Ngày 12/6/2018, các cô giáo Trường Mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương, Nghệ An quỳ xin Chủ tịch Thị trấn Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đừng đóng cửa trường.
Câu chuyện các cô quỳ đã khiến dư luận bức xúc vì trong lúc đang thiếu trường học, muốn thu hút xã hội hóa giáo dục thì chính quyền Thanh Chương lại quyết định đóng cửa một trường học có cơ sở vật chất tốt nhất trên địa bàn của huyện mình.
Đằng sau sự phi lý này là những rắc rối trong vấn đề pháp lý. Trong đó có lỗi từ phía chính quyền địa phương cũng như nhà đầu tư.
Điều này đã đẩy nhà đầu tư vào cảnh mất trắng 7 tỉ đồng tiền vốn, các cô thất nghiệp, trò không có trường học yêu thích.
Trong khi, tài sản nhà nước có khả năng thất thoát trong vụ việc này (theo tờ trình xin thanh lý tài sản tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp) là 23 triệu 977 nghìn đồng.
Kể từ đó đến nay, các cô giáo Trường Mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương và nhà đầu tư kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, nhân văn đến từ các cơ quan có thẩm quyền.
Mong mỏi Trường mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương, Nghệ An được mở của trở lại sớm nhưng giờ đây các cô giáo từng quỳ giữ trường nay tiếp tục chờ đợi một quyết sách nhân văn đến từ các cơ quan có thẩm quyền (ảnh Trinh Phúc). |
Xung quanh câu chuyện này hiện 5 Bộ gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và Bộ Tư pháp đã có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ.
Theo đó, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: “Hai nhóm trẻ độc lập tư thục Tuổi Thơ Thanh Chương được thành lập và hoạt động, đã nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 215 trẻ emmầm non, giải quyết một phần nhu cầu gửi con của phụ huynh trên địa bàn huyện khó khăn như Thanh Chương.
Cơ sở giáo dục mầm non Tuổi Thơ nằm ở vị trí quy hoạch đất sử dụng cho giáo dục. Mặt khác, những vi phạm của nhà đầu tư cũng có nguyên nhân từ sự thiếu phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành của tỉnh Nghệ An, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương trong tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn”.
Từ thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị: “Nhà đầu tư khi thành lập nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải thực hiện đúng các quy định tại Nghị đinh 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về Điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Điều lệ trường mầm non, Quy chế tổ chức hoạt động trường mầm non tư thục.
Ủy ban nhân dân Nghệ An xem xét, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trường mầm non Tuổi Thơ được thành lập và hoạt động góp phần đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non trên địa bàn huyện Thanh Chương.
Đảm bảo quyền lợi của giáo viên, đồng thời khuyến khích xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn”.
Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định để Trường mầm non Tuổi Thơ được hoạt động trở lại thì các Bộ ngành khác lại có ý kiến đề xuất đấu giá tài sản.
Cụ thể, ý kiến của Bộ Tài Chính cho rằng: “Trường hợp Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương không có nhu cầu sử dụng đối với cơ sở nhà, đất tại khối 3 thị trấn huyện Thanh Chương, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ.
Trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo hình thức bán đấu giá đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước”.
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì? |
Quan điểm của Bộ Tư Pháp là: “Sau khi lập phương án xử lý, sắp xếp lại cơ sở nhà đất Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Thanh Chương thuộc diện dôi dư thì có thể thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Về đề xuất bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện đúng điểm b khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ_CP của Chính phủ thực hiện đúng điểm b, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ_CP của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Điều 118 Luật Đất đai của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Điều 118 Luật Đất Đai 2013”.
Bộ Tài Ngyên và Môi trường cho rằng: “thu hồi đất, không bồi thường tài sản tạo lập trái quy định, giao tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định”.
Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, nhu cầu học tập của trẻ mầm non ở tại huyện Thanh Chương lớn, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An rà soát mạng lưới giáo dục của toàn tỉnh và chỉ đạo các Sở liên tục quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công”.
Với các ý kiến nếu trên, có thể thấy các Bộ ngành đã nghiên cứu các vấn đề pháp lý để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, có thể thấy đang có quan điểm khác nhau giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ khác.
Chính vì điều này, nhà đầu tư và các cô Trường Mầm non Tuổi Thơ Thanh Chương vẫn rất sốt ruột trước nguy cơ trường không được mở cửa trở lại và nhà đầu tư sẽ mất trắng tài sản 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên, các cô giáo và nhà đầu tư vẫn chưa hết hi vọng vào tính nhân văn trong các quyết định cuối cùng của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An.