LTS: Những thay đổi chương trình Ngữ văn trong dự thảo chương trình tổng thể đang nhận được nhiều sự quan tâm của các thầy cô giáo.
Thầy giáo Nguyễn Cao bày tỏ sự băn khoăn trước việc chỉ bắt buộc 6 tác phẩm trong chương trình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Việc đổi mới giáo dục là cần thiết trong bối cảnh hiện tại của nước ta, đổi mới để hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn.
Vì thế, dự thảo chương trình phổ thông vừa công bố được các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp đặc biệt quan tâm.
Việc quan tâm không chỉ là những điểm mới của dự thảo lần này mà có cả những băn khoăn khi giáo viên phải đảm nhận nhiều môn học mới, môn học ghép và cả cách tiếp cận những môn học truyền thống như môn Ngữ văn.
Giáo dục Việt Nam ta lâu nay đã quen một lối mòn có sẵn, dù đã có nhiều lần đổi mới và hướng tới người học là trung tâm nhưng thực chất phần lớn thầy cô vẫn là trung tâm trong việc giảng dạy.
Thầy cô vẫn là người truyền thụ kiến thức, thầy nói gì trò biết đó, thói quen tự tìm hiểu, tự học tập của học sinh chưa nhiều. Tư duy độc lập của một bộ phận học trò còn hạn chế.
Và, ngay cả thầy cô vẫn có nhiều những người muốn đi theo lối mòn cũ, không muốn thay đổi mình, thay đổi ngành bởi sự thay đổi nào cũng đem lại sự vất vả, khó khăn.
Song, thực tế mục đích mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng trong việc thay đổi sách giáo khoa lần này, trong đó có môn Ngữ văn, liệu có quá cao và quá tầm đối với nhiều giáo viên đang đứng lớp?
Mấy ngày qua, dự án cho việc dạy học môn Ngữ văn cũng được bàn luận sôi nổi trên các mặt báo.
Việc thay đổi trong cách dạy và học Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm của các thầy cô giáo. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn) |
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông đang biên soạn:
“Việc quy định 6 tác phẩm bắt buộc trong nội dung chương trình môn Ngữ văn mới bao gồm bài thơ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập là do 6 tác phẩm này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà chương trình đề ra đối với việc lựa chọn tác phẩm đưa vào chương trình.
Trong đó, quan trọng nhất là các tác phẩm này đều là thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, văn học và văn hóa dân tộc”.
Trước vấn đề trên, người viết bài này nêu lên một số băn khoăn.
Có lẽ, khi nhìn vào 6 tác phẩm bắt buộc nêu trên chúng ta đều công nhận đó là những “thành tựu tiêu biểu về tư tưởng, văn học và văn hóa dân tộc” nhưng sao vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó.
Không ai phủ nhận rằng 6 tác phẩm này đều hay và tiêu biểu nhưng có điều nếu chỉ qui định 6 tác phẩm bắt buộc mà có tới 5 tác phẩm liên quan đến việc đấu tranh chống ngoại xâm thì liệu có quá nhiều không?
Không ai không biết lịch sử trường tồn của dân tộc ta trong suốt chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã trải qua những khó khăn, phải đổ nhiều xương máu.
Thế nhưng, việc phản ánh này đã có môn Lịch sử đảm nhận tái hiện lại lịch sử dân tộc.
Việc 5/6 tác phẩm bắt buộc cho cả chương trình Ngữ văn phổ thông thì các chủ đề khác chúng ta phải bỏ ngỏ, nhiều khuynh hướng văn học chúng ta không được đề cập.
Thầy cô giáo tâm đắc với những thay đổi, định hướng mới ở môn Ngữ văn(GDVN) - Các thầy cô giáo rất tâm đắc với thay đổi, cải tiến về đánh giá, kiểm tra Ngữ văn và cảm thụ tác phẩm luôn tôn trọng ý kiến, cách tiếp cận khác của học sinh. |
Nhất là trong 6 tác phẩm này đã có 5 tác phẩm thuộc vào văn học trung đại. Văn học hiện đại chỉ có tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Các dòng như: Văn học Hiện thực phê phán; Văn học lãng mạn…
Và, đặc biệt suốt chiều dài từ 1945 đến nay với biết bao biến cố, thăng trầm, có cả những vinh quang, hạnh phúc và biết bao nhiêu những mất mát, hi sinh nhưng lại không có một tác phẩm văn học nào được đưa vào chương trình bắt buộc?
Việc công bố nội dung chương trình Ngữ văn phổ thông mới có nhiều ý kiến tán đồng bởi giáo viên và học sinh có quyền sáng tạo, tự chủ.
Người thầy có thể chủ động tìm tòi không phải cứng nhắc trong những nội dung đã định sẵn trong sách giáo khoa. Học trò cũng không phải học vẹt bài văn mẫu khô cứng, nhạt nhẽo để đối phó với thầy.
Tuy nhiên, việc người viết sách chỉ ấn định có 6 tác phẩm bắt buộc trong cả quá trình dạy Văn cấp phổ thông chắc chắn sẽ phát sinh nhiều khó khăn.
Việc giáo viên tự chủ trong việc lựa chọn tác phẩm văn học để giảng dạy thì đối với nhiều thầy cô siêng đọc hay ở các thành phố thì không nói làm gì. Nhưng, nhiều thầy cô ở vùng khó khăn, thư viện nhà trường thì nghèo nàn.
Nhiều thầy cô dạy Văn nhưng rất ít hoặc không có điều kiện đầu tư sách tham khảo, sách văn học, ít đọc, ít tìm tòi thì sẽ dẫn đến sự thua thiệt cho học trò.
Với số lượng 18,7% số tiết dạy học trên lớp mà để giáo viên tự chọn tác phẩm e rằng sẽ không tránh khỏi việc đối phó hay “cưỡi ngựa xem hoa”…
Môn Văn lâu nay chúng ta đã nói quá nhiều về những bất cập nhưng bất cập lớn hiện nay là một bộ phận thầy cô dạy Văn nhưng không yêu văn chương thì làm sao khích lệ được học trò?
Trong thực tế, với sách giáo khoa hiện hành, bài học, sách giáo viên, sách tham khảo, chuẩn kiến thức có sẵn.
Thậm chí là giáo án cũng có trên mạng internet mà nhiều giáo viên còn chưa làm chủ, dạy tốt được những tiết dạy của mình.
Bây giờ, cho giáo viên tự chủ chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên không thể đáp ứng được yêu cầu. Bởi nếu cùng dạy một đơn vị kiến thức, cùng thi, kiểm tra chung một đề thì dù sao vẫn có những cái chuẩn chung để đánh giá.
“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!” (GDVN) - Một số giáo viên hiện nay thiếu kiến thức về văn học. Có giáo viên phán câu xanh rờn: “Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”. |
Nay, mạnh ai nấy làm, chắc chắn sẽ có nhiều người làm tốt nhưng cũng sẽ không ít người không đảm bảo được yêu cầu, mục đích môn học mà người định hướng sách giáo khoa đề ra.
Điều này cũng được ông Đỗ Ngọc Thống - người chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lí giải:
“Nếu thực hiện đồng bộ, tôi nghĩ phần lớn giáo có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới này.
Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu là một khó khăn, thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay”.
Đối với thực trạng học Văn của học sinh ngày nay cũng là nỗi băn khoăn của thầy cô giảng dạy môn Ngữ văn. Việc bùng nổ các kênh thông tin, các phương tiện giải trí hiện nay đã khiến một bộ phận lớn học sinh thờ ơ với sách báo.
Các em ít đọc sách, ngay cả những tác phẩm học chính khóa trên lớp mà nhiều em cũng thờ ơ, hờ hững. Nhiều khi đọc văn bản trước lớp xong, thầy cô hỏi về những nhân vật chính trong truyện mà nhiều em còn không trả lười được.
Các kĩ năng nghe-nói-đọc-viết của một bộ phận học sinh ngày nay còn rất yếu thì việc chuyển từ phương pháp dạy học truyền sang phương pháp dạy học phát triển năng lực (ở môn Ngữ văn là năng lực giao tiếp, năng lực văn học) là một điều không hề dễ dàng chút nào.
Chúng ta có thể nói được rất nhiều điều nhưng khi giảng dạy thực tế mới thấy được nỗi khó khăn trong việc tiếp cận văn học của học trò ngày nay.
Thực ra, những năm gần đây, chúng ta lên án rất nhiều về việc giáo viên giảng văn “nói nhiều” không giúp học sinh tự làm việc và phát huy tư duy sáng tạo nên những tiết giảng văn mà thầy cô giảng nhiều liền bị góp ý là không đạt yêu cầu và không đúng với tinh thần chỉ đạo.
Vì thế, mô hình dạy học mới (VNEN) đang thử nghiệm ở một số trường đã giao hết cho học sinh, thầy cô chỉ là người hướng dẫn nên chất Văn trong mỗi giờ học gần như không còn.
Học trò “tập làm thơ” và những khó khăn của giáo viên (GDVN) - Bản thân các thầy cô giáo không phải ai cũng biết làm thơ mà đi dạy học sinh… làm thơ thì làm sao mà dạy nổi. Văn chương đâu phải là ai cũng có thể làm. |
Một tiết học Văn mà liên hệ quá nhiều vấn đề, những cái hay, cái đẹp của văn chương không được đề cập, phát hiện.
Mỗi tiết có 45 phút, giáo viên cho học sinh thảo luận, rồi trình bày dăm bảy câu vô thưởng vô phạt, giáo viên chốt lại dăm ba điều rồi kết thúc bài học thì rất khó có thể giúp học sinh thẩm thấu nội dung và tư tưởng của tác phẩm văn học.
Mục tiêu của môn Ngữ văn là giúp học sinh nắm được ngôn ngữ tiếng Việt, có một kĩ năng nghe và đọc tốt, biết khám phá và tiếp cận giá trị của văn chương để hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ.
Văn chương trước hết phải là chuyện của lòng người, chuyện của tình đời… Điều quan trọng là khi thay đổi sách chúng ta tập trung bồi dưỡng, tập huấn tốt cho giáo viên, kết hợp cả phương pháp mới với phương pháp truyền thống mới phát huy được nội dung môn học.
Nếu triệt tiêu phương pháp truyền thống chưa hẳn là hay và phù hợp trong việc dạy và học Văn ở trường phổ thông hiện nay.