Bộ Giáo dục lại đổi mới thi tốt nghiệp sẽ gây sốc và hoảng cho xã hội

16/08/2014 05:54
Ngọc Quang
(GDVN) - TS Trịnh Ngọc Thạch nhận định, đổi mới thi tốt nghiệp THPT như cách làm của Bộ Giáo dục không chuẩn về mặt khoa học, nhưng lại cần thiết để giảm áp lực.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, Bộ Giáo dục đổi mới thi tốt nghiệp khi chưa đổi mới chương trình - sách giáo khoa là làm ngược; năm 2014 đã "đổi mới" tới 2015 lại "đổi mới" sẽ gây sốc và hoảng cho xã hội; đồng thời nhấn mạnh Bộ Giáo dục cần phải quan tâm ráo riết tới chất lượng đào tạo đại học

Giữ phương án thi như 2014

Theo TS Trịnh Ngọc Thạch, năm 2014, Bộ Giáo dục đã đổi mới thi tốt nghiệp THPT (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn), do vậy năm 2015 không cần tiếp tục phải thay đổi.

"Lần đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua đã giảm được áp lực và đổi mới trong cách ra đề, được xã hội ghi nhận. Năm nay lại thay đổi nữa thì tính thế nào? Tôi rất băn khoăn là Bộ Giáo dục thay đổi nhiều quá sẽ gây hoang mang cho cả học sinh và xã hội, tốt nhất cứ giữ phương án thi như hiện tại cho tới khi đổi mới thành công chương trình - sách giáo khoa", TS Thạch bày tỏ.

TS Trịnh Ngọc Thạc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.
TS Trịnh Ngọc Thạc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Ngọc Quang.

TS Thạch cho biết, theo lộ trình thì vào tháng 10 năm nay Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, trong đó có cả đổi mới phương pháp giảng dạy. Sau đó cần có 2 năm để đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, biên soạn lại sách giáo khoa theo chương trình mới, bổ sung cơ sở vật chất, tới năm 2017 thì đổi mới đồng bộ.

"Như vậy là đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp rồi mới đổi mới thi cử, vì học gì thì thi đấy, vừa qua chúng ta đổi mới thi trước là làm ngược, về mặt khoa học là không đúng. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng ngay cả chương trình - sách giáo khoa hiện nay cũng cần phải điều chỉnh lại, cho nên đổi mới thi tốt nghiệp để giảm áp lực trước, chỗ này thì có thể hiểu được và tôi nghĩ Bộ Giáo dục làm vậy là đúng. Vừa qua, chúng ta đã làm được rồi thì không nên tiếp tục đổi mới nữa, mà giữ sự ổn định này cho tới khi đổi mới đồng bộ và cũng cần công khai lộ trình ấy để xã hội nắm được", TS Thạch nêu quan điểm.

Theo TS Trịnh Ngọc Thạch, cả xã hội đều mong nền giáo dục đổi mới, vì chỉ có như vậy thì mới thay đổi được nền kinh tế, đời sống của người dân mới được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, đổi mới phải có lộ trình từng bước, không thể đốt cháy giai đoạn.

Lật lại đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, TS Thạch cho rằng, trong khi chưa đổi mới chương trình - sách giáo khoa mà ra đề thi như vậy là làm khó cho học sinh. Trong đề thi môn Sử có ý sau: Tại sao Liên Hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay?

"Với cách dạy như hiện nay mà ra đề như thế thì không liên quan đến nhau, học sinh không đủ kiến thức để làm bài. Các thầy có thể hiểu, nhưng ra đề như vậy có thể lại đánh đố học sinh", TS Thạch nói.

Cũng theo TS Thạch, Bộ Giáo dục không nên đứng ra tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT chung cho cả nước như hiện nay mà giao cho Sở Giáo dục ở các tỉnh tự tổ chức.

"Tỉnh nào có điều kiện thuận lợi vào thời điểm nào thì họ thi vào lúc ấy, không nhất thiết phải tổ chức cùng một ngày nữa. Bộ Giáo dục chỉ giữ vai trò kiểm tra, đánh giá kỳ thi, địa phương nào tiêu cực thì Bộ Giáo dục phải xử lý. Bộ Giáo dục phải tổ chức được kỳ thi thật nghiêm túc, còn như hiện nay tỷ lệ đỗ năm nào cũng gần 100% thì liệu có cần thi nữa không?", TS Thạch bày tỏ.

Ghép kỳ thi tốt nghiệp với thi đại học là sai

TS Trịnh Ngọc Thạch thẳng thắn cho biết, việc tiến tới tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất lồng ghép với thi đại học là sai.

"Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học đã nói rõ là không còn kỳ thi quốc gia vào đại học. Tại khoản 2 nói rõ dựa trên chỉ tiêu được duyệt thì các trường tự tổ chức thi, với 3 hình thức: Một là phỏng vấn, hai là thi viết, ba là áp dụng cả hai phương pháp này. Như vậy, vấn đề thi tốt nghiệp THPT là giải quyết bài toán của phổ thông, chứ không thể lấy việc đó gắn với việc giải quyết đầu vào đại học. Đấy là còn chưa kể thi tốt nghiệp THPT có nhiều tiêu cực nên các trường đại học sẽ tuyển sinh riêng chứ không phụ thuộc vào kết quả này. Vừa rồi đề thi đại học có một số câu trùng với đề thi tốt nghiệp THPT, thế mà thí sinh thi đại học bị 0 điểm. Như vậy chẳng phải kết quả thi THPT tiêu cực hay sao?", TS Thạch đặt vấn đề.

72 nghìn cử nhân thất nghiệp trong năm vừa qua là con số phản ánh chất lượng đào tạo yếu kém ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng.
72 nghìn cử nhân thất nghiệp trong năm vừa qua là con số phản ánh chất lượng đào tạo yếu kém ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng.

Từ chuyện đổi mới thi tốt nghiệp THPT, dư luận xã hội hiện đang rất quan tâm tới câu chuyện đầu vào đại học, các trường sẽ tổ chức thi như thế nào và ở thời điểm nào? TS Thạch chia sẻ: "Theo tôi, nên thành lập ra 3 trung tâm khảo thí đặt ở 3 miền của đất nước để làm nhiệm vụ kiểm tra kiến thức của thí sinh muốn vào đại học. Các trường đại học tùy theo điều kiện của mình sẽ đăng ký thang điểm thí sinh phải đạt được, sau khi vượt qua rồi thì tiếp tục trải qua vòng phỏng vấn tại trường. Những trung tâm này mỗi năm tổ chức vài kỳ thi, không nhất thiết cả xã hội phải lôi nhau đi thi vào tháng 6, tháng 7 nóng nực làm gì cho khổ".

Cũng theo TS Trịnh Ngọc Thạch, đổi mới chương trình và thi tốt nghiệp THPT chỉ là một khâu và đã có lộ trình thực hiện, nhưng còn vấn đề rất quan trọng là chất lượng đào tạo đại học cũng cần phải chấn chỉnh ngay, vì đó là nơi trực tiếp đưa lao động ra thị trường.

"Nói đúng thì giáo dục nước ta trong giai đoạn vừa qua cũng có nhiều thay đổi, nhưng đào tạo vẫn nặng về lý thuyết mà rất ít kiến thức thực tiễn nên khi sinh viên ra trường, tốt nghiệp loại giỏi xuất sắc thì doanh nghiệp đều phải đào tạo lại, đặc biệt là kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Do vậy, tôi cho rằng đổi mới chương trình  giáo dục trong nhà trường hiện nay phải theo hướng dạy học gắn với thực tiễn. Bây giờ phải siết lại chất lượng đào tạo của các trường đại học, nơi nào không đáp ứng được thì kiên quyết đóng cửa; đồng thời cũng phải chấn chỉnh lại công tác đào tạo nghề để thu hút được người học. Mục tiêu là tới năm 2020 có 30% học sinh vào các trường nghề, nhưng cho tới giờ chỉ có 3,3% học nghề thôi, đấy là vì cho mở quá nhiều trường đại học", TS Thạch phân tích.

TS Thạch cho rằng, vấn đề tuyển dụng và sử dụng cán bộ ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay cũng có tác động tiêu cực tới định hướng phát triển nền giáo dục lành mạnh.

"Tôi tin rằng, con số 1% công chức không làm được việc mà các địa phương báo cáo lên Bộ Nội vụ vừa rồi là không đúng. Từ cơ chế xin cho người ta chỉ cần xin vào nhà nước là xong, cứ 3 năm lên lương một lần nếu không bị kỷ luật. Học hành thì cứ đều đều, cơ quan cho tiền đi học rồi về ngồi ở vị trí ấy, cũng bằng cấp này nọ nhưng trình độ và năng lực thì yếu. Theo tôi, phải có sự thay đổi rất cụ thể, thí dụ mỗi đơn vị có quyền tuyển dụng, nhưng giao nhiệm vụ và kinh phí cụ thể, vậy thì đơn vị sẽ tự động chọn người có năng lực tốt. Như vậy, người học phải tự định hình lại, phải ý thức về tính tự giác trong học tập, và chính sự nỗ lực của bản thân mỗi người cũng góp phần đưa nền giáo dục tiến lên nhanh hơn", TS Thạch nói.

Ngọc Quang