Dự thảo nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT trình Quốc hội có tổng dự toán là 34.275 tỷ đồng.
Lý giải về con số “trên mây” này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng đây không phải chỉ là đổi mới chương trình, SGK mà còn dùng cho đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cũng phải dùng cho cả… kinh phí tuyên truyền về đổi mới.
Ông Hiển cũng cho rằng: “Xu thế chung của chương trình giáo dục hiện đại là tích hợp và phân hóa cao; một mặt để hình thành năng lực vận dụng tổng hợp, mặt khác giúp học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt; hạn chế số lượng môn học bắt buộc; ưu tiên cho tự chọn nội dung học tập nhằm đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân người học”.
Báo chí đưa tin: “Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị cán bộ giáo dục nhận thức sâu sắc những nhiệm vụ đã được cán bộ quản lý trong ngành GD biết và đã áp dụng thì sẽ phải phát huy tốt. Còn những nhiệm vụ mới trong Đề án, chưa bao giờ thực hiện thì phải quán triệt và học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để thực hiện cho tốt”.
Dễ nhận thấy là theo thông lệ (từ ngày xửa ngày xưa) việc đầu tiên và không thể thiếu là tổ chức “Hội nghị quán triệt tinh thần Hội nghị …”. Trong hội nghị thì những khẩu hiệu được dùng từ thời cải cách giáo dục “đệ nhị, đệ tam” như “quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung của Nghị quyết… từ đó có sự thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy…” lại được nhấn mạnh. Sau hội nghị cấp Bộ (29/10/2013) chắc hẳn sẽ đến hội nghị cấp Sở với nội dung: “Quán triệt tinh thần hội nghị cấp Bộ về quán triệt tinh thần hội nghị Trung ương…”. Nói tóm lại, việc đầu tiên của đổi mới giáo dục là … không đổi gì cả.
Đa số lãnh đạo hay dùng từ “đề nghị” khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, “đề nghị” nghĩa là không dám ra lệnh cho cấp dưới. Vấn đề ở đây không phải là bắt bẻ từ ngữ mà nó cho thấy phần nào sự bất lực của người dùng từ. Phải chăng người nói cũng không tin tưởng mình nói đúng nên chỉ dám “đề nghị”, phải chăng vì biết có ra lệnh chưa chắc cấp dưới đã nghe nên lại phải “đề nghị”?
Trong các giai thoại về Napoleon Bonaparte có chuyện kể một thống chế có thân hình rất cao lớn chỉ huy một đạo quân đánh mãi không chiếm được một cây cầu. Napoleon nói: “Ngài cao hơn tôi một cái đầu, nếu không chiếm được cầu thì ngài chỉ cao bằng tôi”. Ở đây không thấy Napoleon “đề nghị” cấp dưới phải “quán triệt sâu sắc” tinh thần của trận đánh.
Người viết có một mong muốn thật giản dị, các vị lãnh đạo đừng “đề nghị” nữa. Với tư cách tư lệnh một ngành, hãy dũng cảm đoạn tuyệt nàng tiên “làm chủ tập thể”, hãy dám ra lệnh và chịu trách nhiệm về mệnh lệnh của mình. Nếu “chủ nghĩa đề nghị” vẫn còn đất sống thì sự hoài nghi về “bình mới, rượu cũ” là hoàn toàn có cơ sở.
Con số 34 nghìn tỷ nhận được nhiều ý kiến tranh luận vì nó chưa cho thấy số tiền đó mang lại cái gì và khi nào, nó cũng chưa đáp ứng nguyện vọng của tất cả mọi tầng lớp xã hội. Dù các ý kiến có thể rất hàn lâm hay dân dã thì mong mỏi duy nhất mà ai cũng muốn là trả lời được câu hỏi: “Người lớn sẽ dạy trẻ con cái gì và dạy như thế nào?”.
Lãnh đạo ngành Giáo dục cho rằng “giáo dục tích hợp” đang là xu thế thời đại và chúng ta cũng đã áp dụng thử nghiệm ở bậc tiểu học nhiều năm rồi. Thực ra khái niệm “giáo dục tích hợp” cũng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi. Nền giáo dục phong kiến mấy trăm năm qua của nước ta là minh chứng rõ nhất cho sự tích hợp này.
Một ông đồ nho dạy cho sĩ tử tất cả kiến thức “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, sĩ tử chỉ làm bài luận thể hiện tài “kinh bang, tế thế”. Cha ông chúng ta chẳng có ai học riêng môn Toán, Lịch sử hay Địa lý, tất cả chỉ là một môn học: học làm người có ích cho gia đình, dòng tộc, quốc gia. Cách dạy và học “xưa cũ” ấy lại là sự tích hợp có chọn lọc những tinh hoa của dân tộc và nhờ đó mà hậu thế có được những tấm gương sáng như Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Chu Văn An…
Sự phát triển của xã hội loài người theo đường xoáy trôn ốc, sau mỗi chu kỳ sẽ được lặp lại ở mức cao hơn. Hết tích hợp là phân mảnh, hết phân mảnh lại là tích hợp nhưng ở mức cao hơn vì vậy “giáo dục tích hợp” không phải là một cái cớ để tiêu tiền.
Vấn đề là, để có thể dạy con trẻ các kiến thức theo kiểu “tích hợp” thì trước hết người thầy phải tích hợp kiến thức cho bản thân mình. Liệu khi nào chúng ta có thể bắt tay đào tạo đội ngũ “giáo viên tích hợp” như vậy?
Theo tinh thần nghị quyết Trung ương về đổi mới, ngành giáo dục phải phấn đấu để tất cả giáo viên phổ thông các cấp phải tốt nghiệp đại học và giảng viên đại học ít nhất phải có trình độ thạc sĩ. Cần phải làm gì để đạt được yêu cầu đó?
Cha ông chúng ta chẳng có ai học riêng môn Toán, Lịch sử hay Địa lý, tất cả chỉ là một môn học, học làm người có ích... Ảnh tư liệu. |
Đào tạo lại giảng viên đại học
Không nói đến đội ngũ giảng viên cao đẳng sư phạm vì loại hình đào tạo này sẽ bị giải thể. Tại thời điểm này chúng ta chưa có đội ngũ “giảng viên đại học tích hợp”, nghĩa là đội ngũ giảng viên có thể biên soạn giáo trình và giảng dạy một môn tích hợp nào đó cho sinh viên. Giả sử có một môn tích hợp là môn “Xã hội” gồm các kiến thức Văn, Sử, Địa thì các trường ĐH Sư phạm vẫn phải bố trí ba giảng viên giảng dạy, tương tự như vậy không thể chỉ trong một hai năm, giảng viên Toán, Vật lý có thể giảng dạy tốt những kiến thức của Công nghệ Thông tin. Muốn đào tạo đội ngũ “giảng viên đại học tích hợp” thì phải có thầy, vấn đề trở thành câu chuyện “con gà – quả trứng” vì lấy đâu ra thầy?
Việc nên làm lúc này là chiêu hiền đãi sĩ, Bộ GD&ĐT có thể tập hợp một số chuyên gia, bao gồm cả những nhà giáo, nhà khoa học đã nghỉ hưu, nhờ họ xác định tích hợp cái gì với cái gì, thời lượng như thế nào và định hình nội dung sách giáo khoa tương ứng. Quá trình này sẽ là một quá trình mở nghĩa là sẽ được công khai để thu nhận ý kiến tranh biện, đóng góp của toàn xã hội. Chính những chuyên gia này sẽ là thế hệ “thầy tích hợp đầu tiên” để đào tạo lại đội ngũ giảng viên đại học hiện có. Chậm nhất là hết năm 2015 phải hoàn thành quá trình đào tạo “thầy tích hợp” này. Tiếp theo sẽ là quá trình đào tạo đại trà “giảng viên tích hợp”.
Quá trình này cần gắn kết chặt chẽ với tư tưởng “tụ do học thuật”, nghĩa là cần tạo điều kiện cho các thầy cô giáo phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong chuyên môn. Không nên nhầm lẫn giữa “tự do học thuật” với “tự do phát ngôn”, điều mà chúng ta thường liệt vào lĩnh vực “nhạy cảm”.
Đào tạo lại giáo viên phổ thông
Đây là khó khăn khó vượt qua nhất, người viết đã từng dạy bổ túc kiến thức cho giáo viên một số trường THPT ở Hà Nội, Bắc Cạn… kết thúc đợt tập huấn chưa đến 20% đạt yêu cầu. Có thể nhận xét sau đây không làm vừa lòng nhiều thầy cô giáo, nhưng phải thành thật nói rằng năng lực tiếp cận kiến thức mới của đội ngũ giáo viên phổ thông, nhất là những người xấp xỉ 50 tuổi là rất thấp, “ắc quy” kiến thức của họ đã nạp đầy “cơm, áo, gạo, tiền” nên khó mà nạp thêm gì khác.
Những người ở độ tuổi dưới 50 (nam) và dưới 45 (nữ) cần được đào tạo lại vì ít nhất họ vẫn còn khoảng 10 năm làm việc. Những trường hợp không thể đào tạo lại hoặc không đạt chuẩn cần có các cơ chế thích hợp để đưa họ ra khỏi ngành, đây không phải là “đem con bỏ chợ” mà sự đào thải tất yếu trong quá trình phát triển. Đối với họ có thể thực hiện các chính sách đã từng áp dụng như về “hưu non”, hay nghỉ “một cục”…
Quá trình đào tạo lại có thể mất nhiều thời gian vì số lượng giáo viên hiện có (kể cả mẫu giáo, nhà trẻ) là gần 2 triệu người vì vậy cần khẩn trương tiến hành đào tạo mới đội ngũ “giáo viên tích hợp”. Cách thức nhanh nhất có thể là chọn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp các ngành nghề khác đào tạo nghiệp vụ sư phạm và kiến thức tích hợp trong vòng một đến hai năm, cách làm này ít nhất cũng giảm được 50% thời gian đào tạo.
Thu hút nhân tài cho giáo dục.
Vì sao thi vào ngành y 27 điểm bị trượt mà vẫn có rất nhiều thí sinh dự thi? Câu trả lời đơn giản vì khá đông thí sinh hy vọng khi có tấm bằng bác sĩ họ sẽ trở thành “nam châm sinh học”, loại nam châm có sức hút ghê gớm đối với một chất liệu duy nhất: “phong bì”. Nếu có thể chuyển hóa chất liệu “phong bì” thành chất liệu “lương” thì các “nam châm sinh học” này sẵn sàng chuyển từ giảng đường y khoa sang giảng đường sư phạm. Nói thế về mặt đạo đức có thể không được chấp nhận song đó là một thực tế dù muốn hay không vẫn tồn tại.
Để thay đổi tận gốc nền giáo dục “chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học”, không thể nói rằng 34 nghìn tỷ là quá nhiều song lại không thể dựa vào một đội ngũ giáo viên suốt cuộc đời đi học chỉ thuộc loại trung bình.
Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là việc phải làm, tuy nhiên đội ngũ thầy giỏi có vực dậy được nền giáo dục trong một xã hội xuống cấp lại là chuyện khác. Một bộ phận không nhỏ, nếu không nói là đa số học sinh, sinh viên của chúng ta hiện nay thuộc vào diện những “người tàn tật” trong xã hội tri thức. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí phải báo động: “ Giới trẻ hiện nay chỉ biết cảm cái đẹp của mì tôm”. Giới trẻ chỉ biết cảm nhận “cái đẹp của mì tôm” vì họ ngồi trên con đò mà phần lớn người đưa đò xem mì tôm là đặc sản.
Trong khi những kỹ sư khối kỹ thuật (cơ khí, xây dựng, giao thông…) phải mất 5 năm đào tạo thì “kỹ sư tâm hồn” lại chỉ mất 4 năm, điều trái khoáy này cho thấy vì sao đội ngũ “lái đò” của chúng ta lại yếu như vậy.
Được biết trong số 34 nghìn tỷ thì Bộ GD&ĐT dự kiến khoảng 30 nghìn tỷ chuyển cho các tỉnh làm công tác đào tạo lại, Bộ chỉ quản rất ít, khoảng 4 nghìn tỷ. Người viết thực sự lo ngại về việc để cho các tỉnh làm công việc này. Các tỉnh lấy đâu ra các “thầy tích hợp” để mà đào tạo lại đội ngũ giáo viên tích hợp? Đây phải là nhiệm vụ của các trường đại học, cao đẳng.
Bên cạnh đó chương trình 4 năm để đào tạo “giáo viên tích hợp” tại các ĐH Sư phạm là chưa đủ, mong rằng trong tiến trình đổi mới toàn diện giáo dục, cần phải xem lại thời gian đào tạo sao cho cả hai loại kỹ sư nêu trên đều có thời gian rèn rũa như nhau.
Đổi mới toàn diện giáo dục phải lấy trọng tâm là đào tạo đội ngũ giáo viên tích hợp, nếu không tiến hành ngay mọi sự đổi mới khác, kể cả chương trình và sách giáo khoa đều trở nên vô nghĩa.