LTS: Trước vụ việc ăn chặn 6 tấn gạo của học sinh để lấy tiền tiêu xài cá nhân của 2 người thầy ở Trường phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công (Yên Bái), bản thân cũng là một nhà giáo với nhiều năm công tác - tác giả Thanh An đã có những chia sẻ về vị thế và nhân cách đạo đức của 2 người thầy này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những ngày cuối tháng 11, khi mà xã hội đang tôn vinh hình ảnh người thầy trong dịp ngày Nhà giáo Việt Nam thì chúng ta lại bắt gặp một hình ảnh đáng xấu hổ của hai thầy giáo ở Trường phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công (Yên Bái).
Một người là hiệu trưởng, một người là phó hiệu trưởng nhà trường nhưng lại đang tâm bán 6 tấn gạo của học sinh để lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Tổng số tiền thu được chỉ 42 triệu đồng - một số tiền không lớn nhưng vô cùng đáng hổ thẹn. Bởi đó là những hạt gạo của học trò mình đang dạy, là sự cố gắng của Chính phủ cấp cho học sinh vùng khó khăn.
Ăn chặn gạo của học sinh ở trường phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công. (Ảnh minh họa: vnpost.vn). |
Thông tin cảnh sát điều tra Công an huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đăng Vinh và Vũ Đức Tuyến, là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công về tội tham ô tài sản khiến chúng ta đau xót vô cùng và căm phẫn.
Là 2 vị đứng đầu nhà trường, đáng lẽ ra các vị này phải là người lo lắng, chăm sóc cho học sinh của mình được tốt nhất. Thế nhưng, lòng tham không đáy đã đẩy những người thầy, những người đang đứng đầu nhà trường sa lưới pháp luật một cách rất đáng khinh bỉ.
Chúng ta đều biết rằng trường Trường phổ thông dân tộc bán trú là những trường vô cùng khó khăn dành cho học sinh các dân tộc thiểu số.
Trong Thông tư 24/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rất rõ: “Trường phổ thông dân tộc bán trú là trường chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này”.
Cũng trong Thông tư này đã chỉ rõ: “học sinh bán trú là học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được cấp có thẩm quyền cho phép ở lại trường để học tập trong tuần, do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày”.
Trong Điều 5 của Nghị định Số: 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn:
1. Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau:
a) Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
b) Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
c) Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Như vậy, mỗi tháng, cộng cả hỗ trợ tiền ăn, tiền ở là 50% mức lương cơ sở (650.000 đồng) cùng 15 kg gạo. Với số tiền và gạo hỗ trợ như vậy thì mỗi ngày các em được gần 22.000 đồng và 0,5 kg gạo.
"Ăn cả tấn gạo" của học sinh ở Yên Bái, lãnh đạo trường bị bắt |
Rõ ràng với số tiền và gạo như vậy thì các em còn rất nhiều khó khăn nhưng đó đã là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ để “nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng”.
Một chính sách vô cùng nhân văn như vậy mà những người thầy đã nỡ cướp đi miếng ăn hàng ngày của các em. Đây không chỉ là việc làm vô nhân đạo mà còn là một tội ác với học trò của mình.
6 tấn gạo, bán được 42 triệu đồng, thuê bốc vác chỉ còn lại 38 triệu đồng. Chia cho 2 người, mỗi người được 19 triệu đồng. Bằng khoảng hơn 2 tháng lương của mỗi người để đổi lấy cả một quãng đời phấn đấu và danh dự của một người đang đảm nhận thiên chức “trồng người”.
Thế nhưng, nếu ta tính mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg/tháng = 0,5 kg/ngày thì số gạo 6 tấn đó chia ra số buổi ăn của học trò lại rất lớn. 6 tấn = 6000 kg = 12 000 ngày = 24 000 bữa ăn của học trò. Điều này cũng đồng nghĩa, 2 ông thầy đã “cướp” mất 24.000 bữa ăn của học trò.
Từ sự việc này, cho ta nghĩ đến nhiều sự việc khác. Đây chỉ là số gạo, phải vận chuyển, phải thuê người bốc vác giữa thanh thiên bạch nhật và bị bắt tại trận có tang chứng, vật chứng.
Còn số tiền hỗ trợ 650.000 đồng kia thì sao? Ai có thể tin được số tiền mặt kia sẽ đến tay hoặc đến bữa ăn hàng ngày của các em được đầy đủ.
Có lẽ, câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày nào vẫn còn nguyên giá trị và văng vẳng vang lên: “người ta ăn của dân không từ một thứ gì…”.
Chao ôi! Đến miếng ăn của học trò mà người ta cũng dễ dàng cướp đoạt thì nhân cách của người thầy có còn không? Làm sao những con người đang hàng ngày giảng dạy cho học trò về đạo lí mà nhẫn tâm đến thế!
Người xưa từng nói: “miếng ăn là miếng nhục”. Rồi đây, 2 vị nguyên lãnh đạo nhà trường này sẽ bị xét xử về tội tham ô tài sản và sẽ bị quy án.
Với số tiền 42 triệu đồng chia cho 2 người thì chắc chắn án xử cũng không nặng.
Nhưng, tòa án lương tâm bao giờ cho nguôi ngoai trong lòng?
Vết nhơ này bao giờ rửa sạch?
Sự nghiệp mất hết, nhân cách bị người đời phỉ nhổ.
Một bài học đắt giá cho lòng tham của những con người khi đã làm mất đi tính nhân văn đối với học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Đáng buồn và hổ thẹn thay.