Chấm dứt cảnh nhà vệ sinh trường học hôi dơ bằng cách nào?

09/09/2018 08:10
Phan Tuyết
(GDVN) - Hầu như tất cả các trường học trên địa bàn thị xã La Gi phụ huynh đã đồng loạt góp tiền (gọi là tiền vệ sinh) để thuê hoặc bồi dưỡng thêm cho nhân viên phục vụ

LTS: Đưa ra những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng nhà vệ sinh hôi, bẩn ở một số trường học như hiện nay, cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nhà vệ sinh trường học hôi dơ là một thực tế không thể chối cãi tại nhiều cơ sở giáo dục công lập ở nhiều cấp học từ trước đến nay.

Nếu làm cuộc phỏng vấn trực tiếp từ học sinh sẽ có không ít em khẳng định suốt nhiều năm học ở trường chưa hoặc chỉ vài lần (bất khả kháng) mới dám bước chân vào nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh bẩn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Nhà vệ sinh bẩn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Thủ tướng Chính phủ đã từng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tỉnh chịu trách nhiệm về tình trạng nhà vệ sinh trường học hôi dơ.

Việc này, theo Thủ tướng tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn với thế hệ con em.

Thế nhưng, khắc phục tình trạng hôi dơ nhà vệ sinh cũng không hề dễ.

Ngoài sự nỗ lực cố gắng trong việc tuyên truyền giáo dục học sinh, rào cản lớn nhất chính là kinh phí chi trả lương cho người quét dọn.

Nếu chỉ dựa vào nội lực thì nhiều trường học sẽ không thể kham nổi.

Các trường quản lý nhà vệ sinh thế nào?

Tại các cơ sở giáo dục công lập hiện nay, không có nhân viên phụ trách việc quét dọn nhà vệ sinh của học sinh.

Nhân viên phục vụ nhà trường lương tháng chưa tới 2 triệu đồng/tháng.

Chấm dứt cảnh nhà vệ sinh trường học hôi dơ bằng cách nào? ảnh 2Cái rùng mình của người lớn và nỗi sợ hãi của hàng triệu học sinh

Công việc của họ cũng đã khá nặng như quét dọn, lau chùi bàn ghế, nấu nước cho khu vực văn phòng, quét sân trường, lau dọn nhà vệ sinh của giáo viên… trường quy mô nhỏ mươi lớp đến dăm chục lớp cũng chỉ có một nhân viên phục vụ.

Vậy nhà vệ sinh học trò thì sao?

Nhiều trường học vẫn giao cho nhân viên phục vụ làm, với hàng chục phòng vệ sinh phục vụ cho hàng mấy trăm em phải lau dọn một ngày ít nhất 4 lần không phải chuyện đơn giản.

Công việc nặng, thù lao không đủ sống nên nhân viên phục vụ không nhiều người gắn bó với công việc này hoặc có làm cũng chẳng mấy nhiệt tâm.

Song song với việc giáo viên thường xuyên giáo dục học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Nhiều trường học buộc phải cắt cử học sinh các lớp trực nhà vệ sinh luân phiên để giảm áp lực cho người phục vụ.

Mỗi lớp trực một ngày có nhiệm vụ kiểm tra để nhắc nhở những học sinh đi và không dội nước đúng quy định.

Học trò lớn còn đỡ, những cô cậu học trò bé tí cứ phải thay nhau chạy vào chạy ra ngoài nhà vệ sinh canh chừng thấy cũng tội. Không ít cha mẹ xót con nên đã bất bình lên tiếng.

Cha mẹ học sinh chung tay

Hầu như tất cả các trường học trên địa bàn thị xã La Gi phụ huynh đã đồng loạt góp tiền (gọi là tiền vệ sinh) để thuê hoặc bồi dưỡng thêm cho nhân viên phục vụ.

Chấm dứt cảnh nhà vệ sinh trường học hôi dơ bằng cách nào? ảnh 3Ở trường học, công trình phụ luôn được dùng nhiều nhất

Số tiền cha mẹ các em đóng góp phụ thuộc vào sự bàn bạc của phụ huynh trong buổi họp đầu năm.

Ở bậc trung học cơ sở, hội cha mẹ học sinh tự góp, tự chi. Ở bậc tiểu học, phụ huynh đóng góp, nhà trường đứng ra chi.

Mức đóng góp hiện nay chỉ từ 20-30 ngàn đồng/học sinh. Số tiền thu được sẽ được chia làm 2 phần, phần để bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ hàng tháng. Phần mua chổi, nước rửa, nước lau sàn…

Nhân viên sẽ làm vệ sinh cố định vào 4 lần trong ngày (sáng sớm, sau giờ ra chơi, trưa và chiều).

Ngoài ra, nhân viên cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi để nhắc nhở học sinh kịp thời.

Nhờ sự chung tay ấy, nhìn chung nhà vệ sinh nhiều trường học nơi đây đã tương đối sạch sẽ.

Không còn cảnh học sinh nín nhịn tiểu hay vừa chạy về nhà quăng vội cặp là chạy thục mạng ra phía sau “trút bầu tâm sự”.

Phan Tuyết