"Đừng để ngứa trên đầu lại gãi dưới chân"

06/08/2016 07:43
Thùy Linh
(GDVN) - Đây là một trong những nhắc nhở chân tình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông dự hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 của ngành giáo dục hôm 5/8.

Ngành giáo dục chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống

Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng chia sẻ, dù không phải công tác trong ngành giáo dục nhưng trên cương vị của mình, Thủ tướng đã lắng nghe từ các chuyên gia, những nhà quản lý, những nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến giáo dục để hiểu hơn về ngành.

Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của ngành giáo dục, đào tạo năm học vừa qua đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Các ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến theo Thủ tướng là đã thể hiện rõ nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục tại từng địa phương và từ nhận thức tốt sẽ đi đến hành động tốt vì sự nghiệp giáo dục.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Sau 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từ một nước nghèo, kém phát triển, chúng ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng của ngành giáo dục”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm học 2015-2016 vừa qua, ngành giáo dục bước đầu triển khai đồng bộ Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương theo hướng mở, chú ý hơn đến tư duy sáng tạo của học sinh thay vì truyền thụ kiến thức một cách thụ động.

Đặc biệt là việc thi Trung học phổ thông toàn quốc đã nhiều đổi mới, khắc phục được những tồn tại của năm 2015.

Thủ tướng cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong dạy và học, nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều học sinh đạt giải cao kỳ thi quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận nhiều hạn chế, yếu kém gần đây của ngành đã được khắc phục một bước nhưng chưa thật căn bản. Đó là chưa coi trọng đúng mức đến giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, gây lo ngại cho xã hội. Vẫn còn nhiều hiện tượng như bạo lực học đường, nhiều tội phạm vị thành niên, gây bức xúc xã hội.

"Đừng để ngứa trên đầu lại gãi dưới chân" ảnh 2

Những con số "biết nói" của giáo dục phổ thông năm học 2015-2016

(GDVN) - Năm học 2015 - 2016, ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của học sinh phổ thông là rất hạn chế. Đặc biệt là học sinh còn thiếu kỹ năng sống dẫn đến nhiều trẻ đuối nước hoặc bị tai nạn thương tích. Việc khắc phục quá tải đối với học sinh phổ thông còn rất chậm.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung học chưa sát thực tiễn, chưa có giá trị cho học sinh sau này. Giáo dục đại học chưa thực sự sát nhu cầu xã hội, dẫn đến sinh viên ra trường không xin được việc làm trong khi doanh nghiệp vẫn thiếu lao động chuyên môn cao.

Số trường Đại học tăng nhanh nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến mỗi năm, ước tính nước ta mất khoảng 3 tỷ USD dành cho đi học nước ngoài.

Bên cạnh đó, đào tạo sau đại học chất lượng đáng lo ngại, phản ánh bệnh thành tích, sính bằng cấp. Nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh"- Thủ tướng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng đưa ra cảnh báo: “Xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh, nguy cơ chưa giàu đã già sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động”.

Đối với cơ chế tài chính, Thủ tướng cho rằng ngành còn chậm đổi mới, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Công tác quản lý giáo dục cũng còn chậm đổi mới, quản lý chất lượng kiểm tra còn lúng túng, còn tiêu cực trong tuyển sinh thi cấp bằng. Vấn đề dạy thêm, học thêm, học phí vẫn gây lo lắng trong nhân dân.

Thủ tướng nhận định, cơ sở vật chất của nhiều trường, nhất là vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Vẫn còn những trường học tạm bợ, không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Cơ sở vật chất giáo dục ở vùng sâu vùng xa, ở các khu công nghiệp lớn còn thiếu. Một số trẻ em việt kiều hồi hương chưa được đến trường.

Đừng để “ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”

Trước những hạn chế, yếu kém đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện hiệu quả việc đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29.

Nêu rõ giáo dục phổ thông là nền tảng của giáo dục nói chung, Thủ tướng yêu cầu chương trình giáo dục phải đảm bảo hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập; phải giảm tải nhanh cho học sinh, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện Văn – Thể - Mỹ.

"Đừng để ngứa trên đầu lại gãi dưới chân" ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chất lượng giáo dục đại học chuyển biến chậm”

(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc chỉ rõ tồn tại này trong bản báo cáo trình bày trước Quốc hội sáng 29/7.

Trong giáo dục phổ thông,“Tiên học lễ, hậu học văn”, câu đó luôn đúng trong đổi mới giáo dục.

Cần dạy học sinh biết yêu lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng người già, biết sống có trách nhiệm trong tập thể và xã hội. 

Trong thực tiễn, nhiều em không thuộc, không nhớ tí nào lịch sử của dân tộc ta. Chúng ta phải tìm nguyên nhân và có giải pháp tốt hơn trong môn Lịch sử, một môn điển hình. 

Một phong tục đáng quý ở miền Nam, mỗi khi đi học về các em khoanh tay chào bố mẹ và người lớn. Hay là Miền Bắc có phong tục rất quý, trước khi ăn cơm con cái mời bố mẹ ăn cơm. Những phong tục như vậy là văn hóa chúng ta phải giữ gìn trong đào tạo lớp tr
ẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, các chương trình phải chú ý giáo dục thể chất để tạo thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện. Tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là đối với trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Đây là cái gốc quan trọng để xóa đói giảm nghèo.
 
Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhất là trong bối cảnh chúng ta tham gia Cộng đồng ASEAN. Nếu không, sẽ mất cơ hội việc làm ngay tại thị trường trong nước.

"Đừng để ngứa trên đầu lại gãi dưới chân" ảnh 4

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức

(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật".

Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, Thủ tướng lưu ý, cần gắn kết chương trình đào tạo đại học, kết quả nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu xã hội.

Dùng hình ảnh “đừng để ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”, Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích việc liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

Đối với vấn đề tự chủ giáo dục, Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Không chỉ là tự chủ trong thu, chi mà cả trong tài chính, tài sản, trong tổ chức, nhân sự, trong đào tạo, trong tuyển sinh và quản lý sinh viên…  

Chỉ đạo việc triển khai, tổ chức thực hiện, Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương tăng cường vai trò quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương; Chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trường học; Chỉ đạo ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm và thu chi sai quy định và các tiêu cực khác trong nhà trường.

Thủ tướng cho biết thêm: “Tôi muốn gửi gắm cho ngành Giáo dục về điều mà Nguyễn Trãi đã từng nói là: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. 

Vì vậy, ngành Giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành Giáo dục có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi, Việt Nam có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước
”.
 
Thủ tướng khẳng định: “Xây dựng đất nước bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, phải lấy nhân tài làm gốc", và mong muốn "tất cả chúng ta cùng nhau hành động vì mục tiêu cao đẹp đó”.

Thủ tướng cho rằng, chấn hưng giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của dân tộc, bồi đắp nguyên khí quốc gia là sự nghiệp nặng nề nhưng hết sức vĩ đại, vẻ vang của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Sự nghiệp này đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của nhà trường; sự chung tay, góp công, góp sức của cộng đồng, xã hội, đặc biệt là của các gia đình - các bậc phụ huynh.

Thùy Linh