LTS: Chỉ ra những lỗi thường gặp phải trong công tác chấm thi của một số giám khảo, thầy giáo Hữu Sơn - người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã gửi tới bạn đọc bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng chục năm nay, tôi được cấp trên điều động tham gia khá nhiều đợt chấm thi, chấm thanh tra, chấm phúc khảo bài thi của các thí sinh thi tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia, thi tuyển dụng giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh tổ chức.
Là người trong cuộc, tôi rất thấu hiểu tính chất công việc cực kỳ gian khó của các thầy cô giáo với vai trò “cầm cân nảy mực”, đánh giá, thẩm định hàng trăm, hàng ngàn bài thi của thí sinh.
Các thầy cô tham gia công tác chấm thi (Ảnh minh họa: tienphong.vn). |
Các yếu tố như thời tiết nóng bức (tháng 6,7), hướng dẫn chấm quá chi tiết, định lượng, nhiều bài bài trình bày lung tung, rối rắm, chữ nghĩa đọc chẳng thấy cùng yêu cầu, đòi hỏi của cấp trên phải rút ngắn thời gian, tăng tiến độ hoàn thành trước một số lượng bài thi lớn… thường xuất hiện trong các đợt chấm thi lớn (tuyển sinh vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia) đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chấm thi của các giám khảo.
Với thực thế ấy, để xảy ra một số sai sót, nhầm lẫn khi chấm bài, cộng điểm, nhập điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi đối với các giám khảo, nhất là những giáo viên lần đầu, lần thứ hai đi chấm thi, còn non nớt về kinh nghiệm.
Có mấy ai dám vỗ ngực xưng tên rằng tôi đi làm giám khảo, chấm thi mà chẳng bao giờ mắc nhầm lẫn, thiếu sót đâu. Chấm thi xong, về nhà nghỉ hè, nhiều giám khảo vẫn chưa hết lo…
Tuy nhiên, một số thầy cô giáo hay mắc những lỗi về mặt chủ quan, do chính mình gây nên.
Xin thẳng thắn nói ra đây các lo lắng, áp lực đang đè lên các thầy cô |
Xin khái quát ra đây những lỗi như:
Không đọc, nghiên cứu kỹ quy trình chấm, hướng dẫn chấm các bài thi tự luận.
Thiếu nghiêm túc trong thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung 10 bài đầu tiên.
Khi chấm, thống nhất điểm lại thiếu tập trung, thích nói chuyện riêng.
Tranh thủ chấm bài để về nhà sớm làm việc khác, dạy thêm kiếm được tiền nhiều hơn.
Khả năng thẩm định, đánh giá bài thi của một số giám khảo còn hạn chế, có biểu hiện “dĩ hòa vi quý”, “theo đuôi” giám khảo khác.
Ngoài ra, các tổ trưởng tổ chấm, thư ký, thanh tra, giám sát và lãnh đạo thường trực hội đồng chấm thi có phần dễ dãi, nhẹ nhàng, thả lỏng (vì anh em, đồng nghiệp quen biết cả) nên nhiều khi để mặc giám khảo “tự do” làm việc ở bên dưới phòng.
Thậm chí có tổ trưởng tổ chấm, thư ký còn tự phá vỡ quy trình chấm, giao luôn phiếu chấm của giám khảo 1 cho giám khảo 2 tham khảo để đỡ chênh lệch điểm và thống nhất điểm cho nhanh.
Có tình trạng, các bài thi của thí sinh nào nằm ở những tập bài cuối cùng (ngày cuối đợt chấm) thường được hưởng lợi nhất (cao hơn 1, 2 điểm so với bài thi ở các ngày trước đó) khi mà các giám khảo chấm tranh thủ chấm (trông xong sớm) và chấm mở hết cỡ.
Phúc khảo biến trượt thành thủ khoa thì phải xem xét kỉ luật ban giám khảo |
Số lượng bài thi của thí sinh có yêu cầu phúc khảo nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào năng lực đánh giá, chấm điểm của các giám khảo.
Chấm phúc khảo lần nào mà không có trường hợp bài thi của thí sinh được lên điểm, thay đổi kết quả từ trượt thành đỗ, đặc biệt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Có những bài chênh lệch điểm quá cao từ 1.5 điểm đến 5, 6 điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo phải mời 2 giám khảo chấm lần đầu đến đối chất với chúng tôi.
Hình như các thầy cô giáo đã có sẵn câu nói cửa miệng để nhận lỗi: “Do lúc đó, anh, chị, em hoa mắt, mới cộng nhầm điểm. Mong các anh, cấp trên thông cảm cho”.
Họ nói thế, cấp trên và chúng tôi biết làm sao bây giờ. Họ đều là anh, chị, em, đồng nghiệp với mình cả.
Chúng tôi chỉ biết mong sao, các thầy cô giáo mỗi khi được điều động đi chấm thi, hãy khắc phục triệt để các lỗi chủ quan ở trên, làm việc với thái độ và trách nhiệm cao nhất, giảm thiểu tối đa những nhầm lẫn, sai sót thường xảy ra lâu nay.
Nhờ đó, khi có kết quả thi, mọi thí sinh cảm thấy yên tâm, tin tưởng, ít hoặc không phải làm đơn phúc khảo bài thi nữa.