Thí sinh thích thú với đề Lịch sử bàn về truyền thống đoàn kết dân tộc

04/07/2016 12:05
Thùy Linh - Xuân Trung - Phương Thảo
(GDVN) - Kết thúc môn thi Lịch sử sáng 4/7, nhiều thí sinh nhận định, đề thi năm nay ấn tượng, đặc biệt câu hỏi về truyền thống đoàn kết dân tộc rất thú vị.

Ghi nhận tại điểm thi Học viện kỹ thuật quân sự, một thí sinh phấn khởi cho biết: “Đề thi năm nay không khó, không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc lòng quá nhiều.

Trong đề thi, em ấn tượng nhất câu cuối về thế hệ trẻ ngày nay cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc”. 

Bạn Bùi Lan Anh – Trường THPT Nguyễn Du vui vẻ nói: “Em ấn tượng nhất câu về các sự kiện. Đối với câu 4 nói về vấn đề đại đoàn kết dân tộc em thấy rất hay. Em làm được 70%”. 

Đề thi môn Lịch sử
Đề thi môn Lịch sử

Cùng quan điểm này về đề thi, thí sinh Minh Tuấn chia sẻ: “Em thấy đề thi năm nay khá mở, đặc biệt là câu 4 nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước”. 

Bạn Nguyễn Văn Dũng- Học viện chính trị quân sự cho biết: “Câu 4 là câu em thấy rất hay, giúp chúng e nói lên những ý kiến cá nhân. Hơn nữa vấn đề đại đoàn kết dân tộc thời bình và thời chiến khác nhau nên trong câu này và cả bài thi em thấy hài lòng”. 

Đánh giá về đề thi Lịch sử năm nay, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng: 

Đề ra rất tốt, sát với chương trình phổ thông, đề thi có nhiều điểm sáng, đáng kể nhất là câu IV. 

Đề thi ra cơ bản, không đánh đố, không yêu cầu thí sinh phải trình bày những kiến thức ngày, tháng năm một cách tỉ mỉ và chi tiết – đây là điều mà học sinh rất sợ học sử và thi sử. 

Về nội dung, những câu hỏi trong đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình lịch sử phổ thông lớp 12 hiện hành. Nội dung kiến thức mang tính bao quát và xuyên suốt chương trình lịch sử, nếu học sinh học tủ sẽ thất bại bởi dạng đề này
”. 

Từ nội dung này rút ra một kinh nghiệm mà theo thầy Hiếu khi học ôn thi đại học, thi tốt nghiệp đối với Lịch sử thì không được học tủ. 

Cũng theo thầy Hiếu, đề thi năm nay đáp ứng được cả hai yêu cầu: xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. 

Đề thi vừa có những câu mà học sinh nắm vững kiến thức cốt lõi, đối với học sinh có thực lực trung bình cũng có thể làm được. Nhưng đồng thời có những câu hỏi mang tính phân hóa cao. 

Quan điểm của tôi là tâm đắc nhất là câu IV, câu này thể hiện yêu cầu với học trò về kĩ năng thông hiểu, vận dụng cao
” thầy Hiếu chia sẻ. 

Thầy Hiếu nói thêm, câu IV đã rèn cho thí sinh kĩ năng vận dụng, liên hệ và khả năng nhận xét, từ đó giúp cho thí sinh có cơ hội trình bày quan điểm của mình về vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hiện nay. 

Trong tình hình hiện nay nếu không quan tâm tới vấn đề đại đoàn kết dân tộc thì thật sự là thách thức lớn, nếu chúng ta đoàn kết dân tộc thì đều nhìn về một hướng từng bước đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, thử thách. 

Do vậy, tôi vẫn tâm huyết câu hỏi IV. Câu này đòi hỏi thế hệ trẻ đang học ở trường phổ thông có suy nghĩ gì, có hành động gì để đoàn kết dân tộc. 

Bác Hồ đã nói:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. 

Trong hoàn cảnh lịch sử thế giới đã và đang gặp những vấn đề khó lường, trong tình hình vấn đề chủ quyền biển đảo của dân tộc đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong sự việc ô nhiễm môi trường vừa qua thì câu hỏi này vừa mang tính thời sự, đồng thời để thí sinh bày tỏ quan điểm của mình. Đây là ý rất hay của câu hỏi
” thầy Hiếu khẳng định.

Thùy Linh - Xuân Trung - Phương Thảo