Mặc dù hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành, địa phương đã đầu tư xây dựng những ngôi trường khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia tuy nhiên có một hạng mục mà mấy chục năm nay vẫn chẳng thay đổi, đó là nhà vệ sinh.
Vẫn bị cho là “công trình phụ”, nên nhà vệ sinh vẫn là hạng mục xếp sau rất nhiều hạng mục được ưu tiên xây dựng khác.
Cái "rùng mình" của người lớn
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, chị Ngọc Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị hôm nào được đón từ trường về nhà cũng vội vàng vứt bỏ cặp sách, chạy thẳng vào nhà vệ sinh. Khi được hỏi, cô bé cho biết, nhà vệ sinh ở trường thường ẩm ướt, có bạn vào đấy, xô đẩy nhau rồi trượt ngã ướt hết quần áo.
Chị Minh kể thêm, có hôm đi vệ sinh, con chị một tay bịt mũi, một tay kéo váy nên váy rơi xuống sàn, ướt sũng nước bẩn. “Sự cố khiến con bé chỉ biết đứng khóc, các bạn lại trêu nên từ đó nó bảo sẽ không đi vệ sinh ở trường nữa mặc dù tôi đã hướng dẫn, động viên con thường xuyên. Thương con lắm nhưng tôi chưa biết phải làm thế nào, chỉ còn cách nhờ cô giáo nhắc nhở các con thôi”, chị Minh nói.
Nhà vệ sinh trong trường học quá bẩn là nguyên nhân khiến các em học sinh không dám đi vệ sinh. |
Còn một phụ huynh ở quận Hà Đông cho biết, đầu năm học này, mặc dù con chị đã vào lớp 1 đúng tuyến tại một trường tiểu học trên địa bàn quận, tuy nhiên đến phút cuối khi tham quan nhà vệ sinh của trường chị đã quyết định chuyển con sang học trường tư.
Vị phụ huynh này thẳng thắn: Con tôi vốn nhút nhát, chỉ cần nhà vệ sinh bẩn, có mùi hôi và vị trí hơi xa là cháu sẽ nhịn, không đi vệ sinh. Trong khi vào lớp 1, các cháu học bán trú cả ngày, nếu cháu cứ nhịn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, ảnh hưởng việc học tập. Nên buộc lòng tôi phải chuyển trường để đảm bảo sức khỏe cho con. Không chỉ tôi, nhiều phụ huynh khác mà tôi biết, nhà vệ sinh luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu để họ chọn trường cho con em.
Cũng chia sẻ về thực trạng nhà vệ sinh trong các trường học hiện nay, ông Lê Văn Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH TM DV và Môi trường Kim Hoàng Hiệp) - Trưởng đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới tại Việt Nam (World Toilet Organization - WTO) chua xót cho biết: Trong quá trình đi khảo sát nhà vệ sinh trường học trên cả nước, ông đã từng chứng kiến cảnh nhiều trường học ở các vùng nông thôn, học sinh phải đi vệ sinh vào túi bóng rồi vứt ra sông hồ. Thậm chí, ở nhiều trường được xếp hạng là trường chuẩn quốc gia tại các thành phố lớn nhưng lại thiếu nhà vệ sinh.
“Có lần tôi vào khảo sát một trường tiểu học ở Lâm Đồng. Trường nói là các em đã được sắp xếp chỗ vệ sinh đầy đủ. Nhưng thực tế thì các bé trai phải ra bờ rạch, các em gái thì ngồi trong một khu có các tấm vách ngăn, bệ là gạch ống. Cảm giác hôi thối ấy mỗi lần nhớ lại khiến tôi vẫn còn rùng mình…”, ông Hiệp kể.
Theo khảo sát, còn rất nhiều trường học ở các địa phương có nhà vệ sinh tạm bợ thế này. Thậm chí có trường học "trắng" nhà vệ sinh. |
Ông Hiệp cũng cho biết, trong chuyến khảo sát của mình, những hình ảnh học sinh một tay bịt mũi một tay đi vệ sinh, hay chuyện một người mẹ ở Hà Nội mỗi ngày phải chuẩn bị chai nhựa để trong cặp sách cho cậu con trai học tiểu học nhằm giúp con giải quyết nhu cầu vệ sinh đã không còn lạ lẫm.
Trường học khang trang vì sao nhà vệ sinh lại bẩn?
Theo tiêu chuẩn nhà vệ sinh học đường của Bộ Y tế, nhà vệ sinh phải chia làm hai khu riêng: Giáo viên và học sinh, nam và nữ; số lượng học sinh của trường phải “tương xứng” với số lượng bồn cầu, mét dài hố tiểu và vòi nước. Cụ thể, phải đảm bảo trung bình 100 học sinh/bồn cầu, 50 học sinh/mét dài hố tiểu và 100 học sinh/vòi nước. Đặc biệt, ở các trường THCS trở lên phải có nhà tắm hoặc phòng thay đồ cho học sinh nữ.
Thế nhưng, theo kết quả điều tra về chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” năm 2013 của Bộ giáo dục và Đào tạo tại 14 tỉnh thành cả nước, vẫn còn 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc có nhưng không đảm bảo chất lượng; 88% trường học ở nông thôn không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành; 73% trường học được điều tra có nhà vệ sinh nhưng chỉ có 11,7% số trường có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trước đó, khảo sát của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho thấy, tại nhiều điểm trường trên địa bàn Hà Nội rất ít nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu của bộ Y tế. Trong danh sách các trường thiếu nhà vệ sinh đến mức báo động có Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất… Tại các địa phương này, có một số trường học “trắng” nhà vệ sinh trong nhiều năm nay.
Tỷ lệ thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh ô nhiễm tại các vùng nông thôn, còn ở mức khá cao. Đơn cử như Hòa Bình, cả tỉnh có đến 726 điểm trường, thì có đến 38% nhà vệ sinh trường học còn tạm bợ, 4% điểm trường thậm chí còn không có cả nhà vệ sinh.
Một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng cũng như có sự quan tâm, đầu tư vào giáo dục, học đường như tỉnh Bình Dương khảo sát thực tế cũng cho thấy, mặc dù có đến hơn 70% trường học các cấp được kiên cố hóa, trường lớp khang trang, đạt chuẩn quốc gia tuy nhiên, chỉ có 50% nhà vệ sinh đạt chuẩn so với quy định.
Không những thế, có trên 85% trường học sử dụng thiết bị nhà vệ sinh, hệ thống hầm chứa theo kiểu truyền thống nên chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, những nhà vệ sinh này xuống cấp, không còn đảm bảo vệ sinh khiến nhiều học không đi vệ sinh đúng chỗ, hoặc nhịn tiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, học hành.
Bên trong nhà vệ sinh của một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở Bình Dương. |
Ông Lê Nhật Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận: Số trường xây dựng kiên cố hóa, lầu hóa, đạt chuẩn quốc gia ở Bình Dương chiếm tới 75%. Tiến tới năm 2020, Bình Dương phấn đấu hoàn thành 100% trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên cho đến nay có những bất cập ngoài dự đoán của chúng tôi là tốc độ tăng dân số cơ học do lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, và có đôi chỗ cao bất ngờ khiến kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh vài nơi phải điều chỉnh liên tục.
Điển hình có trường học thiết kế xây dựng phục vụ cho 1.000 học sinh thì thực tế tăng lên 1500 học sinh và như vậy các công trình phụ như nhà vệ sinh tất nhiên là thiếu.
“Một bất cập khác quan trọng hơn là những quy chuẩn nhà vệ sinh hiện hành nêu trên so với thực tế hiện nay là lạc hậu và còn chung chung”, ông Nam cho biết.
Hiện đại hóa nhà vệ sinh học đường, ước mơ có thành hiện thực?
Mặc dù thực trạng nhà vệ sinh không đạt chuẩn, thiếu nhà vệ sinh, nhà vệ sinh xuống cấp thậm chí không có nhà vệ sinh tại nhiều trường học trên cả nước diễn ra từ nhiều năm nay nhưng để giải quyết được tận gốc vấn đề lại không hề đơn giản.
Thầy Trần Minh Bạch – Hiệu trường trường tiểu học Phước Vĩnh A (Bình Dương) chia sẻ: Tổng kinh phí chi cho việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà vệ sinh là khá lớn trong khi ngân sách dàn trải không thể đáp ứng 100%. Mặt khác việc xã hội hóa không được khuyến khích, không có cơ chế rõ ràng nên nhà trường không dám huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh.
Nhưng ở một góc nhìn khác, bày tỏ về khả năng đồng bộ hóa nhà vệ sinh đạt chuẩn cho các trường học hiện nay, ông Lê Hoàng Hiệp – Trưởng đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới tại Việt Nam cho rằng: Để nhà trường, học sinh được sử dụng nhà vệ sinh sạch, đẹp, văn minh ngoài vấn đề kinh phí, quan trọng nhất là phải tuyên truyền làm sao để nâng cao ý thức, để mọi người hiểu được tầm quan trọng của nhà vệ sinh, và làm thế nào để chúng ta có được một nhà vệ sinh sạch sẽ.
Từ việc thay đổi nhận thức sẽ có thể phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh trường học.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Hiệp cũng cho biết, nhân ngày 19/11 được Liên Hiệp Quốc (LHQ) chọn làm ngày Toilet Thế giới (World Toilet Day), Tổ chức Nhà Vệ sinh Thế giới đã cam kết đồng hành cùng Việt Nam thực hiện dự án đồng bộ hóa nhà vệ sinh học đường theo tiêu chuẩn thế giới, tức là nhà vệ sinh thông minh, vận hành tự động và được quản lý bởi đội ngũ nhân viên có chuyên môn.
Hiện dự án này đã và đang được lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho phép triển khai ở địa phương.
2.000 bạn trẻ tại tỉnh Bình Dương tham gia Cuộc chạy khẩn cấp - URGENT RUN 2015 vì nhà vệ sinh sạch đẹp, văn minh nhân ngày Nhà vệ sinh thế giới 19/11. |
Ngoài nguồn kinh phí do WTO hỗ trợ, để thực hiện đề án này, WTO đề nghị nhà nước nên cho phép xã hội hóa đối với những nhà vệ sinh không hoặc chưa có ngân sách hoặc có ngân sách nhưng không đủ.
Bên cạnh việc xây mới, cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh công cộng nói chung và nhà vệ sinh học đường nói riêng, WTO sẽ phối hợp, hỗ trợ cùng đại diện tại Việt Nam xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành nhà vệ sinh với sự giúp sức của chuyên gia Singapore sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy và chuyển giao công nghệ.
Trung tâm này sẽ cung ứng nguồn nhân lực quản lý trực tiếp nhà vệ sinh cho các trường.
Nói về dự án này, ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của nhà vệ sinh văn minh, sạch đẹp, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép đại diện WTO tại Việt Nam thành lập và triển khai đề án “cải tạo nâng cấp Nhà Vệ Sinh trường học, bệnh viện, khu tập thể công nhân, nơi công cộng đạt chuẩn quốc tế”. Bình Dương là địa phương đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thí điểm đề án này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa lây nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định: Nhà vệ sinh trong trường không thể thiếu và phải sạch sẽ. Nếu nhà vệ sinh không sạch sẽ là tác nhân lây bệnh về đường tiêu hoá, từ đó có thể đi theo bé về nhà lây cho gia đình, theo người chế biến thức ăn đến bữa ăn của bé. Nhà vệ sinh trường học là nơi dễ làm cho bé dễ nhiễm giun sán gây suy dinh dưỡng. Không khí hôi hám trong nhà vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp, gây bệnh lý đường hô hấp. Bệnh cạnh yếu tố bệnh lý, nhà vệ sinh không sạch sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em, khiến bé không dám đi, phải nín tiểu gây dễ nhiễm trùng tiểu, không dám uống nước, nước không đủ mùa nắng nóng lại càng thiếu nước, và hình thành thói quen ít uống nước gây nhiều bệnh Không dám đi cầu, nín thành ra táo bón, táo bón lâu ngày gây trĩ, gây rách hậu môn. Tác động tâm lý lâu dài gây sợ nhà vệ sinh, ám ảnh đi trong nhà vệ sinh. |