Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì?

25/11/2017 08:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Học phí chỉ là chuyện nhỏ, lạm thu mới là chuyện lớn. Nó không chỉ móc túi người dân mà còn làm méo mó giáo dục.

Tiếp theo bài viết Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo, chúng tôi xin phân tích "cái mới" thứ 2 trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố. 

Miễn học phí cấp 1 chưa xong, bàn chuyện miễn học phí cấp 2 làm chi?

Báo điện tử Giáo dục và Thời đại ngày 23/11 dẫn lời Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc miễn học phí ở trung học cơ sở là điều chúng ta mong muốn từ lâu. 

Chúng ta đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng học sinh trung học cơ sở chưa được miễn học phí thì chưa phải trọn vẹn. 

Ảnh minh họa: Thuần Thư / An ninh Thủ đô.
Ảnh minh họa: Thuần Thư / An ninh Thủ đô.

Phổ cập cộng với miễn học phí sẽ là một cách tiếp cận thực sự trọn vẹn với việc học tập ở trung học cơ sở vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của trẻ em ở lứa tuổi này.

“Chúng ta nói phổ cập là bắt buộc, mà bắt buộc thì không phải chí có quyền lợi, tức học sinh được nhà nước tạo điều kiện học tập mà còn là trách nhiệm phải học tập. 

Không thu học phí để tạo điều kiện cho học sinh, đồng thời, phụ huynh cũng không còn đưa lý do không cho con đi học vì điều kiện kinh tế. 

Ở nhiều nơi, người ta thậm chí còn cho thêm tiền, chứ không chỉ có miễn học phí.”

Liên quan đến băn khoăn về ngân sách, Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần tập trung vào cấp học phổ thông và thực hiện xã hội hóa nhiều hơn với cấp học khác. [1]

Một trong những nội dung đổi mới của Dự thảo Luật giáo dục sẽ miễn học phí đến cấp trung học cơ sở, tạo điều kiện phổ cập học sinh.

Vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân được Báo điện tử Giáo dục và Thời đại dẫn lời cho rằng, đây là trách nhiệm của xã hội và là điều đương nhiên. [2]

Chúng tôi xin dẫn ra đây khoản 1 Điều 105 Luật Giáo dục 2005

Điều 105. Học phí, lệ phí tuyển sinh

1. Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục.

Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.

Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. [3]

Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? ảnh 2

Xin Bộ Giáo dục đừng "tăng lương đãi bôi" nhà giáo

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu và soạn dự thảo Luật Giáo dục 2005;

Và cũng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu, soạn thảo Nghị định 86/2015/NĐ-CP ban hành ngày 2/10/2015.

Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Chương I: Quy định chung; Điều 2. Đối tượng áp dụng:

1. Trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Chương II: Quy định học phí; Điều 3. Nguyên tắc xác định học phí:

1. Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập:

Mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Điều 4. Khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông:

4. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện Quy chế công khai do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. [4]

Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích thế nào về những mâu thuẫn giữa Luật Giáo dục 2005 với Nghị định 86/2015/NĐ-CP mà cả hai đều do chính Bộ tham mưu, soạn thảo?

Như vậy, quy định miễn học phí cho học sinh tiểu học đã bị chính Bộ Giáo dục và Đào tạo tự tay đập bỏ; Thực tế cũng diễn ra y như những gì Bộ hướng dẫn.

Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 3/7/2017 quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ghi rõ đối tượng áp dụng:

Trẻ em học mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập với 3 mức theo vùng: thành thị là 110.000 đồng / tháng / học sinh; nông thôn là 55.000 đồng / tháng / học sinh; và miền núi là 14.000 đồng / tháng / học sinh. [5]

Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? ảnh 3

Vài lời bàn về việc tiêu 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9000 tiến sĩ

Quy định ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác nhân văn bao nhiêu, thì thực tế trái ngược phũ phàng bấy nhiêu.

Cứ xem phiếu lạm thu của trường Trung học cơ sở Minh Tân huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng thu 9.188.000 đồng, trong đó học phí chỉ có 540.000 đồng chiếm 0,58% tổng số tiền cha mẹ học sinh phải đóng góp, là thấy ngay vấn đề. [6]

Ví dụ về lạm thu kiểu này còn rất nhiều, truyền thông phản ánh, cha mẹ học sinh và giáo viên kêu than, nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra được giải pháp chính sách nào hữu hiệu.

Vậy phải chăng "điểm mới" của Dự thảo lần này, miễn học phí đến hết cấp 2, chỉ là để xoa dịu bức xúc của dư luận về sự bất lực của Bộ trước vấn nạn lạm thu?

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo luật, rồi lại tự tay phá luật?

Tình trạng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu ban hành, chỉnh sửa Luật Giáo dục từ 1998, 2005, 2009 và bản dự thảo 2017 hiện nay, rồi cũng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo “xé rào” các quy định của Luật Giáo dục không chỉ nằm trong lĩnh vực học phí.

Điển hình như chương trình - sách giáo khoa lần đầu tiên được “pháp điển hóa” từ Luật Giáo dục 1998, mỗi lần chỉnh sửa bổ sung sau đó là một lần siết chặt độc quyền về cho Bộ.

Nhưng bao năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã “tự hủy” Điều 29 Luật Giáo dục khi mặc nhiên cho các loại “tài liệu sử dụng như sách giáo khoa” tung hoành trong nhà trường phổ thông trên cả nước;

Những “tài liệu như sách giáo khoa” này còn được bán độc quyền, khép kín qua bộ máy quản lý nhà nước của ngành từ bộ xuống sở, phòng và nhà trường;

Giá "tài liệu dùng như sách giáo khoa" đắt gấp 2 gấp 3 sách giáo khoa thông thường mà nội dung chỉ chép lại sách giáo khoa.

Rồi lần thay sách giáo khoa hiện hành do quá tải, từ năm học 2009 - 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chuyển đổi một số môn từ bắt buộc sang tự chọn bắt buộc.

Và sách giáo khoa các môn này chuyển thành “sách tham khảo” để thường xuyên chỉnh sửa, in lại và bán với giá rất đắt.

Đó không chỉ là một sự lãng phí lớn, mà quan trọng hơn nó tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng chính sách, cho một số nhóm lợi ích chi phối và bóp méo nền giáo dục nước nhà.

Có quan điểm cho rằng, chính vì Luật Giáo dục hiện hành có quá nhiều quy định bất cập, nhất là Điều 29, nên người ta có lách luật cũng là điều đáng mừng, đáng khen.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại khi bàn về chương trình - sách giáo khoa hiện hành đã có câu nói khá nổi tiếng: Giữa hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn.

Theo thầy Hồ Ngọc Đại, người giúp ông “lách luật” lại là lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước: Giáo sư Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng.

Đó mới là nỗi đau của ngành giáo dục.

Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? ảnh 4

Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền đề xuất sửa luật và soạn dự thảo sửa đổi bổ sung, thầy Luận thầy Hiển không thực hiện mà lại phải "lách luật"?

Sách công nghệ giáo dục của thầy Đại hay sách VNEN của nhóm thầy Nguyễn Vinh Hiển đã được triển khai đại trà trên cả nước chán chê suốt mấy năm qua, rồi năm nay mới được "thẩm định" liệu có phải trái luật, hay hợp thức hóa việc làm “lách luật”?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kế nhiệm, mãi tháng 5 năm nay mới cho thành lập hội đồng quốc gia thẩm định để “hợp thức hóa” việc lách luật này cho Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục;

Còn sách VNEN thì cũng năm nay mới có quyết định "thẩm định khách quan", nhưng nó mặc nhiên sẽ là một trong 4 bộ sách giáo khoa của chương trình mới. Chương trình chưa có, sách đã in xong!

Chúng tôi sẽ bàn sâu hơn về cơ chế độc quyền phát hành sách giáo khoa trong Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành và nó tiếp tục bị xiết chặt hơn nữa trong dự thảo sửa đổi bổ sung, tại một bài viết khác.

Sở dĩ phải "dông dài" sang cả chuyện làm sách giáo khoa, bởi vì học phí chỉ là một khoản rất nhỏ trong số tiền cha mẹ học sinh mặc nhiên phải bỏ ra hàng năm để mua sách giáo khoa, tài liệu như sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho con.

Học phí còn nhỏ hơn rất nhiều, nếu so với tổng số tiền phải nộp ở những trường lạm thu dưới danh nghĩa "tự nguyện": điều hòa, nước uống, bảo vệ, trông xe, cây xanh, đồng phục (mùa đông, mùa hè, quần áo, giày dép, ba lô, bút mực)...

Quay trở lại vấn đề quy định bỏ học phí với cấp 2, cũng giống như quy định lương nhà giáo phải xếp cao nhất trong thang bậc lương nhà nước mà chúng tôi phân tích trong bài viết trước, thế nên nếu có nói “đãi bôi” hay “bánh vẽ” về “2 điểm mới” của dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này, xem ra cũng không ngoa.

Miễn học phí cấp 1 còn làm chưa xong, bàn chuyện cấp 2 để làm gì? ảnh 5

Thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ để hợp pháp hóa việc "lách luật"?

Trong khi đó thực tế chúng tôi không thấy cha mẹ học sinh phàn nàn về học phí, cho dù Luật Giáo dục quy định miễn với cấp tiểu học, bởi mức đóng hiện nay so với mặt bằng thu nhập và đời sống người dân là chấp nhận được.

Nhưng dư luận năm này qua năm khác kêu gào khản cổ về tình trạng lạm thu, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra được giải pháp chính sách nào khả dĩ.

Chúng tôi tin rằng, nếu có tăng gấp đôi học phí mà cấm triệt để được các khoản lạm thu như thế này, thì cha mẹ học sinh vẫn hưởng ứng nhiệt liệt.

Thế cho nên chúng tôi trộm nghĩ, học phí chỉ là chuyện nhỏ, lạm thu mới là chuyện lớn. Nó không chỉ móc túi người dân mà còn làm méo mó giáo dục. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường dạy các em học sinh phải trung thực và trách nhiệm;

Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quý thầy soạn chương trình và sách giáo khoa đã làm được 2 điều này chưa?

Chính nhà trường mà cụ thể là một “bộ phận không nhỏ” hiệu trưởng lại dối trá để tìm mọi cách móc túi cha mẹ học sinh, thì các em sẽ nghĩ thế nào?

Do đó, xin hãy khoan bàn chuyện miễn học phí cấp hai, mong sao Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe dư luận để tìm cho được các giải pháp chính sách xóa bỏ tệ lạm thu.

Việc đơn giản đầu tiên Bộ có thể làm là cấm hẳn thu hội phí phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức, bỏ hẳn Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT như đề xuất của một cô giáo:

“Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho cha mẹ học sinh lớp”. [7]

Thiết nghĩ, đó mới là những gì các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh trên cả nước cần ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không phải tăng lương kiểu “đãi bôi” hay miễn học phí nhưng lại không ngăn chặn lạm thu “phụ phí”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gs-dao-trong-thi-thay-doi-co-tinh-chat-cach-mang-trong-chinh-sach-giao-duc-3907482-v.html

[2]http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/can-co-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-nha-giao-3907479-v.html

[3]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148

[4]http://ctsv.tmu.edu.vn/uploads/ctsv/laws/nd-86.2015-mghp.pdf

[5]http://file2.hanoi.edu.vn//Data/hnedu/hanoi/Attachments/Nghi%20quyet%2001%20-%20HPhi.PDF

[6]https://tuoitre.vn/xem-xet-ki-luat-hieu-truong-truong-thcs-minh-tan-vi-lam-thu-201709091634239.htm

[7]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Can-sua-Thong-tu-55-cam-han-thu-hoi-phi-phu-huynh-hoc-sinh-duoi-moi-hinh-thuc-post179447.gd

Hồng Thủy