Theo Bộ Giáo dục, VNEN đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện

02/11/2016 11:22
Thùy Linh
(GDVN) - Ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai mô hình VNEN trên cơ sở khắc phục, rút kinh nghiệm từ những bất cập sau 3 năm thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT gửi Quốc hội, mô hình trường học mới (VNEN) là một mô hình giảng dạy hiện đại, phù hợp với mục tiêu, lộ trình đổi mới giáo dục được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Do đó, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai dự án trên cơ sở khắc phục, rút kinh nghiệm từ những bất cập sau 03 năm thực hiện.

VNEN tạo ra môi trường giáo dục thân thiện

Dự án VNEN có tổng vốn được phê duyệt là 87,6 triệu USD, trong đó Tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu cho vay không hoàn lại 84,6 triệu USD và 3 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk).

Dự án bắt đầu thực hiện chính thức từ năm học 2012-2013, đối tượng hưởng thụ gồm 1.447 trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến năm học 2015-2016, có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng.

Theo Bộ Giáo dục, VNEN đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện ảnh 1
Bộ Giáo dục khẳng định, VNEN tiếp tục được triển khai trên cơ sở rút kinh nghiệm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sau 3 năm triển khai cho thấy, VNEN là một mô hình đổi mới giáo dục đồng bộ về phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp đánh giá, cách thức tổ chức lớp học, phối hợp cha mẹ và cộng đồng với vấn đề giáo dục, đổi mới sinh hoạt chuyên môn và công tác quản lý.

VNEN tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, mạnh dạn, tự tin, tự học, tự quản, hợp tác, chia sẻ giúp nhau cùng tiến bộ; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, cộng đồng và phụ huynh học sinh.

Mô hình này cũng góp phần tạo ra những tiền đề trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học, đánh giá học sinh...

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện dự án, mô hình này còn tồn tại một số bất cập cần khắc phục.

Một số bất cập

Đánh giá lại một cách tổng quát, Bộ GD&ĐT thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình VNEN tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập.

Trước tiên, do thời gian triển khai Dự án ngắn, phạm vi triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với trình độ quản lý và tổ chức không đồng đều ở các cấp khác nhau, nên trong thời gian đầu Dự án gặp phải một số khó khăn nhất định trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục theo Sổ tay hướng dẫn đối với cấp trường.

Theo Bộ Giáo dục, VNEN đã tạo ra môi trường giáo dục thân thiện ảnh 2

Bộ Giáo dục chủ quan khi triển khai mô hình VNEN, gây bức xúc trong xã hội

(GDVN) - Đây là đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 khóa XIV.

Để bảo đảm hiệu quả tốt nhất, mô hình VNEN phải triển khai đổi mới đồng bộ, trong khi đó, điều kiện áp dụng thực tế tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn.

Ngoài ra, việc áp dụng mô hình cũng chưa linh hoạt và chưa phù hợp với điều kiện của một số địa phương; việc triển khai nhân rộng đối với các trường học không thuộc danh sách thụ hưởng của Dự án là chưa phù hợp.

Việc triển khai mô hình VNEN xen kẽ (trường có thực hiện, trường không) trên cùng một địa bàn sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa khi trường thực hiện tốt mô hình VNEN.

Tuy nhiên nếu trường thực hiện mô hình VNEN gặp trở ngại hoặc triển khai không thành công sẽ tạo ra dư luận tiêu cực và ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức của những trường còn lại trên địa bàn.

VNEN là mô hình đề cao sự tự chủ, sáng tạo và linh hoạt của mỗi cá nhân (từ thầy cô tới học sinh, nhà quản lý). Việc áp dụng mô hình sẽ hiệu quả cao nếu người triển khai hiểu bản chất và áp dụng một cách linh hoạt với điều kiện vật chất, nhận thức của địa phương.

Tuy nhiên, do nhiều cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về mô hình VNEN nên việc thực hiện còn lúng túng.

Bên cạnh đó, việc truyền thông, cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh chưa kịp thời, đầy đủ nên chưa tranh thủ được sự ủng hộ, tham gia của chính quyền, cộng đồng và cha mẹ học sinh trong quá trình triển khai.

Khắc phục hạn chế, tiếp tục triển khai

Xác định đây là mô hình phù hợp với lộ trình đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển từ tiếp nhận kiến thức thụ động sang chủ động, coi trọng trang bị kỹ năng, thúc đẩy tính sáng tạo, linh hoạt của cá nhân với cả thầy và trò, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai mô hình VNEN trong thời gian tới trên cơ sở phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được và rút kinh nghiệm khắc phục những bất cập trong quá trình triển khai trước đó.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH ngày 18/8/2016 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở tiếp tục chủ động nghiên cứu, áp dụng các phương thức giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.

Theo đó, sẽ khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình này để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, bảo đảm nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thùy Linh