung tâm đô thị lớn, một là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp hàng đầu cả nước có thể thấy rõ, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập đã gần như bất lực trước nhu cầu quá lớn và liên tục gia tăng của xã hội.
Ảnh minh họa: Phương Thảo / Báo Hà Nội Mới. |
Ngay tại Hà Nội, có hộ khẩu cũng chưa chắc xin nổi cho con một “suất” vào cơ sở mầm non công lập. [8]
Những ví dụ này cũng cho thấy vai trò, đóng góp không thể phủ nhận, không thể thay thế của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Sự việc xảy ra tại cơ sở Mầm Xanh ai nghe tin cũng thấy đau lòng và phẫn nộ.
Việc trừng trị thích đáng những người bạo hành trẻ mầm non là điều tất yếu. Việc rà soát các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng là việc cần thiết.
Có điều, đây không phải giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc của vấn đề.
Và đáng buồn hơn, là không có một sự điều chỉnh nào về chính sách từ cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền các địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Người ta chỉ thấy cấp phép, quản lý, và kiểm tra...
Trong khi tiêu chí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra về mặt cơ sở vật chất quả thực quá sức với nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập tại các đô thị lớn, ví dụ như tiêu chí diện tích bình quân tối thiểu 8 mét vuông / 1 học sinh.
Nói cách khác, nếu cứ giở thông tư, điều lệ, văn bản pháp quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ra kiểm tra, thì kiểu gì cũng có vi phạm.
Phải chăng đây là mảnh đất màu mỡ cho các "quan thanh tra", và cũng là nỗi khiếp sợ của các doanh nghiệp, cá nhân mở cơ sở giáo dục mầm non / trông giữ trẻ ngoài công lập?
Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo |
Phải chăng chính cách quản lý, kiểm tra, giám sát hiện nay mà thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển lành mạnh hệ thống ngoài công lập, đã đẩy một số cơ sở đến chỗ phải tìm người "bảo kê"?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã rất mẫn tiệp và sát thực tiễn khi kết luận chuyến thị sát thực tế tại Đồng Nai.
Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có động tĩnh gì về hiệu chỉnh chính sách.
Trong khi đó phát biểu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đều cho thấy, cả hai địa phương này không có chính sách nào hỗ trợ các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Ở những nơi tấc đất tấc vàng như 2 địa phương này, người dân hay doanh nghiệp phải tự bỏ tiền mua đất, bỏ tiền xây trường, bỏ tiền trả lương giáo viên, tự lo chiêu sinh và còn phải đóng thuế cho Nhà nước.
Cứ xem Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở ngoài công lập gánh 76% số lượng trẻ mầm non, trả lương cho 3000 giáo viên so với 400 giáo viên công lập, nhiều gấp 4 lần.
Hay ở Đồng Nai, trong khi chỉ có 324 trường mầm non công lập và ngoài công lập thì tổng số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục lên tới 1.067 nhóm, lớp.
Các địa phương này cũng đã có kế hoạch ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí, nhưng chỉ giáo viên trường công mới được hưởng.
Trường tư và giáo viên trường tư, các cơ sở ngoài công lập gần như không được hưởng ưu đãi nào về tài chính, thuế, đất đai...mà còn phải đóng góp thêm. [10] [11]
Vậy phải chăng “giáo dục là quốc sách hàng đầu” chỉ dành cho các trường công lập, còn chủ trương này vẫn chỉ là khẩu hiệu với các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những đô thị lớn, khu công nghiệp?
Bởi chủ trương đúng đắn này chưa thể biến thành cơ chế chính sách cụ thể để phát triển hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong khi nhu cầu thực tế đã vô cùng bức thiết và vượt quá khả năng của hệ thống cơ sở giáo dục công lập.
Có tình trạng này phải chăng là bởi chính quyền địa phương các cấp cũng như ngành giáo dục vẫn còn mang nặng tư duy “quản lý” thay vì “quản trị”, và hoạch định chính sách?
Sẽ nhân văn và rốt ráo hơn nhiều, nếu đi kèm với quyết định kiểm tra toàn diện các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác hãy lắng nghe tiếng nói từ các cơ sở này, tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ.
Chúng tôi tin rằng giải pháp không thiếu, nhưng chính quyền cơ sở có lắng nghe và thực hiện hay không.
Các địa phương cắm đất cho các dự án địa ốc, trung tâm thương mại thì được, tại sao không dành đất cho giáo dục?
Các địa phương ra sức mở toang cánh cửa chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) vào địa phương mình, sao không dành được 1 góc chính sách cho giáo dục?
Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò của cơ quan chủ quản, đến bao giờ Bộ mới thay đổi tư duy “quản lý” và phát động phong trào sang “hoạch định chính sách phát triển giáo dục”?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5200
[3]https://news.zing.vn/lam-ro-thong-tin-bao-ke-cho-mam-xanh-noi-day-tre-bang-dao-post799773.html
[4]https://tuoitre.vn/cong-an-quan-12-co-bao-ke-co-so-mam-xanh-20171128101317204.htm
[6]http://vov.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-thi-sat-truong-mam-non-tu-thuc-tai-dong-nai-703708.vov
[11]
http://dangcongsan.vn/khoa-giao/khac-phuc-kho-khan-trong-giao-duc-mam-non-o-dong-nam-bo-398453.html