Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng?

27/05/2016 07:48
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Tôi mong Bộ Giáo dục nghiên cứu lại vấn đề đánh giá học sinh tiểu học một cách chu đáo hơn; sớm sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả đánh giá của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, Thông tư 30 bộc lộ quá nhiều hạn chế sau 1 năm thực hiện, đó là khiến học sinh lười học hơn, giáo viên chịu nhiều áp lực hơn và cha mẹ học sinh vô cùng lo lắng.

Học sinh lười hơn?

Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định về đánh giá học sinh tiểu học thay thế cho Quy định được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27/10/2009. 

So với Thông tư 32, cách đánh giá học sinh tiểu học ở Thông tư 30 có 5 điểm mới như sau:

1. Không chỉ đánh giá hạnh kiểm, học lực mà còn đánh giá năng lực của học sinh (các NL tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề).

2. Không cho điểm trong đánh giá thường xuyên về học lực; thay vào đó, giáo viên nhận xét về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của học sinh.

3. Cha mẹ học sinh tham gia đánh giá con mình.

4.  Cuối học kì và cuối năm, không xếp hạng Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu mà chỉ xếp loại Đạt hay Chưa đạt về năng lực hoặc phẩm chất, Hoàn thành hay Chưa hoàn thành các môn học.

5. Việc khen thưởng cuối năm do giáo viên đề xuất, hiệu trưởng quyết định dựa trên kết quả bình bầu của lớp, có tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh.

Hầu hết giáo viên tiểu học mà tôi tiếp xúc một năm qua đều than phiền về tác động tiêu cực của Thông tư 30. Nhiều giáo viên tha thiết đề nghị Bộ sửa đổi Thông tư này, nếu không thì giáo dục tiểu học sẽ phải trả giá đắt về chất lượng.

GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, Thông tư 30 gây áp lực lớn cho giáo viên, còn học sinh thì lười học. ảnh: Giáo dục Việt Nam.
GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, Thông tư 30 gây áp lực lớn cho giáo viên, còn học sinh thì lười học. ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Kết quả khảo sát mới đây của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (nhóm nghiên cứu do PGS.TS Vũ Trọng Rỹ chủ trì) cũng khẳng định những ý kiến trên là có cơ sở: 63,7% số giáo viên được phỏng vấn cho là sau một năm thực hiện Thông tư 30, “Học sinh lười học hơn trước”; 30,5%  cho là “Bình thường”; chỉ có 5,9%  cho là “Học sinh chăm học hơn trước”.

Nhận xét về nguyện vọng của học sinh, 93,8%  số giáo viên được phỏng vấn cho rằng học sinh có học lực Khá trở lên đều muốn đánh giá bằng điểm số; trong khi đó, 59,9% cho rằng, học sinh có học lực Yếu thích được đánh giá bằng nhận xét, 20,9% cho rằng, những học sinh này thích được đánh giá bằng điểm số.

Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng? ảnh 2

Vì sao hơn 95% giáo viên vẫn than phiền về Thông tư 30?

Theo quan sát của tôi, việc không cho điểm thường xuyên và không xếp loại Giỏi, Khá… có thể giảm áp lực chạy theo thành tích, nhưng sẽ khiến học sinh mất động lực học tập.

Thực tình, nếu muốn giảm bớt áp lực về điểm số lên học sinh và động viên sự tiến bộ của các em, chúng ta chỉ cần:

- Không cho điểm những bài chưa đạt yêu cầu mà chỉ dẫn cho học sinh làm lại, cho đến khi đạt yêu cầu mới cho điểm.

- Ghi nhận mỗi tiến bộ dù nhỏ của học sinh bằng điểm cao hơn lần trước.

- Chỉ công bố trước lớp những điểm khá, giỏi để động viên những học sinh này và khuyến khích học sinh khác thi đua với bạn. Điểm trung bình, trung bình khá chỉ ghi vào sổ điểm để theo dõi và thông báo riêng với cha mẹ những học sinh có liên quan.

- Trao đổi riêng với từng cha mẹ học sinh trong các buổi họp cha mẹ học sinh về kết quả học tập, rèn luyện của con em họ. Đối với những trường hợp cần có sự phối hợp kịp thời của cha mẹ học sinh thì giáo viên mời cha mẹ học sinh đến trao đổi khi cần thiết. 

Tạo áp lực nặng nề lên giáo viên

Theo kết quả khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, 95,2% số giáo viên đựợc hỏi đều khẳng định: thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt 98,2% giáo viên ở vùng nông thôn cho là rất vất vả.

Ví dụ gây ấn tượng nhất trong báo cáo của nhóm nghiên cứu Vũ Trọng Rỹ là ở Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, mỗi lần đánh giá, một giáo viên dạy Mỹ thuật phải ghi tới 789 nhận xét cho học sinh vào 23 cuốn sổ của 23 lớp khác nhau. Nhưng ở Hà Nội, có một số cô giáo còn phải ghi tới hơn 1000 nhận xét mỗi lần đánh giá.

Bộ Giáo dục nghĩ gì khi học sinh lười học, giáo viên áp lực, phụ huynh lo lắng? ảnh 3

Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân

Thời gian đầu thực hiện Thông tư 30, sau phản ánh của giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải thích: giáo viên không nhất thiết phải ghi nhận xét mà chỉ cần nhận xét miệng.

Nhưng “lời nói gió bay”, học sinh nhỏ liệu có nhớ được nhận xét đó không? Cha mẹ các em làm cách nào để biết nhận xét đó? Và cán bộ quản lý theo dõi, điều chỉnh hoạt động của giáo viên toàn trường bằng cách nào? 

Về phần mình, tôi nghĩ rằng Thông tư 30 đã áp dụng máy móc cách làm của một vài nước nào đó (cũng không rõ là những nước nào vì cho đến nay, Bộ GDĐT cũng chưa nêu rõ là có những nước nào bỏ đánh giá học sinh bằng điểm) mà không tính đến điều kiện làm việc của giáo viên Việt Nam. 

Ở các nước phát triển, một lớp học đông nhất chỉ có 25 học sinh. Năm 1999, tôi có dịp tham gia đoàn khảo sát giáo dục tại Vương quốc Anh. Một lớp tiểu học chỉ có từ 20 đến 25 học sinh, do 2 cô giáo phụ trách – một cô là giáo viên chính, còn một cô trợ giảng, chuyên giúp nhóm học sinh yếu. Lương cô giáo chính là 26.000 bảng/năm; tính theo tỷ giá hối đoái năm ấy tương đương 61 triệu đồng/tháng. 

Trong khi đó, ở các đô thị nước ta, mỗi lớp tiểu học thường từ 50 đến 60 học sinh. Các lớp tiểu học vùng cao, vùng sâu có thể ít học sinh hơn, nhưng thường là lớp ghép, giáo viên cùng lúc phải dạy nhiều chương trình khác nhau, ví dụ vừa dạy lớp 1 vừa dạy lớp 2, lớp 3 hoặc lớp 4, lớp 5.

Trong hoàn cảnh như vậy mà yêu cầu giáo viên nhận xét về học lực, phẩm chất, năng lực của từng học sinh trong mỗi lần đánh giá thường xuyên và ghi vào sổ những nhận xét ấy thì giáo viên khó lòng kham nổi, kể cả chỉ lặp đi lặp lại những nhận xét chung chung, áp dụng với bất cứ học sinh nào cũng đúng nhưng không có ích lợi gì, như: “Em học tốt”, “Em có tiến bộ”, “Em cần cố gắng hơn”…

Thông tư 30 khiến cho học sinh lười học hơn? ảnh: Người lao động.
Thông tư 30 khiến cho học sinh lười học hơn? ảnh: Người lao động.

Một điểm mới của Thông tư 30 là trao quyền tự quyết định về khen thưởng cho nhà trường. Lẽ ra điều này phải được hiệu trưởng và giáo viên hoan nghênh, nhưng nó lại làm cho họ lúng túng vì thiếu hướng dẫn cụ thể và thiếu căn cứ khách quan.

Cuối học kì và năm học, học sinh chỉ được xếp vào 2 loại Đạt và Chưa đạt; thường là 100% Đạt, vậy thì khen thưởng thế nào? Dựa vào bình bầu của học sinh, liệu kết quả bình bầu của các cháu nhỏ 6, 7 hay 8, 9 tuổi chính xác đến đâu?

Tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh thì mỗi bậc cha mẹ cũng chỉ có thể đánh giá con mình. Dĩ nhiên quyết định của giáo viên là quan trọng nhất. Nhưng thiếu căn cứ định lượng, liệu họ có yên tâm là sẽ không bị ai kiện cáo lôi thôi? 

Làm cha mẹ học sinh lo lắng

Một trong những điểm mới của Thông tư 30 là “kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh”. 

Tuy nhiên, bản thân Thông tư không quy định cha mẹ học sinh tham gia đánh giá những mặt nào, đánh giá bằng điểm hay bằng nhận xét, có ghi sổ hay chỉ đánh giá miệng, gửi kết quả đánh giá cho ai, cách kết hợp với đánh giá của giáo viên và của con mình như thế nào?

Chính vì vậy, từ khi Thông tư ra đời dến nay, gần như chưa có trường nào tổ chức được cho cha mẹ học sinh đánh giá con mình. Ngược lại, việc thực hiện Thông tư dẫn đến 2 trạng thái tâm lý của cha mẹ học sinh:

- Một là hoang mang vì không biết con mình học thế nào và cần hướng dẫn, chỉ bảo thêm cho con những gì.

Nếu cha mẹ hằng ngày chỉ nhận được những lời nhận xét chung chung, có tính chất động viên đối với con mà đến cuối học kỳ, cuối năm con bị điểm kém hoặc điểm không được như kỳ vọng thì cha mẹ càng hoang mang, thậm chí oán trách thầy cô.

- Hai là thờ ơ vì mỗi khi hỏi “Hôm nay con mấy điểm?” đều được nghe câu trả lời “Cô có cho điểm đâu!” Điều đó không khác gì một vị chỉ huy hôm nào cũng được lính gác báo cáo “Hôm nay mọi việc bình thường”, lâu dần sẽ sinh chủ quan.

Những tâm trạng này đã được phản ánh qua báo chí phần nào. Hôm nay, nó được tái khẳng định qua báo cáo của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

Theo báo cáo này, trả lời câu hỏi “Cha mẹ học sinh có thái độ như thế nào đối với việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30?”, 59,1% số giáo viên được phỏng vấn cho là cha mẹ học sinh “Phản đối, không tán thành”; 35,0%  cho là cha mẹ học sinh “Thờ ơ, không tỏ thái độ gì”; chỉ có 5,9% cho là cha mẹ học sinh “Ủng hộ, tán thành”.  

Chúng tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lại vấn đề đánh giá học sinh tiểu học một cách chu đáo hơn; sớm sửa đổi Quy định về đánh giá học sinh tiểu học cho phù hợp với thực tế.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết