Có cây nên dây leo
Ngày 14/9, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được lá thư cầu cứu cấp trên của lãnh đạo Trường Mầm non Tuổi Thơ, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - nơi xảy ra sự việc các cô giáo mầm non quỳ để xin đừng đóng cửa trường.
Trong thư, ông Đặng Minh Chưởng – Tiến sĩ Vật lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Giáo dục Minh Sang – chủ đầu tư Trường Mầm non Tuổi Thơ cho rằng: “Chính quyền ở Nghệ An hành xử không đúng với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - do tôi làm chủ, không đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đang dày công xây dựng”.
Hơn 2 năm về với Thanh Chương, theo gợi ý và lời mời của Lãnh đạo huyện; Công ty Minh Sang chủ đầu tư Trường mầm non Tuổi Thơ cùng với các cấp các ngành đã có gần 60 văn bản, cuộc làm việc mà vẫn chưa đâu vào đâu. Và hiện tại nhận được kết quả đắng cay là dừng hoạt động (ảnh báo Nghệ An). |
Để minh chứng cho điều này, ông Chưởng đã trình bày quá trình đầu tư vào Trường Mầm non Tuổi Thơ.
Theo ông Đặng Minh Chưởng, cuối năm 2016, Lãnh đạo huyện Thanh Chương gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch cùng với một số thầy cô giáo đến Trường Mầm non Tuổi Thơ Vinh tham quan (đây là ngôi trường tư thục do ông Đặng Minh Chưởng làm chủ đầu tư).
Sau đó, lãnh đạo huyện Thanh Chương tha thiết mời ông Đặng Minh Chưởng về Thanh chương đầu tư (với cam kết sẽ hỗ trợ tối đa và nhất quán).
Sau lần mời chào đó, ông Đặng Minh Chưởng và các cô của Trường Mầm non Tuổi Thơ Vinh đã đi thăm Trường Mầm non Thị trấn Thanh Chương.
Khi đến thăm 3 cơ sở mà trường mượn học tạm gồm: Hội trường Ủy ban nhân dân Thị trấn ngăn làm ba nhóm lớp, Nhà Văn hóa khối 4 và một số địa điểm khác, từ thực tế đó ông Chưởng đã quyết định đầu tư một trường học mới vào khu vực này.
“Tôi rất rất xúc động trước sự thiếu thốn đủ đường của các cháu thậm chí mất an toàn cả về nuôi dưỡng và thân thể, trong một phút chốc tôi quyết định đầu tư vào đây” – ông Chưởng chia sẻ trong tâm thư.
Cũng theo ông Chưởng, ngày 13/12/2016 Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương có Tờ trình 2776/TTr - UBND đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương cho Công ty Minh Sang đầu tư xây trường mầm non và tiểu học tư thục tại thị trấn Thanh Chương.
Vị trí đầu tư tại Trung tâm Kỹ thuật – Hướng nghiệp dạy nghề Thanh Chương (Khối 3, thị trấn Thanh Chương) - do sắp xếp, sáp nhập nên đã chuyển đi nơi khác.
Ông Chưởng mô tả rằng: “Vị trí đầu tư là khu đất cheo leo bên sườn đồi, gần như hoang hóa – đựơc quy hoạch dành cho giáo dục, một rẻo đất trên một ngọn đồi, xa đường quốc lộ, tường gạch đổ nát, nó không phải đất vàng để đầu tư vào bất động sản để kiếm lời”.
Ngày 15/12/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã chuyển hồ sơ cho Sở Kế hoạch Đầu tư để tổng hợp ý kiến từ các sở, ngành.
Mãi đến ngày 7/3/2017, các đơn vị mới gửi văn bản đến Sở Kế hoạch Đầu tư và từ đó, Sở kế hoạch Đầu tư mới tập hợp đầy đủ ý kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 15/3/2017.
Đâu là pháp lý, đâu là tính nhân văn?
Ông Chưởng chia sẻ rằng: “Với sự thôi thúc của phụ huynh, trong đó có nhiều vị Lãnh đạo huyện Thanh Chương nên tháng 5/2017 Công ty Minh Sang đã xây dựng 2 dãy nhà cấp 4, mua sắm trang thiết bị để các cháu có chỗ học và được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.
Khi làm xong 2 dãy nhà cấp 4, phụ huynh ùa đến xin cho con học. Công ty Minh Sang đã báo cáo và Phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Chương đã kiểm tra, Ủy ban nhân dân thị trấn Thanh Chương đã cấp phép hoạt động của cơ sở Mầm non Tuổi Thơ.
Trong thời gian ngắn 8 phòng học đã kín với gần 250 cháu.Trong số các cháu vào học có nhiều bé là con, cháu ruột của Lãnh đạo hoặc nguyên Lãnh đạo huyện Thanh Chương và Thị trấn Thanh Chương”.
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì? |
Trong tâm thư, ông Chưởng bày tỏ rằng: “Thực sự, tôi mừng lắm, mừng cho mình, mừng cho các cháu, mừng cho phụ huynh và nhân dân rất hồ hởi mừng rỡ…!”
Qua tâm thư, nhà đầu tư này còn cho biết: “Từ khi làm hồ sơ xin phép lập Dự án đầu tư (12/2016) đến gần 1 năm sau, với gần 40 văn bản từ Công ty Minh Sang lên đến tỉnh và ngược lại, không biết bao nhiêu lần chạy đi chạy lại, ngày 20/11/2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An mới có Quyết định số 5619/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư,…
Vẫn biết rằng, Công ty chúng tôi có những sai sót, vội vàng khi chưa hoàn tất thủ tục và đã triển khai làm một số nhà cấp 4, nhưng cái đó có nguyên nhân từ sự chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt khác, một số đồng chí lãnh đạo cũng động viên, vỗ vai “thôi cứ triển khai đi”.
Và cũng thật lòng, tôi không đồng tình với một vài cơ quan Nhà nước khi đối xử với doanh nghiệp trong thực hiện chủ trương xã hội hóa, làm chúng tôi hết sức vất vả”.
Ông Chưởng cho rằng: “Việc chậm trễ dẫn đến không hoàn thành thủ tục, đâu phải do Công ty chúng tôi.
Mà thủ tục nằm ngay trong tay các cấp chính quyền. Một vài vị Lãnh đạo đã lấy cớ sự chậm trễ đó, gây sức ép và cuối cùng là dừng hoạt động!.
Với những quyết định khó hiểu và “đánh đố”, cho dù chủ đầu tư muốn hoàn thiện thủ tục cũng rơi vào một vòng luẩn quẩn, bế tắc”
Vị này còn cho rằng: “Doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục thì chẳng lẽ tự mình làm chậm để gây khó khăn cho chính mình, trong khi đã xây dựng một ít cơ sở vật chất và các cháu đã học.
Nhưng việc các cơ quan công quyền cố tình làm chậm thì Công ty Minh Sang phải chịu hậu quả và có thể nói là tai họa”.
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!
Cũng theo ông Chưởng: “Người ta có thể vùi dập cái xấu, cái ác, nhưng tại sao lại vùi dập một ngôi trường mầm non vừa mọc lên đang đem đến niềm vui và niềm hy vọng cho người dân phố huyện miền núi, cho các em thơ…
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ứng xử với Doanh nghiệp chúng tôi, hủy bỏ một cơ sở mầm non đang hoạt động có hiệu quả, được dân tin; chỉ vì lý do là chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Kỷ luật 5 cán bộ nhưng trường của các cô giáo quỳ gối vẫn bị đóng cửa |
Mà thủ tục pháp lý lại nằm ngay trong tay các vị lãnh đạo. Thử hỏi đâu là pháp lý, đâu là tính nhân văn?
Thiết nghĩ, sự vòng vo luẩn quẩn của các văn bản Ủy ban nhân dân tỉnh ở trên như là một sự trù dập đối với một công ty nhỏ bé, đầu tư có hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục”.
Trong tâm thư ông Chưởng cũng chia sẻ, đang vay nợ để đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non Tuổi Thơ.
Việc đóng cửa trường không những doanh nghiệp lâm vào nguy cơ phá sản, hơn ba mươi cô giáo trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp mà còn gây ra sự xáo trộn lớn đối với phụ huynh, học sinh.
Trong tâm thư nhà đầu tư này chua chát nhận xét: “Hơn 2 năm về với Thanh Chương, theo gợi ý và lời mời của Lãnh đạo huyện;
Công ty chúng tôi cùng với các cấp các ngành đã có gần 60 văn bản, cuộc làm việc mà vẫn chưa đâu vào đâu. Và hiện tại nhận được kết quả đắng cay là dừng hoạt động.
Có lẽ, trong những ngày qua, đối với tôi là tột đỉnh của sự vất vả, cùng cực và có khi cả sự uất hận!”.
Cuối cùng ông Đặng Văn Chưởng đề nghị: “Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương và Thị trấn Thanh Chương cho Nhóm lớp Mầm non Tuổi Thơ thị trấn Thanh Chương trở lại hoạt động;
Phục hồi Quyết định số 5619/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc chấp thuận chủ trương đầu tư; hoàn tất các thủ tục giao đất theo quy định, để Công ty triển khai, xin phép thành lập Trường;
Với mong muốn của Công ty chúng tôi cũng như các doanh nghiệp được làm việc với các cấp quản lý nhà nước theo tinh thần cải cách hành chính, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Có như vậy, các doanh nghiệp mới có cơ hội đầu tư và phát triển được”.
Thư này đã được Nhà trường gửi lên cấp cao, thật chua xót.