Các địa phương chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đến đâu rồi?

25/03/2019 13:20
TẤN TÀI
(GDVN) - Mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng giáo viên cấp tốc, tổ chức các cuộc thi về dạy học theo chủ đề tích hợp, sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp…

Đó là những bước chuẩn bị của các địa phương để sẵn sàng cho chương trình, sách giáo khoa mới được các giám đốc sở giáo dục và đào tạo 32 tỉnh, thành phía Nam đưa ra tại hội thảo:

“Giải pháp quản lý thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22/3.

Khẩn trương chuẩn bị

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết, để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới, địa phương này đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng đội ngũ nhà giáo có đạo đức, phẩm chất, trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học.

Nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được ngành giáo dục địa phương quan tâm. Ảnh: AN
Nhiều địa phương đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được ngành giáo dục địa phương quan tâm. Ảnh: AN

Đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.

“Địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo giáo dục về vấn đề này như: nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Sóc Trăng, hội thảo về yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…

Tham dự có các cán bộ quản lý giáo dục, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ban ngành… nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về thực trạng tình hình giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà, những mặt mạnh và hạn chế.

Vai trò của Hiệu trưởng trong chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?

Từ đó, đề xuất những giải pháp trọng tâm, định hướng những bước đi sắp tới nhằm đảm bảo việc đổi mới giáo dục một cách có hệ thống, phù hợp với đối tượng, cấp học, đặc thù của từng địa phương”.

Bà Hà cho biết thêm, ngành giáo dục Sóc Trăng cũng đã tiến hành thực thi các giải pháp như: phát triển số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục.

Nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, giáo viên. Trong đó, chú trọng tham mưu đề xuất chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên (bồi dưỡng thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng sau đại học…).

Chú trọng các chế độ chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý giỏi…

Đặc biệt, tổ chức các hội thảo chuyên môn, chuyên đề để cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên với hình thức đa dạng và nội dung thiết thực, nhất là để giáo viên tiếp cận mô hình dạy học mới theo định hướng phát triển năng lực người học, tạo nền tảng bước vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Đồng Tháp, ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho biết, tỉnh này đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Trước hết là sự chuẩn bị về cơ sở vật chất trường lớp, đảm bảo việc học 2 buổi/ngày với việc sắp xếp, sát nhập hệ thống trường lớp, để dôi dư ra các phòng học.

Trong các năm học trước khi triển khai thay sách, đối với từng lớp không trang bị bổ sung thiết bị dạy học cho các trường để tránh lãnh phí.

Các trường sử dụng thiết bị dạy học hiện có và tổ chức phong trào tự làm thiết bị dạy học để đảm bảo dạy học.

Cuối năm học 2021-2022, sau khi kiểm kê thiết bị dạy học ở các cấp học, đối chiếu với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu mới do Bộ ban hành để giữ lại các thiết bị dạy học còn tiếp tục sử dụng được, chỉ mua bổ sung các thiết bị dạy học mới.

Công tác chuẩn bị về mặt con người thì ông Liêm cho hay, đã tiến hành rà soát, dự kiến phân công giáo viên.

32 sở Giáo dục bàn giải pháp thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới

“Rà soát thực trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn giáo viên và Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ ban hành.

Chỉ những người đảm bảo các tiêu chuẩn theo chuẩn mới của Bộ mới được đưa vào danh sách dự kiến phân công thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Ông Liêm cũng chia sẻ thêm, sẽ rà soát độ tuổi của giáo viên, chỉ lựa chọn những giáo viên còn đủ tuổi tham gia ít nhất một chu kỳ của việc thay sách giáo dục phổ thông mới (5 năm với cấp tiểu học, 4 năm với trung học cơ sở và 3 năm với trung học phổ thông)…

Để tránh trường hợp giá viên chỉ dạy được 1-2 năm chương trình mới rồi nghỉ hưu gây tốn kém và khó khăn cho ngành giáo dục.

Thí điểm mô hình trường điển hình đổi mới

Về công tác chuẩn bị nhân lực tham gia thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tại Đồng Tháp thì ông Liêm nói, địa phương này đã xác định và đưa ra dự báo về nhu cầu giáo viên để gửi đến các trường/khoa đào tạo sư phạm. 

Bộ trưởng Nhạ muốn nghe Quảng Nam nói về khó khăn khi thực hiện chương trình mới

Trong đó, có các môn học của chương trình mới như: giáo dục nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), ngoại ngữ, tin học và công nghệ…

Trong việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thì sở Giáo dục đã mời Đại học Đồng Tháp về bồi dưỡng theo hướng “đón đầu” chương trình mới.

Tại Cần Thơ, bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cho hay, ngoài những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… thì địa phương này còn xây dựng mô hình chỉ đạo điểm.

Cụ thể, năm học 2016-2017, ngành giáo dục địa phương đã xây dựng kế hoạch: “trường điển hình đổi mới trong giai đoạn 2017-2020”.

Việc thí điểm mô hình trường điển hình đổi mới được xem là tiền đề để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới thuận lợi và dễ dàng hơn.

Trong đó, có việc xây dựng nền nếp, phong cách làm việc khoa học, chú trọng bồi dưỡng năng lực làm việc cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Xây dựng môi trường văn hóa nhà trường thân thiện và tích cực thông qua các hoạt động trãi nghiệm của học sinh và đội ngũ giáo viên.

“Việc triển khai mô hình bước đầu đã tạo đà phát triển của các nhà trường trong mỗi cấp học, trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên.

Bài học kinh nghiệm của quá trình xây dựng trường điển hình đổi mới sẽ giúp sở có những chỉ đạo kịp thời, sát với thực tiễn hoạt động của nhà trường”, bà Thắm phân tích.

TẤN TÀI