Bệnh thành tích giáo dục ẩn mình trong Nghị định của Chính phủ

20/03/2016 08:16
Nguyễn Cao
(GDVN) - Theo hướng dẫn của Nghị định 56, mỗi cán bộ, công-viên chức có một đề tài, đề án, sáng kiến “bắt buộc”. Chắc chắn sẽ khiến bệnh thành tích, đối phó nảy sinh.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Cao nhìn nhận về Nghị định 56 do Chính phủ ban hành “Về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức”, khi áp dụng vào ngành giáo dục đặc biệt ở từng địa phương đã có nhiều điều chỉnh trong mức độ xếp loại, đánh giá giáo viên. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến của thầy.  

Theo số liệu thống kê của bài viết “Cả nước có 22,21 triệu học sinh, 1,24 triệu thầy cô giáo” đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 5/9/2015 cho thấy: tổng số giảng viên và giáo viên nước ta trong năm học 2015-2016 là 1,24 triệu người. 

Trong đó gồm: 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300 nghìn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. 

Theo hướng dẫn của Nghị định 56, mỗi cán bộ, công-viên chức có một đề tài, đề án, sáng kiến “bắt buộc” (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Theo hướng dẫn của Nghị định 56, mỗi cán bộ, công-viên chức có một đề tài, đề án, sáng kiến “bắt buộc” (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Với số lượng lớn viên chức đang công tác trong ngành giáo dục như vậy mà thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị định 56 của Chính phủ thì mỗi năm ngành giáo dục nước ta sẽ có hơn 1 triệu đề tài, đề án, sáng kiến kinh nghiệm.

Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành ngày 9/6/2015, hướng dẫn “Về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức” bao gồm 5 chương, 31 điều. 

Trong đó, chương IV của Nghị định đã nói rõ về việc “đánh giá và phân loại viên chức”, đây là chương mà những viên chức trong ngành giáo dục phải đặc biệt lưu tâm, nhất là từ điều 25 đến điều 28.

Việc đánh giá phân loại viên chức được quy định ở 4 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong đó, 3 mức đầu đều quy định tại điểm đ, điều 25 như sau: “Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền quy định”.

Bệnh thành tích giáo dục ẩn mình trong Nghị định của Chính phủ ảnh 2

Giáo dục đang bị lép vế, bị khinh thường!

(GDVN) - Giáo viên yêu nghề thế nào khi sự tôn trọng của xã hội dần giảm đi, thu nhập từ nghề không đủ sống.

Từ lâu, dư luận đã nói nhiều về chuyện các đề tài khoa học (ở các trường đại học, cao đẳng) và Sáng kiến kinh nghiệm (ở các trường phổ thông và cấp Mầm non, Tiểu học) phần nhiều là cắt dán, xin xỏ của người khác để lấy thành tích cho mình và không có tính ứng dụng trong thực tiễn. 

Làm xong, được bảo vệ hoặc công nhận giải là …bỏ vào hộc tủ hay đi đâu, về đâu không ai biết. Đó là làm theo tinh thần “tự nguyện”. 

Nay, theo hướng dẫn của Nghị định 56, mỗi cán bộ, công-viên chức có một đề tài, đề án, sáng kiến “bắt buộc” thì tính khả thi sẽ ở mức độ nào. 

Rồi đây, sẽ phát sinh ra quá nhiều bất cập trong việc thực hiện và chấm các đề tài, sáng kiến này. Và, dĩ nhiên bệnh thành tích, đối phó sẽ nảy sinh.

Từ Nghị định 56, khi về đến cơ sở đã bắt đầu nảy sinh sự đối phó ngay từ cấp Sở. Nơi chúng tôi công tác, Sở GD&ĐT hướng dẫn về việc thực hiện Nghị định 56 như sau: 

Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lí chỉ cần có 1 cải tiến-01 mặt giấy A4 nhưng được Hội đồng nhà trường công nhận mang lại hiệu quả và hiệu trưởng xác nhận là được xem như đạt yêu cầu điểm đ, điều 25 của NĐ56” (trích nguyên văn hướng dẫn). 

Đối với giáo viên, do thủ trưởng (hiệu trưởng) công nhận, đối với Ban giám hiệu thì Phòng GD&ĐT công nhận.

Bệnh thành tích giáo dục ẩn mình trong Nghị định của Chính phủ ảnh 3

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi?

(GDVN) - Theo thường lệ, năm nào các trường cũng tổ chức thi giáo viên giỏi để có nguồn dự thi ở cấp cao hơn như huyện thị, tỉnh (thành phố).

Từ một đề tài, đề án, sáng kiến xuống một “cải tiến” với một tờ giấy A4 thì lấy đâu ra “hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn”. 

Nghĩ mà buồn thay. Với một trang giấy chỉ đánh tiêu đề, đơn vị chủ quản, ngày tháng, tên, chức vụ, đơn vị, người thực hiện kí tên….thì đã mất gần nửa trang rồi. 

Hơn nửa mặt giấy còn lại trình bày nội dung, giải pháp, kết quả. Vậy, thử hỏi viết được cái gì trong đó mà có “hiệu quả”?

Nếu ai đã từng làm các đề tài khoa học, một sáng kiến thực sự thì 01 trang A4 chưa làm xong cái đề cương. Nhưng, cấp trên hướng dẫn vậy thì cơ sở cứ răm rắp triển khai và thực hiện. 

Và, một sự thật là ai cũng phải làm và đã làm là được công nhận tính “hiệu quả”. Sẽ không có một vị Hiệu trưởng nào đủ “bản lĩnh” đánh trượt “cải tiến” của cấp dưới, cho dù tất cả các cải tiến trong đơn vị chẳng hề có tính thực tiễn hay tính khoa học nào. 

Những “cải tiến” sẽ được các giáo viên “sáng tác” trên giấy để nộp cho hợp thức hóa vấn đề mà thôi.

Nếu thực hiện thì dĩ nhiên sẽ được xếp mức hoàn thành nhiệm vụ là: “xuất sắc”, “tốt”, kém nhất thì cũng được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ” (nhưng rất ít khả năng xảy ra). 

Nếu không làm thì sẽ xếp ở mức “không hoàn thành nhiệm vụ” và hai năm liên tục như vậy sẽ nằm trong diện tinh giản biên chế. 

Vì thế, chẳng ai lại không dành vài phút để thực hiện một “cải tiến” vừa được quyền lợi lại không ai có thể nặng nhẹ đến mình được.

Đã mấy năm nay, ngành giáo dục bắt buộc mỗi giáo viên có một “Giải pháp đổi mới”/năm học và năm nào cũng vậy, cứ đầu năm thì Ban giám hiệu hướng dẫn thực hiện, sau đó giao cho Tổ trưởng chuyên môn kiểm tra, đánh giá. 

“Đổi mới” đâu chả thấy, chỉ khổ mấy vị tổ trưởng phải kiểm tra chuyên đề giáo viên cho hợp thức hóa giấy tờ.

Nay, Nghị định 56 được hợp thức hóa bằng một “cải tiến” mơ hồ, võ đoán… Rồi, lại được công nhận là có tính “hiệu quả” trên giấy một cách hình thức, đối phó, qua loa…

Để đánh giá một công-viên chức, đặc biệt trong ngành giáo dục có rất nhiều tiêu chí cụ thể như: Chất lượng giảng dạy; tham gia các Hội thi; bồi dưỡng học sinh giỏi; tham gia tích cực các hoạt động, phong trào của nhà trường và ngành để làm thước đo định lượng cho cả một năm phấn đấu và công tác. 

Vậy mà lại đi lấy một “cải tiến” để xếp mức độ hoàn thành công việc của một viên chức ngành giáo dục? Rõ ràng, bệnh thành tích đã nảy sinh ngay từ lúc mới bắt đầu.

Nguyễn Cao