Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì?

06/08/2016 07:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ông rất lo lắng vì một số trường tốp cao lấy đầu vào ở mức điểm sàn, có thể khiến nhiều thí sinh bị "mắc kẹt".

Ngày 5/8, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến thăm và làm việc tại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Tại buổi làm việc, GS.TS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVUC) chúc mừng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được Quốc hội tín nhiệm phê chuẩn, tái cử Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021.

GS.Trần Hồng Quân và các thành viên của Hiệp hội đã có một cuộc trao đổi cùng Bộ trưởng và các lãnh đạo Vụ, Cục chuyên môn trong không khí thân tình, cởi mở.

Đại diện cho Hiệp hội, GS.Trần Hồng Quân đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều vấn đề tồn tại trong ngành giáo dục, trong đó đầu tiên là vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam.

GS.Trần Hồng Quân chỉ rõ, hệ thống hiện nay đang gây ra những bất cập lớn, điển hình là: Chia cắt hệ thống giáo dục đại học; Không giải quyết được bài toán phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; Phủ nhận nhiều giá trị tốt của chính Việt Nam;

Không phù hợp với tinh thần NQ-29 của TW Đảng -lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây trở ngại cho việc hội nhập nguồn nhân lực; Cản trở cơ hội học tập của người dân; Lãng phí nguồn lực (bao gồm tiền và nhân lực).

GS.Trần Hồng Quân đã nêu ra nhiều vấn đề tồn tại trong ngành giáo dục trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. ảnh: Ngọc Quang.
GS.Trần Hồng Quân đã nêu ra nhiều vấn đề tồn tại trong ngành giáo dục trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. ảnh: Ngọc Quang.

Đối với vấn đề xã hội hóa phát triển giáo dục, GS.Quân cho biết: “Chiến lược giáo dục đến 2020 Việt Nam phấn đấu tỷ lệ sinh viên các trường tư thục chiếm từ 30-40% nhưng con số này hiện giờ chưa đạt 14%. So với Lào xấp xỉ 1/3, so với Campuchia xấp xỉ 1/4.

Kết quả không mong đợi trên là do một số nguyên nhân, nhưng cái chính là do chính sách vĩ mô không ổn định và minh bạch, nhất là các luật, văn bản dưới luật đã không quán triệt đầy đủ tinh thần Hiến pháp, chủ trương của Đảng và có những xung đột khó giải thích”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang lo lắng điều gì? ảnh 2

Những "lỗi cơ bản" của VNEN mà Bộ trưởng Nhạ có thể chưa biết!

Đối với vấn đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, GS.Trần Hồng Quân cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục đã nhiều năm làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học nhiều thời kỳ tự tuyển sinh thành công.

Hơn thế nữa, ngày nay hàng năm có nhiều nghìn thí sinh Việt Nam chỉ cần tốt nghiệp THPT đều nhận cơ hội học đại học ở các trường trên thế giới.

Tuy nhiên, rất tiếc, vài ba năm nay các giá trị tốt ít được kế thừa, xuất hiện những chỉ đạo lạ, làm khó cho thí sinh và phụ huynh, để lại dư luận không hay cho giáo dục.

Đối với vấn đề tự chủ của các trường đại học công lập, GS.Trần Hồng Quân chỉ rõ: "Các yếu tố bảo đảm trách nhiệm giải trình của các trường đại học chưa minh bạch và tin cậy.

Không khơi dậy nội lực khối đại học cao đẳng công lập đang chiếm gần 90% quy mô sinh viên với hơn 80% số trường đại học cao đẳng.

Tiếp diễn việc chưa công bằng trong chính sách đầu tư công, toàn bộ lượng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học được tập trung cho các đại học công lập, cho dù thuế của dân đâu có chỉ những người có con em các đại học công lập đóng góp".

Buổi làm việc giữa Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có sự tham dự của các chuyên hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục. ảnh: Ngọc Quang.
Buổi làm việc giữa Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có sự tham dự của các chuyên hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục. ảnh: Ngọc Quang.

Không phân biệt con đẻ, con nuôi

Sau khi lắng nghe các ý kiến từ GS.Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những góp ý tâm huyết mà Hiệp hội đã gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng văn bản cụ thể.

Nói về cơ cấu hệ thống giáo dục, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Đây là yếu tố rất quan trọng, phải xong được việc này thì những việc khác triển khai mới hợp lý được.

Tôi đánh giá rất cao và cảm ơn các thầy ở Hiệp hội không chỉ góp ý trực tiếp mà còn thể hiện quan điểm rất rõ bằng văn bản, thống nhất quản lý về giáo dục sẽ phải giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Đáp lời GS.Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho mục tiêu đổi mới giáo dục nước nhà. ảnh: Ngọc Quang.
Đáp lời GS.Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho mục tiêu đổi mới giáo dục nước nhà. ảnh: Ngọc Quang.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hoan nghênh và ủng hộ Hiệp hội thúc đẩy hoạt động của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Theo Bộ trưởng, kết quả của kiểm định sẽ là một trong những căn cứ để tiến hành phân tầng, xếp hạng đại học được chuẩn xác. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng hỗ trợ để Trung tâm phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình.

Kiểm định chất lượng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung xây dựng trong thời gian tới, với bộ tiêu chí đánh giá theo chuẩn Asean.

Căn cứ vào tiêu chuẩn tiêu chí này sẽ đối chiếu với các trường đại học, cao đẳng nào dùng tiêu chí cũ mà bây giờ vẫn sử dụng được thì kế thừa, tiêu chí nào còn thiếu thì bổ sung thêm. Bộ sẽ đặt ra yêu cầu bắt buộc phải đăng ký các tiêu chí, và nếu không đăng ký thì sẽ có các chế tài dừng tuyển sinh.

“Ngày xưa thời bao cấp, thời kinh tế tập trung thì bộ nào, địa phương nào cũng có một trường, nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chuyên nghiệp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ trưởng rất rõ ràng, chính sách của Bộ hợp lý thì các trường phải chấp hành, nhưng nếu chính sách chưa hợp lý thì Bộ sẽ lắng nghe, điều chỉnh. 

“Quan điểm của tôi không phải là Bộ làm chính sách, đưa ra rồi lấy ý kiến, mà Bộ sẽ làm công tác định hướng.

Sau khi lấy được ý kiến độc lập của các đối tượng áp dụng chính sách, thảo luận và có sự thống nhất cao, lúc ấy mới ban hành chính sách”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Do đó, không có lý do gì mà mỗi bộ ôm một trường, thậm chí nhiều trường.

Bây giờ để giải quyết vấn đề này thì phải bằng cách áp dụng các tiêu chí kiểm định, công khai minh bạch, để từ đó phân tầng, xếp hạng”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Quan điểm này lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, ông đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của các trường đại học ngoài công lập.

 “Với trách nhiệm như tôi là người đứng đầu ngành giáo dục thì không có phân biệt, miễn là các cơ sở giáo dục đào tạo làm tốt, chất lượng, và tiến tới cạnh tranh lành mạnh. Không có chuyện phân biệt con đẻ, con nuôi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng trao đổi với các lãnh đạo của Hiệp hội, tìm ra những phương án tối ưu nhất cho nền giáo dục Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng trao đổi với các lãnh đạo của Hiệp hội, tìm ra những phương án tối ưu nhất cho nền giáo dục Việt Nam. ảnh: Ngọc Quang.

Bộ trưởng cho biết, ngay sau khi nhậm chức thì ngôi trường đầu tiên ông lựa chọn tới thăm là một trường ngoài công lập, mặc dù nhiều ý kiến tư vấn nói rằng nên tới thăm trường công lập truyền thống.

Đó là một thông điệp rất rõ ràng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và ngay lập tức nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực từ cộng đồng.

Bộ trưởng Nhạ chia sẻ: “Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với khu vực này chưa đầy đủ, và tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình. Nhiều trường đang hữu sinh vô dưỡng, cố gắng để thành lập được trường đại học, nhưng cứ nghĩ là họ sẽ tự sống là chưa phải.

Trong giai đoạn đầu phải hoạt động cùng với họ, để khi họ lớn lên thì sẽ mạnh để tham gia đóng góp tốt cho nền giáo dục.

Quan điểm của tôi là dù công, dù tư, nhưng đào tạo sinh viên ở đâu thì cũng là công dân Việt Nam, và cũng đều do Bộ trưởng Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm”.

Từ trái qua phải: PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch AVUC; Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; GS.Trần Hồng Quân - Chủ tịch AVUC; TSKH Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch AVUC. ảnh: Ngọc Quang.
Từ trái qua phải: PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch AVUC; Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; GS.Trần Hồng Quân - Chủ tịch AVUC; TSKH Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch AVUC. ảnh: Ngọc Quang.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo, yêu cầu các Sở Giáo dục của từng địa phương phải có ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó Bộ sẽ lựa chọn phương án phù hợp nhất.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang thiên theo hướng, tách bạch thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tư lệnh ngành giáo dục cho biết: “Đối với các trường đại học thì sẽ tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, nhưng tự chủ không có nghĩa là tự trị, muốn làm gì thì làm.

Có một số trường chưa hiểu đúng ý nghĩa của tự chủ, muốn tự do, tự trị, thích làm theo ý mình, nhưng trong đó yếu tố vô cùng quan trọng là tự giải trình thì lại mờ đi”.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016 diễn ra sáng 5/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ rõ một số trường ở tốp cao cũng lấy điểm đầu vào là 15 điểm, bằng mức điểm sàn.

Điểm sàn là điểm đạt chất lượng tối thiểu chỉ dành cho các trường có mức độ vừa phải, còn các trường tốp cao thì phải lấy 20 điểm trở lên.

Bộ trưởng chia sẻ: “Nếu động vào thì các trường sẽ bảo đó là việc của tôi. Đúng thật, tuyên bố điểm sàn là 15 thì về mặt luật pháp cớ gì mà ngăn cấm? Nhưng cái văn hóa của ta là tận thu, không tính đến một cách nghiêm túc của người học, và cũng không nhìn thấy các trường tốp dưới.

Đây là vấn đề văn hóa, vấn đề ứng xử với cộng đồng. Đối với những trường này là vấn đề tận thu, nhưng vô hình chung đối với rất nhiều cháu là trượt, bởi vì cứ tin như thế, rồi không được rút ra. Điều này khiến tôi rất lo lắng”.

Ngọc Quang