LTS: Thầy Thuận Thanh đã có những phân tích và biện pháp nhằm cứu cánh cho ngành sư phạm trong thời buổi hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Mới đây, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Có nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm nữa không?”. Bài viết tập trung vào quan điểm về việc miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm.
Theo đó, đã có hai luồng ý kiến được đưa ra. Một là, chỉ nên phổ cập đại trà học phí đối với các đối tượng chính sách chứ không nên ưu tiên học phí đối với cả những gia đình có thu nhập trung bình trở lên.
Bởi nhìn nhận từ thực tế, khi sinh viên sư phạm được miễn học phí nhưng khi ra trường thì lại không có việc làm.
Vì thế, nếu miễn học phí đối với một ngành học là vô lý, là tư duy mang tính cục bộ ngày xưa, do đó muốn thu hút nhân tài thì cần đến chính sách sử dụng chứ không phải thu hút bằng chính sách đi học.
Vì vậy, sinh viên học sư phạm phải nộp học phí và khi ra trường, sinh viên nào công tác trong ngành sư phạm một thời gian nhất định sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí.
Và luồng ý kiến thứ hai là, Nhà nước cần xác định số lượng sinh viên sư phạm cần thiết và đặt hàng cho các cơ sở đào tạo bởi hiện nay ở nhiều nơi cha mẹ nuôi con đi học đại học rất khó khăn.
Do đó, Nhà nước nên đặt hàng cơ sở đào tạo, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của người học.
Vì thế, sinh viên được đặt hàng đào tạo không phải trả học phí và có trách nhiệm cam kết và thực hiện theo sự phân công của Nhà nước và nếu không chấp hành đúng thì sẽ phải trả Nhà nước tiền đã được đầu tư.
Tuy nhiên, học phí chỉ là một vấn đề của ngành sư phạm, bởi khi nhìn rộng ra hơn thì có thể nói ngành sư phạm hiện nay đang trong “cơn bĩ cực”.
Bởi lẽ, với số lượng lên tới hàng ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp như hiện nay, cùng với đó đã có những giáo viên đã xin ra khỏi ngành giáo dục đã phản ảnh một thực trạng buồn cho ngành sư phạm.
Cần có những biện pháp cứu cánh cho ngành sư phạm trong đổi mới toàn diện nền giáo dục (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Đặc biệt, thời gian qua, khi mà kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia đã kết thúc và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã công bố điểm chuẩn đầu vào thì đã có một tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, và làm dấy lên một mối lo ngại.
Đó là điểm chuẩn tuyển sinh của các trường Sư phạm đã ở mức thấp nhất, thậm chí có những trường mà mức điểm chuẩn chỉ là 3 điểm/môn là thí sinh cũng có thể trúng tuyển vào ngành.
Với mức điểm chuẩn thấp như vậy khiến dư luận đã không thể không băn khoăn và lo ngại cho chất lượng của ngành sư phạm hiện nay, một ngành mà luôn được coi là một mũi nhọn nhằm tạo ra sự đột phá để nâng cao nền dân trí quốc gia và phát triển toàn diện đất nước.
Từ đó có thể khẳng định được rằng, dường như hiện nay các học sinh đã “quay lưng” với ngành sư phạm. Và điều này cũng đã được lý giải là do đa phần các sinh viên sư phạm khi ra trường hiện nay đều không có việc làm và thu nhập của những người theo nghề sư phạm còn rất thấp so với mặt bằng chung.
Trên thực tế, thực trạng này đã không gây ra sự bất ngờ, bởi từ nhiều năm nay, các cử nhân của ngành sư phạm đã rơi trong thảm cảnh thất nghiệp với con số trong cả nước lên tới cả hàng chục ngàn người.
Thêm vào đó, mới đây đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chủ trương bỏ chế độ biên chế đổi với đội ngũ các giáo viên để tiến tới thực hiện chế độ hợp lao động đã tác động đến tâm lý và tư tưởng của các thí sinh.
Bởi, từ nhiều năm nay, ngành giáo dục luôn được coi là có một môi trường làm việc ổn định, không có cạnh tranh và luôn tạo được sức hút cao đối với xã hội.
Nguồn nhân lực kém chất lượng sẽ làm hỏng nhiều thế hệ |
Từ đó, thực trạng này đã làm dấy lên một mối lo ngại lớn, bởi nếu chất lượng đầu vào của ngành sư phạm mà thấp như vậy thì tương lai của nền giáo dục sẽ đi về đâu khi mà ngành này luôn được coi là lá cờ đầu của sự phát triển.
Bởi lẽ, ngành sư phạm là một ngành đặc thù, luôn có sự đòi hòi cao về chuyên môn và trình độ nghiệp vụ. Và trong giáo dục có một mệnh đề mà dường như đã là một sự nằm lòng đối với tất cả những ai trong nghề dạy đều phải biết, đó là “muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi”, khi đó chất lượng của giáo viên luôn là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục.
Do đó, muốn có một nền giáo dục phát triển và hiệu quả thì luôn cần có một đội ngũ giáo viên tốt và chất lượng.
Và có một thực tế là, nếu như các cử nhân của các ngành khác khi ra trường còn có thể làm được những công việc khác so với chuyên môn được đào tạo, nhưng đối với các cử nhân của ngành sư phạm thì dường như nghề dạy học đã luôn là một nghề để “kiếm cơm” duy nhất.
Theo một kết quả dự báo đã cho biết, nếu tình hình vẫn cứ diễn ra với những diễn biến như hiện nay thì đến năm 2020, cả nước sẽ dư thừa khoảng 70.000 cử nhân ngành sư phạm.
Chính vì thế, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thì cần thiết phải có sự nhìn nhận và đánh giá lại, để từ đó có những giải pháp nhằm cứu cánh hợp lý cho ngành sư phạm nói riêng và nền giáo dục nói chung chứ không phải là chỉ xét riêng vấn đề có nên hay không miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm.
Vậy đâu sẽ là giải pháp?
Trước thực trạng điểm tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm đã quá thấp, từ năm học 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chủ trương quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học và cao đẳng sư phạm cùng với các ngành đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp trước mắt nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm chứ chưa phải là một giải pháp mang tính nhằm khắc phục sâu sắc và toàn diện để cứu cánh cho ngành sư phạm trong khâu tạo việc làm và thu hút nguồn nhân lực trong hiện nay.
Bởi từ một số năm nay, cơ cấu của đội ngũ giáo viên đã có sự thừa và thiếu cục bộ trong từng môn học và cấp học ở từng địa phương, số lượng trường đào tạo giáo viên và việc đào tạo giáo viên hiện nay đã vượt quá nhu cầu thực tế của xã hội.
Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra cho việc đổi mới là cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có? |
Cùng với đó là phát triển hệ thống trường sư phạm nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm.
Cần khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo; có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm.
Như thế, trên tinh thần này của Nghị quyết, với tình hình thực tế và thực trạng như hiện nay, cần thiết phải đặt ra yêu cầu là cần quy hoạch lại ngành sư phạm với những giải pháp cơ bản và thích hợp.
Trước hết, đã có một nhận định rằng, khi tiến hành phổ cập giáo dục thì quy mô giáo viên sẽ “bung ra” nhưng cho đến khi dân số lại tăng chậm thì tỷ lệ giáo viên sẽ suy giảm, và đây cũng là một hiện tượng chung của thế giới.
Theo đó, tất cả các quốc gia đã đều trải qua sự thăng trầm về nhu cầu giáo viên theo quy luật lượn sóng. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần tính toán số lượng giáo viên về hưu hàng năm, với tỷ lệ thừa thiếu bao nhiêu và cần bổ sung bao nhiêu để từ đó ổn định quy mô đào tạo.
Vì thế, giải pháp thứ nhất mang tính cơ bản được đưa ra là cần thực hiện phân tầng hệ thống trường sư phạm thành các trường đại học sư phạm hay đại học giáo dục trọng điểm.
Theo đó, mỗi tỉnh, thành nên có ít nhất một trường đại học đa lĩnh vực mà trong đó có đào tạo ngành sư phạm.
Khi đó, việc thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở đây chủ yếu theo địa chỉ mà không theo cơ chế thị trường cũng như đã được thực hiện tương tự như đối với các ngành An ninh và Quốc phòng hiện nay.
Và một vấn đề quan trọng ở đây là, các cơ sở có đào tạo sư phạm không tranh giành nguồn tuyển và không đào tạo chồng chéo giữa các địa phương. Như thế, khi thực hiện giải pháp này thì cần quy hoạch lại các trường sư phạm và chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm mà có sự bảo đảm chất lượng và phù hợp với nhu cầu đào tạo.
Khi đó, việc cơ cấu sắp xếp lại các khoa và trường đào tạo sư phạm cần đặt trong tổng thể của nhu cầu đổi mới hệ thống giáo dục đại học nói chung.
Cần có thêm những giải pháp đồng bộ để sắp xếp các cơ sở đào tạo sư phạm thuộc diện dôi ra như sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác để thành lập trường đại học cộng đồng đào tạo đa ngành và có sự chuyển đổi thành phân hiệu của các trường đại học khác.
Theo đó, các trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương có thể sẽ trở thành chỉ là một khoa thuộc một trường đại học cộng đồng đào tạo đa ngành và đa lĩnh vực.
Trên tinh thần đó, cần thực hiện việc đánh giá nhu cầu thực tế về giáo viên đến từng môn học, bám sát vào chương trình chung để từ đó xác định rõ là cần bao nhiêu chỉ tiêu đào tạo mới và quản lý chặt chỉ tiêu này trên toàn quốc.
Từ đó, cơ quan chủ quản cần thống kê số lượng giáo viên cần bồi dưỡng và đào tạo để chuyển đổi qua lại ở từng địa phương.
Và giải pháp thứ hai là, cần dãn số lượng học sinh ở các lớp học, bởi hiện nay sỹ số học sinh ở các lớp học đang rất đông, nhiều khi lên tới 70 em/lớp. Cùng với việc dãn số lượng học sinh là việc vận dụng những thành tố tich cực của mô hình trường học mới VNEN ở Việt Nam vào trong giảng dạy.
Bởi đây là một mô hình giáo dục mới, đã được thế giới đánh giá là một mô hình giáo dục hiệu quả và được khuyến khích áp dụng. Với nguyên tắc mang tính kỹ thuật chung nhất của mô hình VNEN là việc tổ chức lớp học nhằm hướng đến mục tiêu chung nhằm phát huy tính chủ động, tự học, tự quản của học sinh.
Phương pháp dạy học mới thay đổi ở vỹ mô, chưa thấm sâu vào trường học |
Theo đó, các học sinh sẽ được tự học thông qua tương tác với sách giáo khoa, sau đó thảo luận cặp đôi và thảo luận trong nhóm, từ đó thảo luận chung trong lớp và thảo luận với giáo viên để tự lĩnh hội kiến thức mới, qua đó sẽ rèn luyện kĩ năng, từ đó phát triển các phẩm chất và năng lực cá nhân.
Vai trò của giáo viên sẽ được chuyển đổi từ giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn để học sinh học cá nhân và học theo nhóm và có sự chú ý quan tâm đến từng học sinh, nhằm phát huy toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.
Với cách giảng dạy và học đó sẽ nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh, đảm bảo nguyên tắc “Dạy học thông qua cách tổ chức các hoạt động học tập của học sinh và lấy học sinh làm trung tâm”.
Và khi áp dụng mô hình trường học mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới về phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo và cách học của học sinh, nhằm đảm bảo cho việc dạy và sự học được đúng với bản chất, từ đó góp phần để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Trên thực tế, định hướng cần đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, tính chủ động và sáng tạo, vận dụng kiến thức và kỹ năng của người học, nhằm khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều và ghi nhớ máy móc.
Tập trung dạy cách học, cách nghĩ và khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức và kỹ năng, để phát triển năng lực cũng đã được đề cập trong Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Ở đây, có một vấn đề cần nói là, để dạy và học tốt khi vận dụng theo mô hình VNEN này được hiệu quả thì mỗi lớp học sẽ không được quá đông, cụ thể là sẽ không nên quá 30 học sinh/lớp.
Như thế, với việc giảm và dãn sỹ số học sinh trong một lớp học là sẽ làm xuất hiện thêm nhu cầu gia tăng về số lớp học mới. Do đó, khi tiến hành giải pháp dãn học sinh ở lớp học cùng với việc vận dụng những thành tố tích cực của mô hình VNEN này là sẽ giải quyết được số lượng giáo viên dôi dư như hiện nay, và từ đó sẽ làm xuất hiện thêm nhu cầu đào tạo mới.
Tuy nhiên, có một vấn đề cũng sẽ được đặt ra là khi tăng quy mô về số lớp học thì cùng với đó là phải có sự đầu tư thêm về cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học. Nhưng, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, điều này đã được khẳng định trong Luật giáo dục.
Mặt khác, khi tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thì cũng có thể sẽ làm phát sinh thêm những nhu cầu mới, nên đây sẽ là một hệ quả tất yếu trong một tiến trình phát triển chung.
Vì thế, cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá đúng, để từ đó chúng ta sẽ có được một nền giáo dục phát triển hiệu quả và nhân văn.
Có một vấn đề là, trong thời gian qua, khi triển khai thí điểm và áp dụng việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN ở Việt Nam đã bộc lộ một số bất cập và những hạn chế nhất định tại một số địa phương.
Bởi lẽ, khi thực hiện mô hình VNEN đòi hỏi phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất và đặc biệt là phải có sự đổi mới về phương pháp dạy và học.
Do đó, đã có một khó khăn lớn hơn cả đã được bộc lộ, đó là khi thực hiện theo mô hình VNEN thì bản thân cả các giáo viên và học sinh đều phải thay đổi những thói quen theo cách dạy và học cũ để đến với những thói quen theo cách dạy và học mới mà ở đây, việc thay đổi một thói quen cũ đã có từ lâu không phải là dễ.
Bởi các giáo viên của chúng ta đã từ bao lâu nay được học và đào tạo theo cách thức cũ, với phương pháp giáo dục truyền thống. Mặt khác, các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục hiện nay cũng là những người được thụ hưởng của một nền giáo dục truyền thống, chưa thực sự có sự tiếp cận với mô hình này mà quan trọng hơn là chưa trực tiếp giảng dạy theo mô hình VNEN.
Vì thế, đây sẽ là một trở ngại rất lớn cho việc vận dụng những thành tố tích cực của mô hình này khi tiến hành thực hiện giải pháp trên.
Tập huấn, bồi dưỡng kỹ lưỡng ở cấp trên, nhưng lại sơ sài ở cấp dưới |
Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay, đa số các học sinh của chúng chưa xác định được động cơ và thái độ học tập. Bởi các học sinh còn thiếu năng động và tiếp thu bài một cách thụ động, cùng với đó là năng lực giao tiếp còn hạn chế, chưa mạnh dạn trình bày ý kiến của mình trước tập thể, chưa biết tự học, tự nghiên cứu.
Mặt khác, một bộ phận khá đông học sinh còn yếu về ngôn ngữ nói, việc chuẩn bị bài cũ ở nhà còn hạn chế.
Vì thế, với một yêu cầu tối thiểu nhất được đặt ra là để có được những tiết dạy học thành công khi vận dụng thích hợp theo mô hình VNEN thì đòi hỏi giáo viên phải đầu tư với rất nhiều thời gian và công sức để sao cho có thể huy động được tất cả các học sinh cùng tham gia, như là để cùng nhau làm việc thì mới thực sự có hiệu quả.
Cùng với đó, do công tác truyền thông chưa được làm tốt, công tác tập huấn, chuẩn bị vào bồi dưỡng giáo viên chưa được kỹ càng nên ở nhiều nơi học sinh đã học tập không có hiệu quả khi theo mô hình VNEN.
Do đó, cùng với sự vận dụng những thành tố tích cực của mô hình, để có được một kết quả tốt thì cần thiết phải có sự nỗ lực chung của toàn ngành giáo dục mà đi cùng với đó là những giải pháp hiệu quả với những sự đầu tư hợp lý.
Và giải pháp thứ ba được đưa ra là, cần tăng mức thu nhập cho các giáo viên cùng với những chế độ đãi ngộ đặc biệt và có chế độ miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm, để nhằm đáp ứng xứng đáng với tính chất của công việc và thành quả lao động của nghề giáo hiện nay và thu hút được nguồn nhân lực cao vào ngành sư phạm.
Nghề sư phạm là một nghề đặc thù, với hiệu qủa lao động là nhằm tạo ra sự phát triển cho toàn xã hội. Vì thế, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW là lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, do đó mức lương của các nhà giáo cần phải tăng cao hơn nữa so với mức trung bình chung như hiện nay.
Bởi khi đó, với cách làm như vậy thì mới có thể tạo ra được động lực làm việc cho các nhà giáo và từ đó sẽ thu hút được những nguồn nhân lực có chất lượng cao cho toàn ngành giáo dục.
Cùng với đó, đất nước chúng ta mới thực sự có được một nền giáo dục có phát triển hiệu qủa với chất lượng cao và nhân văn trong tương lai. Do đây là một nhu cầu được đặt ra trong bối cảnh chúng ta thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, với những nhu cầu thiết thực của một cuộc sống thực tế như hiện nay.
Vì thế, khi thực hiện các giải pháp, cần phải được tiến hành đồng bộ và theo lộ trình thực hiện từng bước.