Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh?

08/11/2017 07:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh, cha mẹ học sinh và các thày cô giáo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ lo bảo hộ cho tác giả?

Ngày 31/10/2017 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về lời hứa thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay, ngày 23/10/2017, trước thềm kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hiện nay, bà nhận được văn bản của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về kết quả thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Ngày 19/4/2017 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Hội đồng gồm 13 thành viên, do Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ảnh chụp bìa sách: giaoduc.net.vn.
Ảnh chụp bìa sách: giaoduc.net.vn.

Hội đồng đã họp trong 2 ngày 12, 13/5/2017 để thẩm định tài liệu này, đưa ra đánh giá chung và khuyến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục thể hiện rõ nhiệt huyết và công phu của nhóm tác giả trong việc biên soạn và thể nghiệm một hướng dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1. 

Tài liệu được tạo ra một số nét khác biệt đáng ghi nhận trong phương pháp dạy học tiếng Việt.

Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực. 

Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mới thẩm định và thông qua như tất cả các sách giáo khoa khác. 

Trước mắt, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cần được chỉnh sửa cẩn thận theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

Nếu việc chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu của Hội đồng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thì tài liệu này có thể đưa vào nhà trường như là sách giáo khoa (có thể dưới hình thức thử nghiệm trong phạm vi không rộng) cho đến khi có chương trình mới. 

Sau khi nhóm tác giả chỉnh sửa (và giải trình, nếu có), Chủ tịch, Phó chủ tịch và Thư ký sẽ thay mặt Hội đồng thẩm định đọc lại tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục để có kết luận về kết quả chỉnh sửa. 

Kết luận chung: Đạt yêu cầu nhưng cần chỉnh sửa

Những dấu hiệu bất thường

Ngoài việc miễn cưỡng thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo quy định tại Điều 29, Luật Giáo dục hiện hành sau khi dư luận liên tục lên tiếngĐại biểu Quốc hội chất vấn qua 2 đời Bộ trưởng, cách thức và kết quả thẩm định cũng có nhiều dấu hiệu bất thường.

Thứ nhất là căn cứ thẩm định.

Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh? ảnh 2

Thày Hiển, thày Đại "xây" hệ thống bán sách giáo khoa độc quyền cả nước ra sao?

Kết luận của Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục chỉ có duy nhất mục 2 Thể hiện mục tiêu của chương trình là nhắc đến căn cứ chuyên môn:

Chương trình môn Tiếng Việt ở tiểu học (ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ngoài ra các phần đánh giá còn lại, không biết các thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định dựa theo tiêu chí nào để đánh giá?

Hơn nữa, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã phủ nhận chương trình sách giáo khoa hiện hành từ lâu. 

Thầy Đại có nhận xét khá sốc với nhiều người từng tham gia soạn chương trình, sách giáo khoa hiện hành:

"Nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì.” [1]

"Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức.

Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa  hão về tương lai. 

Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. 

Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt". [2]

Nay Hội đồng Quốc gia thẩm định lại lấy cái "không ra gì" để làm căn cứ thẩm định sách của ông, liệu có "quá đáng" với Giáo sư Hồ Ngọc Đại chăng?

Nói như thầy Đại, sao lại lấy "cày chìa vôi" làm căn cứ để đo lường, đánh giá "máy cày"?

Thứ hai là điều kiện tiên quyết.

Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đưa ra 2 "điều kiện tiên quyết" rất kỳ lạ:

-Nội dung của Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (gọi tắt là Tài liệu Tiếng Việt1) phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.

(Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu này chú thích thêm:

Tuy nhiên, cần lưu ý chỉnh sửa một số từ ngữ và nội dung bài đọc sao cho phù hợp với học sinh lớp 1, đáp ứng đúng yêu cầu và mục tiêu giáo dục ở cấp tiểu học đã nêu trong Luật Giáo dục).  

Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh? ảnh 3

Miếng bánh sách giáo khoa và thế chân vạc “chia ba thiên hạ”

-Việc đưa Tài liệu Tiếng Việt 1 vào nhà trường sử dụng như sách giáo khoa có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hay không thì không nằm trong phạm vi đánh giá của Hội đồng thẩm định tài liệu này. 

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo Điều 29 Luật Giáo dục hiện hành mà không đánh giá căn cứ pháp lý của việc triển khai Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào trường học "như sách giáo khoa" thì thật kỳ lạ!

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa không thẩm định việc này, còn tổ chức cá nhân nào có trách nhiệm và quyền hạn làm việc này?

Hội đồng Quốc gia thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục tự tránh vì "nhạy cảm" hay do áp lực từ bên ngoài buộc phải né?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo Hội đồng Quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục không được thẩm định căn cứ pháp lý triển khai đại trà cuốn sách này hay không?

Hội đồng Quốc gia thẩm định đã đặt điều kiện tiên quyết là không xem xét việc đưa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vào nhà trường "sử dụng như sách giáo khoa" có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hay không, tại sao lại còn khuyến nghị Bộ trưởng:

"Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực. 

Trước mắt, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cần được chỉnh sửa cẩn thận theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.

Nếu việc chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu của Hội đồng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thì tài liệu này có thể đưa vào nhà trường như là sách giáo khoa (có thể dưới hình thức thử nghiệm trong phạm vi không rộng) cho đến khi có chương trình mới." 

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia thẩm định chỉ phục vụ thầy Hồ Ngọc Đại hợp pháp hóa công nghệ giáo dục?

Như đã phân tích ở trên, tại sao Hội đồng Quốc gia thẩm định đã đặt điều kiện tiên quyết không xem xét căn cứ pháp lý triển khai đại trà Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, lại kết luận và khuyến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh? ảnh 4

Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại

Cho phép sử dụng tài liệu này "như sách giáo khoa", tương lai sẽ thành "sách giáo khoa" khi có chương trình mới?

Kết quả thẩm định này dường như củng cố thêm nhận định của nhà báo Quỳnh Hương:

"Vị giáo sư có tiếng ngang ngạnh, nhiều đời Bộ trưởng phải “gờm” vì cách làm giáo dục của ông quyết liệt đến không khoan nhượng, ông nói về giáo dục luôn thẳng thắn đến “nghịch nhĩ”".

Phải chăng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng không ngoại lệ? Vậy ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của học sinh, cha mẹ học sinh và các thày cô giáo khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ lo bảo hộ cho tác giả?

Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục triển khai thí điểm tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục trong năm học 2017-2018 trên tinh thần tự nguyện

Vậy học sinh sẽ còn phải làm "chuột bạch" đến bao giờ? Trong khi đó chính tác giả của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã khẳng định rõ: "Nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy."

Cũng chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết: "Nhưng mà “thí điểm” hiện nay (năm học 2012-2013) có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh…"

Có được bước "đại nhảy vọt" này là nhờ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đó "hiểu và thực bụng muốn làm", đã giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại lách luật:

"Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận ra quyết định, Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!

Bộ Giáo dục thẩm định Tiếng Việt 1 Công nghệ vì thầy Hồ Ngọc Đại hay học sinh? ảnh 5

Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đến dấu phẩy cũng không vô giá trị

Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi.

Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi.

Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.

Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục.

Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn. 

Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ.

Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi." [1]

Phải chăng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Hội đồng Quốc gia thẩm định do ông quyết định thành lập chỉ còn làm một việc tiếp theo, là hợp pháp hóa chuyện lách luật nói trên?

Giờ đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo "huy động cả hệ thống quản lý ngành dọc" chỉ đạo dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, thì "triển khai trên tinh thần tự nguyện" phải chăng chỉ là màn xoa dịu dư luận?

Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 và kế hoạch triển khai năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rất rõ điều này.

Con số học sinh làm "chuột bạch" đã lên tới gần 700 ngàn.

Theo báo cáo này, năm học 2016-2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia.

(Con số in đậm là người viết trích nguyên từ Báo cáo nói trên, không biết thuộc về lỗi đánh máy hay sự cẩu thả của những người chuẩn bị?)

Gần 700 ngàn học sinh đã học ở gần 8 ngàn trường, còn "thí điểm" với "tự nguyện" gì nữa?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thêm về cách làm trái khoáy, ngược đời này trong những bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html

[2]https://cgd.edu.vn/giao-duc-thoi-khung-hoang-tan-day/

Hồng Thủy