Xin thẳng thắn nói ra đây các lo lắng, áp lực đang đè lên các thầy cô

02/05/2018 07:51
Thiên Ấn
(GDVN) - Vào cuối năm học có nhiều nỗi lo lắng, áp lực đè lên vai các thầy cô giáo.

LTS: Trước những nỗi niềm lo lắng, vất vả và áp lực của các thầy cô giáo vào mỗi dịp cuối năm học, bản thân cũng là một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm tham gia vào công tác giảng dạy trong nhà trường - tác giả Thiên Ấn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào cuối năm học có nhiều nỗi lo lắng, áp lực đè lên thầy cô giáo, xin được nói rõ ra đây:

Không hoàn thành chỉ tiêu chủ nhiệm và giảng dạy

Ngay từ đầu năm học, tất cả giáo viên phải đăng ký, cam kết với nhà trường, tổ, nhóm bộ môn về thực hiện các chỉ tiêu thi đua như tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, học sinh tiên tiến, số lượng em có hạnh kiểm loại khá, tốt…

Nỗi lo của các thầy cô giáo vào mỗi dịp cuối năm học (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).
Nỗi lo của các thầy cô giáo vào mỗi dịp cuối năm học (Ảnh minh họa: sggp.org.vn).

Tất nhiên, đăng ký, cam kết là một chuyện nhưng thực tế, kết quả cuối năm lại là một chuyện khác.

Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: nỗ lực của thầy cô, cố gắng của trò…

Nếu Ban giám hiệu nào am hiểu, linh hoạt, luôn coi các chỉ tiêu thi đua là kế hoạch, động lực để giáo viên - học sinh phấn đấu, không xem nó là căn cứ chính để xếp loại, khen thưởng thì thầy cô giáo khá thoải mái, nhẹ nhàng, việc đánh giá, cho điểm học sinh nhiều khi thực chất hơn.

Còn nếu Ban giám hiệu nhà trường cứng nhắc, thiếu thực tế, cứ lấy con số, tỉ lệ đã cam kết, đã đăng ký thi đua từ đầu năm mà kết luận, đánh giá thì nhiều giáo viên phải áp lực, lo lắng, suy nghĩ.

Có tình trạng một số thầy cô chạy theo bệnh thành tích, cho điểm học trò…trên trời.

Ra đề kiểm tra học kỳ, thi thử, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia

Đây là nghiệp vụ quan trọng và thường xuyên của mỗi thầy cô giáo.

Mặc dù đã được học tập, bồi dưỡng, tập huấn rất nhiều lần về các yêu cầu kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật làm đề kiểm tra, đề thi, ma trận đề, hướng dẫn chấm mỗi khi có những đổi mới, cải tiến khâu đánh giá, kiểm tra song không phải giáo viên nào cũng vững vàng về chuyên môn, nhuần nhuyễn, cẩn thận, chuẩn xác trong cách trình bày, sắp xếp, lập luận…

Ba công việc vất vả, áp lực nhất đối với giáo viên cuối năm học

Sai sót, nhầm lẫn từ nội dung, kiến thức đến kỹ thuật đều có thể xảy ra.

Thực tế, một số giáo viên ra đề kiểm tra, đề thi ở nhà trường phổ thông đã từng dính những sự cố đáng tiếc như trên khiến uy tín, hình ảnh của họ bị ảnh hưởng.

Một bộ phận nhà giáo rất sợ và lo lắng khi được phân công, đảm trách khâu ra đề thi, đề kiểm tra, nhất là những đợt kiểm tra, thi có số lượng lớn học sinh tham gia như cấp trường, cấp phòng và quốc gia.

Đi coi thi và chấm thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia

Trong Quy chế tuyển sinh vào lớp 10, Quy chế tuyển sinh trung học phổ thông quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở phần cuối luôn có mục khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ coi thi, chấm thi.

Nhưng trong thực tế, bao nhiêu năm nay, chưa hề thấy có một cá nhân, tập thể nào được các cấp quản lý xem xét, ra quyết định khen thưởng về nhiệm vụ trên.

Mà dường như chỉ có các hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể để ra những sai phạm liên quan đến công việc coi thi, chấm thi.

Chính vì vậy, một bộ phận thầy cô giáo thường hay tìm cách né tránh nhiệm vụ coi thi, chấm thi tuyển sinh, thi trung học phổ thông quốc gia.

Còn giáo viên được cấp trên điều động, phân công thì trong trạng thái lo lắng, sợ hãi đến quên ăn, mất ngủ. Không may có chuyện gì, mình có thể bị kỷ luật như chơi.

Vẫn nặng nề hồ sơ, sổ sách, họp hành nhiều

Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các loại hồ sơ, sổ sách được quy định tại Điều lệ trường phổ thông năm 2011.

Cán bộ, giáo viên rất chán ghét báo cáo, họp hành nhiều

Ấy vậy mà một số địa phương, cơ sở giáo dục lại tự cho mình cái quyền “phép vua, thua lệ làng”.

Họ tiếp tục bắt buộc giáo viên phải làm, nộp và kiểm tra những loại sổ sách, biểu mẫu không cần thiết, rườm rà, nặng tính hình thức.

Việc họp hành cũng chậm đổi mới, cải tiến, chuyện cỏn con, vụn vặt, mấy vị ban giám hiệu cứ nhai đi nhai lại, tốn rất nhiều thời gian.

Còn những nội dung, công việc trọng tâm thì vòng vo, dông dài, cứ tưởng giáo viên ngồi ở bên dưới là học sinh.

Có thầy giáo bực quá mà thốt lên rằng: “Biết rồi khổ lắm, nói mãi”.

Ngoài ra, các thầy cô còn có những mối lo lắng thường trực khác nữa vào giai đoạn cuối năm học như:

Học sinh của mình bị thi lại, rèn luyện trong hè, ở lại lớp, thi không đỗ nhiều.

Sợ bị phụ huynh và nhà trường chê trách, phê bình; sợ đồng nghiệp, hội đồng thi đua khen thưởng đánh giá mình thấp kém, loại tên khỏi danh sách đề nghị…

Điều này thể sự quan tâm, tình thương, trách nhiệm cũng như những áp lực, căng thẳng, thử thách không nhỏ của người thầy hôm nay khi năm học 2017-2018 chuẩn bị kết thúc.

Thiên Ấn