Được biết, ngày 6/10/2017, Chính phủ gửi Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó Tờ trình nêu cụ thể kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Kinh phí để biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới là hơn 20 triệu USD (Ảnh minh họa: Vương Thủy) |
Cụ thể:
Ngày 08 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông. Tổng vốn dự án là 80 triệu USD.
Trừ kinh phí dự phòng (3 triệu USD), kinh phí còn lại bố trí cho các thành phần của dự án như sau:
- Thành phần 1: Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (16.431.850 USD), gồm:
+ Tập huấn cho người xây dựng, thẩm định chương trình; xây dựng chương trình tổng thể và các chương trình môn học;
+ Thực nghiệm, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới;
+ Xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục |
- Thành phần 2: Biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới (20.568.150 USD), gồm:
+ Biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện);
+ Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia biên soạn sách giáo khoa;
+ Thẩm định các sách giáo khoa;
+ Hỗ trợ việc cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn [1].
Theo Quyết định 404/QĐ-TTg, dự toán kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn và triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới là 778,8 tỷ VNĐ (tương đương 37 triệu USD).
Kinh phí này được bố trí tại thành phần 1 (16.431.850 USD) và thành phần 2 (20.568.150 USD) nêu trên.
- Thành phần 3: Phát triển chương trình giáo dục phổ thông, đánh giá và phân tích kết quả học tập để cải tiến chương trình và chính sách đối với giáo dục phổ thông (37.545.000 USD).
Mục tiêu của thành phần này nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển bền vững chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học;
Xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống đánh giá diện rộng quốc gia;
Kết quả học tập của học sinh theo chương trình mới được phân tích toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh nghèo và nhóm học sinh thiệt thòi;
Tăng cường công tác khảo thí, trước mắt là khảo thí ngoại ngữ trên phạm vi quốc gia.
Các hoạt động chính gồm: Xây dựng Trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và Trung tâm quốc gia khảo thí ngoại ngữ;
Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh; triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh.
- Thành phần 4: Quản lý dự án (2.455.000 USD), gồm các hoạt động của Ban quản lý dự án và các hoạt động giám sát, đánh giá và kiểm toán theo quy định.
Chú thích:
[1] Tổ chức lựa chọn một số trường thuộc vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để cung cấp sách giáo khoa cho thư viện các trường này tổ chức cho học sinh mượn sử dụng trong năm học.
Dự kiến sẽ có khoảng 66.000 bộ sách giáo khoa biên soạn theo chương trình mới (mỗi bộ gồm sách giáo khoa các môn học từ lớp 1 đến lớp 12) được cung cấp theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.