Vì sao môn Toán, Lịch sử nên chọn phương án thi trắc nghiệm?

14/09/2016 08:14
Thùy Linh
(GDVN) - Chiều 13/9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức trao đổi về dự thảo thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017.

Tại buổi trao đổi, phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi tới các chuyên gia giáo dục PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; GS.TSKH Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học; TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học; bà Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam); TS.Phan Huy Phú- Hiệu trưởng trường Đại học Thăng Long. 

Khi trả lời báo chí về phương pháp thi trắc nghiệm môn Toán và môn Sử trong Dự thảo mà Bộ GD&ĐT đưa ra đang gây xôn xao dư luận, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp khẳng định: 

Hai phương pháp trắc nghiệm khách quan và tự luận, chúng ta không thể nói phương pháp nào ưu việt hơn. Bởi, trắc nghiệm khách quan trong thời gian ngắn cho đánh giá bao phủ môn học, chấm điểm khách quan, ít may rủi còn tự luận lại đánh giá được khả năng diễn đạt, sáng tạo ở mức độ cao. 

Tuy nhiên, nếu lựa chọn một trong hai phương pháp này để áp dụng cho kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn hàng triệu thí sinh dựa trên tiêu chuẩn nhất định thì phương pháp trắc nghiệm có xu thế áp đảo. 

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức trao đổi về dự thảo thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017. (Ảnh: Thùy Linh)
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức trao đổi về dự thảo thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017. (Ảnh: Thùy Linh)

Nếu phương pháp trắc nghiệm khách quan, chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng đề thi còn phương pháp tự luận, chất lượng kỳ thi sẽ phụ thuộc vào năng lực người chấm bài. 

Với quy mô hàng triệu thí sinh không thể nào tìm được đủ người chấm bài có trình độ cao, do đó để đảm bảo khách quan phải quy định thang điểm rất chi tiết, barem rất rõ ràng theo kiểu đếm ý tính điểm.

Có nghĩa là hình thức thi tự luận nhưng mặc nhiên lại chấm theo phương pháp trắc nghiệm khách quan. 

Còn đối với hình thức trắc nghiệm khách quan, đề thi có thể được đảm bảo và nâng cao chất lượng bằng quá trình lâu dài xây dựng ngân hàng câu hỏi, thử nghiệm và phân tích, chỉnh sửa câu hỏi; có thể huy động nhiều người tham gia viết câu hỏi mà không sợ lộ đề. 

Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới các kỳ thi tiêu chuẩn quy mô lớn lại chọn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, chỉ bổ sung bằng vài câu hỏi tự luận ngắn đối với các môn học thật sự cần thiết. 

Nhưng thời gian qua, do không thấy rõ được ưu, nhược điểm của phương pháp thi trắc nghiệm khách quan và tự luận mà nước ta chưa mở rộng sử dụng thi trắc nghiệm khách quan cho các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý làm cho các kỳ thi nặng nề, chấm thi tốn kém và thiếu khách quan, các môn thi và đề hi không bao quát được chương trình giáo dục. 

Theo góp ý của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi tới Bộ GD&ĐT nên để các đề Toán và Ngữ văn sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan và kèm theo một câu tự luận ngắn (để thí sinh làm trung bình trong khoảng 30 phút). 

Phần tự luận của đề Toán nhằm đánh giá khả năng giải quyết các vấn đề toán học của thí sinh còn phần tự luận của đề Văn nhằm đánh giá khả năng viết và diễn đạt bằng tiếng Việt, sẽ hạn chế thí sinh viết không quá 400 từ hoặc một trang giấy A4. Thời gian làm bài cho mỗi đề Toán và Văn là 90 phút (60 phút trắc nghiệm khách quan, 30 phút tự luận). 

Với hình thức thi như vậy vừa tránh được tình trạng học lệch mà vẫn đảm bảo đánh giá năng lực tư duy, sáng tạo của thí sinh. 

Ngoài ra, theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, chúng ta cần hiểu rõ rằng: “Mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia của ta là đánh giá kiến thức, kỹ năng cơ bản tối thiểu mà học sinh cần nắm được chứ không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài nên phương pháp trắc nghiệm khách quan là tối ưu.

Còn nếu là kỳ tuyển chọn nhân tài thì không nên dùng phương pháp này”. 

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp (Ảnh: Thùy Linh)

Với tư cách giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), bà Nguyễn Phương Nga cho rằng:

Thi trắc nghiệm khách quan sẽ giảm tình trạng đoán mò, may rủi cho thí sinh. Hơn nữa, máy chấm điểm nên không còn hiện tượng các thầy cô chấm lệch nhau. 

Theo đánh giá của thế giới, thi trắc nghiệm khách quan hay tự luận không hề ảnh hưởng đến việc học và dạy trên lớp của học sinh và giáo viên vì đề thi phụ thuộc chương trình sách giáo khoa nên thầy cô cứ dạy đúng chương trình, không cắt xén, học sinh và phụ huynh không cần quá lo lắng
”. 

Ngày 8/9, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học 2017. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ được tổ chức trong hai ngày tháng 6 trên cả nước.

Hướng tiếp tục cải tiến kì thi THPT quốc gia năm 2017 là chuyển từ thi theo môn sang thi theo 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).

Nội dung đề thi năm 2017 chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).

Trừ bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và bài thi được chấm bằng phần mềm máy tính.
Thùy Linh