Sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... gây ra sự bất bình cho toàn xã hội.
Những ngày qua, sau khi có thông tin kết luận về những tiêu cực ở Hòa Bình càng khiến chúng ta thấy quá nhiều điều ngỡ ngàng.
Nhiều thí sinh được can thiệp điểm trắng trợn, có thí sinh được nâng khống 1 môn lên đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng 3 môn thi lên đến 26,45 điểm.
Sự thật đã sáng tỏ và những hành vi gian dối của cả người can thiệp điểm, những thí sinh được nâng điểm sẽ được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng, bài học dành cho những cán bộ tham gia đường dây này và nhất là đối với phụ huynh đã chạy điểm cho con em mình có lẽ là vô cùng đắt giá.
Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình- nơi đã để xảy ra tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 (Ảnh: giadinh.net.vn) |
Phải công nhận rằng đề thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 khó hơn rất nhiều so với đề thi năm 2017.
Chính vì đề khó nên sự việc điểm cao bất thường của một số địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…mới bị nghi ngờ.
Chính vì vậy, khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới lộ ra việc nâng khống điểm trắng trợn. Giờ đây, những người trực tiếp can thiệp vào điểm số của các thí sinh đã bị khởi tố, bị điểm mặt, chỉ tên.
Điều này cũng đồng nghĩa các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trắng đen nhằm trả lại sự công bằng cho các thí sinh.
Trong số 64 thí sinh được phát hiện là đã can thiệp điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018, trong đó có 1 em của năm 2017 cho thấy một đường dây “chạy điểm” không còn là cá biệt của một vài trường hợp mà đã được hình thành đường dây chạy điểm.
Chính đồng tiền đã làm tha hóa một số cán bộ trong Hội đồng thi. Chúng ta thấy số tiền mà họ được hưởng thật kinh khủng.
Chỉ riêng bị can Ðỗ Mạnh Tuấn (Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông – Trung học cơ sở Lạc Thủy) thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để sửa bài của các thí sinh.
Với số tiền này, nếu là những đồng lương chân chính của một Phó Hiệu trưởng nhà trường thì Đỗ Mạnh Tuấn cũng phải gần 10 năm mới có được. Bởi, ông Tuấn sinh năm 1979 thì lương chắc đang được hưởng khoảng bậc 5 hoặc bậc 6 là cùng.
Tiếp tục điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình |
Điều kinh khủng nhất là có thí sinh đã nâng đến 26,45 điểm, trong khi điểm tối đa cho 3 môn là 30.
Điều này cũng đồng nghĩa là thí sinh đó gần như không nắm được gì về kiến thức cơ bản.
Bởi kỳ thi năm 2018 không có thí sinh nào đạt 30 điểm tuyệt đối cho 3 môn thi/ khối thi.
Vì vậy, thí sinh được nâng 26,45 điểm thì điểm thi thật chắc cũng chỉ có 1-2 điểm.
Thế nhưng, suốt thời gian qua, những thí sinh được can thiệp điểm có lẽ đang ung dung ngồi học trong những trường đại học, học viện tốp đầu của cả nước.
Rồi, tương lai khi ra trường, họ sẽ là những “trí thức sáng giá” để quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo của địa phương thì sẽ nguy hiểm đến nhường nào?
Điều quan trọng hơn nữa là chính những thí sinh có điểm “bất thường” này sẽ chiếm mất cơ hội của hàng chục thí sinh khác đã và đang nỗ lực vươn lên trong học tập bằng chính khả năng, năng lực của mình.
Rõ ràng, trong sự việc này, trách các thí sinh 1 thì trách các cán bộ đã nhận tiền để nâng điểm và cha mẹ thí sinh 10.
Chính họ đã làm hư các thí sinh dù biết lực học của các thí sinh, của con em mình quá tệ nhưng người có tiền vẫn chạy điểm, người có quyền vẫn thản nhiên can thiệp vào điểm số của các thí sinh.
Bây giờ, những cán bộ- những người từng được gọi là thầy có lẽ đang ngậm ngùi trong trại tạm giam để chờ ngày đưa ra xét xử.
Có lẽ họ đã và đang gậm nhấm nỗi niềm sai trái mà mình đang phải trả giá khi đồng tiền đã làm mờ đi nhân cách của người thầy- những người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực cho một kỳ thi quan trọng của quốc gia.
Còn cha mẹ các thí sinh biết “ăn làm sao, nói làm sao bây giờ” với người thân, bè bạn của mình khi sự việc đã có kết luận.
Rồi đây, có thể con em họ sẽ bị buộc thôi học (như thông tin từ lãnh đạo Bộ Giáo dục và Bộ Công an) thì có lẽ những phụ huynh này sẽ ân hận cho hành động của mình. Chính họ đã đẩy con em mình vào bi kịch…
Xin đừng làm tấm gương mờ
Mỗi mùa thi đi qua, chúng ta được biết đến biết bao nhiêu những thí sinh khó khăn nhưng các em đã vươn lên trong học tập.
Kỳ thi năm 2018, ngoài sự cố ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…có một số thí sinh có điểm thi "vượt trội bất thường" thì dư luận cũng biết đến nhiều thí sinh ở các vùng quê nghèo khác đã nỗ lực vươn lên trong học tập và có số điểm “học thật” rất cao.
Bộ Giáo dục đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát kết quả xét tuyển đại học |
Trong số đó, có những em có hoàn cảnh rất khó khăn, éo le.
Chính vì thế, thành tích của các em mới thực sự giá trị, thành tích ấy không chỉ đem lại vinh dự cho bản thân, gia đình mà còn là niềm tự hào cho ngành giáo dục nước nhà.
Bởi đó là mồ hôi, nước mắt, là công sức của những tháng năm miệt mài học tập của các em, cũng như tâm huyết của biết bao thầy cô, lãnh đạo chân chính ở ngành giáo dục.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao những học sinh vừa lớn đó lại có những đam mê cháy bỏng và khát khao hướng tới kết quả cao nhất trong học tập bằng chính sức lực của mình?
Tại sao có những thầy cô đã sẵn sàng quên đi tuổi thanh xuân của mình để đến với những bản làng xa xôi nhằm một ước nguyện duy nhất là đem những con chữ để khai sáng cho học trò.
Ở chiều ngược lại thì lại có một bộ phận lãnh đạo, một bộ phận cán bộ quản lý ngành giáo dục đã đang tâm cướp đi những cơ hội của những em học hành chân chính đang cố gắng vươn lên trong học tập?
Chúng ta nói nhiều đến tính nêu gương của người lớn. Và, rõ ràng sau sự cố tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 vừa thì một số người lớn đang nêu gương xấu trước dư luận, trước học trò.
Thử hỏi niềm tin của xã hội vào giáo dục ở những địa phương này có còn nguyên vẹn không?
Những bậc làm cha, làm mẹ đã bỏ tiền hay dùng uy quyền của mình để chạy chọt, nhờ vả nâng điểm cho con em mình có cảm thấy hổ thẹn với dư luận không?
Bài học về lòng trung thực, về giữ gìn nhân cách con người bỗng trở nên thiêng liêng và cao quý hơn bao giờ hết.