LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Hữu Sơn chia sẻ với bạn đọc về một số bất cập trong việc thực hiện quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng đọc giả.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.
Theo đó, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn: (1) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;
(2)Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; (3) Năng lực quản trị nhà trường; (4) Năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ; (5) Năng lực phát triển quan hệ xã hội.
Gắn liền với các tiêu chuẩn đó là 21 tiêu chí. Phần phụ lục của Dự thảo gồm các mẫu phiếu cụ thể hóa các nội dung đánh giá hiệu trưởng dành cho các bên liên quan như: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, cộng đồng, cơ quan quản lý.
Ảnh minh họa: http://tuyenquang.gov.vn |
Theo các nhà quản lý giáo dục, việc đánh giá hiệu trưởng nêu trên về cơ bản khá rõ ràng, đầy đủ, đảm bảo tính khách quan bởi phương thức đánh giá là lượng hóa, nhất là thông qua các phiếu đánh giá bằng thang điểm.
Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn, lo lắng: "Quá trình thực thi sẽ đạt hiệu quả đến đâu vẫn là điều cần thảo luận trước khi quyết định sử dụng bộ chuẩn này.
Mối bận tâm ở đây không rơi vào chỗ có đánh giá được hiệu trưởng theo chuẩn này hay không mà là đường lối sử dụng chuẩn.”
Với góc độ là một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục ở bậc Trung học phổ thông, tôi muốn chia sẻ thêm đôi điều liên quan đến quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông.
Thực ra, từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT về quy định chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Yêu cầu ngoại ngữ trong Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn giáo viên xa rời thực tế |
Từ đó đến nay, các cơ sở giáo dục cả nước từng sử dụng thông tư trên để đánh giá, phân loại Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng.
Một bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của trường, một bộ được gửi lên Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu của cấp trên khi năm học kết thúc.
Về cơ bản, Thông tư này, quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông cũng không có khác biệt gì lớn so với Thông tư 29 đang thực hiện.
Nhưng có điều đáng buồn là, bao nhiêu năm qua, sử dụng công cụ đánh giá hiệu trưởng theo Thông tư 29 vẫn chưa phát huy được hiệu quả của nó.
Đánh giá vẫn chỉ là đánh giá. Đánh giá xong lưu hồ sơ, cất vào tủ.
Cuối năm học, hầu hết hiệu trưởng đều được các phó hiệu trưởng, thầy cô giáo, nhân viên nhà trường cho điểm tuyệt đối cả (trong 4 tiêu chuẩn, 23 tiêu chí) với kết quả loại xuất sắc rất mỹ mãn.
Mặc dù trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý của nhiều hiệu trưởng không tốt, mọi mặt hoạt động của đơn vị đứng yên một chỗ, thậm chí ỳ ạch, thụt lùi, bê trễ.
Có một số hiệu trưởng nảy sinh biểu hiện tư lợi, tiêu cực, cố tình làm trái các quy định của ngành, pháp luật của Nhà nước khiến giáo viên, phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội bức xúc, phản ứng gay gắt.
Theo tôi, công việc lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thành và ban hành Quy định về chuẩn hiệu trưởng không quan trọng bằng quá trình sử dụng (thực thi) quy định chuẩn ấy như thế nào.
Các văn bản pháp luật các lĩnh vực, ngành nghề khác nói chung, các văn bản, quy định của ngành giáo dục nói riêng, lâu nay thường rơi vào tình cảnh kém hiệu quả trong triển khai, thực hiện thực tế.
Đánh giá kiểu hình thức thì chuẩn hiệu trưởng thế nào cũng vô nghĩa |
Tình trạng “nhờn luật” diễn ra khá phổ biến.
Khi quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông được ban hành, các cấp quản lý giáo dục cần phải xem đó là công cụ pháp lý chính để quy hoạch, xem xét, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bãi nhiệm …các danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Quy định một nơi, đánh giá, bổ nhiệm hiệu trưởng một ngả, thì quy định đó chỉ là hình thức, mang nặng giấy tờ hành chính.
Hiệu trưởng nào chưa đủ tiêu chuẩn (ở mức độ cho phép) thì phải lo bổ sung, hoàn thiện về các loại chứng chỉ, bằng cấp, tiêu chuẩn, tiêu chí.
Không thể cầu toàn ngay được, cần có thời gian, lộ trình nhất định để hiệu trưởng tự hoàn thiện các mặt.
Quy định được thực thi một cách nghiêm túc, chặt chẽ và đồng bộ có tác dụng ngăn ngừa được tình trạng tiêu cực “chạy chức”, “giữ ghế”…đã từng nảy ra ở nhiều địa phương, tạo nên tiếng xấu”, dư luận không tốt về đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục.
Vấn đề cốt lõi khác được đặt ra, đó là nhận thức, thái độ và trách nhiệm của tập thể hội đồng sư phạm, tất cả thầy cô giáo, nhân viên ở từng nhà trường trong việc sử dụng, tham gia đánh giá, chấm điểm hiệu trưởng phải đảm bảo nguyên tắc công tâm, khách quan, chuẩn xác thì chuẩn ấy mới phát huy tác dụng, hiệu quả.
Cảm tính, nể nang, dễ dãi, hời hợt, thiên vị, hình thức… những biểu hiện không chuẩn ấy, thường có tư tưởng, suy nghĩ của nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện nay khi đánh giá, chấm điểm lãnh đạo nhà trường.
Mặt khác, các cấp quản lý giáo dục cần luôn coi trọng kênh thông tin, kết quả đánh giá của tập thể đơn vị về hiệu trưởng trong việc xem xét, phân loại, đánh giá, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, luân chuyển…cán bộ hàng năm, hết nhiệm kỳ.
Lâu nay, cấp trên thường hay phớt lờ tiếng nói của cấp cơ sở, các thầy cô giáo, chủ yếu ra quyết định bổ nhiệm, điều động hiệu trưởng theo ý chí của mình khiến không ít cấp cơ sở, giáo viên bất bình, khiếu nại…từ đó mất dần niềm tin… vào các quy định mang tính pháp quy như vậy.