Chúng tôi có mặt trong một quán internet gần trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng là lúc các em học sinh tan trường. Phòng internet chật cứng các game thủ nhí. Ngay lập tức các trò chơi như đế chế, gunbound, đua xe... được “dàn trận”. Chỉ sau khoảng một vài phút, những cuộc chiến đã trở rất khốc liệt. Cùng với sự khốc liệt của trò chơi là những ngôn ngữ… “bẩn” được phát ra từ những em học sinh còn mang trên áo phù hiệu của các trường phổ thông.
Khách hàng của các quán game đa số là học sinh, sinh viên |
Thi nhau nói… tục
Một em mới vào chơi trò gunbound đã bị "bắn chết" ngay lập tức. Em lẩm bẩm: “Sáng nay giẫm phải c… hay sao mà đen thế, mới vào chơi đã bị bắn chết”. Quan sát một nhóm đang đua xe, ngôn ngữ lời lẽ của các em còn ghê ghớm hơn nữa: “Mày xông lên giết chết m… nó đi cho tao. Đ… con m… nó chứ, thế mà tao cũng để cho nó thoát kìa”… Và còn nhiều lời lẽ thô tục khác mà chúng tôi không muốn đưa vào vì nó quá … bẩn.
Khi ra khỏi quán game, nhiều em vẫn còn mang theo những bức xúc trong cuộc chiến và dồn nó vào lời nói của mình: " Nhất định ngày mai bố mày phục thù, đ... con m..."
Bước sang quán Net bên cạnh, liền nghe thấy tiếng bốp chát của các trò chơi điển tử, cộng với những cuộc đấu khẩu của các game thủ trung học. Những ngôn ngữ khẩu chiến giờ đây không còn sử dụng đơn điệu trong phạm vi tiếng Việt nữa mà còn sử dụng tiếng Anh, tiếng lóng như F… you, xibalama… để chỉ trỏ, khẩu chiến.
Dường như chỉ cần bước vào một cuộc chiến thì các game thủ lại văng tục. “Em cũng biết là không nên nói tục, nhưng chơi điện tử mà không nói tục thì còn gì sướng nữa”, một game thủ nhí hồn nhiên trả lời. Cái “sướng” được game thủ nhí này miêu tả, đó là được tự do phát ngôn, được say đắm trong những cuộc chiến mà không bị ràng buộc vì bất kỳ một lý do gì.
Em Q.Anh cho biết: “Em chỉ nói trong lúc chơi điện tử và khi đi chơi với bạn bè thôi, còn về nhà thì không, bố mẹ em đánh chết”
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhiều học sinh mê mẩn các trò chơi đến mức trở thành con nghiện - một thói quen không thể kiểm soát. Kèm theo đó là hàng loạt những ngôn ngữ biến tướng nửa Anh nửa Việt. Những câu nói khiến mọi người xung quanh phải đỏ mặt vì nội dung của nó. Thực tế, tác hại của nghiện game online và ăn nói thô tục ở tuổi học đường đối với gia đình, nhà trường, xã hội là không hề nhỏ. Biểu hiện cụ thể là các “con nghiện” xao nhãng chuyện học hành, giảm giao tiếp, sống như vô cảm với người thân, thậm chí bỏ học... Để có tiền chơi, các “game thủ” không ngần ngại nói dối, lấy cắp tiền, tài sản của bố mẹ. Có những gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” thậm chí ly tán chỉ vì có con nghiện chơi game. Đau đớn hơn, nhiều vụ án mạng đã xảy ra có nguyên nhân từ các trò chơi bạo lực ảo. Gần đây, có không ít phụ huynh phải đưa con đến bệnh viện điều trị bệnh do rối loạn hành vi mà nguyên nhân từ việc nghiện game online.
Nhiều phụ huynh thừa nhận rằng mình không thể kiểm soát hết được việc chơi điện tử của con em mình. Tuy nhiên những người được hỏi đều cho rằng cần phải nghiêm cấm các em nói tục trong khi chơi game. “Lúc chơi điện tử chúng nói tục được thì về nhà, đi học, ra ngoài xã hội chúng cũng nói được”, bác Yến ( Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết.
Đến lúc những trận chiến giữa các đối thủ kết thúc, các game thủ lại quay về với cuộc sống đời thường. Và rồi đối với những người có trách nhiệm với con cái, với xã hội lại lo lắng rằng những ngôn ngữ đó được các em sử dụng phổ biến, nó sẽ ngấm dần vào lời ăn tiếng nói của giới trẻ. Còn đối với những vị phụ huynh vẫn đang hời hợt trong việc dạy dỗ con cái, đến lúc đó chúng ta mới giật mình ân hận vì đã không quan tâm nhiều tới ngôn ngữ của các em liệu có còn kịp nữa không?