Dự án mô hình trường học mới (VNEN) đã kết thúc với số con số chi phí công bố là 87,6 triệu USD (trong đó 84,6 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ hỗ trợ Toàn cầu về giáo dục thông qua Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam).
Những điểm tích cực khi thực hiện dự án này cũng đã được chỉ ra, đó là: Đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của các em trong quá trình dạy học và quá trình giáo dục... học sinh tự tin, không khí lớp học tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn.
Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn tồn tại từ các dạy truyền thống, cho tới khi áp dụng mô hình VNEN vẫn gặp nhiều khó khăn đó là: Trình độ của giáo viên ở nhiều địa phương quá yếu kém và sĩ số lớp học quá lớn.
Trong một lần trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Tự Ân – Cố vấn dự án VNEN đã nói: “Chất lượng học tập theo mô hình mới phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của đội ngũ giáo viên.
Do đó, Hiệu trưởng các trường đã duy trì sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường thường xuyên và có hiệu quả. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chính là tổ chức bồi dưỡng chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.
Ở lớp, giáo viên không giảng bài mà chủ động hướng dẫn hỗ trợ cho học sinh tự học, nên trong quá trình tổ chức hoạt động học tập cho học sinh, giáo viên có nhiều thời gian và cơ hội quan sát và đánh giá kịp thời quá trình học tập của các em”.
Thế nhưng, có một thực tế là ở rất nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí ở ngay tại Hà Nội, trình độ của giáo viên là một dấu hỏi lớn mà ngay chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tìm ra lời giải, khi mà chủ đề bàn về đổi mới giáo dục đã được hàng trăm chuyên gia tâm huyết góp ý liên tục trong nhiều năm qua.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải hàng trăm bài viết về năng lực của người thầy, đạo đức người thầy, cho tới vấn đề tuyển sinh, đào tạo ở các trường sư phạm trên cả nước.
Bộ Giáo dục cần có quan điểm rõ ràng về mô hình trường học mới (VNEN). ảnh: Ngọc Quang. |
Chính các giáo viên ở địa phương đã bày tỏ băn khoăn lo lắng về các đồng nghiệp rằng: Lâu nay, giáo viên quen với cách dạy cũ, nay chuyển sang cách dạy mới thì liệu rằng với dăm buổi tập huấn, và sinh hoạt chuyên môn tại trường, có nâng được trình độ cho họ?
Sẽ có rất nhiều câu hỏi thú vị mà học sinh đặt ra trong quá trình thảo luận bài, liệu rằng giáo viên có đủ khả năng để giải đáp và hướng dẫn cho học trò?
Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn? |
Trong một chuyến đi thực tế tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) – ngôi trường được lựa chọn, cấp chi phí thực hiện dự án cũng không thể giải quyết được bài toán sĩ số lớp quá lớn.
Và chính các giáo viên đang dạy ở ngôi trường này cũng thẳng thắn chia sẻ:
Nếu học sinh lười đọc tài liệu học tập, sẽ dẫn tới thảo luận kém, nền tảng kiến thức không vững.
Để khắc phục được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh.
Tuy nhiên, trong trường hợp phụ huynh thiếu quan tâm tới việc học tập của con em mình, mà phó mặc cho nhà trường, thì gánh nặng lại đổ dồn về giáo viên. Điều này xảy ra ở rất nhiều các địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Thực tế, ngay từ đầu đã có nhiều giáo viên than phiền với cách dạy mới, và trong quá trình triển khai dự án thì còn vô vàn các ý kiến phản đối. Điều đó cho thấy sự chuẩn bị về mặt tâm lý cho cán bộ trong ngành chưa tốt.
Đó là lỗi chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo – nơi quản lý dự án này, với con số chi phí lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Gánh nặng dồn lên vai giáo viên, trong khi đây chỉ là một dự án thử nghiệm, vậy thì sẽ dễ nảy sinh tâm lý đối phó, chứ chẳng tội gì phải đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu, gánh thêm vất vả... bởi có làm tốt hơn nữa cũng chẳng được gì.
Lâu lâu có đoàn kiểm tra, giáo viên sẽ cho cả lớp ôn luyện cật lực, để rồi trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại như những cái máy. Tuy rằng, những hiện tượng ấy không phổ biến ở tất cả các trường, nhưng cũng đã cho thấy sự bất ổn cần phải được giải quyết tận gốc từ chính tâm lý của giáo viên và học sinh.
Như chia sẻ của ông Đặng Tự Ân: “Thực tế thấy rằng, điều kiện khó khăn, năng lực giáo viên hạn chế thì dù mô hình có tốt tới đâu, thì hiệu quả của nó cũng chỉ đạt được tới một giới hạn nhất định.
Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, nếu có đam mê, biết linh hoạt và sáng tạo thì mỗi nhà trường mỗi giáo viên đều có thể mang lại những hạnh phúc đáng kể cho công việc của mình cũng như cho mỗi học sinh”.
Bộ Giáo dục quản dự án, phân chia tiền từ dự án, nhưng giáo viên và cơ sở vật chất là của các tỉnh. Đó là một khó khăn lớn của chính ngành giáo dục suốt nhiều năm nay.
Đổi mới giáo dục không thể làm theo kiểu đối phó
Vấn đề thứ hai là ở hầu hết các trường công lập tại các thành phố lớn, sĩ số lớp lên tới 50 – 60 học sinh, mà chính ông Đặng Tự Ân cũng đã nói rằng: “Ngoài các điều kiện về nhận thức, năng lực của giáo viên, học cả ngày, bàn ghế đạt chuẩn, yếu tố sĩ số học sinh trong mỗi lớp có quyết định rất lớn tới đổi mới phương pháp và khả năng áp dụng thành công mô hình trường học mới”.
Ủy ban Nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở Giáo dục kiểm điểm việc triển khai VNEN |
Cho dù áp dụng các biện pháp đổi chỗ, bạn học tốt kèm cho bạn chưa tốt... thì bản chất vẫn là 50 – 60 học sinh/lớp.
Với áp lực lớn như vậy, liệu rằng người giáo viên có đủ thời gian quan tâm hết tới toàn bộ học sinh không?
Cơ sở vật chất của các trường có tốt hay không thì Bộ Giáo dục lại không thể quyết định được, mà nó phụ thuộc vào kinh tế của địa phương, phụ thuộc vào sự quan tâm của những người đứng đầu các tỉnh.
Chỉ lấy thí dụ nhỏ là với 10 quận của Hà Nội, có hàng trăm dự án chung cư cao tầng mọc lên chỉ trong 5 năm trở lại đây đã làm gia tăng dân số cơ học khiến các trường trở tay không kịp.
Cứ có hộ khẩu đúng tuyến thì nhà trường phải tiếp nhận, còn cơ sở vật chất có đáp ứng được hay không thì nhà trường cũng chỉ biết kêu, chỉ được đề xuất, rồi phải tự tìm cách mà sắp xếp.
Đây là hai vấn đề rất lớn khi triển khai VNEN và khi tổng kết dự án cũng đã nêu ra, rất cần có sự quan tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Đúng là xã hội đã chán ngán cái cảnh “thầy đọc trò chép”, dạy học thụ động, tiếp nhận kiến thức thụ động... và đang rất muốn thấy sự thay đổi. Vậy nên có lẽ Bộ Giáo dục cũng nên có nghiên cứu xem có bao nhiêu quốc gia đã áp dụng mô hình này và họ thành công hay thất bại?
Mọi sự cải tiến, mọi ý tưởng đều có thể dẫn tới những thay đổi tích cực, nhưng vấn đề là nó phải được áp dụng đúng với hoàn cảnh thực tế, và cần có sự đồng lòng của cả ngành giáo dục một cách thực sự, chứ không phải theo kiểu đối phó.
Như lời chia sẻ của một giáo viên có hơn 30 năm kinh nghiệm gắn bó với ngành giáo dục, khi thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), nếu dạy thật, báo cáo thật... thì đâu đến nỗi bị hứng nhiều gạch đá của dư luận đến vậy?
Những vấn đề nêu trên, không biết đã có ai báo cáo với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hay chưa?