Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam chiều 3/8, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao hẳn cho các địa phương tổ chức (Sở GD-ĐT là nòng cốt); còn việc tuyển sinh vào cao đẳng, đại học thì giao cho các trường quyết định như quy định trong Luật Giáo dục đại học. Lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, nếu chỉ giới hạn vấn đề bàn bạc trong phạm vi 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu thì phương án thi tích hợp là mục đích cần hướng tới, nhưng để thầy và trò kịp chuẩn bị thì cần có lộ trình.
Đảm bảo công bằng không dễ
Trong 3 phương án thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, phương án 1 và phương án 2 có những điểm giống nhau, vì đều có 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và môn thứ 4 do thí sinh chọn (tự nhiên hoặc xã hội).
“Trước mắt, ở kỳ thi năm 2015, chúng ta nên chọn phương án 1, vì nó tương tự phương án thi năm vừa rồi (chỉ có thêm môn Ngoại ngữ bắt buộc), không làm cho học sinh cảm thấy đột ngột. Năm 2016 sẽ áp dụng phương án 2, ngoài 3 môn bắt buộc thì thí sinh phải chọn 1 bài có nhóm tự nhiên (hóa, lý, sinh) hoặc xã hội (sử, địa); như vậy sẽ khắc phục được tình trạng học lệch.
Tới năm 2016 thì thi theo phương án 3, tức là thi tích hợp đủ kiến thức của 8 môn, vì từ nay tới lúc đó có đủ thời gian bồi dưỡng giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học. Nếu áp dụng ngay phương án này từ năm 2015, Bộ có thể chuẩn bị kịp đề thi, giáo viên có thể kịp được tập huấn chấm bài theo kiểu đề tích hợp, nhưng học sinh thì chưa được chuẩn bị kịp về tâm lý, sẽ lo lắng một cách không cần thiết. Nói thật nếu là học sinh thì mình cũng thấy hoảng, vì vừa mới năm ngoái thay đổi cách thi, năm nay lại đổi nữa”, GS Thuyết chia sẻ.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, kỳ thi "2 trong 1" mà Bộ Giáo dục vừa nêu ra chưa thể tránh được cồng kềnh, lãng phí. Bộ Giáo dục cần đầu tư cho phân luồng, đấy là việc mà các nền giáo dục tiên tiến đã làm. |
Nhiều năm qua, cả xã hội đau đầu với câu chuyện gian dối trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, nay gộp kỳ thi này với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, liệu có chống được tiêu cực, có đánh giá đúng được chất lượng giáo dục phổ thông?
GS Thuyết bày tỏ: "Nhiều người hy vọng việc đưa giảng viên đại học, cao đẳng về địa phương coi thi cùng giáo viên phổ thông sẽ hạn chế được tiêu cực. Tôi đã từng đi coi thi ở địa phương và biết rằng giảng viên đại học, cao đẳng về tỉnh, huyện coi thi cũng phải chịu nhiều áp lực ngoài chuyên môn lắm. Nếu lãnh đạo địa phương không có quyết tâm cao chống tiêu cực, chống bệnh thành tích thì khó có thể có những kỳ thi nghiêm túc. Theo tôi, khi đã giao cho các tỉnh chịu trách nhiệm rồi thì phải gắn trách nhiệm với chế tài cụ thể. Nơi nào để xảy ra tiêu cực thì lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành phải bị kỷ luật, như thế các địa phương sẽ phải làm nghiêm".
Bàn về phương án thi tốt nghiệp mới, một số ý kiến cho rằng áp dụng thi Ngoại ngữ toàn quốc sẽ thiệt thòi cho nhiều học sinh các tỉnh lẻ, tuy nhiên GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, nếu muốn hội nhập với khu vực và thế giới thì đây chắc chắn phải là môn thi bắt buộc.
“Năm 2015 Tổ chức các nước Đông Nam Á ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng ASEAN, lúc ấy thị trường ASEAN sẽ là một, cho nên yêu cầu ngoại ngữ phải được nâng lên, và học sinh của mình dứt khoát không thể kém học sinh các nước khác về mặt này.
Việc dạy ngoại ngữ đã có kế hoạch thực hiện từ nhiều năm nay, đã có hàng nghìn tỷ đồng được chi ra để nâng cao chất lượng giáo viên cũng như giúp học sinh học tập tốt hơn, vậy nên chẳng có cớ gì chúng ta cứ trì hoãn mãi chuyện thi ngoại ngữ. Để học tốt ở bậc đại học thì rõ ràng ngoại ngữ rất quan trọng, học sinh cần có kiến thức cơ bản để nghiên cứu tài liệu và nâng cao dần trình độ khi học chuyên ngành, còn nếu chúng ta cứ bàn lùi không thi thì không bao giờ có áp lực về phía người dạy và người học”, GS Thuyết nói.
Nhiều trường đại học vẫn tổ chức thi tuyển
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, gộp hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) làm một cũng không giảm bớt được sự căng thẳng, cồng kềnh lâu nay dư luận đã nêu.
Ông phân tích: “Nhiều trường đại học sẽ chỉ coi kết quả của kỳ thi quốc gia “2 trong 1” là căn cứ để sơ tuyển và sẽ tổ chức thêm 1 kỳ thi tuyển sinh riêng. Như vậy là vẫn có kỳ thi thứ hai, tốn kém là chuyện không tránh khỏi. Thậm chí, nếu các trường không liên kết thành cụm thi để sử dụng kết quả chung thì có khả năng thí sinh còn phải thi nhiều lần hơn, nếu các em đăng ký vào nhiều trường”.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học vẫn sẽ tổ chức thi tuyển đầu vào. Ảnh: Giáo dục Việt Nam. |
Cũng theo GS Thuyết, cùng với việc đổi mới thi cử, Bộ GD-ĐT cần đầu tư giải quyết vấn đề phân luồng học sinh.
“Muốn thực hiện phân luồng, chúng ta phải dũng cảm dỡ toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông ra và tổ chức lại. Có thể tham khảo cách làm của nước Đức: Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 6 năm. Sau tiểu học, học sinh được phân vào các loại trường trung học khác nhau: Học sinh giỏi vào hệ 6 năm, tốt nghiệp sẽ vào đại học. Học sinh khá vào hệ 5 năm, sau khi tốt nghiệp sẽ vào cao đẳng. Những học sinh còn lại sẽ vào trường trung học 4 năm, sau khi tốt nghiệp đi học nghề”, GS Thuyết nói.
Tuy nhiên, GS Thuyết cũng nêu ra những khó khăn mà cơ quan quản lý phải giải quyết, đó là 10 năm trở lại đây có quá nhiều trường THPT tư thục mở ra; nếu phân luồng thì giải quyết sự tồn tại của các trường này thế nào? Cũng trong khoảng 10 năm trở lại đây, có quá nhiều trường đại học tư thục ra đời, nay phân luồng để học sinh vào các trường nghề thì những cơ sở đại học đó giải quyết ra sao?
“Theo tôi, cùng với việc thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT, việc đào tạo ở bậc đại học cũng phải được siết lại. Ở các nước phát triển, vào đại học không khó, nhưng để lấy được bằng tốt nghiệp rất khó. Còn ở Việt Nam, vào dễ và ra cũng dễ, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng trầm trọng, ngoại ngữ thì gần như bằng không... cuối cùng là thất nghiệp và trở thành gánh nặng cho xã hội”, GS Thuyết nói.