Ba lý do dẫn đến sai lầm khi chọn nghề và quan điểm "đừng đi xin việc"

09/04/2016 07:54
Xuân Trung
(GDVN) - “Tuổi trẻ là một gia tài quý báu chỉ được tạo hóa ban cho có một lần. Thế mà ở giữa quãng đời đẹp nhất ấy lại thất nghiệp...”.

LTS: Tiếp nối mạch bài “học để có việc hay để thất nghiệp”, xung quanh câu chuyện này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Vương - Đại học Kanazawa - Nhật Bản.

Ý kiến của ông Vương thể hiện quan điểm riêng và cái nhìn mới về nguyên nhân, động cơ và thách thức của hiện tượng không có việc làm nói chung với thanh niên và đối với cử nhân nói riêng.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

PV: Ông  nhìn nhận như thế nào về hiện tượng thất nghiệp hiện nay nói chung và của tân cử nhân nói riêng. Câu chuyện này đã nói nhiều nhưng với con  mắt của người đang làm việc và học tập tại nước ngoài, ông nhìn nhận như thế nào?

Cuộc sống không đơn giản và bằng phẳng như trang sách 

Ông Nguyễn Quốc Vương: Cảm xúc của tôi là buồn pha cay đắng. Có lẽ vì tôi nhìn nó qua những gì mình đã trải nghiệm và nhìn thấy ở nước ngoài. Thế giới xung quanh đang dần bỏ lại chúng ta ở phía xa. Tuổi trẻ là một gia tài quý báu chỉ được tạo hóa ban cho có một lần. 

Thế mà ở giữa quãng đời đẹp nhất ấy lại thất nghiệp, thậm chí thất nghiệp sau khi đã học xong đại học, cao học thì còn gì buồn và lo lắng hơn. Mỗi năm tôi thường dẫn các giáo sư người Nhật và sinh viên của họ về Việt Nam khảo sát, nghiên cứu về giáo dục. 

Mỗi năm thành viên của đoàn lại thay đổi nhưng gần như lần nào cũng có người hỏi tôi với thái độ rất tò mò “Những người đang ngồi uống nước hay hút thuốc ở các quán bên đường kia đang làm gì? Họ không làm việc sao?”. 

Tôi không nghĩ ai ngồi ở đó cũng thất nghiệp nhưng câu hỏi rất vô tư của họ làm tôi giật mình. Họ đã có lý khi hỏi thế vì những người mà họ nhìn thấy đa phần ở độ tuổi lao động. 

Cử nhân thất nghiệp nhìn từ phía nhà trường cũng có phần lỗi, hay nguyên nhân nào khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Để trả lời thấu đáo câu hỏi này cần đến các nghiên cứu công phu, khách quan của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên từ những gì tôi biết, quan sát được tôi cho rằng tình trạng cử nhân thất nghiệp là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân hợp lại. 

Ông Nguyễn Quốc Vương. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ông Nguyễn Quốc Vương. Ảnh nhân vật cung cấp.

Yếu kém của nền kinh tế sẽ dẫn tới không tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động trong khi dân số Việt Nam trẻ, nhu cầu việc làm lớn cũng là một nguyên nhân. 

Cho dẫu thế thì không thể nói nhà trường vô can trong chuyện này bởi vì trên thực tế có rất nhiều công ty, tổ chức tuyển người mà không tìm được người phù hợp đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. 

Lấy một ví dụ mà tôi biết rõ nhất là các doanh nghiệp cơ khí của Nhật cần rất nhiều thợ kĩ thuật và kĩ sư người Việt và săn lùng ráo riết nhưng tỉ lệ nhân lực đáp ứng được yêu cầu có lẽ không cao. 

Không phải chỉ thuần túy là chuyên môn mà còn là ở nhiều vấn đề khác như khả năng ngoại ngữ, năng lực giao tiếp, sự hiểu biết về doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản. 

Yếu điểm của giáo dục Việt Nam ở bậc phổ thông là chú trọng tri thức giáo khoa, chương trình nhà trường lấy các môn học giáo khoa làm trung tâm mà coi nhẹ trải nghiệm đời sống xã hội và chỉ đạo đời sống. 

Ba lý do dẫn đến sai lầm khi chọn nghề và quan điểm "đừng đi xin việc" ảnh 2

Thầy giáo điểm danh các ngành dễ thất nghiệp khi ra trường

(GDVN) - Thời gian này, thí sinh đang phải sáng suốt lựa chọn ngành nào, trường nào để vừa đảm bảo được sự yêu thích, đam mê và sức học của mình.

Vì vậy, khi trưởng thành và phải sống độc lập, thanh niên không có sức mạnh tinh thần và các năng lực thiết thực phục vụ cuộc sống. Khi làm việc không phải người lao động chỉ làm việc với cái máy được phân công mà họ phải giao tiếp, hợp tác cùng với đồng nghiệp, cấp trên, tìm kiếm các con đường giải quyết vấn đề từ nhiều nguồn... 

Vì vậy, họ sẽ lúng túng và bị nhà tuyển dụng từ chối. Trong phần lớn các cuộc phỏng vấn tuyển việc, các doanh nghiệp Nhật không hỏi sâu vào chuyên môn mà họ sẽ hỏi và quan sát những gì thuộc về “con người” và năng lực đời sống của người dự tuyển. 

Ở bậc đại học, do nhiều lý do khác nhau, chương trình và phương pháp đào tạo ở ta lạc hậu so với thế giới và thậm chí lạc hậu so với chính diễn biến sôi động của đời sống sản xuất, xã hội nước ta. Nhiều kĩ sư đi làm mới biết máy móc họ tiếp xúc chưa từng có trong trường hay chưa từng được thực hành một lần khi còn đi học. 

Đương nhiên không phải ai đi làm cũng làm những việc mình đã từng học. Khi đó khả nặng tự nghiên cứu, tự học rất quan trọng. Tiếc rằng đây là một điểm yếu của giáo dục nước nhà. Giáo dục nặng về thi cử và lối giảng dạy truyền đạt tri thức đã tạo ra rào cản đối với sự phát triển năng lực tự học của học sinh, sinh viên. 

Học sinh, sinh viên có xu hướng chỉ tin vào điều thầy nói, sách  giáo khoa, giáo trình viết mà không có thói quen tìm kiếm thông tin ở nhiều nguồn, phê phán nó và “chế biến” để tạo ra thông tin mới hoặc dùng nó làm chìa khóa giải quyết vấn đề. 

Có một hình ảnh mang tính biểu tượng cao là hiện tượng mỗi khi thầy cô hỏi một điều gì đó, học sinh, sinh viên  thường cắm cúi lật sách, giáo trình để tìm...câu trả lời. Tiếc rằng cuộc sống không đơn giản và bằng phẳng như trang sách. 

Cuối cùng, cũng phải nói tới trách nhiệm của bản thân mỗi sinh viên. Bốn năm đại học là một quãng thời gian tương đối nhưng nhiều thanh niên đã dùng nó chỉ để tiêu khiển hoặc học những thứ không thiết thực. 

Những gì trường học dạy cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là ý chí bản thân và khả năng tự phê phán. Một khi biết tự phê phán sẽ biết tự tìm lấy đường đi. 

Nhà văn Lỗ Tấn ở Trung Quốc có nói một câu đại ý “Trên thế giới làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Tôi nghĩ ông ấy có lý. Những người thành công là những người tự tìm kiếm con đường riêng cho bản thân mình. 

Ba lí do dẫn đến sai lầm trong chọn nghề

Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên Việt Nam sau khi hoàn thành cử nhân mới nhận ra một điều ngành mình đã học không phù hợp hoặc không còn phù hợp với mình nữa? 

Và các em phải bắt đầu lại bằng cách học các chứng chỉ khác, văn bằng khác để đi tìm nghề khác. Câu hỏi đặt ra ở đây có thể do định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu chưa tốt? Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Tôi nghĩ là có lý. Làm nghề gì đó mà bản thân không thích hoặc không phù hợp sẽ rất khổ. Khổ cho mình và khổ cả cho người khác. 

Hãy tưởng tượng một bác sĩ mà không thích nghề y thì những bệnh nhân của bác sĩ  này sẽ thế nào? Một giáo viên không thích nghề dạy học hay không phù hợp với nghề dạy học chắc chắn học sinh của họ sẽ không thấy vui vẻ và bổ ích khi đến lớp. 

Sự sai lầm trong chọn nghề nói trên có nhiều lý do nhưng ở đây tôi chỉ nói tới 3 lý do. 

Ba lý do dẫn đến sai lầm khi chọn nghề và quan điểm "đừng đi xin việc" ảnh 3

Cử nhân thất nghiệp sẽ còn tăng, nhưng sinh viên không có tội

(GDVN) - Quan điểm của tác giả Hoàng A. Đức - Trường Quản lý Maastricht, Hà Lan khi cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam biết về chủ đề “học để có việc hay để thất nghiệp”

Thứ nhất là lý do thuộc về gia đình. Cuộc sống cạnh tranh khắc nghiệt và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng ra cùng với các lý do thuộc về lịch sử đã làm cho các bậc phụ huynh có xu hướng “chọn nghề cho con”. 

Phụ huynh muốn con làm nghề nọ nghề kia đôi khi đơn giản chỉ vì “nghề đó dễ kiếm tiền”, “nghề đó dễ được làm sếp”... Khi phụ huynh nhất quyết chọn nghề cho con chỉ dựa vào khát vọng của bản thân mình (trong nhiều trường hợp là ẩn ức về thất bại của bản thân) mà không tính đến đặc điểm tâm sinh lý, sở thích, khả năng của con thì nhiều khả năng trong tương lai người con sẽ chịu hậu quả. 

Có ai đó đã nói bố mẹ đừng bắt con cái sống cho mình, xét ở khía cạnh này là có lý. 

Thứ hai là lý do thuộc về bản thân học sinh. Đời sống học đường của học sinh Việt Nam cho dù là nông thôn hay thành thị tương đối khép kín, rất ít trải nghiệm và thử thách. 

Ở nông thôn nhiều gia đình nghèo, vất vả nhưng con cái không hề phải...khổ. Đơn giản vì cha mẹ hy sinh mọi thứ, không cho con làm bất cứ việc gì dù nhỏ chỉ để con cái học hành thi cử đỗ đạt. Ở thành phố thì học sinh tối mặt trong vòng quay học thêm  ở đủ mọi nơi để nhằm bước qua cổng một trường đại học nào đó.  

Trong đời sống học đường như thế, học sinh ít cho dịp trải nghiệm nghề nghiệp hoặc suy nghĩ nghề nghiệp như là lẽ sống của bản thân. Vì vậy việc chọn nghề chỉ thực sự đặt ra với học sinh khi phải...thi mà thôi. Khi đó các căn cứ để chọn sẽ rất cảm tính và hời hợt. 

Thứ ba là trường học chưa có sự trợ giúp thích hợp. Tôi đã từng đi làm phiên dịch tình nguyện cho một buổi hướng dẫn dành cho học sinh sắp tốt nghiệp trung học cơ sở tại Nhật. 

Ở đó, tôi thấy rằng ngay trước một năm tốt nghiệp trung học cơ sở, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã hợp tác với phụ huynh để xem thiên hướng, tâm lý, khả năng của học sinh, hoàn cảnh gia đình như thế nào để đưa ra các lời khuyên và cung cấp thông tin về các lựa chọn. 

Học sinh nên thi vào các trường trung học phổ thông thông thường, trường có hệ đào tạo từ xa, vừa học vừa làm hay các trường trung học nghề....Các giáo viên chủ nhiệm ở trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng thường kiêm luôn vai trò là cố vấn cho học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp. 

Trong quá trình học phổ thông, học sinh cũng được học lý tưởng nghề nghiệp, vai trò của nghề nghiệp....trong các môn học như Đời sống, Xã hội, Kinh tế-chính trị, Công dân, Xã hội hiện đại... 

Học sinh từ tiểu học cũng được trải nghiệm làm các nghề khác nhau trong xã hội để “khám phá bản thân”. Trường học và giáo viên tổ chức cho học sinh “thực tập” trải nghiệm các nghề ở các công ty, nhà máy, cơ sở dịch vụ....

Đấy là một cách làm cho học sinh có cảm giác thực sự về nghề nghiệp. Ở Việt Nam thì có lẽ ít trường làm được điều này. Hoạt động giáo dục ở Việt Nam nặng về thi cử. Mối lo thường trực của nhà trường và phụ huynh đơn giản chỉ là làm sao cho học sinh thi đỗ vào các trường “tốp đầu” hay thi đỗ và các trường “đại học hàng đầu”. 

Đừng đi “xin việc”

Ông có thể lấy một ví dụ như ở nước Nhật mà ông đang theo học và làm việc, ông nhận thấy người Nhật họ tìm việc như thế nào? Cử nhân đất nước họ có mất nhiều thời gian cho tìm việc không?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Với người Nhật, cảm quan về nghề nghiệp rất mạnh. Ý thức về nghề nghiệp vì thế nảy sinh rất sớm ở người Nhật.  Tôi thấy từ “tìm việc” anh dùng ở trên rất thích hợp. 

Ở Nhật người ta nói “tìm việc” chứ không nói “xin việc”. Trong chuyện việc làm không ai cho và không ai đi xin cả. Cả bên tuyển dụng và bên muốn được tuyển dụng cùng tìm đến nhau. 

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn

Cách thức tìm việc dễ thấy nhất ở Nhật là các công ty sẽ tổ chức các buổi “thuyết minh” về công ty mình và các vị trí cần tuyển dụng, các sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ đến nghe và nếu thấy thích hợp thì nộp đơn chờ xét và phỏng vấn. 

Các hoạt động này có thể tiến hành ở các trung tâm giới thiệu việc làm, trụ sở các công ty hoặc ở ngay trường đại học. Ngoài ra sinh viên Nhật cũng tìm thông tin việc làm qua các văn phòng hỗ trợ việc làm của trường đại học. 

Hầu như trường đại học nào cũng có một ban phụ trách việc làm của sinh viên để hỗ trợ sinh viên tìm việc: huấn luyện kĩ năng tìm việc, phỏng vấn, viết lý lịch... 

Họ cũng có thể tìm thông tin qua các tổ chức NPO hỗ trợ tìm việc, huấn luyện nghề nghiệp....Hoạt động tìm việc của sinh viên Nhật được tiến hành khá sớm, thường là trước khi tốt nghiệp một năm. 

Hầu như các công ty ở Nhật tiến hành tuyển dụng sinh viên trước khi họ tốt nghiệp chứ không như ở ta, cầm bằng tốt nghiệp đại học trong tay mới tính đến chuyện “đi xin việc”. 

Điều này cũng nói lên tư duy của người tuyển dụng về mảnh bằng tốt nghiệp. Theo kết quả thống kê thì tỷ lệ sinh viên Nhật tốt nghiệp đại học có việc làm khá cao. Báo Nikkei ngày 7/8/2015 cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học của nước này năm 2015 là 72.6%. 

Nên chọn nghề gì với một nước chủ yếu là nông nghiệp?

Với điều kiện và sự động của xã hội hiện đại, theo ông thì học ngành, nghề nào sẽ hạn chế được thất nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Vương: Với tôi, đây là câu hỏi khó. Nhưng có lẽ các bạn trẻ nên chọn các nghề thiết thực có tính “thực nghiệp” cao thay vì các nghề nghe có vẻ “hoành tráng”. 

Công nghiệp sản xuất, nông-lâm nghiệp.. nên là các lựa chọn nên tính đến. Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam mà thanh niên không chọn lại mơ mộng chọn những ngành mà bản thân chưa hề hình dung ra nó như thế nào thì có gì đó thật bất ổn. 

Quan sát người Nhật làm nông nghiệp hay chế tạo đồ vật, tôi thấy tiếc. Tại sao người Nhật làm được mà người Việt không làm được trong khi có nhiều thứ không phải là vượt quá khả năng của chúng ta? 

Ba lý do dẫn đến sai lầm khi chọn nghề và quan điểm "đừng đi xin việc" ảnh 5

Sinh viên thất nghiệp do lỗi nhà trường?

(GDVN) - Câu hỏi này dường như ai cũng nghĩ tới, nhưng thực tế còn nhiều nguyên nhân khác khiến thực trạng người học ra trường không tìm được việc.

Hãy chọn nghề gì đó thích hợp với bản thân và hoàn cảnh gia đình thay vì chọn nó theo trào lưu ở xung quanh. 

Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông có lời khuyên gì tới các bạn trẻ Việt Nam, nhất là tầng lớp học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi tới?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Khuyên thì tôi không dám vì  mỗi người có hoàn cảnh và mơ ước khác nhau. Tôi chỉ muốn tâm sự một điều rất chân thật trong tư cách của một người đi trước rằng nếu chọn nghề các bạn nên là người đưa ra quyết định cuối cùng thay vì phó mặc nó cho bố mẹ hoặc chọn hú họa. 

Đừng bao giờ nghĩ rằng mình chọn nghề này nghề kia chỉ vì nó “oai” hay làm nghề đó thì sẽ “nhà nhã, dễ kiếm tiền”. Hãy cố gắng tìm hiểu xem nghề đó đòi hỏi những tố chất gì, ngành mình sắp thi sẽ học những gì, nó có ích cho nghề nghiệp mình chọn thế nào? 

Bản thân mình có tố chất gì hợp với nghề đó không? Đừng bao giờ chăm chăm nghĩ đơn giản rằng làm một nghề gì đó chỉ để kiếm tiền. Đương nhiên tiền kiếm được từ lao động là rất quý và muốn sống lương thiện ai cũng phải làm việc để có thu nhập nhưng nếu cả cuộc đời làm một nghề gì đó chỉ để kiếm tiền mà không có niềm vui đi kèm sẽ rất khổ. 

Không nên chọn nghề, chọn trường một cách quá đơn giản để rồi khi vào học hay khi tốt nghiệp mới nhận ra “hóa ra mình nhầm”. Cũng không nệ sang hèn khi chọn nghề. 

Nếu bạn có bố mẹ làm nông nghiệp và thích cây trồng, vật nuôi thì ngại gì mà không thi và học về nông nghiệp? Làm một anh thợ cắt tóc hay một bác nông dân giỏi sẽ hữu ích và đáng tự hào hơn làm một bác sĩ hay luật sư tồi. 

Không ai có thể bỏ ngoài tai tất cả những lời bàn tán hay định kiến xã hội nhưng hãy tự nhủ rằng chỉ có mình rồi sẽ phải chịu  hệ quả từ những quyết định của mình. Ngay cả bố mẹ cũng không thể theo mình suốt cuộc đời để chăm lo mọi thứ.  

Những người có bản lĩnh quyết đoán khi lựa chọn thường cũng sẽ là người đủ khả năng làm lại khi họ gặp sai lầm vì họ tự biết trách nhiệm của sai lầm thuộc về họ. 

Nếu học đại học 4 năm mà chỉ để cho có cái danh học đại học hay làm đẹp lòng bố mẹ thì đấy là một ý nghĩ sai lầm lớn. Tiền bạc đã đáng tiếc nhưng tuổi trẻ còn đáng tiếc hơn nhiều. Hãy chọn cho mình con đường mình muốn bước đi nhất thay vì con đường có vẻ như lấp lánh hay bằng phẳng. 

Trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Trung