Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Trường tiểu học An Dương (huyện An Dương, Hải Phòng) thời gian gần đây bị các vị phụ huynh tố cáo trong việc thu chi bất hợp lý, đặc biệt bữa ăn của các con có dấu hiệu bị bớt xén.
Đây là điều được coi là hết sức nghiêm trọng bởi theo lời ông Đặng Tăng Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương: "các thầy các cô được coi là cha là mẹ các con, lẽ thường, cha mẹ là những người bớt ăn cho các con, nay nhà trường bị phát hiện ăn bớt bữa ăn của các con nên các vị phụ huynh hết sức bức xúc".
Quả thật, có người làm cha, làm mẹ nào không xót lòng khi con đến trường lại phải mang bụng đói về nhà?
Số tiền dương này đi đâu nếu khôn bị chính các phụ huynh học sinh đưa ra? (Ảnh: LC) |
Dù “tiền đóng, gạo góp” nhưng vì sao con họ vẫn phải chịu cảnh đói ăn, nhất là học sinh tại thị trấn trung tâm một huyện tương đối phát triển của thành phố Hải Phòng.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, Ủy ban nhân dân huyện An Dương nhanh chóng vào cuộc.
Một cuộc họp giữa ngành giáo dục, phụ huynh học sinh, ủy ban nhân dân thị trấn đã được lập ra.
Đây được coi như hành động rất kịp thời của cơ quan chức năng.
Thế nhưng, sau cuộc họp, một bản kết luận được đưa ra và cách xử lý khiến nhiều người phải ngỡ ngàng: Rút kinh nghiệm.
Cụ thể, ngày 16/11, Uỷ ban nhân dân huyện An Dương đã ra thông báo kết quả kiểm tra, trong thông báo nêu rõ, qua kiểm tra hóa đơn, sổ sách nhật ký hàng ngày của nhà bếp chưa đảm bảo theo quy trình và chưa đầy đủ; thực đơn chưa thực hiện theo quy trình áp dụng phần mềm của Ajinomoto, chất đạm nhiều, ít rau, chưa sát với yêu cầu quy định.
Đặc biệt, trong kết luận nêu rõ so sánh hóa đơn, sổ sách cho thấy vẫn để dương khẩu khẩn ăn hàng ngày, song chưa bù vào bữa sau.
Tuy vậy, mặc dù theo quy định, khi phát hiện dấu hiệu nhập nhèm về tài chính, đáng lẽ phải làm rõ khẩu phần ăn của học sinh bị cắt xén là bao nhiêu nhưng cơ quan chức năng huyện An Dương không làm rõ số tiền này.
Huyện An Dương chỉ yêu cầu Trường tiểu học An Dương nghiêm túc rút kinh nghiệm, áp dụng đúng quy định về tổ chức bếp ăn cho học sinh bán trú, xem xét lại khẩu phần ăn của các cháu.
Trường tiểu học An Dương cũng chỉ bị nhắc nhở “phải chi hết cho học sinh trong ngày, trường hợp còn dư phải được bù và cân đối ngay trong tuần”.
Nhiều vị phụ huynh bức xúc đặt câu hỏi, nếu học không đấu tranh, không tìm ra những câu chuyện đằng sau bữa ăn của con em họ thì việc thực hiện gian dối sẽ tái diễn đến bao giờ.
Khi làm việc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Đỗ Thị Thanh Đượm, hiệu trưởng nhà trường khẳng định với phóng viên rằng nhà trường có áp dụng theo thực đơn của công ty Ajinomoto, thực đơn được cho là có khoa học và được ngành giáo dục Hải Phòng cho áp dụng.
Kết luận của Ủy ban nhân dân huyện An Dương chỉ rõ việc này bà Đượm đã nói dối.
Số tiền dương bữa ăn đi đâu khi không được bổ sung vào bữa ăn của học sinh?
Trong các hóa đơn phụ huynh cung cấp chỉ trong 4 ngày ngẫu nhiên nhưng có dư đến gần 5 triệu đồng.
Ai dám đảm bảo số tiền này không lên đến hàng trăm triệu đồng nếu không bị chính các vị phụ huynh tìm ra và phản ánh đến cơ quan truyền thông?
Bên cạnh đó, cách trả lời “cực lạ” của bà Đỗ Thị Thanh Đượm với phóng viên khi bà Đượm cho biết rất ít khi đi chợ và không hề biết giá thực phẩm thay đổi ra sao.
Bà Đượm tin vào công ty cung cấp thực phẩm.
Kinh nghiệm nào sẽ đủ cho những người ăn bớt khẩu phần ăn của con trẻ? (Ảnh PHHSCC) |
Với tư cách là hiệu trưởng nhà trường, bà Đượm khẳng định “Nhà trường chịu trách nhiệm về nuôi dưỡng học sinh tại nhà trường”.
Bà Đượm nghĩ gì khi các con đi học về kêu đói và giá thực phẩm các con ăn đang phải mua với giá cao?
Sau những điều đó, nhà trường chỉ cần rút kinh nghiệm.
Theo cách xử lý này thì có lẽ sợi dây kinh nghiệm sẽ lại rất dài theo năm tháng.
Miếng ăn của con trẻ bị chính các thầy, cô của mình bớt xén, có xót xa nào hơn thế?
Nhìn bữa ăn nghèo nàn và tiếng kêu đói của các con, có lẽ, câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày nào vẫn còn nguyên giá trị và văng vẳng vang lên: “người ta ăn của dân không từ một thứ gì…”.
Chao ôi! Đến miếng ăn của học trò mà người ta cũng bớt xén, cũng cắt cúp để rồi lấp liếm bằng cách nói dối vụng về thì nhân cách của người thầy, người cô có còn không?
Làm sao những con người đang hàng ngày giảng dạy cho học trò về đạo lí mà nhẫn tâm tranh phần cơm của con ăn đến thế!
Miếng ăn là miếng nhục, 6 tấn gạo và nhân cách của 2 ông thầy! |
Điều đáng buồn hơn khi thời gian qua, riêng ngành giáo dục của huyện An Dương đang nổi lên rất nhiều vấn đề.
Từ câu chuyện đình chỉ hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương vì lạm thu, các vị phụ huynh trường tiểu học Hồng Thái liên tục gửi đơn khiếu nại cũng vì lạm thu, giờ đây lại thêm chuyện bữa cơm của các con bị ăn bớt. Thật đáng buồn.
Ngày 24/11, trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết ông đã chỉ đạo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kiểm tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm ở Trường tiểu học An Dương.
Với câu trả lời này của vị Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện An Dương, mong rằng việc xử lý trách nhiệm về vụ việc sẽ được làm công tâm khách quan.
Hy vọng rằng không có việc giơ cao đánh khẽ vì phải nể mặt ai đó trong xử lý sai phạm.