Các địa phương đang tự nguyện áp dụng VNEN trong tư thế nào?

10/11/2016 09:07
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tự tin và quả quyết rằng, VNEN là một mô hình giáo dục tiên tiến, tốt, phù hợp triển khai đại trà ở Việt Nam thì nên công khai...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 về việc triển khai mô hình Trường học mới (VNEN).

Qua những thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho báo chí, có thể thấy Bộ liệt kê khá chi tiết số tỉnh thành, số trường, số lớp và số học sinh tham gia mô hình VNEN từ khi triển khai năm học 2011-2012 đến năm học 2016-2017. 

Tuy nhiên không có con số nào để so sánh, đối chiếu kết quả, chất lượng giáo dục theo mô hình VNEN với mô hình truyền thống để có thể khẳng định VNEN là mô hình tiên tiến, ưu việt, tốt, phù hợp với Việt Nam và nên tiếp tục triển khai đại trà.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai áp dụng mô hình VNEN với tốc độ quá nhanh trong phạm vi quá rộng càng đặt ra nhiều lo ngại cho phụ huynh, giáo viên và dư luận xã hội.

Học sinh lớp 7 Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng (thành phố Hà Tĩnh) biểu quyết tán thành bỏ VNEN, ảnh: Lê Văn Vỵ.
Học sinh lớp 7 Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng (thành phố Hà Tĩnh) biểu quyết tán thành bỏ VNEN, ảnh: Lê Văn Vỵ.

Theo thống kê được Báo Giáo dục và Thời đại - cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo trích dẫn:

Từ chỗ triển khai VNEN ở 48 lớp 2 thuộc 24 trường, 12 huyện trong 6 tỉnh tham gia đầu tiên năm học 2011 - 2012, chỉ sau 1 năm đã lên tới 1447 trường thuộc 63 tỉnh thành, tổng số học sinh là 43.8274 học sinh/1.447 trường (con số gạch chân là người viết lưu ý số liệu trên Báo Giáo dục và Thời đại, nghi vấn có sai sót, do không có nguồn tin khác đối chiếu nên tạm dẫn lại nguyên bản). [1]

Năm 2016 - 2017, các trường tiểu học thuộc Dự án là 1.370 trường, giảm 73 trường của Hà Giang và 4 trường của các tỉnh khác do sáp nhập trường; có 3.067 trường không thuộc Dự án tự nguyện tham gia áp dụng mô hình.

Xin lưu ý, Báo Giáo dục và Thời đại nói rằng 73 trường học ở Hà Giang và 4 trường của các tỉnh khác rút khỏi mô hình VNEN "do sáp nhập trường".

Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều nguồn tin mâu thuẫn với báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo được báo của Bộ dẫn lại, cả về số trường lẫn nguyên nhân các trường này rút khỏi VNEN.

Cụ thể, Báo Tuổi Trẻ ngày 30/8/2016 có bài: “Vì sao các tỉnh ngưng VNEN?” đưa thông tin khá chi tiết. [2] 

Ngoài ra, bạn đọc hoàn toàn có thể kiểm tra điều này qua công cụ tìm kiếm trên Internet, hầu hết các trường dừng mô hình VNEN là vì các lý do khác với lý do mà Bộ nêu ra. Thông tin này được khá nhiều báo phản ánh.

Riêng cấp THCS, từ năm học 2014 - 2015, mô hình trường học mới cấp THCS được triển khai thực nghiệm tại 6 tỉnh với tổng số 48 lớp. 

Chỉ sau hai năm, năm học 2016 - 2017, số trường thực hiện mô hình trường học mới đối với lớp 6 là 1.161 trường với 2.995 lớp, lớp 7 là 1.035 trường với 2.514 lớp. [1]

Với tốc độ tăng quá nhanh về quy mô triển khai VNEN trên toàn quốc như thế này chỉ sau 5 năm, từ lớp 2 đến lớp 7, hàng trăm ngàn học sinh khắp 63 tỉnh thành, mà không có một quá trình tổng kết, đánh giá, so sánh để rút ra kết luận làm căn cứ triển khai đại trà thì dư luận không thể không lo ngại cho tương lai của con em mình, cũng như tương lai đất nước.

Sau 3 câu hỏi về VNEN đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bài báo ngày 3/11/2016 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết xin nêu tiếp một số câu hỏi liên quan đến khía cạnh pháp lý của việc triển khai mô hình này.

Câu hỏi thứ nhất là, căn cứ vào đâu để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai đại trà nhanh, rộng mà không qua tổng kết, đánh giá công khai?

Tất nhiên, mô hình nào cũng có mặt tốt của nó, vấn đề nằm ở chỗ nó có phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam hay không, đặc biệt là khi triển khai đại trà trên 63 tỉnh thành?

Đặt câu hỏi này bởi lẽ, VNEN xuất phát từ mô hình giáo dục của Colombia nhằm giải quyết vấn đề lớp ghép ở các vùng khó khăn mà Việt Nam cũng gặp.

Các địa phương đang tự nguyện áp dụng VNEN trong tư thế nào? ảnh 2

Ba câu hỏi lớn về VNEN chờ câu trả lời chi tiết từ Bộ Giáo dục

(GDVN) - Đành rằng còn những khó khăn, bất cập phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nhưng không thể nóng vội, không thể duy ý chí, và càng không thể để tư duy...

Người viết thiết nghĩ, một mô hình lớp ghép cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn mà triển khai đại trà khắp cả nước, từ nông thôn đến thành thị đã là một mâu thuẫn về mặt nhận thức, tư duy.

Cũng giống như vậy, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục viết cho học sinh dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Kinh lại được chọn làm sách VNEN, ngoài ra đang được áp dụng phổ biến cho học sinh 48 tỉnh thành trên cả nước là người Kinh, nói sõi tiếng Kinh, trong đó có nhiều trường ở đô thị lớn tự nó đã bộc lộ mâu thuẫn.

Chương trình giáo dục năm 2000 được xây dựng khá công phu, bài bản với đầy đủ căn cứ pháp lý, có hơn 500 nhà khoa học tham gia, mỗi cuốn sách giáo khoa cũng phải được dạy thí điểm trong phạm vi hẹp 4 năm mới thẩm định và đưa vào sử dụng chính thức, ấy vậy mà vẫn còn chưa đạt được mong muốn của xã hội.

Nhưng sách giáo khoa VNEN mà Bộ gọi là Tài liệu hướng dẫn học tập, chỉ trong vòng 5 năm có thể biên soạn, thử nghiệm và triển khai đại trà tất cả các môn, ít nhất là từ lớp 2 đến lớp 7 thì có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam làm được điều này.

Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tờ trình xin Quốc hội ra nghị quyết thay thế Nghị quyết số 40 năm 2000, để có thể có một chương trình, nhiều sách giáo khoa.

Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 mà chưa có một nghiên cứu, đánh giá tổng kết công khai nào về Chương trình năm 2000 cùng những tồn tại cần khắc phục.

Quốc hội đã ra Nghị quyết số 88, trong đó quy định một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Đề án này cũng đã được Chính phủ phê duyệt năm ngoái, mục tiêu đề án đặt ra là năm học 2018-2019 phải có sách giáo khoa đầu tiên của lớp 1, lớp 6 và lớp 9 đưa vào giảng dạy.

Đến nay chương trình tổng thể, chương trình bộ môn của đề án này vẫn chưa được Bộ duyệt, nhưng sách giáo khoa VNEN thì lại được thay thế toàn bộ sách giáo khoa hiện hành ở tất cả các lớp áp dụng mô hình này với hàng trăm ngàn học sinh khắp cả nước.

Bộ còn dự định chỉnh sửa sách VNEN thành một trong các bộ sách giáo khoa sau 2018. [3], [4]

Cách làm chương trình, sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là "xóa cờ đi, chơi lại từ đầu" có thể mới chỉ gây tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.

Nhưng việc triển khai, áp dụng đại trà một mô hình mới, một bộ sách giáo khoa mới chưa được tổng kết đánh giá một cách khoa học như VNEN sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai hàng trăm ngàn học sinh, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Câu hỏi thứ hai là, các địa phương, nhà trường và phụ huynh có thực sự được "tự nguyện" quyết định triển khai VNEN hay không?

Trước những băn khoăn, thắc mắc của dư luận về hiệu quả thực sự của VNEN, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4068/BGDÐT-GDTrH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GD&ĐTvới nội dung:

"...Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh..."

Nội dung chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi, phải chăng học sinh đã học tiểu học VNEN thì không thể theo học THCS dạy chương trình, sách giáo khoa truyền thống (Chương trình 2000)?

Các địa phương đang tự nguyện áp dụng VNEN trong tư thế nào? ảnh 3

Phụ huynh trường Hưng Dũng ba lần gửi đơn thiết tha xin thôi học VNEN!

(GDVN) - Cho đến nay phụ huynh 9 lớp vẫn chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, giải quyết, trả lời như Công văn 1315 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An hứa hẹn.

Bởi lẽ “duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh” có thực sự cần thiết, nếu học sinh học VNEN gặp vấn đề về tiếp thu kiến thức, chuyển qua học sách giáo khoa Chương trình 2000 không gặp trở ngại?

Trong văn bản chỉ đạo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn định hướng rõ ràng, tiếp tục duy trì, triển khai VNEN trên cơ sở “tự nguyện”.

Từ “tự nguyện” cũng được lãnh đạo Bộ nhắc đến nhiều khi dư luận xã hội đặt câu hỏi về VNEN.

Tuy nhiên ngay từ khi triển khai VNEN, các địa phương có thực sự “tự nguyện” tham gia, triển khai mô hình còn đang thử nghiệm, chưa có kết luận hay không lại là chuyện khác.

Đơn cử như Công văn số 7366/BGDĐT-GDTH ngày 2/11/2012 về việc hướng dẫn một số hoạt động triển khai Dự án GPE-VNEN do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký không có một chữ "tự nguyện" nào, ngược lại các sở được chỉ đạo rất rõ:

"...Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Dự án do Giám đốc Sở GD-ĐT ký ban hành. Cơ cấu Ban Chỉ đạo Dự án gồm:

- Trưởng ban: Lãnh đạo Sở GD-ĐT.

- Ủy viên: Là thành viên Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh (TP).

Ban Chỉ đạo Dự án cấp tỉnh (TP) có trách nhiệm:

- Chỉ đạo triển khai và nhân rộng mô hình VNEN trên phạm vi tỉnh (TP). (Chữ in đậm là để người viết nhấn mạnh)

- Chỉ đạo các hoạt động của Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh (TP) theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án cấp trung ương..." [5]

Hiểu theo văn bản chỉ đạo này, phải chăng ngay từ đầu Bộ đã chỉ đạo các sở “triển khai và nhân rộng” khi VNEN chưa hề được kiểm nghiệm, đánh giá trong thực tế? Có phải Ban chỉ đạo Dự án VNEN muốn chỉ đạo nhân rộng ngay từ đầu?

Ông Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng trực tiếp chủ trì, thiết kế và xây dựng văn kiện của Dự án VNEN nói với Báo Giáo dục và Thời đại: 

"Dự án mô hình Trường học mới gắn kết chặt chẽ, “tuy hai mà một” với Bộ và Vụ Tiểu học. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để triển khai tính bền vững của Dự án. Lúc này, công việc của Dự án đã trở thành một phần công việc của Bộ, của Vụ, đồng thời ở địa phương". [6]

Thực tế Giám đốc Dự án này là ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Những văn bản chỉ đạo triển khai VNEN không phải chỉ là của Ban quản lý dự án, mà là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học thì liệu các địa phương có dám từ chối?

Ở các tỉnh thành, Ban chỉ đạo Dự án cũng là lãnh đạo Sở, xuống phòng cũng vậy thì trường nào dám không theo?

Câu hỏi thứ 3 là, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không công khai các văn bản chỉ đạo, đánh giá tổng kết Dự án VNEN?

Đầu tiên là Quyết định số 4106/QĐ-BGDĐT ngày 3/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN) không được Bộ công khai, cả quyết định phê duyệt lẫn nội dung báo cáo, mặc dù dự án đã kết thúc ngày 31/5 vừa qua.

Người viết không thể tìm thấy các văn bản này trên cổng thông tin điện tử của Bộ, Ban Quản lý Dự án VNEN cũng như bất kỳ website chính thức nào.

Nếu không công khai, tức là chỉ có Bộ mới biết Bộ định triển khai những gì, triển khai như thế nào, mục tiêu cần đạt sau khi Dự án kết thúc là gì, hướng triển khai tiếp theo ra sao. 

Phụ huynh, học sinh và dư luận không thể theo dõi, đánh giá khi không biết mục tiêu, cũng không biết kết quả, không so sánh được chất lượng với mô hình truyền thống, chỉ biết những con số cho thấy quá trình triển khai VNEN quá nhanh, quá rộng và hàng trăm ngàn con em họ phải học chương trình này.

Thứ hai là báo cáo chi tiết tổng kết, đánh giá mô hình VNEN sau 5 năm thí điểm trên hàng ngàn trường.

Phần nội dung Bộ trích gửi cho báo chí chỉ có những nhận xét chung chung, không có thông số nào mang tính thống kê có thể đối chiếu, so sánh với mô hình cũ để xác định cái nào ưu việt hơn.

Thứ ba là quá trình và đội ngũ tham gia biên soạn, thẩm định, dạy thử nghiệm “Tài liệu hướng dẫn học tập” để thay thế toàn bộ sách giáo khoa hiện hành trong các lớp học theo mô hình VNEN, ít nhất là từ lớp 2 đến lớp 7 chỉ trong vòng 5 năm.

Thiết nghĩ những thông tin này phụ huynh học sinh, giáo viên và dư luận xã hội cần được biết một cách đầy đủ, hệ thống, chính xác vì đó là quyền lợi hợp pháp của con em họ, phần lớn trong số đó phải bỏ tiền mua sách giáo khoa VNEN vì nhiều trường "phải tự nguyện" tham gia Dự án mà không hưởng kinh phí Dự án.

Bởi vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tự tin và quả quyết rằng, VNEN là một mô hình giáo dục tiên tiến, tốt, phù hợp triển khai đại trà ở Việt Nam thì nên công khai tổng kết đánh giá, có số liệu so sánh đối chiếu với mô hình truyền thống.

Những câu hỏi đặt ra không phải chống lại các nỗ lực đổi mới giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, mà người viết mong mỏi tìm lời giải đáp những câu hỏi này chỉ giúp Bộ thuận lợi hơn, đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội qua mỗi dự án, hoạt động đổi mới giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/danh-gia-3-nam-thuc-hien-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-2506286-v.html

[2]http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160830/vi-sao-cac-tinh-ngung-vnen/1163137.html

[3]http://thanhnien.vn/giao-duc/lo-dien-sach-giao-khoa-sau-2018-698335.html

[4]http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5532:1296bgdt-gdth&catid=77:personal-tech&Itemid=459

[5]http://tieuhoc.moet.gov.vn/UserFiles/HEAD1/vanban/1084/1084_1383357007_CV_7366-BGD%C4%90T-GDTH_ngay_2-11-2012_huong_dan_cac_So_thanh_lap_Ban_Chi_dao_va_Ban_Quan_ly_Du_an_VNEN.rar

[6]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quotquan-trong-nhat-la-ky-nang-quan-ly-con-nguoiquot-58492-u.html

Hồng Thủy