191 trường mầm non cam kết 8 tiêu chí bếp ăn an toàn

13/10/2017 06:52
Tấn Tài
(GDVN) - Đại diện các trường mầm non cam kết với lực lượng cảnh sát môi trường, sở giáo dục sẽ chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

191 trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và 32 cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm cho các trường này vừa ký cam kết chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể tại các trường.

Các trường mầm non ở Đà Nẵng cam kết sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng. Ảnh: TT
Các trường mầm non ở Đà Nẵng cam kết sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng. Ảnh: TT

Theo Phòng cảnh sát môi trường – PC49 (Công an Đà Nẵng), đơn vị này vừa phối hợp sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà tổ chức tuyên truyền cho các trường mầm non về các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể tại các trường.

Đây là chương trình nhằm hưởng ứng mục tiêu xây dựng “thành phố 4 an”, ngăn ngừa, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

191 trường mầm non cam kết 8 tiêu chí bếp ăn an toàn ảnh 2

Phát hiện thực phẩm thối rữa "tuồn" vào Trường Tiểu học Lý Nhân

Sau khi nghe phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bà Tạ Mỹ Tâm - Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Nhung, đại diện các trường mầm non tiếp thu, cam kết với Phòng Cảnh sát môi trường và sở Giáo dục và đào tạo sẽ chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Trong đó, bà Nhung cho biết sẽ tập trung thực hiện 8 nội dung trọng tâm gồm:

1. Bếp ăn tập thể của nhà trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận và khám sức khỏe định kỳ đúng quy định.

Có cán bộ chuyên trách kiểm soát chất lượng thực phấm trước và sau khi chế biến. Định kỳ giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm và đánh giá tiêu chí cơ bản về chất lượng, an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

3. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phấm, chất hỗ trợ chế biến sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn.

4. Bảo đảm đủ nước sạch để sản xuất thực phẩm và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

Thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng.

5. Quy trình sản xuất thực phẩm được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng. Bố trí lưu mẫu thực phẩm đúng quy định.

Khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm, khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm, khu vệ sinh, khu thay đồ bảo hộ lao động và các khu vực phụ trợ liên quan được thiết kế xây dựng tách biệt.

6. Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây bệnh.

Nền nhà phẳng, nhẵn, thoát nước tốt, không thấm và dễ làm vệ sinh. Không sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm.

Chỉ dùng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng được phép sử dụng. Nhà vệ sinh phải được bố trí riêng biệt với khu sản xuất thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực sản xuất.

7. Có đủ dụng cụ thu gom chất thải rắn có nắp đậy, có hợp đồng thu gom, xử lý rác thải với Công ty cổ phần môi trường đô thị Đà Nẵng.

Nước thải được thu gom, xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt trước khi xả thải ra môi trường.

8. Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Phòng Cảnh sát môi trường, sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc công an thành phố Đà Nẵng đề nghị Phòng Cảnh sát môi trường, sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác phòng ngừa, phối hợp, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể tại các trường mầm non.

Tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, Báo Điện tử giáo dục Việt Nam cũng đã có loạt bài cảnh báo về thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa cơm cho học sinh bán trú.

Thực tế đã có trường hợp sử dụng hàn the (chất cấm trong thực phẩm), hàng quá hạn sử dụng để chế biến đồ ăn cho học sinh gây bức xúc, lo lắng cho phụ huynh.

Tấn Tài